Tên tuổi họa sĩ Lê Bá Đảng (sinh năm 1921 tại làng Bích La, Triệu Phong, Quang Trị) được xếp hàng đầu trong danh sách các hoạ sĩ đương đại Việt Nam ở châu Âu. Nghệ thuật Lê Bá Đảng không thuộc về một trường phái đã có nào, cái hồn của nghệ thuật Lê Bá Đảng gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng được Âu Mỹ ưa thích. Ông nổi tiếng giàu có nhờ bán được tranh tượng trong mấy chục năm qua và cho đến nay. Đặc biệt lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng chuyện tìm kiếm sự độc đáo cho nghệ thuật Việt Nam, để nó có sức cuốn hút người thưởng ngoạn bốn biển năm châu.
Cũng như những lần trước, sang Paris tôi không thể không đến thăm nhà ở (habitation) và xưởng vẽ (atelier) của hoạ sĩ Lê Bá Đảng.
Đến nhà ở của ông tại đường Bousingault là được tham quan không gian sống của ông: từ cái thảm trải trên sàn nhà cho đến cái bọc gối trong phòng ngủ của ông đều là tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng, rất hài hoà và rất riêng. Khu vườn nhà được thiết lập trên đỉnh tầng tư một toà cao ốc với kỳ hoa dị thảo, bốn mùa hoa lá xanh tươi mà có người bảo như một khu “vườn thượng uyển” Việt Nam ở châu Âu. Ông đặt xưởng vẽ ở một nơi khác, tuy cùng thuộc quận 13 nhưng phải đi về bằng ô-tô. Xưởng yên tĩnh, rộng rãi có đủ không gian để đặt vẽ các bức tranh lớn hàng chục mét vuông, có kho bảo quản sản phẩm nghệ thuật. Xưởng ở tầng ba quay mặt ra đại lộ Dumaine, rất sang trọng. Hoạ sĩ cho biết đã mua xưởng vẽ từ ba mươi năm trước chứ bây giờ thì khó lòng cạnh tranh nổi với người Trung hoa ở quận 13 nầy. Ông còn có một biệt thự để nghỉ mát và sáng tác ở Cannes.
Mỗi lần được gặp ông ở Paris cũng như ở Huế trước đây, là một lần tôi được nghe ông thuyết về quan điểm nghệ thuật của ông:
-“Việt Nam phải có một nền nghệ thuật hiện đại riêng. Không Tây, không Tàu, ở Việt Nam trước đây cũng chưa từng có. Phải dựa vào tư tưởng lịch sử văn hoá Việt Nam mà phát triển nghệ thuật Việt Nam (ví dụ như chuyện Thánh Gióng), thì mới hợp với đất và con người Việt Nam, mới có được sự độc đáo để có thể thu hút được sự chú ý của người nước ngoài. Việt Nam hiện đại chứ không phải Việt Nam cổ điển, không phải nguyên xi truyền thống. Qua thực tế cho thấy không có một sự sao chép, bắt chước, mô phỏng nào có thể tồn tại được trong nền nghệ thuật đương đại nầy. Việt Nam phải có một nền nghệ thuật cho mọi người, mọi người tham gia sáng tạo, mọi người thưởng thức và mọi người được hưởng lợi. Nghệ thuật mà không sinh lợi thì khó phát triển, khó tồn tại. Chất liệu nghệ thuật không cần phải nhập ngoại. Có thể sử dụng bất kỳ chất liệu gì đang có sẵn trong nước như đất sét, đá, sỏi, gỗ, thép, giấy, mây tre…. ”.
Những chất liệu hoạ sĩ vừa nêu, tôi thấy ông đã có sẵn, được xếp đặt ngăn nắp trong xưởng. Trên bàn làm việc của ông ngổn ngang những tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành hay đang còn dang dở: Một sợi dây thép uốn thành một tượng Phật, một viên sỏi đẽo thành một hạt gạo, một miếng gạch bể được tạo thành một bàn chân Giao chỉ, một tấm ảnh phong cảnh được vẽ thêm vài tấm tranh treo trên cành cây biến thành khung cảnh trong ngày ngày lễ hội .v.v.
Trong lúc ông nói chuyện với tôi, điện thoại reo liên tục, câu chuyện bị cắt đứt hoài. Ông xin lỗi để trả lời người ở xa. Người thì đặt mua tranh tượng của ông qua internet, người thì mời ông tổ chức triển lãm, người báo cho ông biết trên báo nọ báo kia trên thế giới vừa có bài viết về cuộc đời và tranh tượng của ông.v.v.
Ông nhanh nhẹn, nhiệt tình và sôi nổi như một chàng trai trẻ, dù tuổi đời của ông đã gần đến 85. Ý tưởng mới ông đang thể hiện trong những ngày nầy là “làm sao cải tạo các khu vườn ở Huế thành những khu vườn nghệ thuật”. Ông bảo tôi: “Lấy phong cảnh tô điểm thành một bức tranh đẹp, rẻ tiền, dễ hiểu. Biến mỗi khu vườn Huế thành một bức tranh. Các khu vườn phải khác nhau. Khu vườn nầy là chốn tu hành trưng bày những tranh tượng các vị Phật, các vị Bồ tát, những người sắp thành Phật, chuông mỏ, kinh sách, chùa chiền; khu vườn kia là vườn đá, đá là chất liệu làm nên nhiều công trình nghệ thuật khác nhau; khu vườn nầy là vườn thơ, chọn những câu, những bài thơ hay của Việt Nam và thế giới dịch ra nhiều thứ tiếng, khắc trên đá, vẽ trên lụa, chạm trên gỗ, viết trên nong nia đặt trên cỏ, treo trên cành cây cao; khu vườn kia có thể treo những cảnh nhân loại còn trần truồng, cấm trẻ em dưới 16 tuổi và cấm ông bà già trên 60 tuổi; cũng lập những khu vườn ô thước, để cho trai gái gặp nhau dưới mưa Ngâu (nhân tạo); cũng có những khu vườn ma quái, ai xem cũng rợn người với cảm giác lạ, khác thường. Có loại vườn bình thường, người ta có thể dắt tay nhau vào xem. Lại có những khu vườn phải ngã người ra mới xem được. Người đi xem phải nằm ngữa trên xe để xem tranh. Các khu vườn Huế phải được nghệ thuật hoá như thế mới mong thu hút được khách tham quan, mới đóng góp được cho các Festival hai năm tổ chức một lần. Còn không có gì mới lạ nữa thì người ta đến Huế một vài lần rồi quên Huế luôn.”
Phát triển xa hơn một chút, ông muốn khai thác các ý tưởng truyền thống trong văn hoá Việt Nam để sáng tạo nên những mặt hàng văn hoá độc đáo. Khi Thánh Gióng cỡi ngựa sắt về trời để lại trần gian một cái bóng. Cái bóng của ngựa sắt đào thành một hồ nước “Hồ Thánh Dóng về trời”. Trong ngày cưới, người ta hay nói đến “dây tơ hồng”, sợi dây nối tình cảm của các đôi trai gái yêu nhau. Ý tưởng kết giao nhau phải được thể hiện trong tất cả các thực thể trong không gian ngày cưới.
Để giúp cho tôi dễ hiểu hơn ông đưa ra một tập bản thảo vẽ các cây trong vườn nhà hôm đám cưới được cột với nhau, cha mẹ hai bên trai gái cũng cột với nhau. Còn bản thân đôi tân lang thì cùng mặc một cái quần ba ống đi ra ngoài. Không cẩn nghe giải thích, bất cứ một người ngoại quốc nào cũng có thể hiểu đó là đám cưới Việt Nam.
Ông lại bảo: “Con người hiện hữu giữa cuộc đời bằng những cách thế khác nhau. Con người có cái bóng, mỗi góc có mỗi cái bóng khác nhau, mỗi cái bóng là một bức tranh. Làm nghệ thuật cũng phải nghĩ đến môi trường. Trái đất không nở thêm được thước đất nào nhưng con người sinh ra trên trái đất thì sinh sôi nẩy nở trong từng giờ từng phút. Người sống chiếm đất ở, người chết chiếm đất chôn. Nhà giàu bỏ tiền mua đất, chiếm mất chỗ ở của người sống nghèo. Cho nên ta phải xây một cái “Thành ốc” (thành xoắn ốc) làm nghĩa địa cho mọi người, giàu nghèo gì cũng chỉ được mua một ngăn để tro cốt người thân của mình. Ở tây nam Huế hiện đang phải dời nhiều mồ mã để lấy đất xây dựng nên sớm có một “thành ốc” để vừa đỡ tốn quỹ đất và dân cũng đỡ tốn tiền để mua chỗ đất lăng mộ mới. Được như thế việc đi lại thăm viếng sẽ dễ dàng. Nếu làm tốt, khu “nghĩa địa thành ốc” sẽ trở thành một nơi tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn”.
Nghe hoạ sĩ Lê Bá Đảng nói, bổng dưng trong tâm trí tôi hiện lên một ý nghĩ vừa thích thú vừa đượm buồn, tôi bảo:
-“Thưa anh, anh có những ý tưởng rất hay, bao giờ cũng mới lạ, nhưng những ý nghĩ sáng tạo nghệ thuật của anh tại Paris và thực tế ở quê nhà Việt Nam còn một khoảng cách khá xa !”
Hoạ sĩ Lê Bá Đảng nói ngay:
-“Đầu óc tôi luôn luôn nghĩ đến quê nhà và làm việc không ngưng nghỉ. Tìm kiếm được điều gì mới tôi ghi lên giấy ngay, nếu không sẽ mất hết. Còn chuyện thể hiện trong thực tế, tháng bảy 2005 tôi sẽ về Việt Nam thực hiện một phần trong khả năng của tôi, còn lại thì nhờ các anh cầm bút giới thiệu với các bạn trẻ để nếu họ thích thì họ tiếp tay với tôi. Nếu không thì để lại cho đời sau tham khảo, tôi không giữ cho riêng mình”.
Tôi không ngờ hoạ sĩ Lê Bá Đảng lại “thoáng” đến thế. Câu trả lời của ông giúp tôi cởi bỏ được những lo lắng mà tôi thường có khi gặp những tác gia trên tám mươi tuổi. Tôi chia tay ông và hẹn gặp lại ông ở Huế.
Nguyễn Đắc Xuân (Bài đăng trên Vietnamnet - 2005 ) |