TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761368
 
 
  THU XANH
   Đặng Tiến
 
      

Phòng tranh Lê Bá Đảng tại Paris, mùa thu 2003, gây nhiều mỹ cảm, mà nếu cần tóm tắt trong một chữ - một chữ thôi - thì sẽ là chữ thanh.

Từ thanh trong tiếng ta có nhiều nghĩa.

Nghĩa cơ bản là xanh, nhiều màu xanh, những màu xanh, xanh cây xanh cỏ xanh đồi, xanh rừng xanh núi, da trời cũng xanh, Nguyễn Bính có lần kê khai như vậy.

Khoảng hai mươi hoạ phẩm, mới sáng tác nhất loạt trong năm 2002, chứng tỏ tác giả tuổi ngoài tám mươi vẫn còn khối óc trẻ và bàn tay khoẻ ; nói chuyện với ông thì thấy người còn trẻ hơn tranh. Vẻ cường tráng ung dung của một Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Công Trứ, cái sung mãn tài hoa của Chagall, Picasso gì đấy, khiến người ta tự dưng tin tưởng vào cuộc sống. Tục ngữ « tài không đợi tuổi », hiểu xuôi không hay bằng hiểu ngược.

Loạt tranh khổ lớn, chủ yếu màu xanh, nhiều màu xanh, những màu xanh, một loạt « đơn thanh » như là mono-chromie, xanh thẫm, xanh dương, xanh lam, xanh rêu, xanh của khói lam chiều, đá mòn rêu nhạt, sắc chàm trong màu gió [1] . Kỹ thuật gọi là xanh cobalt, outre mer, indigo hay bleu de Huê chi chi đó, tôi không sành. Nét vẽ làm khuôn chung những bức tranh là hình mặt người chìm phẳng, giản lược, đầu trọc, mắt nhắm, hao hao giống Phật, hay thiền sư, hoặc khuôn mặt dân quê, một nhân ảnh mờ sương khói, để nhân diện hoá những uyển sắc màu xanh đơn điệu của hoạ phẩm. Một thủ thuật, một lối « chơi » của hoạ sư nhằm đưa nghệ thuật tiên tiến, chủ yếu là trừu tượng và vô hình dung về với nhân gian – và dân gian. Một lối xin lỗi nhẹ nhàng, kín đáo của Kẻ Trở Về, sau một thời gian xa cách, với những chuyến đi dài vào nghệ thuật và tư tưởng hiện đại. Một thứ Lãng Tử sau nhiều năm tháng ngao du cõi Đào Nguyên nay về lại nhà xưa, ngồi xuống bên thềm, nhìn qua những đọt cau già tìm trên trời có đám mây xanh. Nhưng không thấy mây xanh, vì trên đời không làm gì có mây xanh. Mây xanh chỉ là một hình tượng nghệ thuật.

Khi ta nói màu xanh đơn thanh trong tranh Lê Bá Đảng, là nói tắt để gợi ý. Thật sự chất liệu phong phú, trong một phân vuông, nhìn kỹ, ta sẽ thấy nhiều uyển sắc (variation) trên một nền giá trị (valeurs) tinh tế, qua phong cách điêu luyện và rung cảm tươi mát. Không phải màu xanh nhiều sắc độ nhưng thuần nhất, thường thấy ở tranh Thái Tuấn hay một số tranh Nguyễn Trung một thời, mà những mảng xanh đa sắc (camaïeu), do ánh sáng chi phối, có khi được lắp ghép như khảm sành khảm sứ, hay trong mosaïque. Lê Bá Đảng sành sử dụng hiệu năng của lăng kính, tạo giao thoa ánh sáng bất ngờ làm sống bức tranh. Trong loạt hoạ phẩm hao hao giống nhau, ánh sáng khác nhau gây nên nét khu biệt, khiến người xem không chán và buộc họ phải suy nghĩ.

Do đó, tranh ông cho dù đơn giản vẫn nhiều chất trí tuệ. Một nghệ thuật phi trường phái. Lê Bá Đảng không giống ai, mà cũng không ai giống được ông. Thậm chí, mình cũng nỏ giống mình. Vui chỗ ấy.

Nét mặt người nhắm mắt không phải ngủ, mà để trầm tư, nhìn vào nội giới.

Mắt mở là nhìn đời, mắt nhắm để ngộ đời đang nhìn mình.

*

Thanh còn trái với thô. Nhưng thô không hẳn là xấu : có cái đẹp thô sơ, như trong nghệ thuật dân gian, hay thô tháp trong nghệ thuật hiện đại. Thậm chí còn có cái đẹp thô bạo trong nhiều biểu hiện tạo hình. Những tranh Lê Bá Đảng kỳ này là đẹp thanh tao. Tôi nói thanh tao ? Vô hình trung dùng một từ thông thường, không ngờ lại là một chữ gốc Hán, nguyên là điệu hát Thanh Miêu trong Kinh Thi và bài phú Ly Tao của Khuất Nguyên. Dùng một chữ «  thanh tao  » để mô tả tranh Lê Bá Đảng, mà tình cờ gặp cả hai ông Khổng Tử và Khuất Nguyên, thì quả là duyên số : viết văn, cũng như vẽ tranh, lắm lúc gặp may, ngáp phải chữ nghĩa hay ánh sáng.

Như vậy, thanh tao trong tranh Lê Bá Đảng là một quan niệm thẩm mỹ Á Đông sâu sắc, chứ không dừng lại ở nhận xét thường tình.

Nhưng theo tâm sự của hoạ sĩ, thì ông có dụng tâm tạo cảm giác thanh tịnh ở người xem, một khoảng yên lặng êm ả, như trong chữ « đêm thanh ». Thật vậy, tranh Lê Bá Đảng đã một thời ghềnh thác, đã một thời biển thẳm non cao, kỳ này yên ắng mặt hồ. Như một vũ trụ chao nghiêng, đang xanh thẳm đại dương chợt chuyển mình sang xanh lam hồ thuỷ. Thời gian ngưng đọng. Như con chim tra trả đang bay, tự nhiên ngưng cánh, in bóng trên nền trời.

Van Gogh có lần nói «  dùng màu son và màu lục để diễn tả những đắm say ». Lê Bá Đảng dùng màu xanh lam để gợi lên niềm thanh thản.

Tranh ông triển lãm kỳ này, các cụ ngày xưa sẽ có người gọi là Lầu Tranh Ngưng Bích. Tôi rất ưa hai chữ Ngưng Bích.

*

Ngày nay người ta thường nói chuyện truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới, như những giá trị đối lập cần phải kết hợp. Kỳ thật đây là một khẩu hiệu chính trị, có hiệu lực ở những công trình thuỷ lợi tập thể hơn là nơi địa hạt văn hoá. Người nghệ sĩ phút giây sáng tạo, không lưu tâm đến hai yếu tố kia ; nếu trong con người họ có sẵn cái dân tộc và cái thế giới thì hai cái ấy sẽ hiển hiện lên khung vải ; nếu họ chỉ có một trong hai điều, thì cũng cứ tự nhiên vẽ, tranh vẫn đẹp, một cách thanh thản ; trường hợp trời không ban cho họ cả hai điều ấy, cũng không sao. Anh cứ vẽ : khi anh có tài, khi anh chân chính là anh và rung cảm chân thành với cái anh của chính anh, thì tranh vẫn đẹp, có khi tuyệt vời, dù rằng tranh khó bán, và các Nam Tào Bắc Đẩu tranh pháo không tìm ra được lời hươu tiếng vượn để ve vãn.

Vẽ, không phải là vẽ vời. Hoạ sĩ là người vẽ, không phải là kẻ vẽ vời. Vẽ vời là nghề của chàng phê bình, mà tôi cũng không tránh khỏi.

Nói rằng tranh Lê Bá Đảng hiện đại là chuyện đã đành, như phò mã tốt áo. Nói rằng là tranh dân tộc, sẽ có kẻ hồ nghi, vì nơi đây không có những «  màu dân tộc sáng bừng lên giấy điệp  » trong « tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong  » theo lời thơ Hoàng Cầm. Chất xanh phức tạp, điểm xuyết vài giọt đỏ, như mới vừa rớm máu, khác với những mộng đỏ hoe, sầu biêng biếc, mây trắng bay đầy trên nền trời Lưu Trọng Lư, một ngày thu xa vắng.

Nhưng chính Lưu Trọng Lư, từ tháng 6/1934 tại Quy Nhơn, lại nói rằng những màu « dân tộc » kia là không hiện đại, trong khi yêu cầu chính của tranh Lê Bá Đảng là hiện đại.

Nhưng Lê Bá Đảng lại nói : tranh ông là niềm hoài niệm tuổi thơ. Màu xanh kia là nỗi nhung nhớ một nền trời. Ta nhìn lên, thấy trời xanh, biết đâu rằng bầu trời kia làm bằng muôn vạn màu xanh khác nhau. Tranh Lê Bá Đảng cũng vậy, khi màu lục lam ngả sang xanh tím, bức tranh trở thành sâu thẳm, u uẩn, huyền hoặc, như đưa ta vào một bình minh sơ nguyên của vũ trụ, thời tiền sử hay tiền kiếp.

Về màu sắc dân tộc, có người đã đề cập đến màu xanh trong nghệ thuật trang trí Pháp Lam ở Huế : «  Màu sắc lục tím, sự tương phản không chói chang nhưng gây cảm giác trang nghiêm huyền bí (…) Sự tài tình hoà sắc tinh tế của các nghệ nhân với những cặp màu hài hoà êm dịu. Màu xanh ngọc lam, màu chủ đạo tạo đậm nhạt không gian trong sáng. Màu sắc khảm sành xứ Huế chứa đựng tính dân tộc thông qua đậm đà tính dân gian  » [2] .

Nhờ đó, đi giữa những hoạ phẩm hiện đại của Lê Bá Đảng, những tâm hồn quê kiểng như tôi, không thấy lạc lõng, mà còn hứng thú trong cảm giác «  vừa lạ vừa thân », thân tâm an lạc : an vì thân, lạc vì lạ, niềm vui lơ lửng trời xanh ngắt. Hân hoan như trong thế giới Bích Khê :

Lam nhung ô ! màu lưng chừng trời
Xanh nhung ô ! màu phơi nơi nơi

Nghệ thuật là cuộc hẹn hò tình ái giữa nhiều ngôn ngữ.

*

Những ngôn ngữ hẹn hò, có rủ rê cả âm nhạc.

Vì Thanh là màu, còn là tiếng, là thanh âm, thanh điệu.

Nhìn một bức tranh Lê Bá Đảng ta có thể nghe thấy cái gì đó. Hồi chuông chiều thảnh thót, tiếng suối mai róc rách, tiếng sáo diều biêng biếc, chim bâng khuâng đôi miếng lẫn trong cành… 

Hội hoạ là màu sắc hoá thân thành tiếng hát.

Nhưng đừng quên : hét không phải là hát ; ầm vang không phải là âm vang. Tranh Lê Bá Đảng vì đơn giản, tĩnh lược nên không vang ầm, nhưng vang âm.

Ai đó có nhận định rằng, vào cuối đời mình, họa sĩ Auguste Renoir mới tạo được âm vang cho họa phẩm, một nhạc tính thuỷ tinh [3] . Tôi không biết ra sao, nhưng xem tranh Lê Bá Đảng kỳ này, tôi có nghe cái gì đó thánh thót trong những uyển sắc của màu xanh, đậm nhạt, chấm phá, đục trong, theo phối âm của ánh sáng, nhịp điệu của đường nét và sự điều tiết chất liệu. Nhưng có lẽ cường độ ngân vang trong tranh đến nhiều nhất từ ánh sáng và những tia sáng, luồng sáng. Ở cảm xúc mỹ thuật, có những ấn tượng chủ quan, không thể nào giải thích hết. Dường như Rimbaud có đặt tên màu sắc cho những nguyên âm, nay đã trở thành kinh điển, dù chỉ là chủ quan thôi.

Hoạ sĩ Lê Bá Đảng đặt tên cho phòng tranh là Thu Xanh – Bleus d’Automne [4] – có lẽ chỉ vì ông dùng màu xanh làm chủ sắc ; nhưng ông mở thêm cho tôi một chân trời khác.

Trong dự tính, nếu phải dùng một chữ thôi để tóm lược mỹ cảm về phòng tranh, tôi sẽ dùng một chữ thanh, trong trường ngữ nghĩa thông dụng.

Nếu phải dùng đến hai chữ, thì sẽ là đạm thanh, mượn ở Nguyễn Du :

Đạm thanh một bức tranh tùng treo lên

Nhưng nghe hoạ sĩ nói về nguồn hoài niệm và màu thu xanh, tôi chạnh nhớ đến hai chữ khác, là đan thanh mượn của Đinh Hùng :

Nước buồn cũng bởi mắt em xanh
Hồ biển rưng rưng biếc mấy thành
Em tự phương trời, thu gửi lại
Nụ cười thương nhớ, nét đan thanh.

Nghệ thuật là nơi kỳ ngộ bâng khuâng. Nước ngâm trong vắt.

Phòng tranh Ngưng Bích, đạm thanh và đan thanh.

Bên kia, còn nụ cười thương nhớ.

Paris , ngày 10-11-2003
Đặng Tiến



 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com