TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761341
 
 
  TRIỂN LÃM TRANH TƯỢNG LÊ BÁ ĐẢNG FESTIVAL HUẾ 2002
   Nguyễn Hoàn
 
      

Ngoài không gian lễ hội cộng đồng, không gian biểu diễn nghệ thuật, không gian hội chợ thương mại, tại Festival Huế 2002, đặc biệt, tôi đã được đi về với một không gian không ồn ào, náo nhiệt nhưng đầy ấn tượng lắng sâu. Đó là không gian triển lãm các tác phẩm mỹ thuật của danh họa Lê Bá Ðảng và không gian gặp gỡ, giao lưu với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ðó là không gian của trí thức, những người làm nên cái hay, cái đẹp cho đời. Dân tộc ta vốn có truyền thống coi trọng trí thức, nên mới có câu: "Nhất sĩ, nhì nông". Festival Huế 2002 đã theo đúng mạch nguồn truyền thống ấy.

Các tác phẩm mỹ thuật trứ danh của họa sĩ Lê Bá Ðảng được trưng bày ở một không gian sang trọng và cao quý đặc biệt mà Ban tổ chức Festival Huế 2002 đã giành cho, đó là không gian tầng một của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế. Có thể chia các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày này theo hai mảng chính: mảng các tác phẩm lấy cảm hứng từ cội nguồn, lịch sử dân tộc, chiều sâu văn hóa Á Đông... và mảng các tác phẩm với chất liệu giấy vẽ rất mới, với kỹ thuật vẽ, kỹ thuật tạo hình và cách nhìn rất mới, tạo thành "không gian Lê Bá Ðảng".

Trong hàng loạt những tác phẩm về cội nguồn dân tộc, về lịch sử đất nước, về văn hóa Á Đông như: Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973), Ðất nước (1976), Hạt gạo Trường Sơn (1996), Ði tìm bước chân Giao Chỉ (1983) và Chân Giao Chỉ (2002), Thiền (2002)... tôi đặc biệt để ý đến một bức tranh khổ lớn, xuất hiện khá sớm từ năm 1965, đó là bức "Hậu quả chiến tranh". Trên bức tranh bi thương này, họa sĩ vẽ một đoàn người toàn là phụ nữ và trẻ con bị vây bủa bởi lưới lửa của bom giặc đang thiêu đốt làng mạc quê hương. Phụ nữ và trẻ con là những nạn nhân thảm thương nhất của chiến tranh nên đã được họa sĩ chú ý đặc tả, dưới một cái nhìn chia sẻ đầy tính nhân đạo. Tương phản với máu lửa cháy hung tàn, họa sĩ vẽ lên cái màu trời xanh thắm bình yên ngày nào trên đầu bao phụ nữ và con trẻ. Và tôi đã dừng lắng lâu hơn với bức tranh này, khi được nghe họa sĩ xúc động tâm sự: “Bức tranh này tôi vẽ trong thời kỳ còn nghèo khó, thiếu thốn. Hồi đó, có lúc tôi không kiếm đủ màu để vẽ”. Không chỉ vẽ cái bi thương, danh họa Lê Bá Ðảng còn vẽ nhiều về cái kiên cường của dân tộc đánh giặc. Những bức "Phong cảnh bất khuất" đã khắc họa về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh rất chân thực, sống động, dù họa sĩ chỉ vẽ bằng trí tượng tượng (do lúc này đất nước còn chiến tranh, họa sĩ ở Pháp chưa có điều kiện về nước được.). Bên những mảng màu tối, những đường nét khúc khuỷu, gấp gãy vẽ nên cái hiểm trở, chông gai của địa hình Trường Sơn, họa sĩ kẻ nên một con đường đỏ thắm xuyęn qua, đấy lŕ hình ảnh về "con đường máu” đánh giặc thống nhất đất nước. Trên tranh, họa sĩ còn tạo dáng những mái lán, trại của những người vượt Trường Sơn. Cảm hứng về Trường Sơn, về quê hương cứ cháy lên không nguôi trong khát vọng sáng tạo của danh họa, thể hiện gần đây là một loạt tác phẩm “Hạt gạo Trường Sơn” được nặn bằng gốm, bằng đất nung. Những hạt gạo này có cái tròn, có cái méo, trên mình hạt gạo có "không gian Lê Bá Ðảng", có hình người, có dấu chân Giao Chỉ... Sự thăng hoa tuyệt vời như vậy của nghệ thuật Lê Bá Ðảng, độc đáo thay được bắt nguồn từ những ký ức đau đầu về bůn đất, đồng ruộng Quảng Trị, về cây lúa quê nhà, về nguồn sống nuôi lớn sức mạnh vượt Trường Sơn của dân tộc. Dưới những hạt gạo này, danh họa ghi mấy lời đề tựa mà như để ngỏ một niềm mơ ước: "Có những hạt gạo cao lớn như một con trâu, cái nhà, con thuyền, hòn núi vọng phu... nhưng lớn quá không đưa vào đây được, vậy sau này, xin mời lên Trường Sơn (hoặc đồi Vọng Cảnh) xem và trọ lại trong hạt gạo". Mấy chữ "sau này xin mời" mà họa sĩ dùng ý nói đến những dự án nghệ thuật mà họa sĩ hằng ôm ấp và mong muốn đưa ra thực hiện ở núi rừng Trường Sơn (Quảng Trị) hoặc đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên - Huế). Rất tiếc, những điều mà danh họa mơ ước vẫn chỉ là những mơ ước chưa hình thành.

Gây ấn tượng mạnh tại triển lãm, gây chú ý nhiều về một lối sáng tạo độc đáo lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật mà các họa sĩ khác không có được, phải kể đến loạt tác phẩm "Không gian Lê Bá Ðảng". Ðây là những tác phẩm không phải tranh, cũng không phải tượng, được sáng tạo trên một loại chất liệu giấy đặc biệt, mà trên đó, các đường nét hội họa và điêu khắc có sự giao thoa với nhau. Danh họa đã cách tân điểm nhìn mỹ thuật bằng cách từ bỏ lối nhìn ngang (như các tranh xưa nay vẫn nhìn), mà nhìn thẳng, bao quát từ trên xuống, theo lời danh họa thì đó là "cách nhìn từ trên xuống như loài chim bay lượn". Trong "Không gian Lê Bá Ðảng" thiên nhiên và con người hòa hợp với nhau, và tôi đặc biệt chú ý đến tác giả đã đặc tả hình tượng người phụ nữ với vẻ đẹp phồn thực, gợi cảm, và được đặt ở một ngôi vị xứng đáng là “đấng sáng thế”, một “đấng sáng thế” có thực trong tạo hóa.

Có một điểm đáng chú ý là trong những ngày chuẩn bị cho đợt triển lãm tại Festival Huế 2002, danh họa Lê Bá Ðảng đã sáng tạo nên những tác phẩm mới như Thiền (2002), Chân Giao Chỉ (2002) chính tại làng Bích La Ðông, Triệu Ðông, Triệu Phong, quê hương của ông, với chất liệu gỗ huện do những người thợ mộc trong làng cung cấp, kịp đưa vào Huế triển lãm.

Nguyễn Hoàn
( Báo Quảng Trị số 1414, ngày 13/5/2002)

 

 




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
 
BẮT GẶP NHỮNG Ý NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA HS LÊ BÁ ĐẢNG
                                         
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com