TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761217
 
 
  NGHỆ THUẬT PHẢI CÓ ÍCH CHO MỌI NGƯỜI
   Thuận Thiên
 
      

Lê Bá Đảng, họa sĩ của hai thế giới: Phương Đông và Phương Tây gắn bó một cách hài hòa trong sáng tạo nghệ thuật. Từngày 10.03.1998 “không gian Lê Bá Đảng” đã về Hà Nội, thủ đô của đất nước sinh ra ông. Con người từng trải ấy quan niệm thật giản dị” “Nghệ thuật phải có ích cho mọi người”.

- Thưa ông Lê Bá Đảng, ông có thể cho biết vì sao ông định cư trên đất Pháp và sự nghiệp hội họa của ông đã bắt đầu tại đó như thế nào?

Tôi sinh năm 1921 tại làng Bích La Đông, Quảng Trị. Năm 1939 tôi qua Pháp tham gia vào đội quân chống phát xít của nước Pháp. Sau đó tôi bị Đức Quốc Xã bắt làm tù binh, sau một thời gian họ thả tôi ra có lẽ vì tôi là người Việt Nam, một quốc gia không dính líu hận thù với người Đức trong lịch sử. Sau khi người Đức trả tự do tôi đến Toulouse để kiếm sống. Khi có công ăn việc làm rồi tôi ý thức là mình cần phải học một cái gì đó để có được tương lai sáng sủa hơn. Tôi chon trường Mỹ thuật Toulouse vì ở đây lịch học thích hợp với một người đang đi làm như tôi với lại hội họa không cần giỏi tiếng Pháp lắm. Bây giờ đã là họa sĩ có tên tuổi rồi nhưng tôi vẫn cứ nghi hoặc, nếu hồi ấy chọn văn học khéo bây giờ là nhà văn cùng nên! Không ai lường hết được những chuyện như thế.

- Ông có thể kể đôi nết về “Động Lê Bá Đảng” ở Baux de Provence, Pháp?

Không gian nghệ thuật của tôi rộng chừng 300m vuông và cao mười thước. Công trình bắt đầu từ năm 1996 đến xuân 1997. Chất liệu do tôi tạo ra hòa cùng vách đá nhằm giữ lại cái độc đáo của động đá. Hang động được trang trí kiểu này là duy nhất ở Pháp. Giá vé vào xem là 40 franc. Tôi cũng được hưởng lợi tức một phần từ tiền bán vé.

- Tác phẩm của ông được bồi đắp công phu khiến người ta liên tưởng tới những sa bàn được dựng ngược lên. Thưa ông, lối thể hiện đó có tên gọi thế nào?

Tôi thường không đi vào những chi tiết, hình hài cụ thể. Tôi chỉ cố gắng tạo dựng nên một không gian thẩm mĩ, “không gian Lê Bá Đảng”. Tôi đã phản ánh đối tượng từ trên điểm cao nhìn xuống, đó là lối nhìn của loài chim, của nhà du hành vũ trụ. Tôi có thể khẳng định đó là phong cách Lê Bá Đảng và không có một ai trên thế giới trước đó đã làm như thế.

- Họ đặt cho ông danh hiệu “họa sĩ của hai thế giới”. Gần như cả cuộc đời ông sống ở Pháp, vậy làm thế nào phương Đông đã hòa nhập vào các tác phẩm của ông?

Qua sách vở tôi tự hào về chất Á Đông ấy. Tranh của tôi rất Đông Phương. Một cảm giác hòa bình, êm ả,. Một vũ trụ mà âm dương giao hòa đắp đổi, bù trừ. Nếu để ý sẽ thấy tôi hoàn toàn sử dụng màu rất dịu, không tương phản chói gắt như thường thấy ở những họa sĩ phương Tây. Tôi muốn mọi giới đều thích tranh của tôi, từ người nông dân đến những trí thức học giả. Năm 1992 nhân ngày giỗ của cụ thân sinh, tôi đã mở một cuộc triển lãm đầu tiên ở Việt Nam tại đình lang quê tôi. Hầu hết nông dân ở đó cả đời chẳng biết cái tranh tròn méo ra sao, và tất nhiên là cũng chưa bao giờ được “nhồi sọ” bất cứ một quan điểm nghệ thuật thẩm mĩ nào, đó là những con người mộc mạc giản đơn như cỏ cây, gỗ đá vậy mà họ đã khen tranh của tôi đẹp. Họ thích thú thực lòng chứ không phải để lấy lòng tôi, không hề có chút xã giao nào trong những lời khen ấy. Bản thân tôi cũng xuất thân từ nông dân như họ, chỉ khác một chút xíu là bố tôi vừa cày ruộng vừa dạy học.

- Ông nhận định như thế nào về mỹ thuật Việt Nam đương đại?

Tôi lấy làm tiếc vì nhiều họa sĩ đã cố công đi theo những trường phái mà ở Phương Tây đã cũ rích, đã chết rồi. Đừng hoài công tô điểm lên một xác chết. Ngay cả ở Pháp tình trạng này cũng không phải là hiếm. Tôi mong muốn mỗi họa sĩ sẽ hãy cố gắng để xứng đáng với bốn từ Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ sĩ chỉ nên làm những cái gì không giống ai hết, tay mình làm ra, gửi gấm một phần tâm hồn, văn hóa Việt của mình vào trong ấy vì văn hóa ta giàu có lắm, khác biệt lắm. Phải tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cho mọi người thưởng thức chứ đừng với mục đích bán mua hay để trong một bảo tàng nào đấy. Tại sao mục đích sáng tác chỉ là bán hay bày mà không nghĩ rằng một bức tranh có thể hợp và làm an lành cho người ốm đau. Có người cho rằng đó là nghệ thuật tiêu dùng nhưng để vẽ một bức tranh với tâm trạng của người ốm không dễ chút nào. Người ta dùng sơn vạch lối cho người đi bộ, vậy sao các họa sĩ không lát đá, không trang hoàng lối đi ấy để khách bộ hành tràn ngập thích thú khi bước đi trên đó. Quan điểm của tôi là nghệ thuật phải có ích cho mọi người, giản dị vậy thôi.

- Ông sống ở Pháp nhưng bán tranh ở Mỹ nhiều hơn, ông có thích hội họa Mỹ không?

Tôi thích tính cách người Mỹ, họ thất nồng nhiệt, cởi mở, nhưng tác phẩm thì không. Rất to, rất đồ sộ, đúng là sản phẩm của một nước lắm tiền nhiều của nhưng tôi vẫn không thấy rung động gì.

- Ông giàu có và nổi tiếng. Hai vợ chồng đều là Nghệ sĩ rất tâm đầu ý hợp, vậy ông có vừa lòng với cuộc sống của mình không?

Chưa bao giờ.

Mai Anh
(Bài đăng trên Báo Lao Động, 21/03/1998 )




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
 
CHÀNG TRAI TUỔI TÁM MƯƠI
                                         
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com