TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761360
 
 
  Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập
   Tô Nhuận Vỹ
 
      

Lê Bá Đảng còn rất khoẻ và minh mẫn. Năm kia, vợ chồng tôi cùng anh đi nghỉ vài ngày tại khu du lịch ở Lăng Cô. Buổi sáng nhìn ông già 82 tuổi bơi như cá kình ngoài biển mà “ớn sườn” cho sức lực của mình quá. Tôi chú ý thì thấy trong việc sáng tạo của anh, có thể do ra đời ở một vùng quê nghèo thường xao xác khô cháy mỗi mùa gió Lào, xuất thân ngày ra đi của anh là một lính thợ và cái nghèo khó đến mức không có tiền mua thuốc để chữa bệnh cho đứa con đầu lòng những ngày lạnh giá năm xưa tại nước Pháp, và chỉ nhờ bức vẽ “Con mèo” mà gia đình anh tai qua nạn khỏi, có thể từ đầu là như thế, nên anh rất hay làm, hay nói đến và hay tạo ra những hạt gạo làng quê, bàn chân Giao Chỉ, vườn xanh, cây lá… “Phải làm cái gì mà thằng Tây không có, chỉ của riêng nước mình”. Và bao giờ sáng tạo của anh cũng đi đôi với việc phải thu lại đồng tiền tuơng xứng với công sức bỏ ra. Nhiều người nói anh chị rất giàu vì tranh của anh bán ra khắp thế giới và rất có giá. Tôi không chú ý và không biết điều đó. Chỉ biết rằng, lần anh về làng năm 1992, cả làng Bích La của anh ba ngày không đỏ lửa để đến ăn cơm nhà anh do anh chị mời và dịp đó anh bày tranh ở đình làng, treo trên hàng rào, móc ở cành cây… cho bà con cô bác cả đời chưa một lần lên thành phố xem tranh bao giờ xem. Và ai ai cũng khen “Chú Đảng hay thiệt!” Mà không khen sao được: anh bỏ tiền xây trường học, trạm xá, đường làng. Anh xây ngôi nhà nhỏ mà đủ tiện nghi để có thể là nơi làm ra các mẫu sản phẩm nghệ thuật đưa đi chào, ngay trên mảnh đất của cha mẹ anh. Hôm ra dự khánh thành khu nhà, tôi bần thần khi anh chỉ vào một gốc trầu xù xì mà anh vun xới lại nên vẫn còn ra lá tươi tốt: “Gốc trầu ngày xưa mạ tôi vẫn hái ăn cau trầu đó” - rồi anh chỉ vào các viên đá xanh, tròn chất ngay cạnh “Đó là mấy hòn đá kê cột nhà tôi ngày xưa, sẽ dùng lại nó đấy!” Anh nói năng bộc trực, dân dã, cứ mở miệng ra là “tôi là thằng nhà quê”, ăn thì thích nhất là về làng để cô em dâu, năm nay cũng hơn 70 rồi, nấu cho ăn những món ăn nhà quê và theo cách nhà quê mà anh luôn hít hà: “Cô em tôi nấu ăn ngon không ai bằng!” Anh cũng có những bức xúc với trong nước. Anh đã thổ lộ với tôi không chỉ một lần: “Tôi đã làm bao nhiêu việc giúp phái đoàn Mặt trận của bà Bình lúc hoà đàm, mới được tặng cái bằng khen cờ nửa xanh nửa đỏ treo ngoài nhà mà anh đã thấy đó, vậy mà sau giải phóng về nước cứ bị công an theo kè kè như theo tên gián điệp, ai chịu được!”

Nhưng đáp lại sự mong mỏi của anh em văn nghệ, của cả những người hiểu biết nhất trong chính quyền, và nhất là xuất phát từ tấm lòng luôn hướng về quê cha đất tổ của anh, Lê Bá Đảng lại về bày tranh, bày một cách hoành tráng trong Festival Huế 2002, 2004, bày ngay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh do anh chọn. Và ngày 10 tháng 6 năm 2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã khánh thành tại số 15 Lê Lợi, toà nhà đẹp nhất bên bờ sông Hương, toà nhà mà Thừa Thiên - Huế đã từ chối lời đề nghị trước đó để thành lập Trung tâm Văn hoá của một cường quốc mà dành trọn vẹn cho Lê Bá Đảng. Đây là Trung tâm Nghệ thuật tạo hình đầu tiên của một cá nhân người Việt ở nước ngoài có mặt ở Việt Nam, sau Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, nhưng hoành tráng, thoáng rộng hơn. Trung tâm được giao toàn quyền cho Lê Bá Đảng điều hành. Tại buổi khai trương, Lê Bá Đảng ký giấy tặng nhân dân Thừa Thiên - Huế 108 tác phẩm trưng bày đợt 1 trong toà nhà và những ngày sắp tới của hè 2007, lại đúng vào dịp 10 tháng 6, Lê Bá Đảng sẽ trao tặng tiếp số tác phẩm vừa chuyển từ Paris về.

Còn chuyện Điềm Phùng Thị. Tôi có dịp gần gũi và gắn bó với chị Điềm Phùng Thị kể từ ngày chị quyết định xây dựng Nhà trưng bày tác phẩm tại Huế. Nhà điêu khắc Việt Nam nổi tíếng nhất ở phương Tây, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật châu Âu, người mà các bạn Pháp ca ngợi là biểu tượng xuất sắc sự hài hoà của hai nền văn hoá Việt-Pháp… đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và khi ra đi, chị đã để lại trong sâu thẳm lòng tôi và cả gia đình tôi niềm tiếc thương khôn xiết. Người đàn bà nhỏ bé và xinh đẹp ấy đã bỏ lại phía sau lưng tất cả cuộc sống nhung lụa của một gia đình thượng lưu quyền quý, sự giàu sang của cái nghề nha sĩ hái ra tiền ở phương Tây, bỏ qua cả những xử sự cay nghiệt một thời trong nước đối với cái lý lịch thượng lưu Tây của mình, bỏ qua biết bao nhiêu bực bội, bức xúc xảy ra hàng ngày mà cái cơ chế “bó rọ” một thời trong nước mà chị phải đương đầu cũng như bao sự lôi kéo, nỉ non và cả sự phá bĩnh của không ít kẻ chống cộng cực đoan tại Pháp không muốn có sự hiện diện rạng rỡ như vậy của chị tại Việt Nam trong suốt mấy năm trời xây dựng Nhà Trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại số 1 Phan Bội Châu - Huế. Chị bỏ qua tất cả, để chỉ vì Tổ quốcNghệ thuật. Chị đi suốt, lúc Bắc lúc Nam, lúc Pháp lúc Việt, đến tất cả những nơi nào cần đến để thuyết phục, để năn nỉ, để cãi lộn nữa, để có một sự đồng tình, để đừng cản trở, để kiếm một chỗ trưng bày xứng đáng với Huế, để có một loại đá tốt nhất có thể ở Việt Nam, để, để… với cái chân tật nguyền, với ông chồng điên tàng luôn đem theo bên cạnh, với phong thái vừa sang đài vừa cần lao, vừa nặn óc vẽ kiểu tượng vừa xắn tay đục đẽo… Có lúc tôi phát khiếp: người đàn bà đã ở cái tuổi cổ lai hy ấy lấy đâu ra sức lực phi phàm như thế? Rồi khi anh Điềm - người chồng, người bạn thân thiết nhất cuộc đời chị - ra đi, chúng tôi tưởng chị sẽ không còn sức để trụ lại nữa, vậy mà chị còn lăn xả với công việc nhiều hơn, lăn xả để vượt qua cả sự cô đơn ngặt nghèo. Có đêm, đã hơn hai giờ sáng, chị gọi điện lên nhà tôi. Tôi hoảng quá, tưởng chị gặp chuyện gì bất trắc, nhưng giọng lào thào của chị đã khiến nước mắt tôi trào ra: “Chị kêu anh Điềm mãi mà anh không về. Em xuống đây nói chuyện với chị một lúc, chị buồn quá.”

Và khi Nhà Trưng bày khánh thành, chị ký ngay biên bản chính thức: “Tặng tất cả 136 tác phẩm tại Nhà Trưng bày cho Nhân dân thành phố Huế”!

Cũng phải kể đến quyết tâm thực sự của lãnh đạo thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho dù còn nhiều ý kiến không đồng tình, vẫn quyết định chuyển cơ quan giáo dục của thành phố đi nơi khác, để giành vị trí đẹp vào loại nhất thành phố cho Nhà trưng bày của chị Điềm và chuyển Trung tâm Festival cùng Sở Bưu chính viễn thông đi nơi khác để dành toà nhà 15 Lê Lợi cho Lê Bá Đảng. Và dĩ nhiên, đi đầu trong việc này luôn luôn là các nhà văn, các nghệ sĩ tiêu biểu nhất của Huế. Tôi còn nhớ vụ chị Điềm có nhờ bạn bè ở Pháp in giùm chị đoạn phim mà truyền hình Pháp vừa làm về chị và mới cho công chiếu, rồi gửi về để chị cho chiếu trên truyền hình Huế. Nhưng, không ngờ gần cuối cuốn phim đó, kẻ xấu đã cho chen vào một đoạn phim chống cộng rẻ tiền được dàn dựng ở nước ngoài, khoảng năm phút, nên cơ quan văn hoá thành phố Hồ Chí Minh giữ lại. Tôi và anh Mễ Chủ tịch UBND bàn với nhau và tôi vào trực tiếp gặp lãnh đạo bộ phận xuất nhập văn hoá phẩm với tư cách là đại diện Điềm Phùng Thị tại Việt Nam lúc đó. Chúng tôi ngồi xem và cùng khẳng định, chị Điềm không liên quan gì đến đoạn phim này. Anh em cơ quan quản lý văn hoá cũng tin như vậy. Và họ đã cho cắt bỏ đoạn phim mà bọn xấu đã tính hại chị Điềm, rồi trao lại cho tôi trọn vẹn cuốn phim đem về cho chị. Còn chị Điềm thì mãi sau này chị vẫn còn ngẩn ra mỗi khi nhớ lại chuyện này: “Họ hại chị mà làm chi rứa em hè?”.

Với tâm hồn trong sáng của một nghệ sĩ lớn, chị không thể hiểu sao trên đời lại có kẻ mang danh trí thức yêu nước mà có cư xử “tèm hem” như vậy.

Với riêng chị Điềm, tôi còn một ân hận mà mỗi lần nhớ tới chị tôi lại đau lòng. Lần đó, chị nói với tôi: “Em thôi việc Nhà nước để làm việc này cùng với chị đi! Một mình chị làm không nổi.”

“Việc này” là việc mở rộng cơ ngơi ở số 1 Phan Bội Châu để đủ chỗ trưng bãy thêm hàng trăm tác phẩm chị sáng tác sau này và mới đưa hết từ Pháp về, là kế hoạch triển khai vườn tượng ra vùng đồi gần lăng Khải Định, địa điểm mà chị đã cùng tôi với anh Mễ lùng sục kiếm tìm và hai triều Đại sứ Pháp đã vui vẻ hứa sẽ hợp tác, là tượng đài ở các cửa ngõ thành phố, là khu trưng bày tại hồ Tịnh Tâm…

Tôi đã không làm được điều chị mong muốn. Tôi còn mang nợ chị Điềm. Nhưng tôi tin rằng, Huế, với tâm huyết của anh em văn nghệ, trí thức ở Huế cũng như ở Pháp (trong Hội bạn Điềm Phùng Thị) và nhận thức ngày càng mở ra của những người có quyền lực, với sự trợ giúp của nhà nước Pháp… sẽ biến ước nguyện của chị sẽ thành hiện thực.


*


Cả thế giới đang tiến bộ mau chóng, từng ngày, chẳng lẽ chúng ta không day dứt trước cảnh “ăn sau chạy dọi” của đất nước mình? Nếu thực sự có tấm lòng với đất nước, mỗi nhà văn Viêt Nam ở trong nước sẽ làm được. Các nhà văn, các nghệ sĩ, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm được, cho dù chỉ là một phần như Lê Bá Đảng, như Điềm Phùng Thị đã làm. Như Trần Văn Khê, Phạm Duy, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo… đã làm. Như Nguyễn Đức Tùng đã bày tỏ trong cuộc gặp gỡ với các nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo:

“Tôi hy vọng rằng một ngày kia tất cả những người ra đi sẽ về lại bên nhau đầy đủ, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mang theo cả những người không bao giờ còn có thể về lại được nữa. Chia xẻ và thấu hiểu, kính trọng và tha thứ. Trên chiếc chiếu của tình tự dân tộc và của thơ ca Việt Nam” [9]

Tôi xin mượn ý kiến của giáo sư Cao Huy Thuần để kết thúc bài viết này:

“… Văn nghệ sĩ hãy làm đi, đừng chờ đợi ai khác. Tự mình mở ra không gian cho mình. Nếu đến bây giờ mà văn nghệ sĩ không cùng nhau ‘khoán’ được một xã hội dân sự văn học để làm cái chuyện thông cảm nhau,’đọc nhau’, như anh đề nghị, thì chúng ta còn làm cái gì được nữa? Chuyện đó, Nhà nước coi bộ cũng muốn, cũng thấy cần thiết. Nhà nước đã muốn, anh sáng tạo ra bước đi, đó chẳng phải là chức năng của anh sao? Anh chờ ai?” [10]

Huế - Boston 2005 – 2007




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
 
Từ gốc trầu của mạ…
                                         
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com