Lê Bá Đảng là Việt Kiều ở Pháp, Ông sinh năm 1921 tại làng Bích La Đông (Quảng Trị)Sang Pháp năm 1940, hiên nay ông là một họa sĩ bậc thầy của thời đại. Tranh của ông đã trưng bày tại nhiều trung tâm văn hóa lớn trên thế giới như Pháp Đức, Anh, Nhật và nhiều nhất là ở Mỹ. Nhân dịp về thăm quê, ông đã tổ chức triển lãm ở làng Bích La Đông và trường Cao Đẳng Nghệ thuật Huế. Tranh của ông hòa nhập Đông – Tây,hòa nhập con người – thiên nhiên, nghệ thuật với một không gian (Espaces) vô cùng độc đáo, tạo nên cả một trường phái nghệ thuật mà người ta thường gọi là “trường phái Lê Bá Đảng”. ..
Ngày 25, 26 tháng 03 năm 1992 tại làng Bích La Đông đã diễn ra một sự kiện có một không hai: Triển lãm tranh của họa sĩ bậc thầy Lê Bá Đảng, một con người của làng đã xa quê hơn 50 năm nay trở lại thăm quê. Nhiều văn nghệ sĩ, quan chức từ Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Trị, cùng với hàng nghìn người dân ở các làng xã lân cận đã đổ về đây xem triển lãm này. Đây là một cuộc triển lãm độc đáo khác thường, hơn năm mươi bức tranh đồ họa được trưng bày trong một “không gian mở” – không gian đình miếu làng quê, có tranh trải trên thảm cỏ, có tranh treo trên thân cây, có tranh treo trong đình làng, có tranh dựng quanh ao làng có tường xây bao quanh và ở cạnh cù lao một con rùa được tết bằng hàng trăm bông cúc thọ màu vàng rực rỡ. Ánh sáng chan hòa của mặt trời hòa nhập vào tranh, tạo nên những màu sắc biến hóa lạ lùng, người đi xem tranh như trẩy hội có thể vừa xem vừa ngồi nghỉ trên những thảm cỏ dưới các bóng cây um tùm của làng quê.
Tranh của Lê Bá Đảng là những ám ảnh không gian bắt đầu từ những kỷ niệm ấu thơ khi trèo lên ngọn cây hoặc đỉnh núi nhìn xuống phong cảnh dưới chân. Cao hơn nữa đấy là cái nhìn từ thinh không xuống núi non, sông hồ, sa mạc và biển cả. Nhiều bức tranh cấu tạo bằng giấy bồi nhiều lớp, kết hợp in nổi và hội họa, điều khắc và kiến trúc; nhiều bức lại được “vẽ” bằng những sợi thảm đen dệt vào tấm thảm màu trắng toát… Tất cả toat lên một không gian mở tới vô biên và khép kín đến sâu thẳm. Những không gian mở này bộc lộ khát vọng lớn của người nghệ sĩ cuối thế kỷ 20, khát vọng sáng tạo nên một tác phẩm mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng vũ trụ, sống cùng thiên nhiên hướng về bất tận. Đấy cũng là khát vọng biến đổi thế giới, tạo nên vẻ đẹp bất diệt cho thế gian bao la mà con người hằng mơ ước.
Có một nhà kiến trúc ở Mỹ đã muốn biến những bức tranh của ông ta thành hiện thực trên mặ đất, đó là những thành phố “không gian” những thành phố đợc thiết kế ra để ngắm nhìn từ trên trời vẻ đẹp siêu việt của nó. Một tờ báo Pháp đã dự đoán đến năm cuối của thế kỷ này, tác phẩm của Lê Bá Đảng có thể trở thành hiện thực ở California.
Phải khẳng định rằng, tư duy nghệ thuật của Lê Bá Đảng là vô cùng độc đáo. Ông không hài lòng với những gì đã có, dù nó đạt tới độ hoàn hảo. Ông muốn phá mở và tạo ra những gì chưa từng có ngay cả những cái nhà muôn thủa dựng trên hình vuông, hình chữ nhật, ông cũng cho rằng không nhất thiết phải làm như những cái chuồng nhốt người. Ông hình dung ngôi nhà được khoét từ những khối đá, hoặc nó phải đợc dựng trên hình của hoa hay hình của người, để con người và thiên nhiên luôn quấn quít vào nhau, và linh hồn của người chết luôn phảng phất, thân gần cùng người sống. Chính tư duy này là khởi xuất từ những ám ảnh tuổi thơ và nỗi niềm sầu xứ khắc khoải của ông suốt nữa thế kỷ sống xa Tổ quốc.
Khi đã nổi tiếng khắp thế giới, tranh đã trưng bày ở nhiều trung tâm văn hóa lớn (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật…) và bán chạy đến nỗi có họa sĩ Mỹ đã phải kêu lên ông đã chiếm thị trường của họ (Ở Mỹ có 33 Galery lớn chuyên bán tranh của ông), ông vẫn chỉ có một mơ ước là được trưng bày tranh ngay chính làng quê của mình. Và lần này, ông và vợ ông – bà Myshu – đã toại nguyện. Tuy nhiều người chưa hiểu tranh của ông, nhưng điều đó không làm ông buồn, mà ông biết rằng, thời gian và tri thức sẽ giúp họ thẩm thấu được những không gian của ông, bở nghệ thuật của Lê Bá Đảng là nghệ thuật khởi xuất từ làng quê hướng tới vũ trụ. Trong cuộc “đối thoại” thân mật với người xem ngay tại sân nhà cũ của mình, ông đã xúc động tâm sự” “Tôi là một con người sống bằng những ước mơ của những thiên đường đã mất của đời mình. Cho dù những thành quả, cho dù những cuộc mạo hiểm có thế nào chăng nữa, sẽ tới một lúc con người tìm thấy lại chính mình trong cái không gian nội tâm vốn đã được khám phá suốt dọc đường tuổi thơ đã đi qua.”
Từ cái làng tuổi thơ của Lê Bá Đảng, những bức tranh của ông đã đến với công chúng ở cố đô Huế đầy ấn tượng và sâu sắc, tạo được cho người xem những ấn tượng mạnh mẽ về một trường phái hội họa đọc đáo do chính ông khởi xướng.