TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:758865
 
 
  VỚI TÔI NGÀY TẾT LÀ CUỘC XÁO ĐỘNG TRONG TÂM TRÍ
   Trần Duy Phương
 
      

Ngày 4 đầu năm dương lịch 2002, một bức thư điện tử tình cờ gửi đến báo Lao Động. Và từ đó trong khoảng thời gian giữa hai cái Tết dương lịch và âm lịch là 8 bức thư trao đổi về lẽ Tết, lẽ đời của một ông già hơn 80 tuổi ở Paris với một biên tập viên của báo. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Thư số 1:
Kính gửi báo Lao Động
Với uy tín của báo, hiện nay hoạ sĩ Lê Bá Đảng (Việt kiều quê Quảng Trị) đang có ý định tặng quý báo 50 ảnh ngựa để in trên báo Lao Động và báo Lao Động Điện tử nhân dịp Tết Nhâm Ngọ, những hình ảnh này bao gồm: Tranh, điêu khắc, dây uốn, chạm, khắc gỗ...
Nếu quý báo đồng ý xin quý báo liên lạc qua địa chỉ email: LEBADANG1@AOL.COM
Rất mong nhận được phản hồi từ quý báo.

Thư số 2:
Báo Lao Động xin chúc hoạ sĩ một năm mới dồi dào sức khoẻ và có nhiều tác phẩm ưng ý. Báo Lao Động cũng xin cảm ơn hoạ sĩ về thiện ý gửi ảnh ngựa đến bạn đọc nhân dịp Tết Nhâm Ngọ. Mong hoạ sĩ cung cấp thêm thông tin để báo giới thiệu cùng bạn đọc:

Xin hoạ sĩ kể đôi điều về cuộc sống hiện nay của mình. Sức khoẻ hiện ra sao? Đón Tết như thế nào? - LĐ

 

Trong năm Nhâm Ngọ, hoạ sĩ
mong muốn mỗi nhà đều có
những bức ảnh ngựa của hoạ sĩ
Lê Bá Đảng với suy nghĩ
"Năm Ngọ treo tranh ngựa
mang lại may mắn, hạnh phúc,
sức khoẻ, nhanh như ngựa"


Thư số 3:
Có lẽ tôi là một trong những người xa xứ lâu nhất mà còn sống sót. Tuy xa những cành mai vàng, pháo nổ, heo kêu ba bữa tết, vẫn còn ràng rõ trong trí óc, cũng như những hình ảnh quê hương làng xóm, bà con vẫn còn như ngày nào đó. Sáu mươi ba năm xa tổ quốc là cả một đời người và nếu còn cộng thêm mười tám năm trước khi ra đi thì nay tôi đã tám mươi  mốt tuổi đời rồi. Vậy là già hay trẻ? Cái khác là ngày ra đi, tôi là đứa trẻ nhà quê, thất học nghèo nàn. Đến ở xứ người ta, không bà con, gia đình nương tựa, còn ngày nay tôi là một hoạ sĩ được nhiều người, nhiều nước hâm mộ tài nghệ. 

Ở xứ người ta, làm ăn đầu tắt mặt tối, mở mắt ra là phải đấm bên này, đá bên kia, trước là giữ chỗ đứng của mình vì thời buổi bấy giờ mỗi phút là mỗi cuộc chen lấn, mỗi người đưa ra mỗi ý nghĩ mới, một sức mạnh vô hình mà nếu mình để cho người ta đi qua mình một lượt là xuống cấp ngay. Tôi không chịu để ai chen lấn về mặt nhà nghề mà còn cứng rắn minh mẫn, mới mẻ như trai trẻ. Không biết tuổi tám mươi rồi có còn trai trẻ nữa không? Cuộc sống làm ăn hằng ngày là thế, nhưng còn mỗi năm đến ngày Tết là một cuộc xáo động trong tâm trí. Nhiều khi tôi cũng muốn tìm hiểu vì sao cái Tết của mình nó có màu sắc, có tâm tình, có trước có sau, có người đã qua, có con cháu sẽ đến, có lẽ vì có pháo nổ heo kêu chăng? Tết người ta có đủ sao mà đối với tôi vẫn nhạt nhẽo đến thế (?!). Mỗi năm tôi vẫn nhận được nhiều quà, nhiều thức ăn quý nhưng rồi trong tôi vẫn thiếu cái đầm ấm của hương vị ngày Tết. Có lẽ thiếu bánh chưng xanh, dưa món, cành mai vàng, thiếu cây nêu pháo nổ. Nhưng cái cốt có lẽ là thiếu cái linh thiêng trong không khí Tết mà ông cha mấy đời đã tạo nên thì phải.

Tục ngữ ta có câu: "Nhập gia tuỳ tục", lẽ tất nhiên tôi đã tuỳ tục cho nên mới có thể sống hài hoà với xã hội người ta đã hơn sáu chục năm như chim ngoài lồng, như cá dưới nước. Cho nên nước Pháp đã tặng tôi "Chevalier des arts et lettres" (Huân chương Nghệ thuật Văn học Pháp), tỉnh New Orleans (Mỹ) mời làm công dân danh dự v.v... Hơi khoe khoang một tý nhưng tôi muốn bà con biết rằng tôi đã tuỳ tục như cây tre non giữa gió bão. Nhưng đây là cuộc vật lộn để sống, còn cứ mỗi năm Tết đến là tôi không "tuỳ tục" nữa mà dù có muốn tuỳ tục cũng không được vì bên trong của tôi nó day dứt, trái tim đập thất thường và các thớ thịt cũng kiếm cách chống chọi nhau. Nếu ai bảo tôi tả cái ấy trên trang giấy trắng mực đen hay tưởng tượng ra màu sắc chi thì xin chịu. Vậy thì làm sao đây? Chỉ có cách tìm đường về nơi quê cũ, thắp nén nhang, rồi im lặng để cho tâm hồn và các thớ thịt giao duyên cùng nhau vậy thôi. Rồi tôi cũng không hiểu vì sao cậu mạ (cha mẹ) tôi là những người thất học, bà con làng nước cũng trong một hoàn cảnh và nghèo nàn nữa mà có thể truyền lại cho tôi cái bí mật linh thiêng vô bờ bến ấy mà bao nhiêu sách vở, bao nhiêu bài học, bao nhiêu ý nghĩ thông thái bác học của người ta không truyền lại cho tôi được. Cái hạnh phúc là còn biết và còn hiểu và thưởng thức được. Tôi chắc là bà con ở trong nước, dù có thông minh hay giàu có đến đâu cũng không có cái này như tôi vì bà con có tha hương dằng dặc mấy chục năm như tôi đâu mà biết. "Đi lâu mới biết đường dài". - LBĐ

Thư số 4:
Thưa hoạ sĩ, lần gần đây nhất bác đón Tết ở Việt Nam là khi nào? Trong trí nhớ của bác, Tết ở Quảng Trị có khác gì ở những nơi khác? - LĐ

Thư số 5:
Tôi còn nhớ mãi sau mấy chục năm, sau trận giặc dã man tôi trở về ăn Tết ở quê tôi (1976), nhà cửa bị đốt cháy, cha mẹ qua đời, làng xóm không còn chi nữa, gia đình sống sót thì kẻ Nam người Bắc, làng tôi như cánh đồng hoang, miếu đình hồ nước, nhà thờ Họ đã thành tro, không còn đường đi lại cho đến mồ mả nhiều nơi đã  thành hồ nước do bom đạn Mỹ. Mấy em mấy cháu che lại túp lều tranh, dựng lên cái bàn nho nhỏ và nén nhang rồi gọi là bàn thờ, vài món ăn thô sơ ngày Tết, hương khói chỉ còn ngọn đèn leo lét trên bàn thờ. Tôi có cảm tưởng là linh hồn của cha mẹ còn vương vất đâu đây với con cháu. Mấy chú em, mấy thím dâu, mấy cháu nhỏ không ai ngủ, mà có giường chiếu đâu mà ngủ. Rồi sáng sớm có đứa trẻ con, con của người bạn gái ngày xưa mang đến biếu một  cành mai nho nhỏ (không biết nó tìm ở đâu ra hay là mẹ cháu vẫn còn nhớ tôi vẫn thích hoa mai). Tôi cầm lấy cành hoa cắm vào cái chai chưa vỡ, cả gia đình ai ai cũng đều ứa nước mắt vì có cành hoa mai mà ai ai cũng cảm tưởng còn có ngày Tết, còn có cái linh thiêng như trước.

Rồi mấy ngày Tết đến, sáng mồng một Tết là chúng tôi có quần áo mới. Vì không có áo quần mới thì đâu có ngày Tết và không có thì không thể nào đi mừng tuổi mấy ông bà cao tuổi, đi mừng tuổi bên ngoại tôi được! Rồi mồng 3 có chợ Đình long trọng. Chợ trước đình làng, đàn bà trẻ con có gì đem ra bán, buôn bán có gì đâu nhưng có vẻ là một cử chỉ làm ăn đầu năm. Dân cả làng và mấy làng bên cạnh đều đến chợ Đình như ngày hội. Cách đây hai năm, tôi có về đi chợ Đình, tìm mua mấy con "tu huýt", mấy con gà bằng đất nướng mà  chả có. Tôi còn nhớ, hồi còn nhỏ, năm nào tôi cũng lấy đất sét bắt ra nhiều con tu huýt để bán chợ Đình. Té ra hồi ấy tôi đã là "Nghệ sĩ Tu Huýt" mà không ai để ý. Nếu mấy chú của tôi còn sống, thì mấy chú bảo là cái điềm giúp tôi trở thành nghệ sĩ ngày nay đó. - LBĐ

Thư số 6:
Xin bác kể rõ hơn về hình tượng con NGỰA trong suy nghĩ của mình. Vì sao bác lại vẽ nhiều ngựa đến vậy? Và có kỷ niệm nào của bác đối với loài vật này? - LĐ

Thư số 7:
Ngựa chỉ là một trong những đề tài mà tôi hay động chạm đến như mèo, như hạt gạo, như tấn tuồng nhân loại, con mắt, phong cảnh bất khuất v.v... Có lẽ tôi thiên về ngựa hơi nhiều, ngoài mấy trăm tranh in, tôi còn làm 4 sách rất lớn (75 x 56cm) cho nên ngựa đã mang lại cho tôi nhiều lợi lộc. Nhưng nói cho đúng ngựa và tôi là Kp THUÂ QUÂN TƯ: Ngày còn bé 13 hay 14 tuổi gì đó, con ngựa của cậu (cha) tôi cứ làm cho tôi ngã lên ngã xuống, nhất định nó không chịu để tôi hoành hành trên lưng nó, và cuối cùng một lượt nó xây đít đá vào tôi lúc tôi ngã xuống trên cái phên phơi ớt giữa sân nhà. Mẹ tôi và mấy cô phải kéo tôi vào bê can nước uống không thì chết mất. Nhưng dù sao tôi vẫn trọng ngựa như một loài vật đã đẹp lại khôn ngoan và sau này là nguồn sinh lợi của tôi nữa. Nhiều khi tôi đã dùng nghệ thuật để tăng bậc loài ngựa lên bậc trên. Mời xem ngựa trong giấc mơ của tôi: http://www.lebadang.com hay http://lebadang.free.fr. Đến đây cũng đã nhiều lắm rồi. Chúc báo Lao Động mạnh và mong gặp lúc Tết ở Việt Nam. Thân Lebadang.

Thư số 8:
Bác ạ, bài viết dự định sẽ đăng vào số Tết, khi mọi người đều đang mong sự sum họp với gia đình. Câu hỏi nếu có chút gì về chuyện quá riêng tư, mong bác đừng trách là người hỏi thiếu tế nhị. Mong sao bạn đọc của báo có được sự đồng cảm với một người VN đón Tết xa quê. Một lần nữa kính chúc bác luôn dồi dào sức khoẻ.  Báo Lao Động


* Hoạ sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 27.6.1921 tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nhập cư đến Pháp năm 1939, đã theo học tại Viện Nghệ thuật Toulouse. Năm 1950 có cuộc triển lãm đầu tiên ở Paris và đã được giới nghệ thuật và báo chí Pháp chú ý. Đến nay ông đã có triển lãm ở hầu hết các trung tâm hội hoạ trên thế giới.

Trần Duy Phương
(Bài đăng trên Báo Lao Động số Tất Niên Năm 2002 )

 




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com