Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào quãng cuối năm ngoái, hầu như cùng lúc, hai tờ báo Lao Động Chủ Nhật và Cửa Việt đã giới thiệu ý kiến của họa sĩ Lê Bá Đảng về viẹc xây dựng nghĩa trang ở từng địa phương - Những phàn mộ đặt sát bên nhau, liên kết lại theo hình dáng tựa như Loa Thành thời cổ của dân tộc ta.
Cho đến nay, ý tưởng độc đáo này hình như chưa có ai lên tiếng hưởng ứng và tất nhiên chưa có địa phương nào “xung phong” làm thí điểm. Cũng là lẽ dễ hiểu. Ý tưởng độc đáo quá, lạ quá, cũng như tất cả các tác phẩm hội họa, điêu khắc đã làm cho họa sĩ nổi tiếng trên thế giới. Chỉ khác một điều những tác phẩm họa sĩ công bố hoàn toàn do đôi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ tạo nên; Còn ý tưởng về nghĩa trang tượng hình Loa Thành chỉ đợc xây dựng nên khi đa số dư luận của một cộng đồng (một làng hoặc một xã) đồng tình chấp thuận. Đó mới chỉ là bước đầu tiên. Còn bao nhiêu khó khăn trong quá trình thực hiện: Tiền vốn, vật tư, một bộ chỉ huy vừa có đầu óc của nhà kiến trúc sư tài ba, vừa có uy tín và bản lĩnh đứng vững trước mọi lời đàm phán, mọi sự lôi kéo của tập tục, thói quen đã hình thành bao đời… Vì thế, một anh bạn đã lắc đầu bảo tôi:
“Nghe qua thì thiệt là hay
Nhưng kỳ lạ quá xưa nay chưa từng”
Nếu việc “đã từng” thì cứ thế mà làm, cần gì bàn luận nữa, “chưa từng” mới là chính hiệu Lê Bá Đảng. Tôi cũng nhớ hồi làm tạp chí Sông Hương số tết Bính Dần năm 1986 khi giới thiệu tuyển tập Espaces (Không gian) gồm những tác phẩm điêu khắc chọn lọc làm bằng chất liệu bột giấy đặc biệt của họa sĩ Lê Bá Đảng, mấy anh em trong tòa soạn đều có cảm giác đây là những tác phẩm “chưa từng” có và khẽ lắc đầu vì… khó hiểu. Nhưng rồi đọc bài phát biểu về nghệ thuật của Ông đăng trong tuyển tập đó và rồi nhắm mắt lại, tưởng như mình bay lên cao để có cái nhìn từ không trung xuống trái đất thì đã hiểu phần nào điều kỳ thú mà họa sĩ muốn mang lại cho người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của mình. Và lúc này tôi lại tưởng tượng nếu như một nơi nào đó đã có nghĩa trang Loa Thành, và từ không trung bao la nhìn xuống… có thể có người nghĩ tới bọc trứng của nàng Âu Cơ, cũng có người nghĩ tới Loa Thành…
Tạm gác cái chuyện “viển vông” này, tôi trở lại với mặt đất, đồi núi san sát những nấm mộ đủ hình dạng và màu sắc, trong đó có ngôi mộ của nhà thơ Thanh Tịnh vừa được cải táng về Huế. Đây là ước nguyện của nhà thơ, được bạn bè văn nghệ và chính quyền địa phương quan tâm, đất đồi ngoại vi thành phố bỏ hoang còn nhiều; vậy mà hình như cũng phải “tốn kém” mới có một chỗ đàng hoàng, vì tuy là đất hoang, sườn đồi nào cũng có chủ. Nhiều người lo về sau không có chỗ “dung thân” đã xí phần trước, gọi là những mộ gió… và khoản tốn kém rất khó có bằng chứng nọ, một nhà báo bực mình định viết lièn có lời khuyên: “Thôi, phép vua thua lệ làng, coi như khoản cúng thổ thần. Chình quyền có thể can thiệp, nhưng rồi ai sẽ đảm bảo phần mộ an toàn khi “ông chủ” ở bên cạnh không hài lòng”. Hôm đó, anh em chúng tôi cũng đã hứa rồi sẽ thường xuyên lên hương khói để được sống ấm áp giữa tình đồng nghiệp và quê hương. Vậy mà…
Nếu như có một nghĩa trang Loa Thành thì còn lo gì không ai bảo vệ và một người như nhà thơ Thanh Tịnh, nếu bạn đồng nghiệp bận công chuyện, hẳn không thiếu người yêu mến đến dâng hương?
Tôi còn biết một gia đình rất đông anh em, nhưng lại ở rất xa nhau, khi hỏa táng hài cốt người mẹ, bàn tính mãi không biết để ở đâu cho phải. Nơi thì đi lại quá cách trở, nơi thuận tiện thì bà con trong khu tập thể có người sợ xui… Rút cục phải gửi ở một ngôi chùa. Có thể đây cũng là sáng kiến hay vì nghe đâu nhiều gia đình đã nghe theo: Vong linh người đã khuất thì ít ra ngày rằm mồng một cũng được “thơm lây” hương hoa nhà chùa. Có điều, hầm để các bình đựng di hài chật chội và thường là tối tăm, lộn xộn, vị trí thay đổi, có khi người thân đến viếng tìm mãi mới thấy đó là chưa nói đến nỗi phân vân của không ít gia đình không theo đạo Phật khi phải “nương bóng” nhà chùa.
Nếu như có một nghĩa trang Loa Thành
Phải, nếu như có… thì người ta đâu đến nỗi phải đau đầu khi đánh giá từng số phận để bó trí vào nghĩa trang loại cao sang hay nghĩa trang bình dân…
Như thế, ngẫm ra nghĩa trang Loa Thành không hẳn là ý tưởng viển vông mà có căn cứ từ cuộc sống thực. Dù sao, tất cả vẫn chỉ là nếu như, vẫn là viễn tưởng. Nhưng thời đại này đã chứng kiến nhiều chuyện viễn tưởng ngày xưa đã được biến thành hiện thực như chuyện con người bay vào vũ trụ…
Một ý tưởng độc đáo nhưng vượt quá khả năng thực hiện của người nghệ sĩ – dù là một nghệ sĩ tài ba. Cần có sự hưởng ứng của công luận vầ cần có nơi dám làm thí điểm. Trong lúc chờ một cộng đồng dám đi tiên phong, nên chăng chọn một vùng quần tụ các liệt sĩ của cả nước như Côn Đảo, Trường Sơn hay Quảng Trị xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ tượng hình Loa Thành đầu tiên ở đất nước ta?
|
Nguyễn Khắc Phê Huế, 07.05.1992 Hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế
|