Chuẩn bị số tết Nhâm Ngọ, anh chị em ban biên tập Diễn Đàn nhất trí xin Lê Bá Đảng tranh ngựa để in bìa và quyết định cử phóng viên đến gặp hoạ sĩ. Ý này thực sự đã có từ năm ngoái, là năm mừng thọ anh 80 tuổi. Theo giấy tờ chính thức, Lê Bá Đảng sinh năm 1921, nhưng khi hỏi chuyện, anh cười và bảo không biết anh sinh năm 1920, 1921 hay 1922, cũng không biết anh cầm tinh con gì nữa (tôi nghĩ có lẽ vì anh là con cả trong một gia đình 8 con, không có chị gái thường là người ghi nhớ tuổi tác của đàn em). Vả lại, ai xem tranh của anh vẽ những năm gần đây, đều ngỡ anh rất trẻ, ai được gặp anh, thấy sức lao động của anh, đều nghĩ anh có " cổ lai hy " thì cũng tối đa là thất tuần. Năm nay là năm Ngọ, mà đề tài Ngựa những năm 60 đã làm tên tuổi của Lê Bá Đảng thêm lừng danh (ngay loạt tranh cắt gần đây, anh cũng trở lại chủ đề này). Bởi vậy, xin mượn dịp đầu năm này để mừng thọ Lê Bá Đảng, và mời bạn đọc cùng chúng tôi nhìn lại một vài thời điểm trên hành trình 80 tuổi đời và hơn nửa thế kỉ sáng tạo nghệ thuật. Một hành trình khác thường, một sự nghiệp độc đáo.
Khác thường, trước tiên vì nhìn lại tuổi thơ, tuổi thiếu niên của Lê Bá Đảng, tuyệt nhiên không có dấu hiệu gì báo trước thiên hướng và sự nghiệp nghệ thuật ấy. Các hoạ sĩ Việt Nam tên tuổi đã lập nghiệp tại Pháp, những Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu... đều tốt nghiệp Trường cao đẳng mĩ thuật Đông Dương, họ sang Pháp tiếp tục phát huy một tài năng và cá tính nghệ thuật đã được khẳng định. Lê Bá Đảng chưa hề cầm cọ trong tay trước khi sang Pháp. Anh sang Pháp, rồi vào học Trường cao đẳng mĩ thuật Toulouse, hoàn toàn do " tình cờ ".
" Tôi ra đời tại làng Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Gia đình thuộc loại khá giả, đối với một làng nghèo. Thuở nhỏ học chữ nho và quốc ngữ với gia sư, rồi sang làng bên (An Lộng, một làng Công giáo) học tiểu học, bắt đầu học tiếng Pháp, cô giáo là một bà xơ ". Bắt đầu thôi, vì mấy năm sau, trong trại lính Pháp ở Marseille, bắt gặp anh đang rửa tay, một viên trung uý hoạnh hoẹ : " Qu'est-ce tu fous là ? " (Mày làm gì ở đây hả ?), anh tỉnh bơ trả lời bằng câu tiếng tây " bồi " : " Moa xô vê phờ răng xờ ! " (Tôi "sang đây" cứu nước Pháp !). Cuộc " đối thoại " kết thúc bằng chậu nước đổ lên đầu viên trung uý. Và kết cuộc, anh " lính thợ anh đô si noa " cứng đầu bị gửi đi giam lỏng tại một " ba rác " khỉ ho cò gáy ở Lannemezan, vùng núi Pyrénées tây nam nước Pháp.
Đó là câu chuyện về sau. Ta hãy trở lại làng Bích La đông. Tại sao anh đi lính thợ ? " tình nguyện " sang cứu mẫu quốc như thạc sĩ văn phạm Phạm Duy Khiêm ? " Đi vì muốn đi chứ có biết gì đâu. Hồi nhỏ, tôi đã hai ba lần bỏ nhà đi. Có lần vô tới Đà Nẵng. Có lần vô tới Quy Nhơn. Gặp ông cậu làm hoả xa ở đó, bị điệu về ".
Làng Bích La đông không xa bờ biển, đứng nơi cao có thể thoáng thấy Biển Đông. " Nhưng không thấy Trường Sơn, có lẽ vì nhiều cây. Sau này về làng, cây cối còn ít, tôi mới trông thấy núi ". Cái khát vọng đi xa ấy, một phần có lẽ là tiếng gọi của biển. Phần kia, có lẽ từ hình ảnh những người bà con đã ra đi. Tôi hỏi : " Anh có bà con với ông Lê Duẩn ? ". " Ông ấy cùng họ Lê, nhưng không thuộc dòng họ Lê Bá nhà tôi, vợ ông ấy là cô họ, nên tôi gọi ông bằng cậu ". Cậu Duẩn đi làm cộng sản, cũng là một " thần tượng ", không hơn không kém " thần tượng " khác là một ông cậu tốt nghiệp tiểu học, làm thông phán hoả xa ở ngoài Vinh. " Thời trẻ, có biết gì đâu. Lên huyện, thấy đăng lính đi tây, là đi. Ông già tôi tìm cách rút lại tên không được, đành để tôi đi ".
Thế là cùng với 2 thanh niên Bích La, Lê Bá Đảng lên tàu Cap Varella đi Pháp : " lên " boong tàu để " xuống " hầm và ở luôn dưới đó hơn hai tháng, cho đến một ngày tháng 2.1940 tàu cặp bến Marseille. Mẫu quốc tiếp đón " con dân thuộc địa " ở... nhà tù Baumettes vừa được chuyển thành trại lính. Tháng 6.1940, nước Pháp thất trận. Ngày 18, ở London, một thiếu tướng, Charles de Gaulle, đọc kêu gọi kháng chiến trên đài BBC. Cùng ngày, ở Roche-sur-Yon, Lê Bá Đảng bị quân đội Đức bắt làm tù binh, giải đi nhiều nơi. Quimper, Chartres, Đức... 18 tháng sau, vào cuối năm 1941, anh mới trở lại trại lính Marseille như đã nói trên.
1942. Trại Lannemezan, nơi Lê Bá Đảng bị giam lỏng, ở vùng cao heo hút, hàng tuần một chiếc xe ngựa thồ lương thực tiếp vận. Vài tuần sau, anh trốn theo xe ngựa xuống Toulouse, Thành phố Hồng, cách đó mấy chục cây số. Không giấy tờ, không sinh kế, được một bạn đồng hương cho ở cùng một căn hầm. " Hầm có một khung cửa kính tròn nhỏ, ngang hè phố, sáng dậy nhìn lên, thấy những cặp chân người ta qua lại ". Lang bang ngoài đường, chưa biết làm gì, anh gặp một sinh viên Việt Nam, Trần Ý, học Trường mĩ thuật. Trần Ý kéo luôn Lê Bá Đảng tới trường, vào xưởng vẽ. " Được phát tờ giấy trắng và cái bút than, tôi cũng vẽ. Không học bao giờ, tôi chỉ dám vẽ vào một góc nhỏ. Cuối giờ, ông thầy đi qua, cúi xuống nhìn, khen một tiếng xe biêng, rồi nhận cho vào trường ".
Từ đó, hai năm trời, ngày đi làm (quét dọn xưởng cán thép Chiers), chiều tối đi học. Sang năm thứ ba, học chiều, làm sáng. Làm đủ thứ nghề, còn học thì " chẳng biết gì hết nên cứ học lung tung đủ thứ ngành, vẽ, điêu khắc, kiến trúc, trang trí... ". Những năm tháng để lại những kỉ niệm sâu xa. Trong cuộc trò chuyện, anh luôn luôn nhắc tới bà Phiếu mẫu, Maman Jeanne, đã giúp anh trong buổi hàn vi, tới Jacques Ruffié, anh bạn sinh viên thời trẻ, sau này trở thành nhà khoa học (năm mươi năm sau, 1991, Lê Bá Đảng vẽ mẫu thanh kiếm cho Ruffié khi ông vào Viện hàn lâm).
1946 được đánh dấu bằng hai sự kiện. Anh tốt nghiệp Trường mĩ thuật Toulouse (đỗ đầu, một bức tranh của anh được giữ ở Viện bảo tàng St Augustin). Cùng năm ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp. Lính thợ và Việt kiều vùng Toulouse-Agen quyên góp 1 triệu Franc, cử Lê Bá Đảng mang số tiền ấy lên Paris tặng phái đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tại đây, anh gặp các hoạ sĩ Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ. Điều đáng ghi nhận, ba hoạ sĩ đàn anh này, ngay từ đầu, đã đối xử thân ái và trọng thị, mặc dầu " đàn em " không có ý đi theo đường hướng sáng tác của họ, " tôi thấy họ chỉ vẽ đàn bà và hoa ".
1949, một mối tình dang dở (bà mẹ vợ hụt, một gia đình quyền quý, hỏi một câu : " anh định lấy gì nuôi con gái tôi ? "), Lê Bá Đảng quyết (hay phẫn ?) chí lên Paris, vé tàu hoả mua được bằng tiền thưởng cho tấm áp phích cổ động của Bộ nông nghiệp. Mặc dầu đã tốt nghiệp mĩ thuật, anh vẫn chưa hề nghĩ tới hội hoạ như là một nghề. Anh làm nhiều công việc, nhất là vẽ quảng cáo. Rồi anh gặp chị Myshu (cha là người Việt, gốc Thanh Hoá), lúc đó vừa tốt nghiệp mĩ thuật ở thành phố cảng Le Havre, cũng mới chân ướt chân ráo lên Paris. Những năm tháng hàn vi của chị Myshu và anh Đảng ở căn phòng nhỏ đường Montagne Ste-Genevière, đứa con trai duy nhất ra đời đã mang tật nguyền, tất cả đã kết tinh mối tình sắt son của hai nghệ sĩ từ ấy đến nay.
Mở đầu bài, tôi đã nói tới những tranh ngựa nổi tiếng của Lê Bá Đảng. Nhưng đó là chuyện về sau. Lê Bá Đảng vào nghề với con... mèo. Paris có một cái phố nhỏ nhất, ngắn nhất, đi từ phố Huchette ra sông Seine. Ngõ thì đúng hơn, hai bên đường không có nhà, chỉ là bức tường của hai ngôi nhà trông ra sông, hay quay ra phố Huchette. Nhưng không hiểu sao, người ta gọi nó là phố, đặt tên hẳn hoi : Rue du Chat-qui-pêche, Phố con Mèo câu (cá). Một hôm, " Myshu đau, phải mang cháu đi nghỉ ở dưỡng đường, tôi ở nhà một mình ra bờ sông, đứng góc Phố con mèo, nhìn du khách ngoại quốc tấp nập qua lại, bỗng nảy ra ý vẽ tranh bán cho du khách ". Thế là anh vẽ " vèo " một loạt tranh mèo, nhưng phải thuyết phục " rất lâu ", ông Evert, chủ tiệm bán vật kỉ niệm ở bờ sông, sát cạnh Phố con Mèo, mới miễn cưỡng nhận trưng bày tranh của anh trong tủ kính bán hàng. "Buổi chiều, vừa về tới nhà, chuông điện thoại réo. Ông già Evert đòi mang thêm tranh, năm cái đã bán hết rồi. Một tháng ấy, ông ta bán được 160 cái ! ".
Cũng năm ấy, cuộc triển lãm đầu tiên của Lê Bá Đảng được tổ chức tại hiệu sách Globe, phố des Carmes. Nửa thế kỉ trôi qua, hàng trăm cuộc triển lãm đã diễn ra ở các galerie Paris, Cannes, La Napoule, Dusseldorf... rồi Philadelphia, Cincinatti, London, New York, các thành phố lớn ở Hoa Kì, rồi Nhật Bản, Ấn Độ... trước khi về tới Hà Nội và... làng Bích La Đông.
Điều đáng tiếc và rất đáng lo là cho tới nay, mặc dầu một số vựng tập đã được xuất bản nhân một vài cuộc triển lãm, chưa ai làm được một hợp tuyển và một danh mục tương đối đầy đủ các tác phẩm của Lê Bá Đảng. Thậm chí, chỉ những tác phẩm anh còn giữ được ở nhà và xưởng vẽ ở Paris, xưởng vẽ ở Cannes, hay ở Hà Nội, chúng ta cũng chưa có được bảng liệt kê.
Phần lớn tác phẩm của anh đang nằm trong các sưu tập tư nhân ở Bắc Mĩ, Bắc Âu, Tây Âu và Nhật Bản, có được một ý niệm tổng quan về sự nghiệp nghệ thuật của Lê Bá Đảng thật khó. Bất luận thế nào, điều đó vượt quá xa khả năng của kẻ hậu sinh ngoại đạo này. Tôi chỉ xin, thay lời kết luận, nêu ra một suy nghĩ chủ quan nhỏ :
Châm ngôn chủ đạo giải thích sức sáng tạo phi thường của Lê Bá Đảng là " không bắt chước ai, không bắt chước mình ". Đố ai " xếp loại " được hội hoạ của Lê Bá Đảng. Đố ai đoán định được đề tài và phong cách giai đoạn hiện nay và sắp tới của anh. Bàn tay và đôi mắt của Lê Bá Đảng luôn luôn tra vấn tấm toan, cục đất, phiến kim loại, tảng đá, sợi dây thép... ở trước mặt để buộc nó nói lên một hưng phấn bất chợt đó, mà cũng là nung nấu không biết từ bao giờ.
Những bức tranh hoành tráng, những đoá phong lan vàng rực trên nền xanh của rừng và đỏ của đất (màu cờ Việt Nam và màu cờ Mặt trận dân tộc giải phóng), những Không gian Lê Bá Đảng nhẹ đưa người xem vào cõi nội tâm của chính mình, những bàn chân Giao Chỉ trên vách đá năm nào ở Baux-en-Provence, những hạt gạo làm bằng đủ mọi chất liệu để ngợi ca một sức sống, những cặp nam nữ yêu nhau đầy nhục cảm, một mạng nhện anh giăng trên sân thượng, những tượng Phật sắc sắc không không mà anh ước mong một ngày kia dựng lên tại một ngôi chùa bên bờ sông Hương, hay dự án làm tác phẩm trên/với/cùng thiên nhiên trên thượng nguồn sông Bến Hải quê hương... mỗi lần đến xưởng vẽ, lại nhà thăm anh, hay hẹn ở Baux en Provence, câu chuyện cuối cùng bao giờ cũng dẫn tới những dự định tương lai, và trên tất cả, những dự định mà anh thiết tha muốn thực hiện " bên nhà ".
Vài ngày nữa, Lê Bá Đảng bay về Việt Nam. Mừng anh 80 tuổi, tôi muốn chúc nước ta sớm giàu lên, đẹp thêm với một vài dự định của anh.
|
Kiến Văn (Diễn đàn Nghệ thuật - Xuân Nhâm Ngọ) |