Vừa rồi tôi may mắn có dịp đi cùng họa sĩ Lê Bá Đảng trong chuyến ông về thăm quê Quảng Trị - Năm mươi năm lao động nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới, qua những kinh đô tráng lệ, những hoang mạc, đại dương, ông vẫn mãi mê tìm lại một thiên đường đã mất: đó là những năm tháng tuổi thơ của ông nơi ngôi làng nhỏ: Bích La Đông.
Cũng như bao người khác, tôi luôn cảm thấy mình mang nhiều món nợ đối với Quảng Trị mỗi khi trở về đây. Nợ bà Hoàng Hậu Paramecvari có tên thời con gái là Huyền Trân đã “nước non ngàn dặm ra đi” đã dừng chân ở Châu Ô đấy, một mình làm cuộc mở cõi. Cảm ơn chúa Minh - Nguyễn Phúc Chu, bốn trăm năm sau đã phả khúc Nam Bình vào hồn dân tộc
Mối tình chi
Nợ Ô Lý
Và tất nhiên nợ 82 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972, khúc dạo đầu bi tráng của bản nhạc chiến thắng sau cùng.
Những ai đã từng lội qua vùng thượng nguồn Hiền Lương mở đầu chuyến đi xứng đáng được gọi là trường chinh nơi cây số 0 của con đường Trường Sơn bây giờ đã có mấy người về lại? Khách sạn Trường Sơn Đông ngày nay ở cuối thị xã Đông Hà, cô gái quê đây nhưng cũng có phòng lạnh, nước nóng, cột ốp đá cẩm thạch, ở đó buổi sáng sớm để ý bằng tai bạn có thể nghe thấy tiếng vượn hót từ rú ngàn vẳng tới. Chim thì khỏi nói, một dàn nhạc ngay nơi cửa sổ phòng bạn.
Chuyện bây giờ, còn ngày ấy, ôm một cái đài “tăng xi to” mắc võng nơi cánh rừng nào đó mà nghe đài tiếng nói Việt Nam đưa tin chiến sự, Tiếng nói Việt Nam thận trọng, chừng mực như muốn ghìm niềm vui bớt lại, chứ còn báo Sài Gòn và Đài nước ngoài thì thấy tưng bừng: Việt Cộng tràn ngập Khe Sanh. Sẽ biến Thành Cổ Quảng Trị thành bề mặt nguyệt cầu.
Hôm nay, 31.07.1972 Thành Cổ Quảng Trị đã hứng 4000 tấn bom, 20.000 đạn đại bác. Đã có thể coi là cao điểm của trận chiến này chưa?
Tên núi tên sông của Quảng Trị 46 năm sau Điện Biên đã dội vào các bộ óc Nơron cũng như óc điện tử những âm thanh ngang cỡ Waterloo, Stalingrat. 20 năm đã trôi qua, Khe Sanh đang xây dựng vùng kinh tế mới, cao su mọc ở Cồn Tiên, Cam Lộ là vùng café, Lao Bảo nhà tù heo hút thời Pháp nay hàng họ ngược xuôi, xe chạy đến sát mặt đường nhựa.
Những điều này không có trong chuyến về của họa sĩ. Cũng như những chuyện trấn lột của bọn lưu manh đối với dân buôn trên đường 9. Chuyện ở rất nhiều vùng quê Quảng Trị, dân còn đói, mức sống chưa bằng một phần mười dân Bích La Đông…
Không có trong chuyến về nhưng họa sĩ có những con đường riêng của nghệ thuật . Tranh của ông được buộc thẳng vào thân cây, treo trên tường miếu cổ, bày luôn trên thảm cỏ. Có một lễ hội bằng màu sắc, bằng nghệ thuật hiện đại bên cạnh hội làng. Các cụ ông áo the khăn xếp, che ô, đủng đỉnh dạo qua vườn tranh. Các cụ bà bếp núc, chợ búa vào ra tíu tít. Trẻ con đốt pháo. Lối về của họa sĩ.
Tôi hỏi cụ Lê Bá Hán, một trong những cụ trưởng tộc cao niên:
Thưa cụ, cụ có nhìn ra làng nước trong những bức tranh kia không?
- Có chứ! Đây là con vịt, đây là quả cà, còn đây là mẹ bồng con. Ông ấy vẽ cái hội làng đấy mà.
Cụ chỉ những điểm điểm, vùng mộng rồi chỉ con ngòi nước trôi lững lờ cạnh ngôi đình vùng thực ngoài đời.
Bà Myshu phu nhân họa sĩ bảo tôi, ông có để ý tranh của Đảng có nhiều chim? Các cụ già ở đây nói vùng này xưa là rừng, nhiều chim nhiều cây lắm.
Tôi thấy tranh của họa sĩ Đảng giống phong cảnh nhìn từ máy bay xuống.
Từ xa hơn nữa
Từ vũ trụ
Bà Myshu cười gật đầu và tôi nghĩ nhìn từ xa hay nhìn gần cũng chỉ là phương tiện. Vẽ là chủ yếu. Vẽ đem niềm an ủi, vẽ để xoa dịu nỗi đau cho quê hương.