Mới đây trong bài “Vườn mộ” đăng trên tạp chí Cửa Việt, họa sĩ Lê Bá Đảng ước muốn tạo dựng một “không gian có thực” tại quê hương ông. Ở đây không còn là tranh, là tượng nữa, cái đẹp tự nó đã nằm trong cái đẹp vốn có. Ông đã phác thảo một nghĩa trang công cộng độc đáo hình trôn ốc (theo cấu trúc thành Cổ Loa) và ở đó cư trú bình đẳng và vĩnh viễn những người đã khuất mà đỉnh tháp là nơi thờ chung cho các vong linh, bên cạnh người sống.
Sau đây chúng tôi xin đăng trọn bài của họa sĩ Bùi Quang Ngọc, đã phỏng vấn Nghệ sĩ lão thành Lê Bá Đảng về những vấn đề nghệ thuật tại quê hương ông.
- Khi tạp chí ART Collecting ở Mỹ gọi ông là “bậc thầy của hai thế giới Đông và Tây”. Xin ông cho vài lời nhận xét này.
Đó là người ta nhận xét về tôi chứ không phải tôi tự nóivề mình. Đông và Tây khác nhau lắm. Nếu người mình mà vẽ như Tây gọi là Tây giả, Tây bắt chước. Còn Đông thì tiêu biểu là Trung Hoa. Tôi là người Việt Nam sống tại Pháp, tôi thâu nhận thế giới chung quanh mình và luôn luôn làm khác những gì người ta đã làm để tồn tại. Tôi hành động thuận chiều tự nhiên chứ không hề cố ý làm một cái gì cả.
Hiện nay trong lĩnh vực nghệ thuật, người ta không nói cầm bút vẽ nữa, mà nói hành động hội họa (như vậy vấn đề kỹ thuật sẽ là điều kiện tiên quyết, đã đến lúc có thể phá bỏ cái gọi là trực cảm của họa sĩ lên nền vẽ chăng)?
Trước hết nếu kỹ thuật không điêu luyện, không tả được tâm hồn. Phải học hỏi không ngừng và không bắt chước. Thường thường, các họa sĩ vẽ là vẽ những bức tranh không lớn. Tôi muốn có một bức tranh thật lớn, như cả làng tôi đây thành một bức tranh. Hãy trả lại nghệ thuật cho thiên nhiên. Không còn cái đẹp riêng lẽ nữa, vì tự cái đẹp đã nằm trong cái đẹp. Trong sáng tạo chính tôi cũng không biết mình đang và đã làm ra cái gì nữa….
Theo quan niệm hiện đại, chất liệu là linh hồn của tác phẩm. Xin ông cho biết đôi điều về chất liệu và sự bền vững của chất liệu trong tác phẩm của ông?
Con người thường hay bày ra những điều này điều kia để thể hiện cảm hứng, thể hiện đời sống tinh thần của mình. Sơ khai con người chưa có gì, về sau mới bày ra và bày ra thêm mãi, tôi cũng vậy. Tôi muốn tạo ra một chất liệu mới, không tranh, không tượng mà gây được cảm xúc mạnh cho con người. Thế thôi.
Trong một số tác phẩm của ông mà tôi được biết – như Calder nhà điêu khắc Mỹ đã muốn phá bỏ hệ thống kín trong tượng bằng những cần câu và sợi dây treo – ông cũng muốn phá bỏ đường biên của những bức tranh?
Phá bỏ đường biên ư? Như tôi đã nói, tác phẩm của tôi, không tranh, không tượng. Tôi muốn phá bỏ tất cả mọi sự tù túng bất cứ ở đâu. Nghệ thuật là phù hợp với tạo hóa.
Tác phẩm của tôi, sống theo các chiều ánh sáng. Cho nên tất cả mọi kích thước đều như bị gò bó. Tôi muốn tác phẩm của mình phải: Có trước, có sau, có phải, có trái, có trên, có dưới, mang theo cá tính của riêng tôi.
Xin ông cho vài lời nhận xét về hội họa Việt Nam mà ông được biết?
Ở Việt Nam, có nhiều trường phái, nhưng để nhận xét thì tôi chịu. Không thể nói được, tôi chưa biết nhiều về các họa sĩ Việt Nam. Khen cũng khó, mà chê cũng khó. Ông nào muốn vẽ gì cũng đều được cả mà. Ví dụ, tôi thích vẽ đêm trăng, ông thích vẽ con gái, được cả chứ sao.
Xin ông cho vài lời khuyên đến các họa sĩ trẻ.
Trước tiên, hãy quên hết những điều đã học. Trong nghệ thuật, nếu thấy không có cái riêng của mình, thì nên thay ngay, làm nghề khác.
Luôn luôn chú trọng cái bên trong của mình, cái bên ngoài của kẻ khác, bỏ đi. Học hỏi không ngừng, dùng những cái mình có, không nên bắt chước thầy mà quên đi mọi sự lệ thuộc.
Các anh thường vẽ nhiều màu sắc, còn tôi, có bức chỉ một màu đen mà thôi.
Việt Nam nghèo nhưng nếu giàu mà dùng chất liệu quý cho việc không đẹp thì cũng uổng.
Từ 18, 19 tuổi tôi đã ra đi, bập bẹ vài tiếng Pháp. Nhưng sang Pháp nhập gia tùy tục, tôi xin vào trườg nào cũng bị từ chối vì không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ và từ đó, tôi trở thành họa sĩ. Thông thường, nghệ sĩ chỉ thích mây, gió, trăng, sao, tỏ vẻ không cần kinh tế. Hội họa cao quý như Đạo, vì vậy có người có người khi nói đến kinh tế cho là tồi tàn lắm. Nếu nghĩ vậy không được, hỏng mất. Làm ra cài gì mà không cần kinh tế.
Quê hương tôi khi nào cũng đi theo tôi khắp mọi nơi. Quê hương tôi cũng như quê hương các bạn, Có vẽ trong cái vòng đó mới hiểu được hết điều này
Trong cuộc triển lãm lần này của tôi tại quê nhà, tôi thấy rõ rằng: Dù quê nghèo nhưng vẫn có thể làm ra cái đẹp – đó là môn phái của tôi. Xưa nay, không có gì tồn tại lâu bền bằng Văn hóa và Nghệ thuật cả. Đó là tất cả những suy nghĩ của tôi nhắn đến các họa sĩ trẻ.
Bùi Quang Ngọc
Báo Mỹ Thuật Thời nay
Số 20 tháng 04/1992