TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761050
 
 
  HỌA SƯ LÊ BÁ ĐẢNG - TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ QUÊ NHÀ
   Nguyễn Xuân Hoàng
 
      

Họa sỹ Lê Bá Đảng sẽ trở về Việt Nam trong dịp Festival Huế 2004. Nơi triển lãm quen thuộc của ông vẫn là tiền sảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh TT Huế,  không phải sương  mù và những gam màu trắng tĩnh lặng của suy tưởng, cũng không phải đất nước nhìn từ xa và ở trên cao, ông trở về Việt Nam lần này với màu xanh dịu dàng - "Mùa xanh muôn một"....

Sau Festival Huế 2002, Họa sư Lê Bá Đảng trở về Pháp.

Cuộc triển lãm “Cõi người ta” đã thành công ngoài sự mong đợi. Thành công không phải vì người đến xem nhiều, vì ở đó lưu bút đầy đủ những tao nhân mặc khách nổi tiếng, mà thành công của cuộc triển lãm là ở chỗ cả làng Bích La từ Quảng Trị kéo nhau vào Huế xem ông Đảng vẽ cái chi mà nổi tiếng khắp trời Tây. Họ ăn mặc tuyền toàng, quần áo xộc xệch, những gương mặt một nắng hai sương bao năm tháng lam lũ trên đồng đất Bích La, mưa chan máu lạnh, nắng khóc gió Lào... chừ đứng kiễng chân ngắm nghía, rồi xuýt xoa người quê miềng tài ghê. Xem, ngắm nghía rồi gật gù, mỏi chân thì ngồi ghé ở bậc tam cấp, những bức tranh nổi tiếng khắp thế giới của Lê Bá Đảng không có gì khó hiểu với người nông dân Bích La. Đất nước được ông nhìn từ xa là một thế giới thu nhỏ của những bước chân Giao Chỉ đi về phương nam từ thuở mang gươm đi mở cõi. Hành trình ấy đã bắt đầu từ những dấu chân trên đám bùn hoang dại mà người nông dân gieo những nụ mầm đầu tiên, cho đến đám sương mù lịch sử được ông tái hiện qua cái nhìn của đôi mắt loài chim đại bàng, thấu suốt, thông cảm và không hề hoài nghi.

Người phương tây trân trọng gọi danh họa Lê Bá Đảng là họa sư - một bậc thầy của hội họa. Vậy thì Lê Bá Đảng đã được tôn sùng như một bậc thầy ở chỗ nào ? Trước hết, ông là một người châu Á, một người Á Đông và ông là người Việt ra đời ở một xứ sở nghèo nhất của nước Việt - vùng đất Quảng Trị gió Lào và cỏ lau. Văn hóa Đông phương đã thấm sâu vào con người ông từ thuở còn rất trẻ. Giống như Rabindranat Tagore, Lê Bá Đảng vô cùng biết ơn người lao động, ông trân trọng họ như đã trân trọng thượng đế. Như một dòng sông nhỏ nhoi nhưng đầy ắp khải minh, ông đã chảy giữa thủ đô Paris ngập tràn ánh sáng. Cuộc hành trình ấy đã bắt đầu từ Phố Con Mèo - một khu phố nghèo ở Paris dành cho những nghệ sĩ chưa thành tài ở khắp thế giới. Có thể nói văn hóa phương đông đã theo những dấu chân Giao Chỉ có mặt khắp lục địa già Âu châu. Người Âu châu ngơ ngác khi xem tranh Lê Bá Đảng và biết đến có một nền văn hóa hồn nhiên của người Giao Chỉ xa xưa. Những giá trị lý tính và thực chứng của phương tây chợt bị đánh động đến tận cùng gốc rễ và cảm thấy thiếu an toàn trước “cõi người ta” lạ lẫm trong từng bản thể. Ở đây, có lẽ những nhận thức sâu xa về đời sống tâm hồn con người từ cái nhìn phương đông đã nâng người họa sĩ nghèo ở Phố Con Mèo Paris lên tầm của một họa sư.

Kỳ lạ thay! Khi đến tay họa sư Lê Bá Đảng, tất cả những vật liệu bình thường của đời sống tẻ nhạt đã cất lên tiếng nói như là chúng đang ca hát về thân phận con người. Từ viên đá nhỏ nhỏi mấy ngàn năm tuổi đến một mặt gỗ buồn với những đường vân cho cả bốn mùa, đều thấm đẫm và tươi ròng một cõi người ta. Như rằng ông đã lượm từ hè phố từng hạt bụi, rồi phủi nó lên trong ánh sáng, và hạt bụi kia sáng lòa những giọt nước mắt. Không ngừng sáng tạo, Lê Bá Đảng còn tự sáng chế những loại giấy làm chất liệu hội họa của riêng mình. Những mẫu giấy ông dùng cũng rất lạ, nó mềm mại như tơ lụa Bích La xưa và sần sùi như thân gỗ Trường Sơn. Sự đa dạng của chất liệu, hay nói chính xác hơn bàn tay sử dụng tài hoa các chất liệu, đã làm nên một danh họa Lê Bá Đảng giữa đời thường. Rất gần với nghệ thuật sắp đặt, nhưng tranh của ông không phải là nghệ thuật sắp đặt, nó như một tập hợp tín hiệu của những cảm xúc được số phận đẩy trôi trong dòng thời gian chảy ngược. Lê Bá Đảng như một người nhạc trưởng cất đôi đũa thần cho tất cả gỗ đá hát vang niềm hoan lạc, và vén bức màn đêm tăm tối để chúng ta ngưỡng vọng cõi người.

Nghệ thuật hậu hiện đại thường vẫn có chút gì đó thực xa lạ. Nhưng Lê Bá Đảng thì không. Dù đi đến tận cùng hiện đại, thế giới hội họa của Lê Bá Đảng không hề là “người xa lạ”, mà thế giới ấy gần, rất gần, vì nếu không những người nông dân làng Bích La quê ông đã không thể trầm trồ khen ngợi đến ngây thơ những kiệt tác của ông, để hân hoan bảo rằng tranh ông đã vẽ về “làng miềng”. Lúc ấy tôi thấy Lê Bá Đảng cười, như ông đã từng cười ở Phố Con Mèo năm mươi năm trước, và sau đôi mắt kính đôn hậu rỉ ra những giọt nước mắt hồn nhiên. Triết học mà đời thường, siêu tưởng mà gần gũi, hiện đại đến từng chân tơ kẽ tóc mà lại rất truyền thống, thế giới hội họa của Lê Bá Đảng đã mở ra những chân trời lớn, đến nỗi khi đi qua phòng tranh của ông, tôi có cảm giác rằng mình vừa đi qua những dòng sông mênh mông bờ bãi, đi qua những đời núi nhấp nhô đại ngàn rừng và đi qua huyền sử lớn của một dân tộc. Gần gũi và minh triết - đó chính là nét quyến rũ của hội họa Lê Bá Đảng. Ông đến thế giới này và thuyết phục mọi người rằng nỗi đau cũng là một viên thành. Và, số phận con người đơn giản chỉ còn là đời sống nội tâm của nó được quy nạp, diễn dịch rồi chiếu rọi qua một phương tiện và chất liệu nào đó của nghệ thuật. Ông đã làm hội họa như một bổn phận. Nó là thứ nghĩa vụ tự ràng buột mà ông đã dành trọn cuộc đời mình.

Họa sư Lê Bá Đảng sẽ trở về Việt Nam trong dịp Festival Huế 2004. Nơi triển lãm quen thuộc của ông vẫn là tiền sảnh nhà bảo tàng Hồ Chí Minh - Huế. Không phải là sương mù và những gam màu trắng tĩnh lặng của suy tưởng, cũng không phải đất nước nhìn từ xa và ở trên cao, ông về Việt Nam lần này với một màu xanh dịu dàng, như là trái đất đã được ngắm nhìn từ chị Hằng: xanh và dịu dàng. Những người yêu hội họa mong tìm thấy trong sáng tác của ông những chất liệu và cảm xúc mới, những ý tưởng sáng tạo hồn nhiên và nhiều hơn cả là muốn tìm thấy trong thế giới hội họa tài hoa ấy một sự yên ủy cho tâm hồn mình.

Suốt hai năm qua, tôi vẫn mong ngày Lê Bá Đảng trở về. Tôi chờ đợi và hy vọng ở họa sư một chút màu xanh sẽ đi cùng ông. Cả thế giới xanh xao bất ngờ trở dạ, và niềm hy vọng được thắp lên như một ngọn nến ấm áp bên đường.

Nguyễn Xuân Hoàng

 




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com