Trong cữ đậm rét của mùa đông Hà Nội, nghệ sĩ Lê Bá Đảng cùng vợ từ Pháp về thăm cố hương. Một trong những công việc mà ông xúc tiến tại HN là triển khai dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng ở vùng Sóc Sơn, theo "đơn đặt hàng" của UBND TP.Hà Nội, hướng về dịp kỷ niệm 990 và 1000 năm Thăng Long. Tương lai, dự án này sẽ thành hiện thực với quy mô ra sao? Nghệ sĩ Lê Bá Đảng cho hay:
"Tất cả sẽ là một không gian vừa mỹ thuật, vừa huyền thoại, chưa hề thấy ở VN cũng như trên toàn cầu. Sóc Sơn rất phù hợp với ý tưởng nói trên...”. Thánh Gióng là truyền thuyết - vậy có cũng là không, không cũng là có. Nhưng dù gì, người Việt ta vẫn luôn kính trọng, tin tưởng và mong muốn truyền thuyết này muôn đời tươi đẹp. Cho nên, ở đây tôi sẽ chỉ tả cái “hồn” của Thánh Gióng và nếu có hình, sẽ gợi hình bóng đơn sơ, chứ không phải hình thật...”.
Lê Bá Đảng là một tài danh nghệ thuật đã được khẳng định trên thế giới và trong hành trang lao động của ông, cụm từ “ không gian Lê Bá Đảng ” cũng trở nên khá quen thuộc trong giới kiến trúc. Rồi đây, hẳn sẽ có nhiều ý kiến luận bàn về dự án này (như tính khả thi, hiệu quả nghệ thuật, vấn đề tài chính để thực hiện dự án...) , nhưng điều cần nhắc tới ở đây là việc chính quyền thành phố Hà Nội đã có tầm nhìn xa.
Thưa ông, trong suy nghĩ đơn thuần của nhiều người, một công trình tượng đài dứt khoát sẽ phải có tượng. Liệu với “ không gian Lê Bá Đảng ở Sóc Sơn ” , hình của tượng sẽ toát gợi “ hồn ” truyền thuyết theo phương cách nào?
- Theo tưởng tượng của tôi, hình của tượng sẽ rất giản dị trên đỉnh núi cao chót vót. Truyền thuyết đã cho hay, đánh xong giặc, Thánh Gióng đã bay về trời, vậy còn hình thức đâu nữa? Cho nên, không cần tượng cao, to, thật nặng như đã có ở đây đó. Ông Gióng đã hiển Thánh, thì Thánh đang bay lượn trên không trung, trên đồng ruộng, hồ nước của chúng ta từ bấy lâu nay. Do vậy, có hình thì sẽ có bóng. Những cái bóng của Thánh, của ngựa Thánh đã hiện hữu trên mặt đất, mặt nước và vì thế, trong không gian mỹ thuật này, bóng của Thánh (không chỉ một bóng) sẽ khác hẳn với các bóng khác, được phản chiếu theo sự thay đổi của ánh sáng, khí hậu của trời đất, có màu sắc và những đường lượn. Nếu ta đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, khi dự án hoàn thành, rất dễ thấy bóng hình Thánh Gióng ở khắp mọi nơi. Như vậy, dù không có những hình khối tượng khô cứng, vẫn nhìn ra Thánh, mới là huyền thoại, mới là sáng tạo và càng thêm sâu sắc, huyền ảo hơn...
Nhưng, thưa ông, chắc chắn sẽ có người cho rằng, nếu tả như vậy, thì có thể gợi hình Thánh nào cũng được, chứ không hẳn đó là Thánh Gióng.. .
- Không nên nhìn Thánh theo con mắt bề ngoài, mà phải theo con mắt bề trong mới độc đáo. Truyền thuyết Thánh Gióng có rất nhiều chi tiết hay, như cái vết chân lớn mà bà mẹ yếm vào rồi thụ thai sinh Gióng. Vì thế, tôi sẽ khai thác chi tiết này trong “ không gian Sóc Sơn”. Ngoài vài ba cái “bóng” Thánh và ngựa Thánh trên mặt đất, hồ, sẽ có hàng trăm “bàn chân Giao Chỉ” rải lối cho khách thập phương lên vãn cảnh đỉnh núi. Đây chính là một tác phẩm chưa hề có ngoài đất Việt mình, được dựng theo cách VN thuần tuý, không lai tạp ngoại.
Cũng xuất phát từ truyền thuyết “người Việt sinh ra từ trăm trứng” , tôi muốn tạo nên ở “không gian Sóc Sơn” những kiến trúc theo hình vỏ trứng. Bề ngoài thiết kế hài hoà với vẻ dân dã thiên nhiên. Bên trong, cấu trúc thành nơi ở, nơi bán hàng, sạch sẽ, tươm tất. Hãy thử hình dung, khách du lịch sẽ bất ngờ ra sao khi đến với những ngôi nhà hình “vỏ trứng” có các kích thước khác nhau như thế. Đứng về mặt mỹ thuật và tìm tòi, tôi “tự cao” cho rằng, kiểu thức đó độc nhất. Huyền thoại đã thành hình và cái đẹp không chỉ đẹp suông, mà còn có ích. Đẹp không chỉ với con mắt, mà còn đẹp cả trong lòng người, hài hoà với tạo hoá. “Không gian” này không những để tưởng nhớ công ơn ông Gióng đã dẹp giặc, cứu nước, mà còn là không gian mỹ thuật có tầm vóc và chất lượng, vừa thu hút khách du lịch, vừa đem lại việc làm cho bà con địa phương hiện sống rất nghèo.
Xin thú thực cùng ông, việc xây dựng những công trình tượng đài ở VN hoàn toàn “ phức tạp ” và “ tế nhị ” , trong khi đó, với những ý tưởng ông vừa nêu trên, dự án có quá nhiều nét mới và chắc chắn sẽ tốn hàng “ núi ” kinh phí. Nếu dự án có tính khả thi, được phép xây dựng, ông có tâm sự gì thêm?
- Tôi phải được toàn quyền chủ động về trách nhiệm thực hiện từ đầu cho tới khi hoàn tất công trình, với đủ vật liệu và tài chính như trù liệu phê duyệt. ở tuổi đời 80 và 60 năm tuổi nghề (đã từng đi làm ăn từ xứ này sang nước nọ), kinh nghiệm đã mách bảo tôi như vậy. Điều thứ 2, khi “không gian Sóc Sơn” được triển khai thành một không gian mỹ thuật, thì từ nay, không được xây dựng các công trình bừa bãi, xâm hại quy hoạch thiết kế tổng thể. Cũng đã có người đã lo hộ tôi, sợ rằng ý tưởng của tôi sẽ không được thực thi, tôi đã trả lời họ “ sẽ vui vẻ nhường chỗ lại cho người khác với một điều kiện, tôi chỉ giữ bản quyền những ý nghĩ, phác thảo của tôi và không ai được chiếm dụng nó...”.
- Xin cảm ơn những tâm sự của ông.
|
Lê Quang Vinh
|