2-10 là ngày nhóm họa sĩ trẻ Huế khai mạc phòng tranh tại Orfila, Paris. Biết chúng tôi đang trông chờ, lão họa sĩ Lê Bá Đảng đã tới sớm trước giờ khai mạc một tiếng dù ông đang rất bận rộn cho cuộc triển lãm sắp tới của mình vào ngày 21-10.
Đã 84 tuổi nhưng ông vẫn đầy phong độ như những lần chúng tôi đã gặp tại các kỳ triển lãm nhân Festival Huế 2002, 2004. Ngoài chuyện quê nhà, chuyện đời chuyện nghề, lão họa sĩ nói nhiều về tương lai mỹ thuật VN và cho chúng tôi một cuộc hẹn tại studio của ông.
Mặc dù đã được xem tranh ông nhiều lần từ trước và không ít lần lạc lối trong mênh mông sắc màu của các website lebadang.com, lebadang.org, lebadang.free.fr nhưng chúng tôi vẫn hết sức xúc động khi bước vào thế giới nghệ thuật Lê Bá Đảng, với nhiều tác phẩm chưa thấy xuất hiện ở VN hay ngay cả trên Internet. Xưởng của ông là không gian nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng tạo hình, là thế giới của “Xanh”, của “Mùa xanh muôn một”, “Muôn” nhưng vẫn bí ẩn chảy về “Một”. Mênh mông là những tranh, tượng, phù điêu, đất nung, thép uốn, vàng uốn…
Không gian Lê Bá Đảng (Lê Bá Đảng space) dần dần được hé lộ qua từng câu chuyện, từng mẩu ký ức, có cả những ký ức rất đau buồn! Qua đó ông làm thay đổi quan niệm của chúng tôi về cách nghĩ, cách làm nghệ thuật. Có những vấn đề tưởng bất di bất dịch nhưng qua cách đặt vấn đề của ông, chúng tôi thấy mới mẻ hẳn. Ví dụ: nếu bảo tàng đơn giản chỉ là ngôi nhà rồi đặt tranh bày tượng vào đó, có người gác người hướng dẫn thì ông đã làm từ lâu! Nhưng ông muốn một bảo tàng mà qua đó nghệ thuật của ông ăn liền vào cây cỏ, đất đá, sông núi, chịu phận mưa gió dãi dầu như con người vậy.
Hay với thể loại tranh “hai mặt” của ông: như lẽ thường “chân lý có tính chất nhị bội” nên ông tạo hình luôn mặt sau của tranh, hai mặt tranh bổ sung nhau, song hành cùng nhau trong một chủ đề. Ở nhiều tác phẩm ông phá bỏ khuôn hình, không còn vuông, tròn, chữ nhật, thay đổi luôn cách treo, đặt để tác phẩm…
Lão họa sĩ say sưa nói về những dự định, những ý tưởng mà ông hằng ao ước được thực hiện ở quê nhà. Ông luôn làm mới mẻ những cái đã cũ. Nào là trang trí xích lô, mặc áo cho cây, vườn yêu, vườn thất tình, vườn tiên, vườn thơ, vườn trăm trứng, vườn tranh, vườn ca dao tục ngữ, vườn thiền, vườn ma quỉ… Chưa hết, còn xóm “Gạo”, làng “Nếp” trên đường Trường Sơn... Không dừng lại ở ý tưởng, ông còn đề xuất phương cách thực hiện rất cụ thể. Phải dựa theo lịch sử, văn hóa của ông cha và kết hợp với chất liệu sẵn có trong nước mà sáng tác. Thay đổi cách nhìn, kỹ thuật, hình thức, ý nghĩ, chất liệu… cho đến cả những gì đã học trong trường.
Phải đến Paris mới thấy hết giá trị và sức thu hút của nghệ thuật Lê Bá Đảng. Ở đất nước của văn hóa nghệ thuật thế giới này, Lê Bá Đảng có một vị trí thật sang trọng: sách vở ở đây đã ghi nhận thuật ngữ lebadanggraphic (đồ họa Lê Bá Đảng). Ông nói một cách rất chân thành: “Các cháu xem đấy, bác đã vinh quang và giàu có thật sự bằng nghệ thuật”, nhưng ông vẫn chưa thể yên lòng vì “vẫn chưa được làm điều đó cho quê hương”.
|
Võ Xuân Huy (Bài đăng trên Báo Tuổi Trẻ năm 2004 ) |