"Tôi còn nhớ tất cả những hình ảnh của thời thơ ấu. Đêm đêm những kỷ niệm Việt Nam lại hiện về, trăng sao hẳn như ngày nào còn chiếu rọi trên mảnh đất quê hương, đã khiến cho tôi có cảm hứng dùng nhiều màu đen. Đó mới chỉ là một ví dụ. Trong tranh tôi có thể nhận ra rất nhiều điều Việt Nam: Màu sắc, sông ngòi, bờ biển. Và còn cả ánh sáng nữa kia! Có một loại ánh sáng toả chiếu trên đầu ngọn cây mà bạn chỉ có thể thấy có ở Việt Nam mà thôi. Những đề tài ưa thích nhất của tôi cũng bắt nguồn từ những kỷ niệm, hồi tưởng về những ngày mơ mộng của tuổi thơ. Ký ức tôi nhắc lại một vùng lấp lánh nước, những thửa ruộng lúa lóng lánh phản chiếu ánh nắng. Thiên nhiên, với những vẻ đẹp rực rỡ riêng của nó, hằng hà những chi tiết mà tôi còn tìm cách diễn tả lại bằng cọ vẽ. Tôi cũng còn nhớ những con ngựa, những con chim, mà muốn ghi lại những sinh động của chúng cũng cần mất phải một đời người".
Đó là lời tâm sự của hoạ sỹ Lê Bá Đảng, người nghệ sỹ được giới thưởng ngoạn nghệ thuật thế giới tôn làm hoạ sư của thế giới Đông Tây, trong một buổi dành cho tạp chí Art Collecting, số 4 Mùa Đông 1989.
Hoạ sư Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, tỉnh Quảng Trị Ông sang Pháp năm 1941, rồi theo học Nghệ thuật ở Viện Nghệ thuật Toulouse, Pháp. Mười năm sau Ông đã mở cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Paris và được báo chí hết lời ca ngợi. Trong suốt hơn ba thập niên kế tiếp, ông đã gặt hái nhiều thành công qua rất nhiều cuộc triển lãm ở Châu Âu, từ Librairie du Globe (Paris, 1950) đến Galerie de L'Odeon (Paris 1950- 1953), Au Seuil étroit (Paris, 1956 - 1958). Đầu năm 1960, ông trở lại triển lãm ở Au Seuil étroit ở Paris, tiếp theo ở Galerie Source, Aix - en - Provence trước khi mang những hoạ phẩm của mình đến với giới thưởng ngoạn mỹ thuật ở Đức, Anh, Hà Lan trong những năm cuối của thập niên 1960. Năm 1966, ông trưng bày tranh lần đầu tiên ở Hoa Kỳ tại Viện bảo tàng nghệ thuật Cincinnati, Ohio và phòng tranh The Newman Contempary Art ở Philadelphia, Pennsylvania. Sau đó, rải rác trong các năm của thập niên 1970, ông đã trở lại Hoa Kỳ nhiều lần trong sự chờ mong và tán thưởng của những người chú tâm vào sinh hoạt mỹ thuật và nghệ thuật.
Từ những đô thị miền Đông Bắc Hoa Kỳ còn chịu nhiều ảnh hưởng văn học và nghệ thuật của Âu Châu trong các thế kỷ trước như Boston, New york; cho đến các thành phố mới hơn ở miền trung trù phú và đa diện như Chicago, Cincinnati hay Dayton ở Ohio; hay ở các thành phố tân biên cương hùng vỹ như Denver, qua tới những trung tâm nghệ thuật sinh động với một lối sống phóng khoáng hơn nằm bên bờ Thái Bình Dương như San Diego, Los Angeles, hoạ sư Lê Bá Đảng đã đạt được lòng khâm phục và ngưỡng mộ của giới thưởng ngoạn qua các tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống, với những phương thức và phương tiện diễn đạt mới lạ, độc đáo, tách rời khỏi những khuôn vàng thước ngọc, kiểu mẫu, hình thức của bất cứ một trường phái hội hoạ nào, cổ điển hay tân thời. Toàn bộ tác phẩm của ông cho đến bây giờ là một sự tổng hợp nhiều hình thức và phương tiện diễn đạt khác nhau, mà mỗi thứ đều có những nét đặc thù riêng của nó. Bắt đầu đi vào thế giới nghệ thuật với bộ tranh "Bát Mã" (Eight Horses) là những tác phẩm in nổi, không dùng màu sắc hay mực để tô vẽ, ông đã chuyển sang kỹ thuật in thạch bản (Lithography) với bức "Thiên nhiên im lặng Nguyện cầu" (1967), và năm sau, ông sáng tác một bộ tranh ngựa khác. Trong khoảng từ 1969 đến 1973, ông hoàn thành môt bộ điêu khắc về Việt Nam với nhan đề "Paysage Indomptable". Từ đây điêu khắc đã trở thành một phương thức diễn đạt được Lê Bá Đảng sử dụng rất thần kỳ trong các sáng tác về sau. Năm 1977, ông đã sáng chế, hoàn thiện và ứng dụng một kỹ thuật in tranh độc đáo, được giới chuyên môn gọi là "lebadangraphy", trong bộ tranh "Hoa".
Thành công trong hội hoạ và điêu khắc nhà nghệ sĩ tài danh họ Lê đã thực hiện y trang cho vở tuồng "Trọng Thuỷ - Mỵ Châu" - trình diễn ở Hí viện Quốc gia ở Paris. Qua công trình sáng tạo y phục và phong cảnh sân khấu cho vở tuồng này, ông đã phối hợp một cách tài tình những nét duyên dáng và đặc sắc của hai nền văn hoá Đông và Tây, khiến cho khán giả và các nhà phê bình nghệ thuật nức lời khen ngợi. Hiền thê ông, một nhà vẽ kiểu thời trang cho Christian Dior, cũng đã đóng góp một phần vào việc thực hiện những y trang này. Đây có lẽ là một trong những kinh nghiệm khởi đầu cho những sáng tạo nữ trang nghệ thuật về sau này, phối hợp hội hoạ, điêu khắc, chạm trổ trên những quý kim như vàng, bạc, bạch kim, đá quý...
Hai bộ sưu tập quan trọng nhất có lẽ là bộ "La Comédie Humaine" (1981) và "Espaces" (1985). Đây là hai bộ tác phẩm chẳng những đã đưa người hoạ sỹ tài danh lên hàng hoạ sư, mà còn chứa đựng những phát biểu quan trọng về quan điểm nghệ thuật cũng như quan niệm sáng tác của ông.
"La Comédie Humaine" gồm 36 tác phẩm, trong đó có 12 tác phẩm điêu khắc, dùng nhiều vật liệu khác nhau như gỗ và thép trắng (stainless steel). Chủ đề của các tác phẩm điêu khắc này quy tụ tình người, tình mẫu tử, sự trùng phùng hội ngộ hay tưởng niệm tình người. Qua các tác phẩm này, ngoài những đường nét nghệ thuật độc đáo, ông còn diễn đạt lòng nhân ái vô bờ và tình yêu thương của mình đối với những người thân yêu nhất đời ông: hiền thê và nam tử. Người nữ trong tác phẩm này bao giờ cũng gây một ấn tượng bao bọc, che chở, bao dung, khoan hoà và nhất là một tình yêu thương gắn bó. Hình dáng người nam bên cạnh người nữ, dong dỏng cao, mặt hướng thẳng, đầy sức sống và nam tính, sẵn sàng đón nhận trách nhiệm tạo dựng hạnh phúc cho mọi người.
Hai mươi bốn tác phẩm hội hoạ trong bộ tranh này sử dụng cả hai kỹ thuật in nổi và màu nước, hay in thạch bản. Thoạt nhìn qua, những bức tranh này mang tính á Đông, với trăng nước, thuyền đò; đường nét mảnh khảnh tinh tế của những bức tranh thuỷ mặc Trung Hoa. Thế nhưng cái tĩnh của Đông Phương đã ngưng lại ở đó, để hoà vào cái động của Tây Phương thành một bức tranh quý, qua cách dùng màu, hay các hình người phóng nét một cách linh động ở trong tranh. Một đặc điểm khác là tranh của ông chan hoà ánh sáng, ngay cả ở trong những bức tương đối dùng nhiều màu tối. ánh sáng này có khi toả ra từ những mảng màu đỏ ngay trên nền màu xanh chàm, hay màu vàng nhạt, có khi xuất phát từ những vệt màu trắng nằm lẫn trong các màu tối hay thẫm hơn. Hình thể trong tranh ông cũng gây cho người thưởng ngoạn những khám phá thích thú. Hình thể không còn là những đường nét kỷ hà cứng cỏi mà là những hình dáng sinh động. Hình vuông nằm cạnh, hoặc nằm chồng lên hình tròn tạo thành một khối vuông tròn nhất thể. Hình tròn trong tranh ông còn tượng trưng cho sự viên mãn và toàn vẹn của đời sống con người. Một đặc điểm khác là sự hiện diện của những hình người trong bộ tranh này, khác hẳn với những tác phẩm trước chỉ dùng phong cảnh, động vật hay tĩnh vật để làm đề tài. "Bỗng nhiên, trong các hồi tưởng qua thị giác, tôi đã thấy khá đông những người đã ảnh hưởng đến tôi và tạo nên người tôi như là tôi bây giờ. Với những tinh tế sâu sắc, tôi tìm thấy những nét đẹp nơi mỗi cố gắng cá nhân, và lòng yêu đời đã làm cho người què quặt đi lại được, làm cho người mù nhìn thấy được bằng tay và mắt của họ" 2. Đó là lý do của sự hiện diện những hình người trong tranh của ông, chan hoà tình yêu nhân loại qua những nét vẽ phóng khoáng và lạc quan.
Bộ "Espaces" được hoàn thành vào năm 1985 và được trưng bày lần đầu tiên tại phòng tranh Circle Gallery-Soho ở New york, gồm 32 tác phẩm cỡ lớn và 23 tác phẩm cỡ nhỏ hơn (trung bình 50x50). Đây là một bộ tranh đươc thực hiện với với một kỹ thuật sáng tác mới lạ, đầy tính nguyên thuỷ và chứa đựng một tầm nhìn bao la hơn về sự tương quan giữa con người, vũ trụ, thiên nhiên và nghệ thuật.
Với một phương thức diễn đạt mới lạ, nhà hoạ sỹ tài danh đã sử dụng giấy 3cắt xén, đẽo gọt, đắp lớp này lên lớp khác để tạo một chiều sâu, khi thăm thẳm, khi mênh mông hun hút những núi cao vực sâu, lúc là là như những gợn sóng mơn man bờ cát. Những đường cắt hẹp và sắc, chạy một cách tự nhiên từ chiều này qua chiều khác của cả bức tranh, rồi được làm sâu bằng những màu tối, khi đen, khi xanh như trong "Vườn Hạnh phúc" (Jardin Bonheur) là những mạch máu đem lại sinh khí cho phong cảnh làm nền. Hình dáng con người vẫn còn hiện diện trong cảnh trí của bộ "Espaces", tuy mờ nhạt hơn. ở đây bóng người lung linh mờ ảo huyền hoặc, khác hẳn với những nét sinh động trong những dáng người của bộ "La Comédie Humaine". Con người trong "Espaces" tan loãng ra và hoà nhập với cái bao la bát ngát của vũ trụ. Lòng thương tiếc của người hoạ sỹ với người con trai duy nhất mệnh vào một tuổi giữa đời đã khiến nét vẽ nhoè đi theo cảm xúc. Đúng vậy, trong lúc hoàn thành những hoạ phẩm trứ danh này, ông đã hoà nhập lòng thương con vô cùng vào công trình sáng tạo của mình, và ông đã bộc lộ hết cảm xúc qua những động tác cắt, xén, sơn, vẽ, hoà hợp màu sắc với tình cảm để đưa nghệ thuật vút cao và xa hơn.
Những thành quả của nhà nghệ sỹ tài ba Lê Bá Đảng không bao giờ làm cho ông quên rằng mình là một người Việt Nam. Tuy sống xa quê hương đã non nửa thế kỷ, ông vẫn còn giữ nguyên hình dáng và tâm tình của người Việt trọn vẹn. Trong một buổi tiếp tân nhân dịp triển lãm tranh ở Long Beach vào năm 1988, tôi đã có dịp gặp và hàn huyên cùng hoạ sư qua sự giới thiệu của một người bạn thân. Ngoài những thích thú riêng khi được đối thoại với một tài năng hiếm có, tôi còn biết được ông là một người đồng hương Quảng Trị, hay những hình ảnh tang thương của quê nhà được nhắc đến, tôi lại thấy mắt ông long lanh ngấn lệ. Niềm nhung nhớ quê hương có lẽ không bao giờ nguôi trong suốt năm mươi năm xa xứ. Tuy là một người nổi danh thế giới, ông là một người rất khiêm tốn và hoà nhã, rất thân thiện và dễ mến, khiến cho người đối diện cảm thấy như hai người đã thân thiết từ lâu. Dáng người quắc thước nhưng không nghiêm khắc, vầng trán cao để lộ một khuôn mặt thông thái, uyên bác, đôi mắt luôn nhìn thẳng như sẵn sàng kết nối với người trước mặt trong một tình thân. ở nơi ông, tuổi đời đã được che kín bằng nụ cười nhẹ nhàng của một người đã sống trọn đời mình cho nghệ thuật.
Tình yêu quê hương thắm thiết đã biểu lộ trong nhiều tác phẩm của ông. ở đâu ta cũng có thể tìm thấy những hình bóng quen thuộc bàng bạc dưới màu sơn, nét cọ. Tình yêu quê hương này đã là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận như ông đã xác nhận khi ông giải thích chủ đề sáng tác của bộ tranh "La Comédie Humaine": "Tôi tin rằng người thưởng lãm sẽ nhận được rằng chủ đề sáng tạo được ưa chuộng của tôi đã bắt nguồn từ những hoài niệm, những ký ức của một thời thơ ấu mơ mộng, niềm nhớ quê nhà đang bị một cuộc chiến tranh tàn phá. Tất cả đã thăng hoa thành cuộc sống biệt xứ miên viễn này" 4 . Biên tập viên tạp chí Art Collecting cũng đã ghi lại nỗi niềm này như sau: "ở Việt Nam cái tinh tế Đông phương và sự chú tâm vào thiên nhiên đã phải chống chọi với nền văn hoá Âu châu chú tâm đến Con Người và Nghệ Thuật. Trong gần năm mươi năm từ khi Lê Bá Đảng rời Việt Nam, sự giằng co kịch liệt và phong phú này chưa bao giờ rời ông - nó nằm ngay trong những tác phẩm nổi danh quốc tế bằng màu nước, tác phẩm điêu khắc, thạch bản, in lụa hay nữ trang" 5.
Sự thành công của hoạ sư Lê Bá Đảng là tổng hợp của nhiều yếu tố chỉ có thể cùng hiện diện một lúc ở nơi một thiên tài mà thôi. Tính nguyên thuỷ trong sáng tạo qua các tác phẩm của ông không đến từ những khám phá ngẫu hứng tình cờ, mà là kết quả của mười năm phung phí tìm cách gột bỏ, rửa sạch những gì ông đã được truyền thụ ở Viện Mỹ thuật Toulouse. Nếu không làm thế ông chỉ là những môn đệ của Leonard de Vinci, Renoir, Monet, Modigliani, Picaso, hay Norman Rockwell mà thôi. Nhưng yếu tố chính vẫn là lòng nhân ái nơi ông. Tình người, và giá trị con người chân chính, luôn luôn là những thúc đẩy, cảm hứng, vừa thiết tha vừa thôi thúc, đã đưa ông lên đỉnh cao của nghệ thuật.
Thạch Hãn Lê Thọ Giáo
1 Art Collecting, số 4, Mùa Đông 1898, tr.14
2 La Comédie Humaine, Catalog, Gallery Promenade, woodland Hills, CA. 1981
3 Giấy dùng trong các tác phẩm này là một loại giấy đặc biệt (all-rag) do George Duchêne chế tạo bằng tay tại nhà máy Larroque ở Dordogne, Pháp
4 La Comedia Humaine
5 Art Collecting, tr.13
|
Lê Thọ Giáo (Bài đăng trên Kỷ yếu Quảng Trị ) |