Họa sĩ Lê Bá Đảng (Việt kiều tại Pháp), sinh năm 1921 tại Quảng Trị, là một nghệ sĩ lớn về nghệ thuật tạo hình, sống ở Pháp từ năm 1939. Ông có nhiều cuộc triển lãm ở Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản… và nhận được nhiều giải thưởng, huân chương vinh dự quốc tế. Vừa qua, gia đình họa sĩ Lê Bá Đảng đã tổ chức cuộc triển lãm ảnh “Mặc áo cho cây” tại Khu du lịch Bình Quới TP Hồ Chí Minh.
Có người đã gọi sức sáng tạo của ông mạnh mẽ như một “hỏa diệm sơn” đang hoạt động, thỉnh thoảng phun ra những nham thạch nghệ thuật. Mỗi lần xuất hiện là gần như có sự tìm tòi mới lạ về một chất liệu dành cho ý tưởng, cảm nhận, suy tư nào đó đã bất chợt đến với ông trong thực tại cuộc sống, hoặc trong một giấc mơ. Ông thường say sưa vẽ, in thạch bản, khắc tượng gỗ, tượng đá, làm đất nung, trang trí đồ trang sức một cách khéo léo, tài hoa.Nhiều thập niên 50, 60, 70, 80, 90 trôi qua, Lê Bá Đảng đã không ngừng sáng tạo và thành công từ những bức vẽ, những tác phẩm điêu khắc về các đề tài: Mèo, Ngựa, Bước chân Giao Chỉ, Bất khuất, Thiền họa, Sắc không, Tấn tuồng nhân loại, Cõi dục, Hạt gạo Trường Sơn, Không gian … Hình ảnh bụi tre, bờ ruộng, những người nông dân chân đất cần cù, hình ảnh dịu dàng, âu yếm của tình mẫu tử, hình ảnh hoa đào ngày xuân, chú ngựa bất kham ngày xưa của cha, những hình ảnh hào hùng của lịch sử dân tộc… luôn thể hiện sâu đậm qua nhiều thời kỳ sáng tác của ông. Đặc biệt, ông vẽ đường Trường Sơn thời còn chiến tranh, với tình cảm yêu nước nồng nàn, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Lê Bá Đảng mô tả con đường cứu nước của nhân dân Việt Nam trên đường Trường Sơn hùng vĩ, đầy gian nan nhưng không bao giờ chia cắt được đường ống màu đỏ, tượng trưng huyết mạch Bắc Nam…
Nghệ thuật Lê Bá Đảng được đánh giá độc đáo nhất là cách thể hiện đề tài Không gian. Có bức mong manh với những đường nét mực tàu như tranh thủy mặc; có những bức hoành tráng được sắp xếp nhiều lớp nổi, nhiều vạch màu sơn dầu nổi bật như kiểu không gian “viễn thám”, từ trên cao nhìn xuống thấy rõ núi đồi chập chùng, sông ngòi ngoằn ngoèo, đồng bằng mênh mông, đại dương sâu thẳm… Nhắc đến nghệ thuật Lê Bá Đảng, người ta thường hình dung đến cái nhìn bao quát không gian của một cánh chim bằng và vẻ đẹp kỳ vĩ của động nghệ thuật, một công trình kiến tạo nghệ thuật của ông ở miền Beaux de Provence, nước Pháp.
Theo lời kể chuyện của kỹ sư Lê Bá Phiếu, họa sĩ Lê Bá Đảng đã về nước từ 1976. Sau khi được đi thực tế trên đường Trường Sơn, ông nghĩ tiếp đến đề tài Hạt gạo Trường Sơn. Ông cho rằng chính những hạt gạo của nhân dân đã góp phần làm nên những trang sử thi vĩ đại của dân tộc. Lê Bá Đảng đã chạm khắc hình tượng hạt gạo Trường Sơn bằng đá, dựng tiếp theo những trang sử Việt từ thời đại Âu Lạc, gợi lại tâm thức dân tộc sâu xa cho đến giai đoạn hiện đại. Tất cả hình ảnh, tượng khắc được trưng bày trong động nghệ thuật Lê Bá Đảng ở Provence. Khi đến tham quan nơi đây, nhiều du khách trên thế giới đã tỏ lòng khâm phục và hết sức ngưỡng mộ công trình nghệ thuật đầy ý nghĩa sâu sắc như vậy.
Từ lâu công chúng nhiều nơi trên thế giới đã biết đến tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Nhưng mãi đến năm 1992, lần đầu tiên tại quê nhà Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị, người con xa xứ gần 50 năm trời mới có dịp trình làng những đứa con nghệ thuật của mình với ý nghĩa dâng lễ tạ ơn ông bà, tổ tiên, xóm làng quê hương. Niềm vui sướng, cảm động nhất đối với Lê Bá Đảng khi khách thưởng ngoạn tranh là những người chân lấm tay bùn. Sau khi xem tranh, họ đã nói với ông: “Tôi chưa hiểu hết ý tứ gì của tranh, nhưng tôi thấy ngay trong tranh ông Đảng có màu của bùn, màu của đất, của ao làng Bích La Động…” Năm 2002, Lê Bá Đảng lại về nước, có mặt trong cuộc triển lãm tranh của ông, chủ đề Bất khuất tại Festival Huế. Tranh của ông cũng gây được sự chú ý lớn của công chúng ở đất cố đô. Năm nay, theo dự cảm sáng tạo mới, ông gửi ảnh chương trình Mặc áo cho cây, với những góc nhìn mỹ thuật mới mẻ cho thiên nhiên dành cho Khu du lịch Bình Quới.
Giá như, nếu có thể tiến tới ý tưởng táo bạo hơn là việc tạo lập một không gian hang động nghệ thuật Lê Bá Đảng như ở Provence tại thành phố Hồ Chí Minh? Công trình này có thể sẽ làm tăng thêm ý nghĩa, giá trị văn hóa, nghệ thuật và không kém phần hấp dẫn du lịch của một thành phố lớn của cả nước.
|
Kim Ứng (Bài đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng Năm 2003 ) |