TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761045
 
 
  Tài - tình Lê Bá Đảng
   Trần Tuấn
 
      

Tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - số 15 Lê Lợi, Huế vừa khai trương bên bờ sông Hương, họa sĩ đã dành choTiền phong một cuộc tiếp xúc cởi mở.

Tai tinh Le Ba Dang
Lê Bá Đảng và người bạn – GS Trần Văn Khê tại buổi khai trương TT nghệ thuật Lê Bá Đảng

Thưa họa sĩ, vậy là ngay tại dịp Festival này, ông đã có một chốn nghệ thuật của riêng mình, chứ không phải “gửi nhờ” như 2 lần lễ hội gần đây?

Huế cho tôi cái nhà này để tôi làm bảo tàng nghệ thuật. Tôi mang về đây những tác phẩm chính yếu của mọi giai đoạn sáng tác rất dài và rất nhiều của mình.Trước mắt là 108 tác phẩm tranh và tượng.

Ở đây sẽ có hầu như hết cả những tìm tòi sáng tạo của riêng tôi và không giống ai hết, từ chất liệu, cách sắp đặt, kỹ thuật, nghệ thuật... Bày ra đây những cái chưa ai có để không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà này, mà làm đẹp cả tạo hóa ở đây.

Tôi muốn góp phần làm cho Huế trở thành một kinh đô nghệ thuật. Và từ nơi này, tôi muốn đào tạo tất cả những ai yêu nghệ thuật từ trẻ tới không trẻ, nghệ sĩ hay không nghệ sĩ một trường phái nghệ thuật mới lạ nhưng rất Việt Nam.

Trước đây Huế từng hai lần cho tôi nhà, nhưng tôi chưa nhận. Cũng có những nước cho tôi nhà để làm bảo tàng, nhưng tôi từ chối.

Nhiều người nói Lê Bá Đảng rất... kiêu ngạo?

Tôi chỉ kiêu ngạo với những ai không am hiểu nghệ thuật nhưng lại muốn áp đặt lên tôi. Cái “kiêu ngạo” của tôi là tôi không muốn vẽ theo Tây, Tàu, Mỹ, không nịnh hót những kẻ giàu có. Nghệ thuật chân chính là vậy.

Việt Nam mình không nhỏ, thân hình mình nhỏ chứ đầu óc không hề nhỏ. Tôi đi theo bắt chước văn hóa chứ không bắt chước ai hết. Người Việt mình hai chữ “tài” và “tình” thường đi liền nhau. Mà có tình mới có “cảm”. Nghệ thuật của tôi chứa đựng rất nhiều tình cảm.

Tôi muốn cho người ta biết mình tuy nghèo, nhưng tài nghệ, đặc biệt là tình cảm mình hơn người ta.

Nhưng ông cũng từng cho rằng tác phẩm của ông cũng rất chính trị?

Đúng vậy, tranh của tôi rất nhiều tình cảm, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì rất chính trị.

Để Huế trở thành một kinh đô nghệ thuật, ông có những ý tưởng gì, thưa ông?

Nhiều lắm. Khi nãy tôi có nói muốn làm đẹp cả tạo hóa nơi đây, đó là nhà cửa, đường phố, là sông nước, cây cỏ hoa lá... để làm sao phần đông người dân bình thường cũng như du khách năm châu đến đây đều có thể thụ hưởng và hiểu vẻ đẹp đó.

Các họa sĩ khác ngắm nhìn phong cảnh để vẽ thành bức tranh, còn tôi thì biến chính phong cảnh đó thành bức tranh. Tại sao ta không “mặc áo” cho cây cối? Tôi muốn đặt nơi ngã tư đường phố những bức thảm bằng nhựa hoặc đá thật đẹp mà các nơi khác chưa hề có.

Những người cần nghệ thuật nhất là những người đau ốm trong bệnh viện. Ta đưa nghệ thuật vào bệnh viện thì có phải mang lại nhân đạo cho con người không? Ví dụ như sông Hương, tôi muốn mỗi nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm kể về một câu chuyện tổ tiên xưa rồi đặt xuống đáy nước, du khách sẽ chèo thuyền xem những câu chuyện ấy qua thuyền đáy kính.

Bờ sông Hương là nơi sang trọng, nhưng bày những tác phẩm điêu khắc lộn xộn của người nước ngoài là không ổn. Theo tôi nên dành cho họ một hòn núi để họ tạo ra thế giới nghệ thuật riêng của họ. Còn bờ sông Hương phải là tác phẩm của người Việt Nam, như có thể bày ra đó 100 quả trứng bằng đủ loại vật liệu, đẹp biết bao nhiêu.

Văn hóa lịch sử Việt Nam mình đầu tiên phải kể đến Thành Cổ Loa (Thành ốc). Huế hoàn toàn có thể xây một quần thể Thành ốc cao mấy trăm thước trên đồi Vọng Cảnh để ngành du lịch tổ chức buôn bán, ăn nghỉ trong đó, và khách có thể leo thang máy lên xem phong cảnh, như tháp Eiffel ở Paris. Còn hỏi tiền ở đâu, tại sao bỏ tiền xây những cao ốc bao nhiêu tầng thì được. Tôi nghĩ rất nhiều người Việt Nam sẽ bỏ tiền ra làm, không cần đến nước ngoài...

Trần Tuấn

Họa sĩ Lê Bá Đảng đưa tôi dạo quanh một vòng Trung tâm nghệ thuật của ông và dừng lại bên bức tranh Nạn chiến tranh 1965 dài tới 7 mét, rộng 1,2 m treo riêng biệt trong một phòng được bố trí ánh sáng tối sẫm.

Cảnh bi thương hiện lên trên từng gương mặt và những cánh tay chới với của những người đàn bà, trẻ con bị khói lửa bạo tàn vây bủa. “Năm 1965, ở Pháp chúng tôi nghèo lắm - ông kể - Vợ chồng tôi phải nhịn ăn cả tháng trời mới có tiền mua màu vẽ. Mà tôi có tới mấy chục bức khổ lớn như thế.

Còn đây là một phần trong série Phong cảnh bất khuất , tôi dành duy nhất cho con đường Trường Sơn huyền thoại vẽ những năm 1970-1975 (được biết tổng thể bộ tranh đồ sộ tới 500 bức vẽ hoành tráng - PV). Tôi vẽ đường mòn Hồ Chí Minh hoàn toàn trong tưởng tượng, trong tôi nó hiện lên như một sợi chỉ đỏ tươi thắm.

Hay như những bức Đi tìm dấu chân Giao Chỉ , tác phẩm điêu khắc Cọc chông Bạch Đằng ... Năm 1973, ở Paris gặp các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ của đoàn đàm phán Việt Nam, tôi đã vẽ nhiều bức gửi về Việt Nam”.

Họa sĩ chợt dừng tay ở cuối những bức tranh, chỉ vào dấu triện bằng đầu ngón tay cái bên trên mỗi chữ ký của tác giả: “Cờ đỏ sao vàng, còn đây là cờ Mặt trận...”. Tôi chợt hiểu, hai chữ “chính trị” ông nói chung quy lại vẫn chỉ một chữ “tình”: Tình yêu quê hương đất Mẹ sâu nặng máu thịt ...




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com