TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:758828
 
 
  MUỐN ĂN PHẢI LĂN VÔ BẾP
   Huỳnh Lê Nhật Tấn
 
      

Xem tranh Lê Bá Đảng, người thưởng ngoạn sẽ lập tức bị rơi vào thần thái - nội tâm riêng của chính tác giả bằng một đôi cánh bay... Nơi đó là hình ảnh phong sương từ ô thửa ruộng, bàn chân Giao Chỉ, hay là sự giao thoa nơi cõi mộng. Không gian Lê Bá Đảng là sự im lặng, tha thiết khi ông nắm lấy đôi tay rung cảm nơi "cõi thiền", gợi lên cảnh giới sắc sắc, không không. Từ thành phố Huế, ông dành những tâm sự riêng của mình với bạn đọc Thanh Niên Tuần San.

*Hơn 60 năm cầm cọ và sáng tạo, ông có thể nói đến gì về "Vẽ" -  một khái niệm hình như không dễ nói với chính các họa sĩ?

- Bà con gắn cho tôi cái danh hiệu họa sĩ. Và đã là họa sĩ thì cả đời chỉ biết vẽ. Tôi vẽ để mà sống và sống để mà vẽ. Mỗi sáng mở mắt ra xông vào vẽ mọi thứ, vẽ trời, vẽ đất, vẽ mây, vẽ cả trâu, bò, gà, vịt, chim chóc, chó ngựa, vẽ cây, vẽ cối, vẽ cây ngô đồng: "Không trồng mà mọc, em chưa có chồng anh chọc anh chơi". Vẽ ánh sáng, vẽ tối đen như mực, vẽ gió rồi vẽ mưa, vẽ trời vẽ đất, vẽ thánh thần ma quỷ. Tôi vẽ cả tấm lòng khi giận khi yêu đương, vui buồn và tư lự. Như lời tâm niệm: "Ngày có thì vẽ có - Ngày không thì vẽ không. Vẽ không sẽ thành có, có có không không".


 

* Điều gì làm ông ấn tượng, hay nghiền ngẫm nhiều trong đời sống hội họa?

- Riêng vẽ "mèo" là tôi vẽ để bán buôn, nuôi vợ đẻ con, ăn no mặc ấm, nhà cửa sang trọng như ai. "Ai bảo mèo là con vật bình thường, xó bếp?". "Ai dám nói dân quê chỉ biết đi cày, không biết vẽ tranh?". Tôi vẽ mèo là để trả lời hai câu hỏi "thường tình" đó. Vẽ cái gì tôi cũng nghiền ngẫm cả. Những lúc mưa thuận gió hòa, ông bà giúp đỡ, tôi vẽ cho những ai có tấm lòng hé mở, có môi cười duyên dáng, có tình cảm giữa con người với đất nước. Vẽ cả giận dữ yêu đương, thương với ghét. Vẽ cõi vô hình...

Những thứ mà ông không thích vẽ?

- Tôi ít vẽ cô gái lẳng lơ, không áo chẳng quần để nịnh hót con mắt loại mê dâm, ù ỳ gật gật...

* Được biết, dù xa quê nhiều năm, nhưng trong lòng ông, quê hương vẫn như là da thịt, là khối óc và cả tấm lòng mình. Làm sao ông giữ được điều ấy lâu bền đến vậy?

Tôi ở xa quê hương ngàn dặm đã mấy chục năm dài đằng đẵng (từ năm 1939 - 1976), lúc đất nước đang có giặc ngoại xâm. Tôi đành dựa theo văn hóa, lịch sử truyền thống, cảnh sắc, đời sống của dân tộc để vẽ lại cái kiêu hãnh của giống nòi, vẽ những cái chưa ai vẽ, vẽ tranh chống giặc, triển lãm khắp nơi để chống ngoại xâm, vẽ con đường mòn Hồ Chí Minh vĩ đại để ca tụng và nhớ ơn vạn ngàn chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.



* Đối với bản năng của nhiều họa sĩ thì chính nội tâm mình là tác phẩm, ông đi tìm trong chất liệu cho tác phẩm thế nào?

- Tôi lấy cả mảnh máy bay B52 bị bắn rơi để làm tác phẩm. Tôi đập phá, mài, dũa, làm thành tác phẩm chống giặc và cho chúng biết là cái sức mạnh không phải ở chiếc máy bay hung ác của chúng mà ở đôi bàn tay mềm dẻo này đây. Ý chính của tôi là làm đẹp cái cũ, làm sang cho đất nước và cả linh hồn dĩ vãng. Cái đẹp nhiều khi tự nhiên tầm thường, như chưa hề có bất cứ ở đâu? Mỹ thuật hay không mỹ thuật tôi không hề biết. Mỗi lúc tôi chọn một kiểu chất liệu cho tác phẩm.


* Xin ông cho biết từ những cuộc triển lãm trong nước, festival Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, ông nghiệm ra điều gì mới  trong cái đẹp khi nhìn về Việt Nam hôm nay?

- Vừa qua, tôi có đề nghị với chính quyền Huế dựng lên một tác phẩm (tranh) dài mấy trăm thước, lót trên đường, dọc theo bờ sông Hương mà du khách có thể đi lại trên tranh và đóng vai trò "phần tử của tranh". Cùng một lúc tôi đề nghị dựng lên một thành "Ốc" xoáy cao lên như hình con ốc (đền Cổ Loa) để du khách leo lên đỉnh cao tìm thêm cái mới, cái lạ, của Huế, đẹp tự nhiên mà chưa ai có.



Đây là một đường lối mỹ thuật Việt Nam chứ không còn bắt chước nước ngoài nữa. Tuy nhiên, cái đẹp đó cũng cần đi đôi với sống đẹp nữa. Những cái đẹp này thu hút khách du lịch, giúp bà con sống bằng vật chất... Hiện giờ ước mơ của tôi là làm sao để Huế có thể trở nên một "kinh đô mỹ thuật", sang trọng, chưa đâu có. Nhưng "một cây làm chẳng nên non", nói vậy để biết tôi không phải tự cao, kiêu hãnh. Theo tôi nghĩ thì vẻ đẹp của đời sống là cái trường tồn. Và khi người ta càng giàu có thì càng cần đến. Vậy còn chần chờ gì nữa, "muốn ăn thì phải lăn vô bếp".
Vài nét về họa sĩ

Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 26.7.1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sang Pháp năm 1939, đã tham gia vào đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức Quốc xã bắt làm tù binh. Sau đó ông học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành một họa sĩ có tên tuổi ở châu Âu.

Triển lãm đầu tiên của ông ra mắt tại Paris năm 1950. Năm 1989, ông đã nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ. Năm 1992, được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. Năm 1994, được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương văn hóa nghệ thuật Pháp". Năm 2005, ông được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử VietnamNet phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng. Năm 2006, ông cùng UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15 Lê Lợi, TP Huế.

                                          Huỳnh Lê Nhật Tấn




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com