TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:729659
  TIN TỨC
Bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây (18/15/15)
  
Trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, để sáng tạo luôn luôn phải tiếp thu, tận dụng tính kế thừa. Với hoàn cảnh của mình, họa sĩ Lê Bá Đảng càng thấy rõ được điều đó, nên sự sáng tạo của ông đã đi theo một con đường như vậy. Chẳng hạn một sáng tạo quan trọng nhất của họa sĩ Lê Bá Đảng được giới hội họa thế giới thừa nhận đó là thuật in tranh được đặt tên gọi là Lebadangraphie

Họa sĩ Lê Bá Đảng (ngoài cùng bên phải) tại triển lãm tranh đầu tiên tại Hà Nội năm 1994.

Sinh năm 1921, tại Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, họa sĩ Lê Bá Đảng sang Pháp năm 1939 để tham gia vào đội quân kháng chiến chống phát-xít Đức của Pháp và bị bắt làm tù binh.

Ông kể: Ban đầu bị tạm giam ở khu trại tù phần lớn là người Do Thái và Đông Âu - khu trại của những tù nhân ở diện đi làm khổ sai hay sẽ bị đem đi thủ tiêu. Thấy ông dáng dấp nhỏ bé lại có khuôn mặt châu Á, vì tò mò, kíp sĩ quan SS đã gọi ông ra thẩm vấn.

Chúng hỏi ông quốc tịch gì? Lê Bá Đảng nói: Việt Nam. Viên sĩ quan ngơ ngác hỏi các đồng sự: Việt Nam ở đâu? Không ai biết. Rồi một sĩ quan khác hỏi: Việt Nam có gần Nhật Bản không? Lê Bá Đảng nhanh nhảu trả lời: Gần, gần lắm, cũng là nước châu Á, là láng giềng... Sau cuộc thẩm tra chóng vánh ngồ ngộ ấy, chúng chuyển ông sang khu trại giam có nhiều tù nhân Pháp.

Sau khi được trả tự do, sống vất vưởng ở Pa-ri một thời gian, ông theo chân những người thất nghiệp từ kinh thành hoa lệ này đến Tu-lu-dơ tìm việc, xin được vào một xưởng cơ khí nhỏ trong thành phố làm thợ phụ việc và thấy cuộc đời tạm ổn, nhưng không có tương lai. Ông nhớ, thời hồi niên thiếu trong làng thường bảo ông là một chàng trai "có hoa tay" vì ông đục đẽo, nặn vẽ những đồ vật, con vật khá giống, hay làm được những công việc cần sự khéo tay. Ở Tu-lu-dơ có một học viện nghệ thuật, ông biết để thi vào trường này người ta chú trọng đến năng khiếu hơn là văn hóa, điều đó thuận lợi cho ông - người chẳng bằng cấp gì ngoài khả năng trời cho đó. Để thi vào trường này ông đã xin vào học ở một lớp luyện vẽ, nhưng có sự oái ăm là lớp này chỉ dạy từ 5 giờ chiều đến 7 giờ 30 tối, mà 5 giờ chiều ông mới được nghỉ làm. Để khắc phục điều này, ông nhớ lại: "Ngày ấy, để đi học thêm vẽ tôi phải chạy, chạy hết tốc lực, chạy đến bở hơi tai trên đoạn đường dài 5 đến 6 km từ xưởng đến lớp. Càng chạy nhanh bao nhiêu thì càng có nhiều thời gian được ngồi ở lớp vẽ lâu bấy nhiêu và ngược lại. Ông thầy dạy vẽ thấy lần nào đến lớp quần áo tôi cũng thấm đẫm mồ hôi, mặt mũi đôi khi còn chưa lau sạch vết dầu mỡ.

Khi biết chuyện, ông thầy vẽ đã rất quý mến tinh thần siêng năng, nhiệt tình học tập của người học trò châu Á của mình".

Sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Tu-lu-dơ, họa sĩ Lê Bá Đảng lại phải bắt đầu lao vào một cuộc chạy đua mới. Lần này không phải chạy nhanh bằng đôi chân đến lớp cho khỏi muộn mà chạy đua bằng cái đầu để khỏi bị chậm, lạc hậu với những khuynh hướng, trường phái hội họa mà lúc nào cũng hết sức sôi động ở nước Pháp, ở Pa-ri nơi luôn là một trong những trung tâm quan trọng nhất sản sinh ra những khuynh hướng trào lưu nghệ thuật mới. Và với bản chất một người yêu lao động, luôn học hỏi, siêng năng, chăm chỉ làm việc, thích phiêu lưu và có bản lĩnh, họa sĩ Lê Bá Đảng đã đạt được những kết quả rất khả quan trong sự nghiệp nghệ thuật của ông, những điều đó đã được ghi nhận, công bố trong giới nghệ thuật cũng như giới truyền thông lâu nay.

Điều quý giá nhất ở con người họa sĩ Lê Bá Đảng mà ta thấy được là tinh thần cầu thị, luôn học hỏi để sáng tạo.

Trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, để sáng tạo luôn luôn phải tiếp thu, tận dụng tính kế thừa. Với hoàn cảnh của mình, họa sĩ Lê Bá Đảng càng thấy rõ được điều đó, nên sự sáng tạo của ông đã đi theo một con đường như vậy. Chẳng hạn một sáng tạo quan trọng nhất của họa sĩ Lê Bá Đảng được giới hội họa thế giới thừa nhận đó là thuật in tranh được đặt tên gọi là Lebadangraphie. Lối in tranh này được tìm tòi, được làm mới lại, làm phong phú thêm trên cơ sở của lối in tranh tay (L'estampe) truyền thống của phương Tây. Với lối in tranh tay truyền thống, để in được nhiều mầu cho một bản tranh, phải in nhiều lần.

Họa sĩ Lê Bá Đảng đã tìm ra kỹ thuật mới độc đáo, có thể tạo nhiều mầu cho một bản tranh chỉ bằng một lần in.

Hay tranh về không gian (L'espace) của họa sĩ cũng vậy. Không gian không phải đề tài gì mới mẻ. Trong lịch sử hội họa, tranh về đề tài không gian đã có rất nhiều họa sĩ vẽ và không ít tác phẩm bất hủ được lưu danh. Để tạo ra những bức tranh này, họa sĩ Lê Bá Đảng đã kết hợp tài tình giữa lối vẽ của phương Tây và phương Đông, rồi tìm thêm lối vẽ mới của mình để phản ánh đối tượng. Ngoài việc vẫn tận dụng cái nhìn theo luật viễn cảnh (Perspective) của phương Tây, hay lối nhìn theo chiều ngang (hình bẹt) của phương Đông; ông còn sử dụng lối nhìn của loài chim, của những phi hành gia từ trên cao, từ khoảng không để nhìn mặt đất, nhìn vũ trụ, tạo ra những không gian cho riêng mình, tạo nên được những thế giới kỳ ảo, thơ mộng và hoang đường.

Tinh thần cầu thị, ham học hỏi, thích phiêu lưu của họa sĩ còn thể hiện ở việc ông không giống nhiều họa sĩ suốt đời chỉ chuyên tâm vào thực hiện một thể loại, mà đã lao vào đủ mọi thể loại của nghệ thuật tạo hình để học tập, để thử nghiệm, để khám phá: tranh in, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài, tranh cắt dán, tranh dệt, điêu khắc, chạm gỗ, chạm đá, chạm đồng, đất nung, gốm sứ, đồ trang sức (Bijou)...

Tiếp nhận những cái mới, cái lạ của nghệ thuật luôn là một vấn đề lớn trong đời sống nghệ thuật.

Những họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam xem tranh của Lê Bá Đảng chính là Dương Bích Liên và Nguyễn Sáng. Tôi là người đã đưa tranh cho các anh xem và các cuốn ca-ta-lô của họa sĩ Lê Bá Đảng gửi về. Còn những bức tranh đầu tiên của các họa sĩ Việt Nam mà Lê Bá Đảng xem tại Việt Nam khi về nước cũng chính là tranh của "Bộ tứ" (Sáng - Liêm - Nghiêm -Phái) treo trong nhà chúng tôi ở Hạ Hồi. Xem những bức tranh này, họa sĩ Lê Bá Đảng đã đưa ra những nhận xét rất cụ thể. Còn Nguyễn Sáng, khi xem tranh của Lê Bá Đảng, ông đứng ngắm nhìn lâu, chẳng nói gì, đầu gật gù, gật gù, không biết ông khen hay chê. Họa sĩ Dương Bích Liên thì chỉ đưa ra một nhận xét ngắn gọn: "Đấy cũng là một lối vẽ. Để vẽ được như vậy cũng không dễ, rất kỳ công!". Xem tranh Lê Bá Đảng, đặc biệt là những tranh chủ đề không gian, thấy ông thường sử dụng một cách tinh tế, khéo léo những thuật trổ, đắp bột, đắp giấy cát, sỏi... trên mặt tranh, hay sử dụng kỹ thuật của lối tạo gờ nổi (Relief) hoặc chìm (Cas - Relief), tạo ra những sự lồi lõm (L'irrégularité) muôn hình nhiều vẻ ở nhiều góc độ, cũng như sử dụng nhiều kỹ thuật phụ trợ khác để làm ra một bức tranh.

Hiểu được sự tiếp nhận cái mới, cái lạ của nghệ thuật không dễ, hồi đầu về nước, Lê Bá Đảng cũng không giao lưu với giới hội họa. Cuộc gặp gỡ nho nhỏ, thực tế là cuộc thăm dò đầu tiên của ông với giới nghệ sĩ của Hà Nội là ở nhà thi sĩ Hoàng Trung Thông. Buổi chuyện trò diễn ra vui vẻ, kết thúc là cuộc thi vẽ giữa họa sĩ Nguyễn Sáng và họa sĩ Lê Bá Đảng, thời gian tính bằng số rượu còn ít ỏi trong chiếc chai để trên bàn mà mọi người đang uống.

Hết rượu là hết giờ. Đề tài vẽ về mèo.

Kết thúc cuộc thi, họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ được hai con mèo, còn họa sĩ Lê Bá Đảng vẽ được một con mèo theo lối vẽ một nét sở trường. Sau vụ này, tôi có hỏi lại họa sĩ Lê Bá Đảng: "Với lối vẽ mèo một nét quen thuộc của bác, trong thời gian ấy bác phải vẽ được đến năm, bảy con chứ, tại sao lại chỉ vẽ được một?". Họa sĩ Lê Bá Đảng cười toáng lên, bảo rằng: "Hải ơi! Mình là khách, phải biết lịch sự chứ". Đấy là thuở ban đầu. Bây giờ thì đã khác lắm rồi.

Họa sĩ Lê Bá Đảng là người có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Ông thành danh trên đất Pháp và được mệnh danh là "một bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây". Từ Festival Huế 2004 đến nay, họa sĩ Lê Bá Đảng đã có nhiều cuộc triển lãm và hoạt động nghệ thuật tại Huế. Ông từ trần lúc 1 giờ 15 phút ngày 7-3 (giờ địa phương) tại Pa-ri, Pháp, hưởng thọ 94 tuổi.

NGUYỄN HÀO HẢI
(Bài đăng trên báo Nhân Dân)


Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com