TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:729675
 
 
  CÕI TÂM LINH VIỆT
   Ngô Minh
 
      

T ại Festival Huế 2004 có một triển lãm thu hút rất nhiều trí thức, nghệ sĩ đến xem, đó là triển lãm "Mùa xanh muôn một" của hoạ sỹ Lê Bá Đảng. Festival Huế trước giới yêu nghệ thuật cũng được đắm chìm trong "Không gian Lê Bá Đảng". Nếu "Mùa Xanh muôn một" là một thế giới yên tĩnh, sâu lắng, ẩn hiện, toả sáng đằng sau màu xanh chìm nổi, bao la của sự sống thì "Không gian Lê Bá Đảng" là cái còn lại, là phần chìm sau của sự sống, truyền thuyết và hiện tại pha trộn. Đó chính là cõi tâm, cõi vô tâm trong trời đất.

N ghệ thuật Lê Bá Đảng không phải là tranh, cũng không phải là tượng, chẳng phải tả chân, cũng chẳng phải tượng trưng, nó biến ảo, mơ hồ và ám ảnh. Có lẽ đó là phần cốt của thơ sau khi đã lắng hết ngôn từ. "Không gian Lê Bá Đảng " là những hang động do ông tự tạo nên bằng những chất liệu hiện đại. Tác phẩm "Hạt gạo Trường Sơn" (1996) bằng gốm màu đất đỏ phù sa châu thổ là hình ảnh "hạt gạo làng ta" ngàn đời hai sương một nắng. Đứng bên những "Hạt gạo Trường Sơn" trong phòng triển lãm Lê Bá Đảng ta vừa cảm nhận được sự ấm áp và yên lành, lại vừa mong lung buồn nhớ về cõi xa xăm. Hoạ sĩ tiết lộ, ông còn có những hạt gạo lớn như con trâu, cái nhà, con thuyền, hòn núi vọng phu... nhưng không đưa vào triển lãm được. Ông ao ước được tái hiện hạt gạo Trường Sơn ở đồi Vọng Cảnh (Huế). Lúc đó mọi du khách có thể ở trọ trong những hạt gạo ấy như ở trong khách sạn!

Trong không gian Lê Bá Đảng thường xuất hiện hình ảnh BÀN CHÂN con người. Ở Baux (Pháp), hoạ sĩ Lê Bá Đảng có tác phẩm nửa điêu khắc, nửa kiến trúc gọi là thạch động, được tạo dựng từ một hang động trong lòng núi. Đó là Giáo đường hình ảnh thu hút khách với hàng trăm, hàng ngàn hình ảnh con người trong cõi nhân gian. Nổi bật trên trên vách động là hình ảnh Bàn Chân trần mà con người đã hành trình từ không đến có, từ có đến không, từ hiện hữu đến đến hư vô thăm thẳm. Bức tranh khổ rộng lớn "Đi tìm bước chân Giao Chỉ" (1983) là cuộc hành trình không mệt mỏi của dân tộc, hành trình của những dấu chân bấm vào đất, sỏi đá để đi tìm sự sống, để đi tìm lại chính mình trong cộng đồng thế giới. Xem tranh mà ứa nước mắt. Lại còn có bức tượng gỗ với cái tên Bàn Chân Giao Chỉ với các ngón choẽ ra, ngón cái to bè, chai sần, rỗ hà, mòn vẹt vì bùn lầy, nước đọng - Bàn chân đã làm nên lịch sử. Một loạt bức tranh siêu thực hoành tráng như Đất nước (1976), Phong cảnh bất khuất (1973), Hậu quả chiến tranh (1965)... đều là cuộc tìm về cội nguồn dân tộc, tìm về chốn thẳm sâu của lịch sử và thân phận con người để lý giải sức trường tồn của nòi giống Việt. Những anh hùng vĩ đại của dân tộc có tên như Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... trong tranh Đất nước hay hai mươi mấy gương mặt vô danh trong bức Hậu quả chiến tranh, cũng đều là những người làm nên đất nước và tâm linh Việt Nam. Quả thực không có gì làm ta phải bần thần suy tư và thấm thía đến vậy.
T ừ năm 1982, hoạ sĩ Lê Bá Đảng đã phát hiện ra một cách nhìn mới đối với thế giới chất liệu, hình thức thể hiện của riêng ông. Đó là cách nhìn từ trên không như loài chim bay lượn (Lê Bá Đảng), cách nhìn của một con hải âu bay qua những không gian vô tận, hoà nhập vào tâm thức của một người cỡi gió đi khám phá vũ trụ (chữ của Hoàng Phủ Ngọc tường). Cách nhìn của Phương Đông, của người Việt theo cách một tối - một sáng, một tĩnh - một động, nghe được cả tiếng thầm thì của của Âm và Dương, của hư vô xa thẳm, của bào thai sự sống từ thủa khai sinh. Không gian đó không có đầu, không có cuối, không có trước, không có sau, mênh mang, vô tận. Đó là làng quê thân thương, núi sông biển trời, hồ nước, nhà cửa nơi mình sinh ra, những hình ảnh người thân thuộc... Có lúc ta thấy những Không gian Lê Bá Đảng ấy giống như những sự sống đầu tiên, hay một tế bào sinh thể vũ trụ mà từ đó sự sống sinh thành.

L ê Bá Đảng là tên tuổi nghệ thuật lớn của thế giới thế kỷ XX. Ông sinh năm 1921 tại làng Bích La Đông, Quảng Trị. 20 tuổi sang Pháp và năm 1950 đã có cuộc triển lãm đầu tiên tại Pháp. Năm 1989, Ông được Viện Quốc tế Sain Louis (Mỹ) tặng danh hiện Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo, năm 1992 được trung tâm tiểu sử quốc tế, trường Đại học Cambridge (Anh) bầu chọn là một trong 10 người nổi tiếng trên thế giới trong năm 1992 - 1993. Năm 1994, nước Pháp tặng ông Huân chương Nghệ thuật Văn học Pháp. Ông đã được bầu là công dân danh dự của nhiều thành phố trên thế giới... Năm nay đã vào tuổi 84, Ông vẫn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh lắm.
Xem nghệ thuật Lê Bá Đảng, tôi trộm nghĩ, nếu có bản lĩnh sáng tạo mạnh mẽ, mỗi nghệ sĩ Việt Namhoàn toàn có thể khởi nguồn từ văn hoá Việt để sáng tạo nên thứ nghệ thuật của riêng mình chinh phục thế giới. Vâng Điềm Phùng Thị, Nguyễn Thiện Đạo, Esola... đã làm được như thế!

Ngô Minh
(Bài đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng)




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com