TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:729702
 
 
  Vườn mộ Loa Thành
   Vườn mộ loa thành
 
      

Dân tộc Việt Nam ai ai cũng bùi ngùi, cảm động khi nhớ đến ông bà tổ tiên. Ai ai cũng muốn tìm lại những cái gì độc đáo có tính cách và nguồn cội dân tộc, muốn bãi bỏ hết những cái gì lệ thuộc do người ngoài mang đến. Nhiều người nước ngoài mang lại cho ta cái văn hóa hay cái không văn hóa của họ. Nhiều cái đã ăn sâu vào ta nhưng sự thật những cái đó vẫn là của nước ngoài. Thứ nhất là những mê tín về mồ mả, yểm huyệt, long mạch mà bè lũ quân Cao Biền mang qua từ thời Hán thuộc.

Ngày nay chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại từng cái một và chọn lọc, chữa đổi để cao hãnh là một dân tộc không chịu lệ thuộc. Cái hố chia rẽ giữa Việt Nam chúng ta không sâu lắm và phần lớn là do lý thuyết xảo trá của người nước ngoài đưa đến. Nhìn kỹ lại ở giữa người Việt Nam dù có khác nhau về đạo giáo, khuynh hướng chính trị, giàu nghèo, có học thức hay thất học, nam, trung hay bắc vẫn có những cái rất giống nhau, rất thuần túy Việt Nam.

Cái đầu tiên giống nhau và in sâu vào đầu óc của mọi người Việt Nam là kính trọng, thờ phụng cha mẹ, ông bà tổ tiên và gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn.

Vậy vì sao chúng ta không dựa vào đó để làm một sợi dây thắt chặt tình nghĩa của giống nòi làm thành một cá tính mà ít dân tộc nào có. Làm cho nó thuần túy, thơm tho và ý nghĩa hơn cả Vạn Lý Trường Thành và thật là đặc sắc Việt Nam. Vạn Lý Trường Thành to tát, đồ sộ về bề dài, về khối lượng còn bề sâu của nó thì tôi chưa thấy.

Về phần chúng ta tôi đề nghị: Mỗi làng chúng ta từ nam chí bắc, miền núi hay miền biển và cho đến các nước khác có nhiều người Việt Nam ở thì chúng ta cùng nhau mỗi làng, mỗi nơi xây một mẫu mộ chung có tính cách nòi giống cho tất cả ông bà tổ tiên đã qua cũng như người sắp chết, không phân biệt gia đình, giàu nghèo, tôn giáo.

Chúng ta con cháu vua Hùng, ai ai cũng nghe nói đến thành Ốc đời Hùng Vương. Tôi có ý và đề nghị mộ địa sẽ lấy mẫu gốc từ thành Ốc và làm thành một tác phẩm nghệ thuật giữa vườn cây cối hoa trái. Mộ địa xây từ thấp đến cao theo hình xoáy trôn óc, thể hiện bề dày lịch sử và trong đó nền mỹ thuật Hùng Vương đóng một vai trò quan trọng đối với mỹ thuật dân tộc.

Tất cả các thi hài đều đặt chung cạnh nhau từ thấp đến cao và chính ở giữa và trên cao chỉ có một nơi hương khói, cúng vái, tặng vật làm lễ chung. Ý niệm rằng từ một bọc sinh ra, linh hồn và thi hài đều là chung. Cho nên lúc nào cũng có người đến viếng và hương khói dâng vật lễ. Cúng vái cho ông bà mình cũng như cho tất cả, thành ra nơi đây không ai lẻ loi, hiu quạnh. Nơi đây cũng là vườn hoa, là mộ địa, là tác phẩm mỹ thuật, là tình nghĩa, là văn hóa, vui vẻ, thân mật, tụ họp quên cả hận thù, kẻ sống cùng người chết giữa thiên nhiên tạo hóa.

Vườn mộ là nơi quan trọng, nơi lui tới của những người lúc rảnh rỗi, tượng trưng cái ân nghĩa, cái gắn bó một khối liên kết từ người chết đến người sống, ông bà tổ tiên chứng kiến, tạo hóa và thiên nhiên đùm bọc.

Tinh thần đoàn kết, mọi người như một, không chia rẽ riêng biệt nhỏ nhen, xóa bỏ tính ích kỷ, ai của nấy.

Thế mới là đặc sắc Việt Nam.

Mỗi làng Việt Nam đều có một vườn mộ, nơi nào có người Việt Nam sống và chết đều có vườn mộ. Mỗi năm sẽ có nhiều ngày lễ, lễ tảo mộ, lễ giỗ tổ (10-03):

Ai ơi đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Rồi hàng năm, cả nước định trước một giờ, một ngày nào, cả nước từ vườn mộ này qua vườn mộ kia, đứng bắt tay nhau tỏ tình đoàn kết, một lý tưởng. Tình đoàn kết này là nhờ công ơn của tổ tiên đã quá vãng mà con cháu còn sống phải vun vén và đoàn kết mãi. Giờ phút này quên hết hận thù, nhỏ nhen và lo xây dựng ngày mai với lòng bác ái của tổ tiên.

“Bây giờ ta lại là ta”

Rồi bây giờ chúng ta nhìn lại xưa nay mạnh ai làm mộ nấy, người giàu làm mộ to, người nghèo mộ nhỏ, rải rác khắp đồng ruộng, choán đất đai làm ăn, chia rẽ đủ mọi mặt. Giàu có đầy đủ hôm nay rồi một ngày nào đó không may bị tai nạn, giặc giã, gia đình tản mác, không một ai chăm sóc hương khói, mồ mả lạnh tanh đến lúc lìa bỏ đi để có đủ ruộng đất làm ăn. Mộ địa của ta đến bây giờ dù có to tát đến đâu đi nữa cũng rất buồn tẻ, khi giống Tây, khi giống Tàu chứ không có tính cách gì đặc biệt là Việt Nam.

Nếu mỗi chúng ta chịu khó tìm hiểu để mỗi làng có một vườn mộ như ý kiến trên đây là một bước đầu tìm lại cá tính Việt Nam. Dù trong lĩnh vực mồ mả hay trong đời sống của con người Việt Nam cũng phải từ đây không chịu một tí lệ thuộc nào của người ngoài mang đến.

“Ta về ta tắm ao ta”

Còn ở các nước khác, có rất nhiều người Việt Nam ở đó, lúc chết chôn mỗi người một nơi, ít ai đi lại thăm viếng và có nhiều khi bạn bè gia đình muốn đến thăm cũng chẳng biết đâu mà tìm. Vậy cho nên các nhóm Việt Kiều nên tổ chức mỗi nơi làm chung một vườn mộ như ý trên để hòng có người lui tới, khỏi bị mất xác như tro rác.

Tác phẩm vườn mộ Việt Nam kéo dài và quanh co cả nước, lại vượt biển qua các nước theo con người Việt Nam nên tôi tin rằng nó sẽ dài hơn Vạn lý trường thành và ý nghĩa tình người lại rất sâu xa.

Paris, 1991



 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com