Vật thể hóa một hiện tượng tâm linh, đem những yếu tố hữu hình, vật chất, của thực nghiệm ra để phân tích một hiện tượng thần bí, đó là công việc của khoa học. Sinh hóa một vật thể, thần hóa một hiện tượng vật chất, thuộc địa hạt nghệ sĩ.
Hạt gạo trong lòng một dân tộc bẩy mươi phần trăm làm nghề nông, trở thành hạt đời, hạt reo mầm sống và hạt hạ mầm chết. Có gạo có sinh, không gạo không sống. Người ta sống nhờ gạo, với gạo, nhưng không coi gạo như một ảo vật huyền bí tạo sinh khi hột gạo đầy, không nhìn gạo như một biến hình khai tử khi hột gạo rỗng. Tất cả những cái nhìn vừa tâm linh, vừa tâm vật ấy thể hiện trong Hạt Gạo Lê Bá Ðảng: Ðiêu khắc và hội họa hòa hợp để kiến tạo nên một sinh thể gạo, mà tâm sinh vật, vật sinh tâm. Hạt gạo bá đảng tức là hạt gạo của trăm làng, reo rắc truyền bá lời nói thẳng, hạt gạo có bệ phóng như cái loa. Hạt gạo trực ngôn mang bản chất của người nghệ sĩ có tên Bá Ðảng. Bá như trăm, bá như cái loa, bá cứng như gỗ trắc, bá mềm và uyển chuyển như dây cương ngựa bằng da; đảng như thôn làng, đảng như lời nói thẳng; tất cả những ý nghĩa tiềm ẩn trong hai chữ Bá và Ðảng, tên người nghệ sĩ.
Vật thể gạo nơi người nghệ sĩ này, đã được biến thành một sinh thể tâm linh và huyền thoại: gạo đầu lâu, gạo thạp thố, gạo ông Ðịa, gạo Rùa, gạo Âu Cơ trăm trứng, gạo âm ty, gạo vọng phu, gạo Thành Hoàng, gạo Thổ Công, gạo cá, gạo Bình Than, Diên Hồng, gạo Ngũ Lĩnh, gạo nước, gạo rồng rắn lên mây, gạo tiền sử... Lê Bá Ðảng thể hiện gạo như một sự tìm về nguyên thủy. Trên đường đi, gạo bước qua lịch sử, bước qua truyền thuyết, gạo Bá Ðảng là gạo sử thi của một dân tộc và qua dân tộc đó, là sử thi của con người. Những yếu tố gạo ấy, sáng như những ánh tâm linh, đặc như thể chất, rỗng như hư vô, được họa sĩ vận vào phong cảnh Trường Sơn, như muốn nhân hóa thiên nhiên. Biến cõi nhiên giới thành nhân giới: Ông khắc tạc và reo rắc trên Trường Sơn những hạt gạo Bá Ðảng, tạo nên một Trường Sơn mà nội tâm và ngoại cảnh giao thoa. Trường Sơn mới nổi bật những biến cố lịch sử con người mà Trường Sơn đã mục kích, đã sống từ thuở hồng hoang đến bây giờ.
Trường Sơn ấy không chỉ là Trường Sơn thiên nhiên thuần túy, vô hồn, mà đã trở thành một Trường Sơn nhân văn, trùng điệp núi rừng, nặng mang dấu tích con người. Một Trường Sơn có tâm, có ký ức và biểu lộ phần tâm, phần ức của mình cùng suối, đèo, mây, gió, thổ lộ tâm sự của mình với những khách du tìm đến Trường Sơn, không phải như một vật thể đất đá, mà tìm đến Trường Sơn như một linh vật bảo giữ lịch sử và huyền thoại của một dân tộc, để kể lại với vũ trụ và con người.