Trong Thiền Luận, có một chương Suzuki bàn đến Trụ xứ của Bồ Tát, và trong chương này, có chỗ Suzuki nhắc đến câu kinh trong Bát Nhã Bát Thiên Tụng: "Tâm của Như Lai không trụ bất kỳ đâu, không trụ trên các pháp hữu vi, không trụ trên các pháp vô vi và do đó không hề rời khỏi vũ trụ." Câu kinh này diễn đạt thuyết "Tánh không" trong đạo Phật.
Tôi là gì? Tôi ở đâu? Tôi từ đâu đến? Tôi đi về đâu? Tất cả những câu hỏi này có thể gồm lại thành một: Tự tánh của tôi ở đâu? Nghĩa là trụ xứ, chỗ trú của tôi ở đâu, do đâu mà tôi dấy lên hành động? Về câu hỏi này, các vị thiền sư có những lời đáp khác nhau. Thượng Khê Liên khi được hỏi về phong cảnh Thượng Khê, sư đáp: "Con nước trước mắt chảy về đông." Thiền sư Minh ở Tương Ðàm đáp: "Núi liền Ðại Nhạc, nước tiếp Tiêu Tương." Thái Khâm ở Kim Lăng trả lời: "Không vẽ nổi". (Thiền Luận, Suzuki, quyển hạ). Tất cả những khẩu quyết trên đều nhắc tới trụ xứ của Bồ Tát.
Kinh Kim Cương đưa ra một khía cạnh khác của thuyết Tánh không: "Hãy để cho tâm của người khởi lên mà không cố định nó bất cứ ở đâu." Lời kinh hàm súc tàng ẩn một ý nghĩa thiết thực: dựng tâm mình dạy mà không cố định nó bất cứ ở đâu", hay "làm chủ trọn vẹn chính mình".
Hai ba chục bức tranh Phật khổng lồ mà Lê Bá Ðảng thực hiện trong một thời gian rất ngắn, như thể trong mỗi sát na giác ngộ, người nghệ sĩ thấy được một Bồ Tát dấy lên từ vô thức để đi vào cõi Tâm không, Tánh không. Nghệ sĩ thể hiện cái "Tâm không trụ" của chính mình, tạo ra một cõi thiền riêng Lê Bá Ðảng. Ở đây ông đã bỏ rơi hết cả: bỏ đường nét, bỏ màu sắc, chỉ giữ lại một màu xanh nguyên thủy của vũ trụ Tánh không. Trong lối nói hiện sinh, người ta có thể bảo Lê Bá Ðảng vẽ cái hư vô trong con người. Nhưng vẽ gì thì vẽ, Lê Bá Ðảng cũng chỉ vẽ chính mình, vẽ cái trụ xứ của mình. Một trụ xứ không biết từ đâu đến và sẽ trở về đâu. Phần động, Lê Bá Ðảng đã thực hiện với ngựa, với dục. Và phần tĩnh, được ông tạo tác trong thiền họa.
Với thiền họa, trụ xứ của Lê Bá Ðảng biến đổi khôn lường. Ông vẽ cái tâm, cái tĩnh, trong một thể động không ngừng. Tâm của mỗi vị bồ tát được họa sĩ trình bày trong một vòng tròn, được xác định như trụ xứ của Bồ Tát: Tôi luẩn quẩn giữa vòng tròn mà đường kính là cả chiều dài của sợi dây buộc vào hai cực, một vòng tròn không giới hạn vì đường kính là vô cực, đó là chỗ mà Bồ Tát cư ngụ: vòng tròn không có tâm điểm cố định.
Mỗi khuôn mặt Bồ Tát mà Lê Bá Ðảng vung lên là một vòng tròn, vừa khép kín lại vừa mở rộng đến vô cùng, bởi nó dấy lên từ một cõi thiên thanh bất tận của trái đất, hành tinh xanh trong vũ trụ đạo.
Mỗi nét mặt là một cõi tâm, một cõi tâm vô tâm, như cái đại dương thăm thẳm của lòng người, thấu những khổ đau, bất hạnh bao la trong trời đất, hoặc dấy lên niềm hạnh phúc của một cực lạc xa xăm.
Với Thiền Họa, Lê Bá Ðảng còn muốn tạo một không gian vật chất tan biến trong tinh thần, và tinh thần hòa đạm trong máu xương của vật chất, và để trả lời câu hỏi "Tôi ở đâu", họa sĩ bảo: Không vẽ nổi, qua những bức Phật trụ.