TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761430
 
 
  KHÔNG GIAN LÊ BÁ ĐẢNG
   Hoàng Phủ Ngọc Tường
 
      
Không gian Lê Bá Đảng, hoặc những thuật ngữ tương tự bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh – Thí dụ như: lebadangraphie, spacegraphy v.v… đã trở nên quen thuộc với công chúng hiện đại, để dành riêng cho một thế giới mang ấn chỉ của Lê Bá Đảng: Một mặt đất bát ngát với những hồ nước biếc xanh, hoặc mang màu hổ phách, trong đó hiện ra những dáng người. Tôi vẫn “đọc” Lê Bá Đảng theo cách của tôi: Một nhân loại hài nhi đang sinh thành trong bào thai của mẹ Đất, và sau đó bước ra khỏi ổ trứng để đi tìm đồng loại; những dấu chân xa hút trên mặt đất khô khốc kể lại cuộc hành trình tới những nền văn minh không có biên giới, hoặc có thể, biên giới rộng mãi tới những vì sao…
Đặng Tiến lái xe đưa tôi từ thành phố Cảng Marseille băng qua vùng đồng quê mêng mông miền Provence để tới quan chiêm một khônh gian Lê Bá Đảng mới, vừa khánh thành vào tháng ba năm nay, ở một công trình văn hóa có tên là “Giáo Đường Hình Ảnh” (Cathédrale Dimages) được kiến tạo trong lòng núi đá vôi miền Les Baux de Provence. Cảnh quan miền này quả kỳ lạ chưa hề thấy đối với tôi. Vừa qua một miền quê thơ mộng từng đọc trong sách của A.Daudet, và nhưng cây ôliu được tôn vinh trong tranh của Van- Gogh, Gauguin và Cezanne, chợt nhiên mở ra trước mắt tôi một địa hình rất quyết liệt bằng đá trần trụi,với một đô thị đã chết. Đó chính là Baux, với những pháo đài hiểm trở không thể đành chiếm, và những ngôi nhà không phải là xây cất, mà được đào trong lòng đá, và theo cách nói của Rilke, “như thể là con người, do ngoan cố quyết trở lại đó, đã tự chuyển hóa thành không gian”.
Truyền thuyết kể lại rằng anh hùng khai sơn của vùng đô thị núi đá này là vị Vua pháp sư Balthazar từ xứ Ethiopie ở châu Phi đến cắm cây gậy hành hương trên núi Alpilles và đã gieo trên sườn núi đá những hạt giống cỏ thơm và dòng máu cuồng nhiệt. Từ đó hậu duệ của ông là những chiến binh không biết sợ, ra trận thường gọi tên ông với lời hô: “Nòi giống đại bàng không bao giờ làm chư hầu”. Vào giữa thế kỷ XVI, những tín đồ lành đó bị đàn áp đã tìm tìm tới ẩn náu trong những thạch thất kiên cố của đô thị này, dưới sự che chở của lãnh chúa độ lượng.
Tôi giành thì giờ ngắn ngủi để lang thang qua những con hẻm đầy quyến rũ trong nỗi hiu quạnh lan tỏa dưới chân những phế tích. Bên góc một con hẻm có tên là phố mới, trên mặt tiền một ngôi nhà đổ nát của thế kỷ 16, tôi chợt bật ra một tiếng reo khẽ khi nhìn thấy một cửa sổ quá đẹp của thời phục hưng, trên đá cũ còn sắc sảo nét khắc câu danh ngôn danh tiếng của Calvin; “Post tenebiras lux” (sau bóng tối, ánh sáng). Hiển nhiên đó là lời sấm ngôn dành cho những người tin lành chạy trốn những cuộc đàn áp đẫm máu của giáo quyền La Mã; tưởng như tôi nghe vọng lên từ cõi hoang phế lời hô tự do của muôn đời.

Anh Lê Bá Đảng và chị Myshu đang xem hội diễn sân khấu quốc tế ở Avignon lái xe về Baux đứng chờ chúng tôi trước thạch động của anh, hang đá bên ngoài của “Giáo Đường Hình Ảnh”. Đây là những hang động trong lòng núi, vốn là di tích công trường khai thác đá bỏ hoang từ thời đại La Mã. Sau này được tái sinh cùng những phế tích khác của Baux dưới sự bảo trợ của Bộ Văn Hóa thời bộ trưởng André Malraux. Giáo Đường Hình Ảnh là một không gian mêng mông và uy nghi thường được so sánh với những đền đài Ai Cập, trong đó du khách sẽ được bơi giữa một biển hình ảnh được phóng ra từ ba chục nguồn chiếu cùng một lúc trên những màn ảnh thiên nhiên rộng tới 4.000 mét vuông. Tôi thấy mình bềnh bồng trong một tiên thuật của hình ảnh và âm thanh, thuật lại sự sinh thành của tất cả nền văn minh cổ xưa; vâng, trong khoảnh khắc ghé thăm đô thị chết này của miền Baux de Provence, tôi hóa thân thành Ulysse dong buồm qua những đại dương xa thẳm của lịch sử trí tuệ nhân loại.

Thạch động Lê Bá Đảng là tiền sảnh của Giáo Đường, nhà nước Pháp đã riêng tặng anh để kiến tạo một không gian Lê Bá Đảng gắn liền với tổng thể cấu trúc văn hóa này của vùng Baux.
Giống như trong hội họa của anh, bố cục ở đây cũng rất thoáng, những hình người kiểu phù điêu gắn trên vách đá rộng thêng thang. Có hàng trăm hình người màu trắng trong tư thế ngồi hoặc quỳ theo những dáng khác nhau, làm việc cầu nguyện, múa v.v… và ở một góc kia, lại xuất hiện một hình tượng con người đang ngồi tự ôm lấy mình trong bào thai. Nhìn kỹ thì không có hình nào giống nhau, và dù “có người đẹp có người xấu – Anh Đảng nói với tôi – nhưng tất cả đều là con người”. Bên cạnh những dãy tượng trắng là những dãy tượng đen nối dài, hai hoặc ba người thành nhóm dắt tay nhau, nhảy múa, giung giăng, giung giẻ, giăng hàng suốt chiều ngang vách đá, từng dáng người đều nhẹ nhõm như bay. Những tượng trắng kia là những người, còn những chuỗi đen này là những bóng người, tôi nghĩ thế, giống như bóng nhân loại dọi trên hang đá từ bếp lửa hồng từ những đêm vũ hội nào xa thẳm, và giống như bóng nhân loại đo dài trên những đại lộ đêm mưa… Những hình người trắng ở thế tĩnh, những hình đen ở thế động, và anh Đảng nói:
- Ở xứ mình, con mắt bao giờ cũng nhìn thấy cách ấy, một điểm sáng, một điểm tối. Một tối một sáng, một tĩnh một động… Hình như tôi nghe thấy tiếng thì thầm của Âm và Dương đang chuyển động thật khẽ trong hang đá tiền sử, giống như tiếng rì rào vĩnh cửu của cây ôlii miền Provence.
Một hình tượng mới có lẽ vừa xuất hiện với không gian Lê Bá Đảng, hình tượng bàn chân gắn trên vách động, thành mẫu hàng bày trên quầy, và một mẫu thật lớn, bằng cả một tấm bình phong dựng trước thạch động. Đó là bàn chân của một người không đi giày; trên mặt bàn chân lại hiện ra “không gian” quen thuộc, với những dáng người đầy ý thức, đồng lúa, cây trái và những thành ốc giữ nước; tất cả hiện ra như thể bàn chân trần kia đã in dấu sử thi dọc cuộc hành trình mà nó đã đi qua. Bàn chân này lam bằng chất liệu mới phát minh của anh Lê Bá Đảng, rắn chắc nhưng mà nhẹ thênh, và linh hoạt lạ lùng, đến nỗi tôi nghĩ nó đang bước đi, qua thời gian. Và tôi cảm thấy một thoáng đau nhói ở trong ngực, khi thầm nhận ra rằng đó là bàn chân người Giao Chỉ, bởi dạng to bè đặc biệt của ngón cái, và những dấu hà ăn lỗ chỗ trên gót vì dầm dề lâu năm trong nước mặn.
Một đoàn du khách toàn là những cô gái, người Pháp, Người Ý, Tây Ban Nha, và có những cô da nâu vùng Trung Đông, những cô mặc váy đen vùng Ban-căng… kéo vào nói cười ríu rít bằng nhiều thứ tiếng, đứng cạnh nhau thành một hàng dài để chụp ảnh. Nhìn lại đứng thành hàng dưới vách đá cao ngất, hình như họ nhỏ lại và hoàn toàn đồng nhất với dãy người giăng hàng trên cao; và tuồng dãy hình người kia ddang bước xuống khỏi vách đá để kéo nhau ra khỏi hang động, đi về nhiều xứ sở khác nhau trên trái đất.

Tôi về Cannes ở chơi với anh chị Lê Bá Đảng gần một tuần lễ. Chị Myshu mang hai dòng máu, quê nội ở thanh Hóa, tuy vậy tất cả ở chị đều đúng là người Pháp, ngoại trừ mái tóc đen nhánh, và tính cách trung hậu đảm đang thì tôi thấy không khác gì một bà chị dâu người Quảng Trị.
Tôi về, chị đi phố sắm cho tôi một bộ quần áo bãi biển, giấy viết thư, và bưu thiếp có cả tem, để gửi về bên nhà. Chiếc quần Jean anh Đảng tặng tôi rất đẹp nhưng hơi dài; tôi thấy không sao, tôi thường mặc quần xăn lai…”theo mốt quận công windsor”. Chị Myshu mang chiếc quần ra ngồi ngoài ban công, đo, khâu may, cắn chỉ… một lúc trao cho tôi với cái nhìn dịu dàng vô ngần, nỗi dịu dàng mà tôi chỉ thấy ở những người đàn bà giống như mẹ tôi, hình như sinh ra là để yêu thương và lo toan cho người khác. Những năm sau này, trên tranh Lê Bá Đảng luôn xuất hiện một hình chữ nhật nhỏ, giống như dấu triện của họa sĩ bên trong có ba hình người. Tôi nghĩ rằng đó là không gian hạt nhân của Lê Bá Đảng, trong đó có bóng dáng Myshu thân yêu của anh.
Nhà anh chị ở tầng 7 của một cao ốc hiện đại có tên là Château de la mer đứng sát ngay bờ biển. Tôi thích đứng ở ban công phủ đầy cây xanh này lặng lẽ ngắm mạt biển xanh màu ngọc của Địa Trung Hải tưởng như lan tận chân thềm và ngay ven sóng, chốc chốc lại uốn lượn cái thân dài màu trắng của con tàu chạy sang Ý; và xa hơn nữa, phía rặng núi xanh thẫm bên kia những cánh buồn trắng như một đàn hải âu bồng bềnh trên vịnh biển - tất cả đó gợi cho tôi một cảm giác bình yên tận đáy linh hồn. Cannes là thành phố tìm về của những con người thèm khát nỗi yên tĩnh sau khi họ đã có mọithứ trên đời: những triệu phú, những ngôi sao, những người bị tình phụ, những phế đế, và những tổng thống bị lật đổ. Biệt thự của Bảo Đại đã bán từ lâu, biệt thự của Sihanouk đã tặng không cho một tổ chức từ thiện chăm lo cho trẻ em; nhưng lại có một công trình đang xây dựng kéo dài suốt một con đường, đây là cơ ngơi của vua Ả Rập Xêuđit đương thời. Anh Đảng về sống ở Cannes khoảng đầu những năm 60, hồi đó biển còn mấp mé đại lộ bây giờ. Những nhà quy hoạch đã đi “mua” cát và đá về lấp biển, mở thêm một dải rộng tới năm trăm mét, dài suốt mặt tiền, lại chở cây cọ từ Châu Phi về trồng khắp thành phố! Cùng với những cánh buồm trắng và màu biển xanh, hình như cây cọ cũng là yếu tố nhả ra sự yên tĩnh, đem lại cho Cannes một giai điệu linh hồn thanh bình và tỏa sáng, một điều gì đó tưởng như thuộc về Mozart.
Xưởng vẽ của anh Lê Bá Đảng ở làng Mougins, cách thành phố vài chục phút xe hơi. Đó là một ngôi nhà dân dã, có vẻ như nhà kho được cải tạo lại cho thuê, giữa một khu đất trồng hoa nay bỏ hoang; người hàng xóm ở gian bên cạnh là một chị nông dân đang bồng con đứng chơi ngoài sân. Nhìn vẻ mặt của chị khi chúng tôi đến, tôi e rằng chị không biết người láng giềng của chị là một nhân vật như thế nào.
Xưởng vẽ là một gian phòng rộng, nhiều cửa sổ để cho đủ ánh sáng, bày biện hết sức đơn giản. Ngoài những dụng cụ để vẽ và điêu khắc, còn có những bộ đồ nghề của thợ mộc và thợ hàn và rất nhiều loại lỉnh kỉnh choán hết nội thất, còn lại là bộ xa lông với mấy cái gối dùng làm chỗ nằm lúc cần, và một cái bếp với những chai xì dầu nước mắm có thể làm một bữa ăn qua loa khi chủ nhà bất ngờ không về nhà. Trông đơn giản và lộn xộn không hơn gì một phòng kí túc xá sinh viên, ai ngờ từ đây đã ra đời một tài sản nghệ thuật kí tên Lê Bá Đảng. Tôi liên tưởng đến căn phòng của Chagall ở Pari 1910, lúc dã là bạn giao du hàng ngày của những thi sĩ tên là Cendrars, Apollinaire, những họa sĩ như Léger, Moreau, Delaunay, Degas,…vậy thì trong xưởng vẽ của chàng ở hẻm Tổ Ong, bề bộn những giẻ rách, vỏ trứng, vỏ đồ hộp rỗng… Chagall luôn khỏa thân để vẽ, buộc người muốn vào phải chờ rất lâu ở ngoài cửa để chàng kịp mặc quần áo! Chính ở xưởng vẽ dân giã ở làng Mouigins này – dù sao cũng có dòng chữ nghuệch ngoạc lên tường, ghi địa chỉ: 1157 Chemin de la Plaine, Mougins- anh Đảng đã nói chuyện với tôi về một không gian nghệ thuật khác mà anh định xây dựng ở quê nhà, gọi là có có - không không.
Anh Đảng bảo rằng người nghệ sĩ Việt Nam phải học theo hai tác phẩm tuyệt vời sinh ra từ óc sáng tạo của con người muốn sống, ấy là những chiếc xe đạp kháng chiến và con đê sông Hồng. Chất liệu thô sơ, lợi ích tột bậc, nhưng cả thế giới không ai không biết tới mẫu mực đó của sức sống người Việt.
- Chính từ bài học của hai hình mẫu ấy, chúng ta sẽ tạo ra một không gian mỹ thuật ngửa mặt nhìn trời cao, mới, lạ, hiện đại và không giống nơi nào hết.
Anh Đảng kéo từ bàn ra cho tôi xem một loạt những tượng dân gian để bàn bằng chất liệu mà anh vừa tìm ra để sản xuất hàng loạt mẫu bàn chân mà tôi dã thấy ở Baux, đều rất đẹp, thôn dã và hóm hỉnh giống như thể trong thế giới tranh làng Hồ. Anh nói tiếp:
- Chúng ta sẽ làm ăn với lòng cao hãnh, để những kẻ xa lạ tới đây không thể nghĩ rằng chỉ có người giàu có, nhiều tiền của, máy móc kĩ thuật thì mới tạo ra được nghệ thuật hiện đại.
Anh Đảng kéo từ góc phòng ra một cái lồng sắt lớn, đặt yên xuống đất thì đó là một tượng Phật tĩnh tọa, do anh tự lam lấy bằng dây kim loaị và mỏ hàn.
Anh nói nếu phóng lớn cái lồng sắt lên bằng căn nhà, với kĩ thuật đan, ghép bằng dây sắt, đồng, thậm chí bằng mây, tre… thì ta sẽ có vừa là một tượng phật, vừa là một ngôi chùa…
Anh nhắc cái lồng sắt đến phía nắng chiếu, đưa một tờ giấy vào trong lồng để hứng bóng, những hoa văn hình chữ Phật in trên giấy trắng, giảng giải:
- Đi vào nơi cái rỗng của Phật là không, bóng Phật chiếu lên áo là có… Đó chính là cái có có - không không của thiền. Không có gì cầu kì, hiểm hóc, không tốn kém, chỉ bằng cái sẵn có của nhà nghèo như vậy mà thiên hạ phải tới vui chơi với văn hóa dân tộc của mình. Đó là không gian nghệ thuật của cái ao làng Việt Nam, gọi là ta về ta tắm ao ta.
Tôi nhận ra ý niệm có có- không không tiềm ẩn trong mọi chí hướng sáng tạo của Lê Bá Đảng, thí dụ những hang đá rỗng không ở Baux. Sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất Quảng Trị nghèo nhất nước, trên một đất nước Việt Nam nghèo nhất thế giới, anh Đảng luôn nghĩ cách tạo ra một không gian nghệ thuật có thể nuôi sống con người bằng vốn liếng văn hóa của cha ông để lại. Dù bây giờ Lê Bá Đảng đã nhận được nhiều tước hiệu vẻ vang dành cho những nghệ sĩ tài năng nhất thế giới, là công dân danh dự của nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Làng Mougins là nơi Picasso đến cư ngụ sau thế chiến, tìm sự yên tĩnh để sáng tác. Nhiều người giàu thấy thế bèn đi theo Picasso, tới đây mua đất để xây nhà, bây giờ Mougins thành một làng du lịch nổi tiếng, với những gale rie, xưởng vẽ của hoạ sĩ, vườn của những nhà trồng hoa và kỉ niệm Pica sso…Nhưng bất ngờ nhất dành cho tôi là giống như làng Việt Nam, Mougin s có một hồ sen. Chúng tôi đứng ngắm hồ trên một chòi gỗ làng dành cho du khách, không bán vé. Hồ rất lớn, cũng không bằng hồ Tàng Thơ ở Huế. Vào tháng tám, hoa sen nở hồng nghi ngút cả mặt hồ, đóa to và dáng đường bệ cũng giống như sen Tịnh Tâm, lá xanh san sát cạnh nhau che kín mặt nước. Những đám cỏ năn từ bờ lan ra giữa hồ, cùng với những đam lau sậy. Hoa tím nhạt hoặc nâu cháy; và dưới chân cỏ, anh Đảng chỉ cho tôi thấy, mấy con vịt nước đang ngụp lặn trong bóng dâm. Không có gì khác với cái hồ senở Việt Nam, từ hoa, lá, chim trời, cỏ dại… Chỉ những gương sen vàng khô giữa hồ, ông già dân làng cho tôi biết, không ai dùng tới vì hạt rất nhỏ.
Chị My shu bảo rằng đó là hồ sen duy nhất ở nước Pháp, trừ một hồ nhỏ ở vườn Bách Thảo, chỉ trồng để làm mẫu. Hồ do một người giàu có- nhà ông ta lớn nhất làng, ở gần bên hồ tạo ra cách đây gần bảy chục năm. Ông này làm ngành ngoại giao sống ở Trung Quốc lâu năm, mang giống bên ấy về làng Mougins gầy dần thành hồ sen này. Cách đây năm năm- chị Myshu kể tiếp, do không ai chăm sóc nên sen tàn lụi và biến mất trong cỏ năn. Chị Myshu viết thư cho ông xã trưởng làng Mougins, nói rằng không thể để mất đi một tài sản to lớn như thế. Câu trả lời lặng lẽ và xúc động đến với chị, ấy là năm sau, sen lại nở đầy hồ.
Mấy hôm sau, anh Đảng đưa tôi đi thăm Antibes , một thành phố pháo đài cheo leo trên vách dựng đứng; và ở đây, thật lạ lùng, tôi lại gặp Pica sso vĩ đại. Rằng hồi đó Antibes là một thành phố làng, ông xã trưởng ngưỡng mộ Picasso liền tới tận Mougins mời họa sĩ về làng mình, dành riêng một lâu đài nhìn ra biển để Picasso lam việc, ngày ngày cơm bưng nước rót theo chế độ khách quí.Picasso đã vẽ ở đấy mấy tháng liền, khi từ biệt thì để lại tất cả tranh làm quà tặng cho làng.Bây giờ Antibes có riêng một bảo tàng Picasso với những tác phẩm quí báu mà bảo tàng quốc tế khác không có được. Mới từ Mougins qua đây, tôi vừa thấy một hồ sen, rồi lại một trại sáng tác Picasso; đấy, làng của Pháp đấy.
Trên đường giao du về phía nam miền Côtes d’ Azur, tôi đi qua những ngôi làng nhỏ đẹp lạ lùng, hoang vắng không bóng người, luôn luôn chìm trong sương mù, và những chỗ nào không có sương mù thì rực rỡ những hoa dại. Chị My shu vốn đầy những tri thức huyền thoại, cho tôi biết rằng đó là một xứ mê hoặc nhưng cũng rất đáng sợ. Ban đêm đá biến thành người đi từng nhóm, đàn ông thì cãi cọ nhau, trai gái thì cầm tay nhau, hoa dại chạy theo chân họ hát ríu rít như chim.Bất ngờ người ta có thể gặp một quán nhỏ ẩn mình dưới bóng cây, cô chủ quán xinh đẹp chào mời bằng nụ cười bí ẩn. Hãy coi chừng, nàng chính là đá hóa ra, làm sứ giả dụ dỗ, về một xứ hạnh phúc như Thiên Đường nhưng sẽ không bao giờ trở lại, dân gian gọi tên là xứ- không- biết- nơi- nào,Lepas de Nulle Part.
-Ở Việt Nam có xứ Nulle Part không? Chị Myshu hỏi tôi, và chờ nghe câu trả lời. Tôi đáp: Có một ngôi làng giống làng sương mù và hoa dại tên là làng Bích Câu, nay còn ở Hà Nội. Người bị dụ dỗ đi theo người đẹp là Từ Thức, đến ở xứ Nulle Part một trăm năm sau mới về.
Chị Myshu ngạc nhiên và hào hứng; chị thật thà hỏi tiếp điều mà không ai biết về xứ Nulle Part ở Côtes d’Azur:
-Cái ông Từ Thức đó có cho một chỉ dẫn gì về xứ Nulle Part ở Việt Nam mà ông ta đã tới không?
-Thưa chị, tôi cười để kết thúc câu chuyện, cái xứ sở mà Từ Thức mô tả… thì chính là”Không gian Lê Bá Đảng” đó thôi
Trước hôm tôi trở lại Pa ri, buổi chiều đi tắm biển về, anh Đảng chiếu cho tôi xem một bộ phim tài liệu hơi lạ: một con hải âu bay qua những không gian vô tận, qua những đồng lúa, sông hồ, núi non, sa mạc, và biển…, chỉ thế thôi.
Và tôi hiểu rằng bằng cách đó, anh Đảng giải thích cho tôi kinh nghiệm sáng tạo của chính anh.
Chim hải âu bay tung trời,hòa nhập vào tâm thức của một người cưỡi gió đi khám phá vũ trụ, xuyên qua khoảng không giữa những vì sao. Khác với cái nhìn của người trái đất, mà du lịch Thái Hư biết đến một không gian mới, bên ngoài mọi giới hạn, mọi biên giới, xa thẳm vô cùng. Và từ độ cao của tâm thức đã vượt ra ngoài Bụi Hồng, anh nhìn lại mặt đất trong một trực giác trinh nguyên về một không gian và thời gian, để thấy hiện ra hình bóng con người đang cảm thụ sự sống trong bào thai của Đất, thấy lại tuổi thơ hân hoan trong hồ nước xanh biếc ấy, vá thấy lại những nẻo đường in dấu bàn chân nhỏ rong chơi hoặc đi tìm bạn. Thấy những kỉ niệm sáng chói lên như viên ngọc quí trong hơi thở mat dịu của bóng đem và thấy những ngôi nhà huyền thoại dưới đáy đại dương? Những gì anh ta đã thấy bằng con mắt của chim hải âu sẽ được chuyển giao cho con người dưới hình thức của một quà tặng có tên là “ Không gian Lê Bá Đảng”.
Khát vọng của không gian nghệ thuật đó đúng như tri thức hiền minh của phương Đông, là sự thể nhập làm một của Con Người, Vũ Trụ và Nghệ Thuật.



 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
 
Phố Con Mèo Câu Cá
                                         
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com