Phố Con Mèo Câu Cá là con phố ngắn nhất và đẹp nhất Paris nhưng được nhiều người biết đến, trước hết chắc là do chính cái tên của nó, hoặc nói đúng hơn, do cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Yolland Foldes cũng mang đúng tên của nó, là La rue du chat qui pêche.
Tôi đọc Phố Con Mèo Câu Cá vào khoảng những năm 1960, do nhà Livre de Poche tái bản không biết lần thứ mấy, thấy bìa sau có dòng chữ "Một câu chuyện chân thực như cuộc đời". Bấy giờ đang là thời thịnh trị của triết học hiện sinh, cứ nghe cái gì đó "giống như cuộc đời" là tôi không thể bỏ qua. Cuốn sách quả là quá hay. Tiểu thuyết "Phố Con Mèo Câu Cá" tập hợp lại các quý tộc tứ xứ của một châu Âu bị tan rã sau thế chiến 1914- 1918, những vua Đức, vua Lỗ, những công nương nước Ý, những danh gia tử đệ dòng Nga hoàng.. Tất cả đám chúng sinh đó vật vờ như những rác rều bị lũ cuốn tấp vào cái hẻm nhỏ này của Paris, kiếm sống bằng đủ nghề hạ tiện, đâm thuê chém mướn, ăn cắp, làm điếm...., và ai cũng như ai, đều cùng chung một nỗi tiếc nuối bệnh hoạn về một thời vàng son đã cuốn theo chiều gió. Giữa đám người tội vạ đó của lịch sử, hiện ra gương mặt trong sáng của một cô gái nghèo con ông lão thợ giày, sống níu giữ lấy nhân phẩm bằng một niềm kiêu hãnh thầm kín, giống như màu trắng im lặng của tuyết vĩnh hằng trên đầu núi khi cô nhìn Rumani quê hương và tuổi thơ của cô. Sách đọc một lần và bao lâu, tôi chỉ nhớ căn bản cốt truyện là thế, với một profil của Châu Âu bi thảm và đượm buồn trong hẻm Con Mèo Câu Cá một thời nào chưa xa. Tác gaiar Yolland Foldes là một nhà văn nữ gốc Rumani. Tiểu thuyết Phố Con Mèo Câu Cá có mang yếu tố tự truyện của tác giả, và đã đoạt được giải thưởng quốc tế về tiểu thuyết. Tháng Tám năm nay tôi về Cannes ở chơi nhà anh chị Lê Bá Đảng; anh kể cho tôi nghe những mẫu chuyện thời hàn vi của anh ở Paris, và không ngờ tôi gặp lại Phố Con Mèo Câu Cá. Anh Đảng sang Pháp năm 1940, tự kiếm sống để học, đến năm 1950 thì bày tranh lần đầu ở Paris. Lúc này, anh Đảng đã lập gia đình với chị Myshu và đã có con trai đầu lòng. Ba người sống trong một căn phòng nhỏ xíu ở phố Montagne Ste Geneviève. Hoàn cảnh cùng quẫn đến nỗi hai người phải mang chung một đôi giày, không có tiền uống nước, cả tháng không ăn thịt, và con đau phải vào viện mà anh chị không có một xu trong túi. Đường cùng lang thang đã đưa bước chân anh rẽ vào phố Con Mèo Câu Cá. Thấy có nhiều người vô ra nơi một quán sách, tự nhiên anh Đảng nẩy ra sáng kiến vẽ tranh mèo để bán cho du khách. Không ngờ mặt hàng này rất được ưa chuộng, một tranh nhỏ với vài nét ký họa mực nho bán 1- 2 quan, có tháng bán tới 160 con mèo, nhờ đó gia đình anh có cái ăn hàng ngày. Có người đòi mua đứt mẫu hàng nhưng anh Đảng không bán, anh đem in tranh mèo vào dĩa, càng đắt hàng. Cứ thế kéo dài suốt năm năm, trước khi hoàn toàn sống được bằng tranh Lê Bá Đảng. Qua nửa thế kỷ miệt mài, bây giờ Lê Bá Đảng trở thành một tên tuổi được ngưỡng mộ của nghệ thuật thế giới hiện đại, được Đại học Cambridge phong danh hiệu "Người nổi tiếng thế giới năm 1992- 1993", Viện Quốc tế Saint Louis (Mỹ) tặng giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo", được thành phố New Orleans bầu làm công dân danh dự, và nhà nước Pháp tặng thưởng "Huân chương Nghệ thuật Văn học" (Chevalier de l'Orore des Art et des Lettres) năm 1994. Người ta dùng chữ "không gian Lê Bá Đảng" để gọi riêng thế giới của anh. Trên thế giới đó luôn luôn xuất hiện một hình chữ nhật nhỏ bên trong có ba hình người... Tôi nghĩ rằng, giữa cuộc đời thênh thang bây giờ, anh Lê Bá Đảng đã không quên cái không gian chắt chiu của một gia đình sống nhờ Con Mèo Câu Cá. Đấy cũng là cái hôn yêu dấu vô vàn mà hoạ sĩ muốn gửi vào thế giới của ông, bởi một trong ba thành viên của "tổ chim"- người con trai duy nhất của ông- đã từ bỏ cõi đời. Buổi chiều lang thang dọc sông Sêinn, tôi rẽ vào thăm phố Con Mèo Câu Cá. Chỉ là một con hẻm không người ở, không có số nhà. Không còn ai ở đấy, những công chúa nước Ý đứng thay người gỗ trong hiệu may, những quận công nước Bảo đi ăn cướp, những nam tử hào hoa nhà Nga hoàng đi làm điếm đực. Hình như cả thế giới ma quỷ ấy đã thành bụi trong những nghĩa trang Paris. Thế nhưng, điều đáng giá của cuộc sống là từ cái hẻm phố Con Mèo Câu Cá lam lũ này đã ghi vào sổ điểm danh của nhân loại hai tên người, là Yolland Foldes và Lê Bá Đảng. Paris là như thế!!!