TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:758767
 
 
  CHÀNG TRAI TUỔI TÁM MƯƠI
   Thuận Thiên
 
      

Nghe tiếng cười giọng nói ông trong điện thoại, tôi không thể ngờ hoạ sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921. Và hôm sau, suốt năm tiếng đồng hồ, tại xưởng vẽ của ông ở gần Ponte d ’ Orléans, cũng như ở quán ăn ấn Độ gần đó, “ bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây ” như có ngời Mỹ ca tụng ấy đã cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác...

"Tôi là con nhà nghèo. Đi lính thợ qua Pháp, trốn ra học vẽ. Tôi vào trường mỹ thuật vì không xin được trường nào khác. Làm đủ nghề để học. Ngủ dưới ghế đá công viên. Vì thế tôi rất thực tế. Tôi chủ trương nghệ sĩ phải sống được bằng nghề của mình. Học sinh mỹ thuật học 8, 10 năm ra không sống được là không thực tế. Nhưng sống bằng cách “copy” tranh nước ngoài hoặc “copy” chính mình cũng không được. Phải sáng tạo, phải có cá tính”.

Lối thoát của mâu thuẫn ấy ông tìm ra từ lâu: “Phải thay đổi quan niệm về bản chất nghệ thuật. Không nghĩ như chúng nó nữa thì mới thoát ra ngoài chúng nó (ý nói Tây). Nghệ thuật phải gắn với đời sống, không chỉ dành cho người có học”. Cá tính, tính dân tộc cũng từ đó: “Tỏ rõ đời sống vật chất, tinh thần, đất đai, cây cỏ của quê hương”. Nhưng Lê Bá Đảng đả phá cách nghĩ và làm “dân tộc” của nhiều người: “VN không phải là con rồng, con rắn”. Ông bảo: “Tôi là VN nhưng là cái mà VN chưa có. Chất liệu, suy nghĩ, kỹ thuật... không giống ai hết”.
Ông bê ra một loạt tác phẩm “không gian Lê Bá Đảng” để chứng minh. Ông đã tự chế ra loại vật liệu riêng, đã phá bỏ bốn góc, đã hướng con mắt người xem ra phía sau bức tranh, rồi lên không trung nhìn xuống... “Nhưng tôi vẫn chưa thích vì vẫn còn là tranh, phải thoát ra ngoài tranh nữa”.

Có người kêu ông giàu có mới làm nổi đủ trò sang trọng như thế. Ông cãi: “Tôi giàu là giàu cái nghèo, tôi lấy cái thiếu thốn làm sức mạnh - Chỉ vào con ngựa kết bằng dây thép và những mảnh sắt thủng lỗ trên bàn - Các nước giàu làm tượng tốn mấy tấn đồng, đá. Mình có thể làm đẹp hơn chỉ bằng dây thép. Ông thử hình dung con ngựa này phóng lớn đặt giữa thiên nhiên, đồ sộ mà vẫn nhẹ nhàng, chẳng mất bao nhiêu vật liệu. Lại đúng tinh thần sắc sắc không không”. Tinh thần ấy được ông thể hiện triệt để hơn nữa qua dự án “Phật”. Cũng bằng dây thép đan, ông Phật không còn là thần thánh cao xa, con người có thể đi vào đi ra hình tướng Phật. ở nhà quê không có dây thép ? Thì làm bằng tre, bằng mây, bằng cành cây kết lại. “Ông hỏi làm như thế rồi bán cho ai? Có cách chứ. Trưng bày cái thật lớn, rồi làm những mẫu nhỏ để bán. Hoặc sáng tạo những cái thật độc đáo như thế, rồi triển lãm, bán vé”. Hoạ sĩ nói một cách rất khẳng định, vì thực tế ông đã làm, và đã bán cho Mỹ, cho Nhật cả đống.

“Đây này! - Ông chỉ những viên tròn dài bằng đá, đất nung, đất chưa nung rải rác đầy phòng - Quê mình làm ra hạt gạo nhưng vẫn đói. Tôi làm những hạt gạo này, đủ hình thù, người ta rất thích”.

Từ chuyện hạt gạo, Lê Bá Đảng quay sang nói về cái ước mơ tha thiết nhất của ông từ hàng chục năm nay: Đào tạo một nhóm hoạ sĩ trẻ, hoặc hơn nữa, đào tạo cho cả một làng, làng ông - cái làng Bích La Đông nghèo khó ở Quảng Trị, hoặc tại sao không là làng Phù Lãng có đất tốt có thợ gốm rất giỏi, làm ra những sản phẩm mới lạ, sáng tạo, cao hơn đồ mỹ nghệ. Ước mơ ấy ông đã từng trình bày với vị này vị nọ trong nước, cũng như những dự án du lịch có thể làm nên bộ mặt cả một vùng như Sóc Sơn (với dự án về hình bóng Thánh Gióng và những dấu chân Giao Chỉ), thậm chí tạo ra cả một dấu ấn kiến trúc trên toàn quốc như “mộ ốc” (mộ tập thể hình trôn ốc theo dáng thành Cổ Loa)... Nghe ông say sưa nói mà tôi cũng phấn chấn hình dung ra những cảnh tượng hấp dẫn cho một nền du lịch VN vốn chỉ quen khai thác “ăn sẵn” và bừa bãi từ thiên nhiên, từ di sản. Song cho đến nay ông vẫn hoàn toàn chưa biết phải bắt đầu từ ai, từ chỗ nào để thực hiện những ý tưởng của mình. “Tôi đã 80 rồi, không biết còn khoẻ được bao lâu nữa để có thể chờ đợi...”.

Rồi ông lại tiếp tục sôi nổi đa ra các ý twởng, không biết là những ý twởng đã hình thành từ lâu hay vụt hiện tức thời: Tại sao ta không tổ chức sáng tác 100 quả trứng để bày ở đền Hùng vào ngày giỗ Tổ? Tại sao không ai nghĩ đến việc “thầu” làm 100 chiếc xíchlô mỹ thuật (do 100 hoạ sĩ sáng tạo) để khách du lịch thwởng thức và ngồi trên đó nhw vua ngự trên ngai?

Sức tưởng tượng của ông già 80 còn tràn đầy, khiến tôi thấy thèm. Ông bảo: “Năm năm nay mình như trẻ lại hẳn. Vì thoát khỏi mọi ràng buộc rồi, không lo triển lãm, quan hệ, đủ sống rồi, có quyền chỉ làm những gì mình thích”. Công trình lớn gần đây nhất của Lê Bá Đảng là “Thánh đường hình ảnh” (Cathédrale d’images) gồm những “không gian” khổng lồ trong các hầm đá ở làng Baux de Provence với diện tích 300m2, cao 10m, hoàn thành năm 1997.

Thuận Thiên
(Bài đăng trên Báo Lao Động
Năm 2000 )




 BÀI CÙNG MỘT TÁC GIẢ
 
NGHỆ THUẬT PHẢI CÓ ÍCH CHO MỌI NGƯỜI
                                         
Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com