Mỗi lần đi qua con đường Lê Lợi (TP Huế), nhìn vào Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, tôi thường tự hỏi thầm: Nếu không bị đánh trượt tại Học viện Mỹ thuật Vienna của Áo(*), liệu Adolf Hitler có trở thành một tên Đức Quốc Xã khét tiếng không? Nếu Lê Bá Đảng không tình cờ dạo chơi trên con đường La Rue du Chat qui Pêche (phố Con Mèo Câu Cá) ở Paris, liệu ông có thể trở thành một họa sĩ nổi tiếng? Lịch sử nhân loại và sự nghiệp một đời người, đôi khi được bắt đầu bằng những cái ngẫu nhiên? Tất nhiên, sự ngẫu nhiên đó phải được kết hợp với một thái độ hiện sinh, sự lựa chọn nghiệt ngã của con người.
Cuộc đời của Lê Bá Đảng phản chiếu sinh động cho số phận nhọc nhằn và nỗ lực vươn lên của người trí thức Việt Nam trong và sau thế chiến thứ hai. Năm 1940, ông bị bắt đi lính tại Pháp. Pháp bại trận, ông lại trở thành tù binh của Đức. Sau hai năm bầm dập của cảnh sống một người lính khổ sai, năm 1942, ông trốn tù và đến Toulouse (Pháp). Sự nghiệp nghệ thuật của Lê Bá Đảng được khởi phát từ đây. Không một đồng xu dính túi, nhưng với nỗ lực phi thường của bản thân, năm 1946, ông đỗ đầu Trường đại học Mỹ thuật Toulouse (l’Ecole des Beaux - Arts de Toulouse), rồi trở thành một họa sĩ tài danh. Hơn 50 năm qua, tranh của Lê Bá Đảng được triển lãm khắp nơi ở Pháp và các nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật…
|
Hoạ sĩ Lê Bá Đảng cùng với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Duyên nợ với con mèo
Ở Paris, có một con đường tọa lạc ở quận 5, gần Nhà thờ Đức Bà Paris và Trường đại học Sorbonne, gọi là phố Con Mèo Câu Cá. Tên con đường này trùng với nhan đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ văn sĩ Jolán Földes: La Rue du Chat qui Pêche, xuất bản năm 1937. Câu chuyện kể về cuộc sống khó khăn của một gia đình nhập cư Hungary tại Paris, sau thế chiến thứ hai. Một ngày tình cờ dạo chơi trên con phố này, cái tên ngộ nghĩnh đó đã gây cảm hứng cho chàng họa sĩ nghèo vẽ tranh về con mèo. Không biết ông đã đọc tác phẩm La Rue du Chat qui Pêche chưa, nhưng giữa Jolán Földes và Lê Bá Đảng hẳn có sự gặp gỡ về nỗi đau của kiếp người sống lưu vong ở châu Âu. Ban đầu chỉ dè dặt 5 bức gửi bán nhờ ở tiệm tranh, sau rồi 100 và hơn thế nữa... Tranh ông như tôm tươi, bán chạy vèo vèo! Và, chàng họa sĩ nghèo Lê Bá Đảng nổi danh từ đó.
Cũng phải nói thêm rằng, Paris là một nơi chốn rất sành nghệ thuật. Để mưu sinh bằng tranh vẽ, không phải dễ. Nếu đến đồi Montmartre, bạn sẽ gặp vô số họa sĩ hành nghề tại đây. Nếu có điều kiện đi hết 20 quận ở Paris, bạn sẽ thấy hàng tá phòng triển lãm của các danh họa nổi tiếng khắp thế giới. Vậy nên, khi tranh Lê Bá Đảng đi vào lòng công chúng Pháp, đó là một kỳ tích. Tranh ông không chỉ lạ về đường nét, độc đáo, phong phú về chất liệu, mà trên hết đó là chiều sâu trong hồn cốt của bức họa. Khi những mảnh vỡ của máy bay trở thành một bức tranh, thì rõ ràng, đó không còn là góc nhìn của hội họa, mà là bức thông điệp về hòa bình của nhân loại. Chỉ một hòn đá, một thân cây lãng quên bên lề đường, qua bàn tay tài hoa của Lê Bá Đảng, nó biến thành một nơi cất giấu ký ức của thời gian. Tranh ông luôn khiến người xem suy tư về sự hiện tồn của con người. Đó là lý do, các họa sĩ tiến bộ tại Paris đã ủng hộ ông hết mình trong hoạt động chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Năm 1989, Viện quốc tế Saint - Louis (Mỹ) đã trao giải thưởng Họa sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo cho Lê Bá Đảng. Năm 1992, ông vinh dự được Trung tâm tiểu sử quốc tế Cambridge (Anh) đưa vào Danh mục những người nổi tiếng thế giới. Năm 1994, nước Pháp trao tặng ông Huân chương Văn hóa Nghệ thuật, với một nhận định trang trọng: Họa sư Lê Bá Đảng - bậc thầy hội họa của hai thế giới Đông - Tây. Còn ở Việt Nam, Huế đã dành riêng cho ông một không gian tuyệt vời bên bờ sông Hương. Năm 2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng được xây dựng tại số 15A đường Lê Lợi. Đây là địa chỉ quen thuộc để bạn bè và du khách thập phương, mỗi khi đến Huế, dừng chân thưởng lãm những tuyệt tác của họa sư Lê Bá Đảng.
Họa sư Lê Bá Đảng đã trút hơi thở cuối cùng tại Paris vào ngày 7-3-2015. Lễ hỏa táng đã được cử hành tại Nghĩa trang Père- Lachaise ngày 12-3 vừa qua. Theo di nguyện của ông, tro cốt sẽ được đưa về làng Bích La Đông - xã Triệu Đông - huyện Triệu Phong - tỉnh Quảng Trị, nơi danh họa từng cất tiếng khóc chào đời.
Trong ký ức của bạn bè đồng niên, Lê Bá Đảng là một người có tình yêu quê hương tha thiết. Ông đau đáu nhớ thương mảnh đất Bích La Đông. Dù sống ở chốn Paris hoa lệ, nhưng trái tim người họa sĩ luôn tràn ngập gió Lào, cát trắng, mơn man hương hoa đồng nội. Có lẽ, những người vĩ đại thường đi lên bằng đôi chân trần của sự giản dị, chân thành?
Huế, 3-2015
Trần Huyền Sâm
_____
(*) Trùm phát xít Adolf Hitlet (1889-1945) từng dự thi vào Học viện Mỹ thuật Vienna vào năm 1907, nhưng bị trượt. Người ta cho rằng, chính cú sốc này là nguyên nhân đẩy Hitler vào con đường chiến tranh với những tội ác đẫm máu trong lịch sử.