TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:758839
  TIN TỨC
“Họa sư Đông – Tây” vẽ về chiến tranh Việt Nam (01/51/11)
  
Họa sư Đông - Tây là danh hiệu mà nhiều người yêu tranh phương Tây gọi họa sĩ Lê Bá Đảng. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhưng bằng các tác phẩm của mình, họa sĩ tài danh thế giới này cũng góp sức mình trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nhân 36 năm ngày thống nhất đất nước, 50 tác phẩm tranh tượng về đề tài chiến tranh và không gian Lê Bá Đảng, trong đó có một số đã kịp thời chuyển từ Pari về nước để triển lãm tại Bảo tàng Cách mạng với tên gọi: “Chiến tranh cách mạng trong nghệ thuật Lê Bá Đảng”.
 
Một số tranh tượng làm từ xác B52 của Mỹ
 
Họa sĩ Lê Bá Đảng đã trở nên nổi tiếng trên thế giới. Không chỉ vì tranh của ông bán được giá mà vì những tác phẩm cho thấy một phong cách rất riêng biệt – phong cách Lê Bá Đảng. Tranh của ông đã trưng bày tại nhiều Trung tâm văn hóa lớn của thế giới như Pháp, Đức, Anh, Nhật và nhiều nhất ở Mỹ. Từ làng quê nghèo miền Trung Việt Nam ra đi đến nước Pháp phồn hoa năm 1939 khi mới 18 tuổi, và trở về nước năm 1976, vậy mà Lê Bá Đảng không bị sự xa hoa “nhuộm màu”. Thời gian tiếp xúc với văn hóa Pháp, nền văn minh châu Âu và thế giới phương Tây nhiều hơn văn hóa Việt vậy mà không hiểu sao nền văn hóa mẹ đẻ lại thấm sâu tận xương tủy, tinh thần và cốt cách Lê Bá Đảng. Có thể nào tin được, một họa sĩ đã quá quen với tác phẩm của mình được trưng bày lộng lẫy, sang trọng lại trở về quê hương trưng bày tranh trên đồng quê, con đê của làng mình. Làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đẹp bừng lên trong tranh ông. NSND Trần Văn Thủy có hỏi Lê Bá Đảng về lý do triển lãm đầu tiên năm 1992 tại Tổ quốc sao không làm ở Hà Nội, Sài Gòn, những trung tâm tranh lớn của Việt Nam thì ông nói: “Tôi muốn rải tranh lên mồ cha, ông bà để tạ ơn sinh thành”. Chính cảm xúc về quê hương dâng trào mãi mãi đã là nguồn cảm hứng xuyên suốt trong tác phẩm tranh tượng của Lê Bá Đảng và là chất “kháng sinh” hữu hiệu giữ văn hóa dân tộc. Hãy xem chính Lê Bá Đảng nói về làng quê nghèo Bích La Đông của mình: “...Những cánh đồng bát ngát xanh, những lá chuối, cành tre ngẩn ngơ theo chiều gió. Màu sắc của những mái nhà thô sơ, cộc kệch, những cảnh nghèo nàn núp sau luỹ tre, vạt sắn, mang lại tất cả cái hương vị giản dị, thanh khiết của quê tôi là nguồn gốc của bao nhiêu cái đã làm cho tôi say sưa sống lại khi ở đất khách quê người. Có ai còn nhớ những hạt lúa nếp đầu tiên nặng trĩu trên cành, hay mùi thơm dìu dịu của lúa non không? Những màu xanh tươi như cỏ dại, những sắc đăm đắm vàng khô của ruộng lúa sắp già. Những con đường mòn, những mái đình, mái chùa như đã già nua mệt mỏi... Làm sao mà tả được, bất cứ bằng cách nào những chất thô sơ, nghèo nàn, những trong sạch, tự nhiên của quê hương. Những cái chi trung thành, bí ẩn như các việc lễ nghi, những tình cảm tự nhiên sống mãi trong tấm lòng già của người con xa xứ, một ngày nào đó sẽ nở bật ra trong tác phẩm chăng? Rất đáng buồn, rất đáng tiếc mỗi khi nghĩ đến những tục lệ tốt đẹp, thuần tuý đang mất dần, những cái quý báu, linh thiêng của quê hương thay dần bằng những thứ láng bóng, thô kệch, hào nhoáng, chướng tai gai mắt, bắt chước của nước ngoài. Cái mùi thơm của lúa mới, cái tươi mát của lá non, cỏ dại bên bờ giếng nước; cái mùi thơm ngát của nồi cơm đang chín, cái màu đỏ thắm thía của mấy trái ớt khô... là kho tàng vô tận cho ai đang mơ màng tìm kiếm cái chi mà xưa nay đang thiếu”.

Sang Pháp năm 1939 để tham gia vào những đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Năm 1946, Lê Bá Đảng là một trong những thanh niên Việt Kiều yêu nước đã bảo vệ Hồ Chủ tịch trong những ngày Người sang thăm Pháp. Bằng nghị lực kiên trì, Lê Bá Đảng đã được vào học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và sau đó trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Triển lãm đầu tiên của ông ra mắt tại Paris năm 1950. Năm 1989, Lê Bá Đảng nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ. Năm 1992, được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. Năm 1994, được Nhà nước Pháp tặng “Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp”. Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. Năm 2005, hoạ sĩ được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt” do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với báo điện tử Vietnam Net trao tặng. Năm 2006, hoạ sĩ cùng với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15 Lê Lợi, thành phố Huế.

Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu chống Pháp, Mỹ xâm lược nhưng Lê Bá Đảng vẫn sáng tác rất nhiều những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Tôi đã đến kho tranh của ông ở Pari, có rất nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng chưa thể đem về nước nước. Vì vậy, đợt trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Cách mạng này chỉ mới mang được một số ít ỏi về. Đó là các tác phẩm có chủ đề về: Thời đại Hùng Vương đến Hồ Chí Minh; Chiến thắng Điện Biên Phủ; Đường mòn Hồ Chí Minh; Hạt gạo Trường Sơn; Nạn nhân da cam... và một số tác phẩm về văn hóa dân tộc như Bàn chân Giao Chỉ; Không gian Lê Bá Đảng. Nổi bật trong phòng triển lãm tranh của Lê Bá Đảng là tranh tượng của ông làm bằng xác máy bay B52 của Mỹ bị hạ trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử năm 1972. Ông Phạm Quốc Quân – Giám đốc Bảo tàng Cách mạng, ông Ngô Hòa – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai ông Lê Bá Hiếu và Lê Bá Phiếu (em ruột họa sĩ Lê Bá Đảng) cùng cho biết: Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn, năm 1973, khi đi đàm phán Hiệp định Pari, Bộ trưởng Xuân Thủy –  đã mang lên máy bay một số mảnh xác máy bay B52 và trao tận tay họa sĩ Lê Bá Đảng. Từ những mảnh vỡ máy bay B52, họa sĩ Lê Bá Đảng đã thổi hồn thành tranh tượng. Người xem xúc động trước tranh tượng “Châu chấu đấu voi”. Vỏ máy bay được tạo thành hình con voi. Trên mình con voi vẽ hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Việt Nam bắt sống giặc lái Mỹ, bên cạnh có dòng chữ ca dao Bác Hồ hay dùng: “Nực cười châu chấu đấu voi/Tưởng rằng chấu ngã ai dè voi nghiêng”. Những tác phẩm có đề tài “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Đường mòn Hồ Chí Minh” gây xúc động. Đây là những tác phẩm có ý tưởng từ những rung cảm qua những thông tin trên hệ thống truyền thông và cả bạn bè, người thân của họa sĩ chuyển tới. Họa sĩ đã tưởng tượng cảnh đoàn quân đánh chiếm hầm Đờ cát... hay những con đường đi gay go, khúc khuỷu của địa hình Trường Sơn cùng bệnh sốt rét, kiệt lỵ, đói... xảy ra trên đường hành quân. Nhưng bên trong mảng tối ấy vẫn có một đường chỉ đỏ thắm xuyên qua. Đó là hành trình cứu nước của dân và quân ta bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh những bức tranh ca ngợi cách mạng, họa sĩ Lê Bá Đảng còn soạn một thông điệp bằng tiếng Pháp và tiếng Việt để các trí thức, văn sĩ, họa sĩ nổi tiếng trên thế giới – họ là những người bạn của ông ký tên vào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, kêu gọi lập lại hòa bình và tôn trọng Hiệp định Giơnevơ. Hai chữ ký người Việt Nam dễ dọc nhất là của danh họa Picatxo, thi hào Aragon... Xin trích một phần thông điệp này: “Lập lại hòa bình tùy thuộc sự tôn trọng vào luật pháp của dân tộc Việt Nam là thuộc quyền sở hữu của toàn dân tộc ấy. Những cuộc đàm phán tay đôi có thể được ký kết giữa Hà Nội và Washington với điều kiện ngừng thả bom vô điều kiện tại miền Bắc Việt Nam. Hòa bình không thể được thiết lập nếu không có sự lãnh đạo của quân kháng chiến, Mặt trận giải phóng và sự rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ. Cần phải quay lại tinh thần của Hiệp định Giơnevơ”.

Cho đến nay, chưa thể thống kê hết họa sĩ Lê Bá Đảng đã sáng tác bao nhiêu tranh, tượng về chiến tranh Việt Nam. Những tác phẩm này nhiều khi không nhận được sự ủng hộ trên nước Pháp. Và tất nhiên cũng không phải thu hút người mua, nhưng mặc kệ, họa sĩ Lê Bá Đảng vẫn vẽ. Đó là tình yêu người thân, quê hương và Tổ quốc của ông. Vẽ về chiến tranh Việt Nam trong những năm chống Pháp, chống Mỹ là cách mà họa sĩ Lê Bá Đảng nói là: “... dựng nên hàng rào mỹ thuật trên những nơi mà quân giặc đã cố ý dựng nên “hàng rào điện tử”...           

            Từ Khôi (Đại đoàn kết)



Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com