Đến bây giờ, nhiều người dân làng
Bích La Đông, xã Triệu Đông, H. Triệu Phong, Quảng Trị vẫn nhớ, trong
thời gian họa sĩ Lê Bá Đảng về quê ăn Tết Nhâm Ngọ và chuẩn bị cuộc
triển lãm mỹ thuật tham dự Festival Huế 2002, ông đã có những ngày
bình yên ở quê nhà, hạnh phúc và tràn đầy hưng phấn khi sáng tạo ở
chính nơi mình đã được sinh ra và trải qua thời thơ ấu. Tại đây,
những họa phẩm mới của ông được hình thành và hoàn thiện với tâm
hồn của một người con Quảng Trị mang tầm vóc nhân loại trong mỗi
sáng tác mỹ thuật của mình.
Những tác phẩm Thiền, Chân
Giao chỉ được họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác tại Bích La Đông bằng
những chất liệu của làng quê ruột thịt. Qua những tác phẩm này,
người xem cảm thấy trong gần 60 năm xa cách, quê nhà Quảng Trị và
tuổi thơ của họa sĩ đã góp phần làm nên Không gian Lê Bá Đảng nổi
tiếng của nền mỹ thuật thế giới đương đại. Chính ông vẫn thường bộc
bạch: “Tôi là người luôn sống với một thiên đường đã mất, để từ đó
học ra cách khám phá và yêu thương cái thế giới thanh xuân mãi mãi”.
Trở về, đục đẽo, chạm khắc trên nơi chôn nhau cắt rốn và tham gia các
triển lãm mỹ thuật trong nước với khát vọng và ý thức ta về ta tắm
ao ta là sự bắt đầu cũng là sự trở lại của con đường sáng tạo mà
họa sĩ Lê Bá Đảng đã thể hiện qua những tượng dân gian bằng đất
nung, tượng Phật bằng thép, tượng lão nông vác cuốc ra đồng bằng gỗ,
cái ao làng yêu dấu... Chính những bức tượng được bày biện trong
Không gian Lê Bá Đảng từ đó đến nay cho thấy rằng, những gì làm nên
không gian ấy rất đậm nét hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm tính cách và
tâm hồn Quảng Trị trong tâm hồn Việt Nam.
Cảm hứng sáng tác những tác
phẩm ấy trong họa sĩ Lê Bá Đảng là cội nguồn, lịch sử dân tộc và
chiều sâu văn hóa Á Đông. Không gian Lê Bá Đảng được xây dựng trên cách
nhìn về lịch sử và văn hóa dân tộc, chất liệu giấy cùng kỹ thuật
vẽ, kỹ thuật tạo hình rất mới. Trong loạt tác phẩm về cội nguồn
dân tộc, lịch sử đất nước, văn hóa Á Đông, nổi bật hơn cả là các
tác phẩm Hậu quả chiến tranh, Phong cảnh bất khuất, Đất nước, Hạt
gạo Trường Sơn, Đi tìm bước chân Giao chỉ, Thiền... Riêng tác phẩm Hậu
quả chiến tranh là bức tranh mang âm hưởng bi thương vẽ một đoàn người
gồm nhiều phụ nữ và trẻ em trong vòng vây bủa của lưới lửa đạn bom
đang đốt phá làng mạc quê hương.
Với bức tranh này, họa sĩ Lê
Bá Đảng chú ý đặc tả phụ nữ và trẻ em ở tư thế của những nạn
nhân thảm thương nhất của chiến tranh trong cái nhìn chia sẻ đầy tính
nhân đạo. Trong bức tranh, tương phản với màu lửa cháy hung tàn của
bom đạn chiến tranh là màu trời xanh thắm bình yên. Đồng thời, trong
tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng không chỉ có cái bi thương mà còn có
cái kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến đánh đuổi
ngoại xâm mà bức tranh Phong cảnh bất khuất của ông là ví dụ sinh
động.
Để khắc họa hình ảnh con
đường Hồ Chí Minh, họa sĩ Lê Bá Đảng đã vẽ con đường vinh quang và
gian khó này của dân tộc bằng trí tưởng tượng về Trường Sơn núi non
hiểm trở và ý thức con đường là mạch máu đỏ nối liền Bắc-Nam, là
khát vọng thống nhất đất nước của người Việt Nam. Giữa những mảng
màu tối, những đường nét khúc khuỷu tả thực địa hình hiểm trở,
chông gai của rừng núi là con đường đỏ thắm xuyên suốt, băng qua những
lán trại của những người vượt Trường Sơn. Đó là hình ảnh con đường
máu có ý nghĩa thống nhất đất nước trong suốt cuộc trường chinh
giải phóng dân tộc của người Việt Nam kiên cường và anh
dũng.
Các tác phẩm thuộc
Không gian Lê Bá Đảng là biểu hiện rực rỡ của lối sáng tạo độc đáo
bởi cách thể hiện không phải tranh, không phải tượng bằng nhiều chất
liệu như giấy, đất, đá và được trưng bày trong một không gian dường
như đã không còn vách ngăn. Với sự giao thoa giữa các đường nét hội
họa và điêu khắc ở loạt tác phẩm này, điểm nhìn mỹ thuật đã được
họa sĩ Lê Bá Đảng cách tân thật đặc sắc. Điều đặc biệt nữa là
những tác phẩm này của ông đều được thực hiện bằng chất liệu giản
dị, thô sơ như đất, gạch, đá, sỏi, gỗ, thép, giấy, mây, tre... mà theo
ông: “Để được công chúng nghệ thuật của thế giới chấp nhận, quan
trọng là yếu tố mới lạ, độc đáo của một phong cách riêng. Mọi sự
sao chép kiểu này hay kiểu kia, kể cả sự ảnh hưởng này nọ, dứt
khoát không thể tồn tại trong nền nghệ thuật đương đại”.
Con người Quảng Trị trong họa
sĩ tài danh Lê Bá Đảng luôn thôi thúc ông làm những điều có ích với
quê nhà. Tại làng Bích La Đông, ông đã xây trường học cho trẻ em, dựng
lại ngôi từ đường và tổ chức một triển lãm mỹ thuật mời cả dân
làng đến xem và sáng tạo những tác phẩm Thiền, Chân Giao chỉ bằng
gỗ, đá của nơi chôn nhau cắt rốn. Nhìn ông làm việc tất bật mới
thấy rằng, nghệ thuật là công việc sáng tạo phải được thực hiện
hết sức nghiêm túc, cẩn trọng trong niềm đam mê vô bờ bến. Và người
nghệ sĩ lão thành này luôn cảm thấy mình vẫn còn trẻ, vẫn mong
muốn tổ chức làng nghề mỹ thuật, đào tạo lớp trẻ với khuynh hướng
mỹ thuật mới, ấp ủ ý tưởng dựng những tác phẩm được khuếch đại
như hạt gạo, tượng Phật trên con đường từ núi non Lao Bảo về trùng
khơi Cửa Việt để suốt dọc tuyến đường rất đẹp đó của quê nhà Quảng
Trị, con người có thể sống trong những mái nhà hình hạt gạo, bên
trong tượng Phật.
Đối thoại với những tác
phẩm mỹ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng, có thể cảm nhận một cách
sáng rõ rằng, quê nhà Quảng Trị luôn hiện hữu trong Không gian Lê Bá
Đảng, là điểm xuất phát và cũng là điểm đến của Không gian Lê Bá
Đảng đã và đang tạo nên rất nhiều ấn tượng đẹp trong nền mỹ thuật
hiện đại của thế giới. Có thể nói, danh họa Lê Bá Đảng đã và đang
đảm nhận vai trò là một sứ giả Lạc Hồng góp phần vinh danh nước
Việt trong cộng đồng thế giới.
Nguyễn
Bội Nhiên