TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:758831
  TIN TỨC
Ngựa trong nghệ thuật Lê Bá Đảng (04/21/14)
  
Ngựa của Lê Bá Đảng có đủ mọi cung bậc, chất liệu, thủ pháp tạo hình và trải dài qua nhiều thời kỳ sáng tạo.

Ngựa của Lê Bá Đảng có đủ mọi cung bậc, chất liệu, thủ pháp tạo hình và trải dài qua nhiều thời kỳ sáng tạo.

In lưới trên giấy Nhật Bản

In đá

In lưới trên giấy Nhật Bản

Mực nho

In lưới trên giấy Nhật Bản

in đá

Khởi đầu từ một nghệ sĩ sáng tác tranh đồ họa với triển lãm đầu tiên tại Paris năm 1950, từ đó đến nay trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, họa sĩ Lê Bá Đảng đã tạo ra nhiều tác phẩm mà qua mỗi thời kỳ, tùy vào đặc trưng, chất liệu hoặc chủ đề của chúng, để rồi người xem biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như Lebadangraphy, Spacegraphy, Lebadang space, Tấn tuồng nhân loại (La comédie humaine), tranh hai mặt (double face), Hạt gạo Trường Sơn, Mắt, Mèo, Ngựa...

Ngựa của Lê Bá Đảng có đủ mọi cung bậc, chất liệu, thủ pháp tạo hình và trải dài qua nhiều thời kỳ sáng tạo. Thụy Khê cho rằng “ở Lê Bá Đảng, có sự nhập thần giữa người và ngựa, có sự phân thân giữa người và ngựa... Ông tạo thế giới ngựa bằng những dessin cực kỳ giàu có về nét, uyển chuyển, có ma lực, mã lực và hỏa lực biến những quang cảnh thông thường trở nên ngoạn mục và mộng tưởng”.

Họa sĩ không chỉ vẽ ngựa mà là tạo hình ngựa với các thao tác cắt, dán, vẽ, khắc trên chất liệu giấy đặc biệt do chính ông tạo ra, thường với hai màu nền đen hoặc trắng chủ đạo. Các sắc độ đậm nhạt được hình thành do sự tạo lớp cao thấp, dày mỏng của tờ giấy với thủ pháp xé hoặc cắt dán.

Hình tượng ngựa được tác giả cách điệu, khái quát, trừu tượng hóa ở mảng tranh sơn dầu, acrylic và in lưới trên giấy dát vàng của Nhật Bản. Ngược lại, ngựa lại có đường nét mềm mại, vờn khối, tả thực thể hiện khá nhiều trong tranh in đá (lithography), hoặc chấm phá cốt lấy thần thái như lối vẽ ngựa Á Đông trong tranh mực nho.

Lắm khi trong thế giới tạo hình về ngựa, người xem bắt gặp tác giả khai triển một lối tạo hình riêng, tổng hợp hội họa, điêu khắc, đồ họa với nhau. Người xem dễ dàng liên tưởng đến những đỉnh cao, vực sâu, đất rộng, sông dài; từ sự ngút ngàn xa xăm đến những phận người nhỏ nhoi đang chuyển dịch trong vũ trụ này với muôn hình vạn trạng gắn kết với nhau tượng hình thành ngựa và ngược lại, ngựa đôi khi chỉ còn tín hiệu thị giác nhỏ bé trong cái vô tận của không gian tạo hình Lê Bá Đảng.

Ở đấy, ngựa không còn chiếm lĩnh, nổi trội mà chỉ đóng vai trò điểm xuyết, dẫn dắt đường hướng thị giác trên toàn bộ mặt tranh từ khó đến dễ nhận biết hình dạng. Môtip ngựa tịnh tiến, tỏa ra chiếm lĩnh không gian trên mọi đà hướng và thường được ông tạo hình thành họa tiết đầy đủ toàn thân trong nhiều tư thế, xác quyết với bối cảnh xung quanh bằng đường bao dạng vuông, tròn, đa giác.

Từ bỏ cái nhìn xa gần trước sau, quen mắt, ông biến đổi mọi góc nhìn, khuôn hình, trường nhìn. Ông vận dụng tài tình giữa cái rỗng và cái đầy, hiện diện và khiếm diện, không quá xa xôi khó nắm bắt, cũng không quá chi tiết áp đặt, vì thế nghệ thuật tạo hình ngựa của ông gợi mà không tả.

Thể nhập vào thế giới tạo hình về ngựa cũng là một cách/hướng tiếp cận thế giới tạo hình của Lê Bá Đảng. Chính vì lẽ đó, khi chiêm ngắm hình tượng ngựa của ông, tùy thời kỳ mà người xem sẽ có những cách “đọc” hiểu, cảm nhận về ngựa khác nhau. Ngựa chỉ là ngựa hay nó tượng trưng cho khát vọng lên đường, tự do vùng vẫy, chính nhân quân tử... là tùy ở mỗi người.

Võ Xuân Huy
(Tuổi trẻ Cuối tuần)



Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com