Chỉ mấy tháng trước, ngày 5
tháng 10 năm 2014, ở thị trấn Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône nước Pháp
vừa khánh thành tượng đài tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương-một bức
tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và
tiếng Việt của họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động.
NGƯỜI LÍNH THỢ CỦA LÀNG BÍCH LA ĐÔNG
Khi nhìn những hình ảnh ấy
trên các trang báo Pháp, không ai nghĩ chỉ vài tháng sau, tác giả bức tượng
ấy-cũng là một lính thợ Việt Nam lại có chuyến viễn du về cõi vô cùng. Ra đi từ
làng Bích La Đông trong thân phận một người lính thợ vào tuổi 18. Và tác phẩm
cuối cùng của ông lại là bức tượng tưởng nhớ hai vạn lính thợ Việt Nam được đưa
sang Pháp từ năm 1939 đến 1952 được khánh thành vài tháng trước khi ông qua
đời, Lê Bá Đảng đã đi trọn cuộc tuần hoàn của phận người, bắt đầu là một người
thợ, rồi thành một họa sư vĩ đại, và trên hết là một người Việt yêu nước thương
nòi, một người Quảng Trị hội đủ những tinh hoa “văn chất bân bân” của miền đất
nghèo khó mà đôn hậu, cơ cực mà hào sảng.
Sinh năm 1921, năm 18 tuổi
Lê Bá Đảng bị đưa sang Pháp trong đợt chuyển giao lính thợ đầu tiên từ Việt Nam
sang “mẫu quốc” vào đầu năm 1939. Người lính thợ ấy, đã độ nhật mưu sinh trong
con ngõ nhỏ ở Paris với những bức ký họa mèo một nét độc đáo ở cái phố có cái
tên là lạ: phố “Con mèo câu cá” (La Rue Du Chat Qui Pêche) . Con phố nhỏ đó đã
từng in dấu trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jolán Folder cũng mang tên
“Phố Con mèo câu cá” được giải Grand Prix International ở London năm 1936,
trước khi Lê Bá Đảng đặt chân lên nước Pháp ba năm. Rồi từ những con mèo ký họa
ấy, cùng với thời gian, ông đã tạo nên một trường phái hội họa của riêng mình
với thuật ngữ lebadagraphic, được tôn vinh là “bậc thầy của hai thế giới
đông-tây”. Nói về nghệ thuật của Lê Bá Đảng hãy để những chuyên gia xứng tầm,
nhưng cùng chung trong nỗi mến yêu ông của nhiều người Quảng Trị, tôi muốn nói
về danh họa Lê Bá Đảng như một biểu tượng của nghệ thuật gắn bó với dân tộc,
với đất nước quê hương nhưng vẫn mang đầy đủ tầm vóc của thời đại, tầm vóc của
nhân gian.
Hơn hai mươi năm trước, lần
đầu tiên ông về quê nhà Bích La Đông làm triển lãm vào tháng Ba năm 1992. Không
chỉ có những người dân Quảng Trị đón chào ngày trở về của đứa con quê hương,
những ngày diễn ra triển lãm ấy, có lẻ là lần đầu tiên đất Quảng Trị đón nhận
một cuộc hội hè đông đủ nhất của những tên tuổi văn học nghệ thuật cả nước tìm
về. Trong sân đình, dưới bóng cây, trên thảm cỏ..những bức tranh của Lê Bá Đảng
được căng lên trên dây, dựng trên giá, có cả một chú rùa vàng được chính tay
ông kết bằng bông vạn thọ vàng rực rỡ dưới ao đình. Khi ấy, là phóng viên báo
Quảng Trị được cử đi đưa tin về triển lãm nhưng thú thực tôi chỉ biết tranh rất
đẹp mà không thể hiểu vì sao lại đẹp, nhưng cứ nhìn vào những tuổi tên văn nghệ
nước nhà từ Hà Nội, Sài Gòn lặn lội về Bích La Đông, có cả nhiều phóng viên
quốc tế vượt không gian tìm đến…chỉ nhìn vào chất lượng khán giả, có thể đoán
được đẳng cấp của ông. Mang nỗi băn khoăn về cái sự “đẹp mà không hiểu vì sao
lại đẹp” ấy đi hỏi những nhà phê bình mỹ thuật, hóa ra chiếc chìa khóa để hiểu
tranh Lê Bá Đảng lại vô cùng dung dị: “ Người ta quen nhìn thẳng “face to face”
như kiểu mặt đối mặt, còn ông Đảng không nhìn như thế, ông nhìn bằng mắt của
những con chim bay trên trời cao xuống nhân gian”.
NỐI QUÊ HƯƠNG VÀO NHÂN LOẠI
Không còn nhớ ai đã trao
cho tôi câu thần chú “Vừng ơi mở ra” như vậy với hội họa Lê Bá Đảng. Nhưng khi
nhìn những bức tranh của ông bày biện trên cỏ cây vườn tược quê nhà, tôi hiểu
mình phải mang tâm thế của một con chim bay trên trời cao mới có thể nhìn vào
những đường nét, họa tiết trong tranh ông. Và như khải thị, đây rồi, trên tranh
ông hiện ra tất cả núi non sông bể, hiện ra những con người sinh sôi và phồn
thực, hiện ra quê nhà thấp thoáng dưới những đám mây, mà ta, kẻ chiêm bái như
con chim đang tung cánh qua trời sộng sông dài. Đó là một mật ngữ của riêng Lê
Bá Đảng, mang ấn chỉ sáng tạo đưa ông tới những tên tuổi lừng danh của mỹ thuật
thế giới. Khác chăng, từ chổ thẳm xa diệu vợi ban đầu, khi “đốn ngộ” –nói theo
cách nói thiền học- tất cả hội họa ấy chợt tỏa sáng, lung linh trong một nỗi
gụi gần.Và nhiều năm sau , những cảm thức ám ảnh về hội họa của Lê Bá Đảng
trong tôi một lần nữa được khai mở khi bắt gặp áng văn của anh Hoàng Phủ Ngọc
Tường viết về không gian nghệ thuật của Lê Bá Đảng: “Hôm tôi trở lại Pa ri,
buổi chiều đi tắm biển về, anh Đảng chiếu cho tôi xem một bộ phim tài liệu hơi
lạ: một con hải âu bay qua những không gian vô tận, qua những đồng lúa, sông
hồ, núi non, sa mạc, và biển…, chỉ thế thôi. Và tôi hiểu rằng bằng cách đó, anh
Đảng giải thích cho tôi kinh nghiệm sáng tạo của chính anh. Chim hải âu bay
tung trời,hòa nhập vào tâm thức của một người cưỡi gió đi khám phá vũ trụ,
xuyên qua khoảng không giữa những vì sao. Khác với cái nhìn của người trái đất,
mà du lịch Thái Hư biết đến một không gian mới, bên ngoài mọi giới hạn, mọi
biên giới, xa thẳm vô cùng. Và từ độ cao của tâm thức đã vượt ra ngoài Bụi
Hồng, anh nhìn lại mặt đất trong một trực giác trinh nguyên về một không gian
và thời gian, để thấy hiện ra hình bóng con người đang cảm thụ sự sống trong
bào thai của Đất, thấy lại tuổi thơ hân hoan trong hồ nước xanh biếc ấy, vá
thấy lại những nẻo đường in dấu bàn chân nhỏ rong chơi hoặc đi tìm bạn. Thấy
những kỉ niệm sáng chói lên như viên ngọc quí trong hơi thở mat dịu của bóng
đem và thấy những ngôi nhà huyền thoại dưới đáy đại dương? Những gì anh ta đã
thấy bằng con mắt của chim hải âu sẽ được chuyển giao cho con người dưới hình
thức của một quà tặng có tên là “ Không gian Lê Bá Đảng”. Khát vọng của không
gian nghệ thuật đó đúng như tri thức hiền minh của phương Đông, là sự thể nhập
làm một của Con Người, Vũ Trụ và Nghệ Thuật…” (Không gian Lê Bá Đảng-HPNT) Mang
cái nhìn của những mắt chim từ trời xanh xuống cõi nhân gian, nhưng Lê Bá Đảng
không ở trên vòi vọi cao xanh, ông gắn bó với quê nhà trong từng hơi thở, có
Việt Nam trong từng giấc ngủ.
Ở ngôi nhà bé nhỏ của họa
sĩ nơi quê làng Bích La có một bức ảnh cực kỳ quý hiếm: Đó là hình chụp ông
đang tháp tùng Hồ Chủ tịch khi người sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau vào
năm 1946. Vượt lên thân phận người lính thợ, bằng tài năng của mình Lê Bá Đảng
đã cống hiến cho quê hương, gắn bó với xứ sở, dốc lòng cho đất nước mà những
tên gọi của các dự án nghệ thuật của ông đã nói lên tất cả : Vườn mộ Loa Thành;
Hạt gạo Trường Sơn, Dấu chân Giao Chỉ, Làng hoa Bích La, Tượng đài Thánh Gióng,
Cọc chông Bạch Đằng… Những ngày đất nước ra trận, ông có những Hậu quả chiến
tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973-những bức tranh về Trường Sơn và đường
mòn Hồ Chí Minh), những bức tranh ấy đang im lặng đầy náo động trên bức tường
của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, một biệt thự đẹp nhất Huế trên con phố Lê
Lợi. Nhiều lần, Lê Bá Đảng đã tâm tình rằng: “Thông thường, nghệ sĩ chỉ thích
mây, gió, trăng, sao, tỏ vẻ không cần kinh tế. Hội họa cao quý như đạo, vì vậy
có người khi nói đến kinh tế cho là tồi tàn lắm. Nếu nghĩ vậy thì không được,
hỏng mất. Làm ra cái gì mà không cần kinh tế". Nghệ thuật nhưng không xa
rời nhân dân, nghệ thuật mang lại cơm áo cho dân, rất nhiều dự án nghệ thuật đã
được ông ấp ủ, là một bức tranh giữa núi non mà du khách có thể dạo chơi trong
bức tranh ấy, là hạt gạo quê mùa nhưng có thể là một tác phẩm nghệ thuật bán
được tiền, là những dấu chân Giao Chỉ ruộng đồng nhưng vẫn sang trọng sánh vai
bên những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ..Với Lê Bá Đảng không có nghệ thuật nào
nghịch lý với khó nghèo mà từ khó nghèo vẫn làm được nghệ thuật và rồi chính
nghệ thuật ấy sẽ làm cho người dân no ấm hơn giàu có hơn! Rất nhiều dự vọng như
vậy đang ấp ủ, đang manh nha chưa kịp thành hiện thực thì ông đã ra đi Ra đi ở
tuổi 94, đó là đại thọ, không nhiều người may mắn hưởng được tuổi trời như thế.
Nhưng với Lê Bá Đảng, tuổi 94 với ông vẫn là quá ít. Giá mà ông được sống thêm
mươi, mười lăm nữa, để những ước mơ nghệ thuật vì con người vì quê nhà của ông
trở thành hiện thực. Ông sẽ nằm lại ở nước Pháp, nhưng tôi tin linh hồn ông đã
về với mảnh làng Bích La Đông, lặng lẽ với nụ cười đôn hậu và ánh mắt tinh anh,
ông sẽ nhìn tất cả với đôi mắt hải âu đã bay qua muôn trùng bể rộng. Bằng nghệ
thuật của mình, ông đã làm cho nhân loại biết đến quê hương và quê nhà trong
niềm kính phục. Sứ mệnh ấy chỉ dành cho những tâm hồn vĩ đại, những tài năng vĩ
đại. Tất nhiên những con người như thế, phải đếm rất hiếm hoi trong từng thế kỷ
!
Lê Đức Dục