Festival Huế 2002 và 2004 họa sĩ lại về bày tranh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Thừa Thiên - Huế). Những tranh hai mặt trước - sau treo lơ lửng trên những cành cây. Hai mặt vừa thống nhất và đa dạng hai mặt bổ sung cho nhau, song hành cùng nhau trong một chủ đề. Nhiều tác phẩm khác, ông còn lấy dây "tơ hồng” buộc vào nhau trông rất duyên nợ như vợ chồng. Một số tranh không bó buộc theo khuôn hình cổ điển vuông, tròn, chữ nhật mà có dáng tự nhiên; cách treo móc, đặt để cũng linh hoạt, phong phú.
|
Tác giả (trái) và họa sĩ Lê Bá Đảng. |
Năm 2004 lần đầu tiên có cơ hội bày tranh tại nước ngoài, sau cuộc triển lãm đầu tiên tại Klong Toey, Bangkok (Thái Lan), chúng tôi bay sang Pháp tiếp tục hành trình triển lãm và tham quan các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng tại Rennes, Saint-Malo và Strasboug. Trước khi đi tôi đã liên lạc email nhiều lần trao đổi với họa sĩ Lê Bá Đảng. Tôi thì háo hức với chuyến đi khám phá văn hóa nghệ thuật nước Pháp và không gian nghệ thuật của ông, ông thì kỳ vọng chúng tôi là những nghệ sĩ trẻ có thể lĩnh hội những ý tưởng nghệ thuật của ông nên mong gặp gỡ. Mong ngóng là vậy, nhưng mãi năm tuần sau chúng tôi mới gặp được ông. Trong quãng ấy chúng tôi tranh thủ đi thăm quan mấy bảo tàng mỹ thuật hiện đại và đương đại.
Chúng tôi gặp hoạ sĩ Lê Bá Đảng tại Orfila-75020 Paris ngày 2.10.2004, nơi chúng tôi sắp triển lãm. Chúng tôi vui hết cỡ, lúc này không còn rào cản, khoảng cách giữa họa sĩ bậc thầy và họa sĩ trẻ, chập chững như chúng tôi mà thay vào đó là tình cảm ấm nồng tình quê hương, thân tình như người trong nhà. Ngoài chuyện quê hương, chuyện triển lãm, đi lại đây đó, chúng tôi còn được ông bày vẽ rất nhiều về nghề sau khi xem đi xem lại phòng tranh. Ông nói nhiều về tương lai Mỹ thuật Việt Nam, về Huế và Quảng Trị. Dù ở xưởng hay tại nhà riêng Lê Bá Đảng cũng say sưa nói về những dự định, những ý tưởng mà ông ấp ủ bấy lâu nay dành cho quê nhà, từ trang trí xích lô, mặc áo cho cây, vườn Mỹ thuật: vườn yêu, vườn tiên, vườn trăm trứng, vườn ca dao tục ngữ, vườn thiền, vườn đực, vườn cái, vườn tấn tuồng nhân loại... cho đến xóm “Gạo” làng “Nếp” trên đường Trường Sơn; hàng rào mỹ thuật thay thế hàng rào điện tử McNamara; đưa mỹ thuật vào bệnh viện làm liều thuốc an thần...
Không dừng lại ở ý tưởng, ông còn đề xuất phương sách thực hiện để làm sao vừa mới, đương đại mà vẫn rất hồn cốt Viêt nam, rất cụ thể: Phải dựa theo lịch sử, văn hoá, truyền thống của ông cha và kết hợp với chất liệu sẵn có trong nước mà sáng tác; Thay đổi cách nhìn, kỹ thuật, hình thức, ý nghĩ, chất liệu, cho đến cả những gì đã học trong trường; Đẹp mắt chưa đủ, phải đẹp lòng, đẹp non sông đất nước; đẹp cho tất cả hạng người, đẹp cho cả thành thị cũng như ở thôn quê. Miếu đình chùa chiền làng xóm phải đẹp; Thay đổi thói quen vẽ tranh nặn tượng và cả không gian đặt để, phương thức bày bán theo lối mòn. Những vấn đề trên ông đúc kết thành bài viết với tiêu đề “Trường phái mỹ thuật Việt Nam” đưa chúng tôi cầm về như một sự kỳ vọng, ký thác. Ông còn căn dặn thêm chúng tôi - lớp họa sĩ trẻ rằng: Nghệ thuật là tự do. Trong nghệ thuật, nếu thấy không có cái riêng của mình, thì nên thay ngay, chọn nghề khác. Luôn luôn chú trọng cái bên trong của mình, cái bên ngoài của kẻ khác, bỏ đi. Học hỏi không ngừng, dùng những cái mình có, không nên bắt chước thầy hay bất cứ ai mà quên đi rằng đó chính là sự lệ thuộc, nô lệ.
|
Không gian - Tác phẩm của họa sĩ lê Bá Đảng. |
Những gì ông trăn trở, gửi gắm nghệ sĩ nước nhà đã rõ. Lê Bá Đảng xem ngành mỹ thuật với ý nghĩa là một bộ phận của văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tạo lập cảnh quan văn hóa (cultural landscape), cảnh quan nghệ thuật (landscape art), có sự đan xen, giao thoa giữa mỹ thuật tạo hình và ứng dựng, góp phần hình thành môi trường thẩm mỹ phục vụ nhân dân, du lịch và làm phong phú các sản phẩm du lịch đất nước.
Từ đó đến này, đã hơn mười năm, mỗi lần họa sĩ về nước tôi đều có vinh dự gặp gỡ ông và trao đổi chuyện nghề, ý tưởng nghệ thuật của ông tại Huế. Với tôi nơi đâu và bao giờ, họa sĩ Lê Bá Đảng vẫn là “Mùa xanh muôn một”(1); Đi muôn nơi nhưng vẫn sâu xa trôi chảy về một - làng Bích La Đông, Quảng Trị, Việt Nam cho dù, lúc này thân xác ông đã nằm lại nghĩa trang Père Lachaise, Paris, Pháp.
1. Tên một triển lãm của họa sĩ Lê Bá Đảng tại Festival - Huế 2004 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Huế).