Anh Đảng, với tôi, là bạn vong niên. Anh luôn luôn ứng xử với tôi như bạn, mày tao thoải mái (trong tiếng Pháp). Anh hơn tuổi tôi một thế hệ, có những nghiệm sinh, tình cảm, suy nghĩ của anh, thời anh và, trong nghệ thuật, vượt thời anh. Tôi có nghiệm sinh, tình cảm và suy nghĩ của hậu bối.
Tôi biết anh qua quá trình cả hai người dấn thân "chống Mỹ cứu nước". Anh, trong địa vị nhân sĩ, thành viên uỷ ban cố vấn hay chủ tịch đoàn gì đó trongPhong trào Việt kiều Yêu nước ở PhuLăngXa. Tôi, trong địa vị lính tốt tổ chức sinh viên đi dán áp-phích chống xâm lược Mỹ trên đường phố Paris. Vừa dán áp-phích vừa canh cánh lo sợ đám công an hay phátxít Tây U bắt, đập. Năm ấy, chúng tôi dán trên đường phố Paris một tấm áp-phích kỳ dị : một bức tranh cực đẹp của Lê Bá Đảng biểu hiện một con ngựa dường như truyền thuyết. Không biết ai đã bỏ tiền in những áp-phích ấy : có thể đưa vào bất cứ tiệm bán tranh nào để bán, nhưng sẽ chỉ tồn tại vài ngày trên tường phố Paris. Với tôi, chưa bao giờ, trên những bức tường Paris, lại có áp-phích đẹp và sang như thế, vì Việt Nam : tác phẩm nghệ thuật của một danh hoạ quốc tế. Dán tới đâu, sướng tay tới đó. Lùi lại, trong đêm đông xá trông có hương, buồn lòng… hè hè, ngắm bức tranh ướt sũng hồ, lòng thấy lâng lâng.
Tất nhiên, tôi biết anh là ai và anh chẳng thể biết tôi là ai. Tôi gặp anh trong những buổi họp, chẳng bao giờ trò chuyện với nhau. Tôi vốn không thích gần người có quyền lực hay danh vọng. Danh vọng của anh, thời ấy, rất lớn trong thế giới Ziao Chỉ của tôi.
Chiến tranh chấm dứt, mỗi người mỗi nẻo.
Thuở đó, tôi không rời được nước Pháp. Hè về, thường xuống nghỉ ngơi ở bờ biển Địa Trung Hải, đi lang thang đây đó. Không nhớ qua đâu, tôi được anh mời tới nhà anh ở Cannes. Tôi nhận lời, mời anh đi nhậu. Mai và tôi, lúc ấy háu ăn ngon, tìm ra một tiệm ăn có "sao" gần nhà anh. Anh không từ chối. Nhưng, đến lúc, anh lại kéo hai đứa ra bờ biển, ăn trong một quán ăn bình thường. Tôi hiểu : anh không có nhu cầu ăn quán cơm sang, chỉ có nhu cầu nhậu và tán gẫu với bạn.
Trên balcon căn hộ anh, anh chỉ chân trời : khi thời tiết trong lành, từ đây có thể thấy đảo Corse. Tôi ngạc nhiên : thế à ? Sau tôi nhớ đã đọc đâu đó : nhờ nguyên lý tương đối của Einstein : nếu ánh sáng bay "thẳng" thì từ đó không bao giờ nhìn thấy được đảo Corse. Nhưng nếu "không gian cong" thì đương nhiên sẽ thấy.
Trên bàn ba người uống café, có một tác phẩm : một dáng ngựa phi trong không gian, làm bằng một sợi dây. Tôi buột miệng : đẹp quá. Chỉ là một cọng "dây thép". Thực tế là dây vàng, anh uốn nắn thành hình một con ngựa. Thanh thoát, linh động quá trời ! Không chỉ là một con ngựa. Là khao khát bay của con người !
Chàng cho xem và giải thích : chàng có một cuộn dây vàng, khi hứng uốn nắn chơi, và đã uốn nắn hình hài con ngựa này. Tôi thầm nghĩ : có tâm hồn nghệ sĩ, có bàn tay nghệ thuật, đụng cái gì cũng biến thành tác phẩm. Nếu…
Chàng bảo tôi : nghệ thuật phải trở thành môi trường sống tự nhiên của con người. Chàng muốn nghệ thuật của chàng hiện diện trong đời sống hàng ngày của bàn dân. Chàng cho tôi vài "pho tượng" nhỏ li ti, giống như vỏ hến, tôi nhận : con gái tao sẽ thích, nó đi nhặt ở bờ biển liên miên. Quả nhiên, nó thích. Và một khay (đĩa lớn) : chàng muốn nó được sử dụng như một công cụ bình thường trong đời sống thường ngày. Tôi nhận. Và đã dùng nó như thế từ đó. Dùng nó như thế, ắt có ngày nó sứt mẻ. Chính chàng muốn vậy mà.
Chàng đưa Mai và tôi thăm mộ con trai của chàng. Một khối đá màu đen đơn sơ, phẳng lì. Trên đó, một mobile kiểu Calder do chàng tạo, cực thanh nhã, lung linh xoay chuyển bất tận với nắng gió.
Chàng dẫn vào "xưởng" của chàng, mở một tập tranh khổ lớn, bảo Mai : thích cái nào, cứ lấy. Mai ngại quá. Tranh Lê Bá Đảng tất nhiên đắt tiền, lấy như thế sao được. Mai và tôi chưa hề có nhu cầu mua tranh để trưng trong nhà : chẳng có nơi nào đáng trưng tranh cả. Nhưng từ chối hơi bị mất dạy. Cuối cùng, Mai cũng nhận một bức, đóng khung xong không biết để đâu… Lại khổ tôi.
Trong một xó xưởng, chàng giới thiệu cho tôi một bức tượng cực đẹp : một bức tượng Phật… trống rỗng.
Chàng giải thích. Mày đi xe hơi xuyên Tây Ban Nha, thỉnh thoảng thấy xa xa trên đồi núi xuất hiện hình hài một con bò mộng làm bằng gang thép. Chỉ vài nét đơn sơ, rất đẹp. Bức tượng này cũng vậy và rất khác. Tao muốn làm nó cao khoảng 10-20 thước, ở Huế. Nhìn từ xa, thấy Phật đang thiền. Càng tới gần hình ảnh Phật càng lu mờ. Đến gần tới mức nào đó, không còn thấy Phật nữa. Bước vào trong bức tượng, lại thấy bóng mình in trên nền đất hoà với vô vàn hình Phật do ánh sáng mặt trời rọi xuống xuyên qua những lỗ hổng trên những mảnh áo kẽm, thay đổi và di chuyển tuỳ thời gian và vị trí của mặt trời. Tao thể hiện chữ Không của Phật đấy. Tuyệt vời.
Khi tôi đăng quyển Penser Librement, Myshu, vợ anh, mua liền ở tiệm sách 6 bản để tặng bạn…
Khi con gái tôi thành hôn, tôi mời anh và chị Myshu. Hai người không tới được, bảo tôi dắt con gái tới thăm cho biết mặt.
Myshu bày ra một tập tranh, bảo con tôi : đây là những bức tranh Đảng tặng tao nhân ngày sinh nhật, mày thích tấm nào cứ lấy. Con tôi hồn nhiên lật xem, lưỡng lự mãi giữa hai bức tranh. Myshu bảo : lấy cả hai đi.
Hai người này tốt với tôi, đại khái như vậy. Họ cần cho. Cho điều quý nhất ở người nghệ sĩ : sáng tác chính mình ở đời.
Bạn đã sống một đời đẹp, hào phóng. Bạn để lại cho đời một di sản nhân văn, nghệ thuật lớn. Bạn sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng người cần yêu, biết yêu.
Phan Huy Đường (Tạp chí Diễn Đàn)
2015-03-11/14