TP - Lê Bá Đảng (1921-2015) - một họa sĩ tài năng người Việt nổi tiếng ở Pháp. Nhưng ít người biết, ông là một trong số 20 ngàn nông dân Việt qua Pháp lao động trồng lúa trên nước Pháp hồi đầu thế kỷ 20.
Hồi đó, thực dân Pháp đã đưa họ sang vùng Camargue sình lầy phía Nam nước Pháp để phát triển một vùng lúa nước. Nay nơi đây thành vựa lúa nổi tiếng của Pháp. Nhà ông không nghèo như những người nông dân cùng đi. Máu nghệ sĩ ham phiêu lưu khám phá thế giới cùng với khát vọng thoát khỏi sự gò bó phong kiến gia đình, ông đăng ký đi lao động trong khi đại đa số là bị cưỡng bức.
Ông cùng bao đồng
hương nông dân hầu như mù chữ và mù tiếng Pháp đã chịu đựng cuộc hành
trình lênh đênh khổ cực trên biển để đến đất Pháp. Ông từng bị đưa vào
lính, rồi bị bắt tù binh ở Đức. Chiến tranh kết thúc, ông lang thang
kiếm sống để kiếm tiền đi học hội họa.
Ông là người thấu hiểu nỗi gian truân, tâm tư tình cảm của người lao
động Đông Dương. Tranh của ông thể hiện nỗi đau khổ, nỗi nhớ quê hương
của chính bản thân ông và cũng là của 20 ngàn người đồng hương cùng số
phận.
Tác phẩm hội họa “Bàn chân Giao Chỉ” của ông chính là thay lời muốn nói.
Bàn chân khắc khổ hao hao hình đất nước, quằn quại. Thấp thoáng những
người mẹ còng lưng, những người vợ tần tảo mòn mỏi chờ chồng. Bàn chân
Giao Chỉ đó dù đi đâu vẫn nhớ về một quê hương. Những người lao động
sinh ra từ làng quê nghèo, sinh ra lớn lên trong một đất nước thuộc địa,
phải chịu nhiều khổ cực.
Bàn chân lang thang trên đất Pháp, bàn chân lội xuống ruộng lạnh
cóng để làm muối, trồng lúa, bàn chân ấy cũng phải ra trận, bàn chân ấy
thấm đầy hơi thuốc súng, hơi khói đạn trên đất khách quê người, vì sinh
ra trong đất nước nô lệ thuở ấy. Mầu nâu đất cũng như đường vân gỗ như
bàn chân xạm nắng gió, lấm bùn. Bàn chân của những người nông dân ngày
đêm vất vả vì miếng cơm manh áo.
Tranh của ông phảng phất nỗi nhớ một nỗi đau. Tất cả cứ mờ mờ ảo ảo.
Tác phẩm “Đi về phía em” cũng thấy hình nông dân đội nón. Họ đi đâu, về
đâu? Đi tìm vợ, tìm ai nơi quê hương xa xôi.
Đi về phía em.
Lê Bá Đảng
luôn đặt con người trong mối liên hệ với thiên nhiên, với quá khứ, hiện
tại và tương lai. Con người đó ngắm nhìn thiên nhiên từ trên trời nhìn
xuống… Và ông đã dùng màu để hiện thân sự thanh thản thiền trong ông,
trong quê hương ông và trong thế giới. Cái tĩnh lặng đã được Francois
Nedellec - thủ thư bảo tàng nghệ thuật Castre, Cannes nhận xét “giữa cái
tĩnh lặng, và thanh bình sau giông tố, Lê Bá Đảng trở thành nhà kiến
trúc sư thiên nhiên… Lê Bá Đảng mơ màng, trầm lắng… một nhà minh triết
trong hội họa, không bị thời gian níu giữ, vượt lên thời gian…”.
Sự tĩnh lặng qua thời gian ông có được thể hiện trên khuôn mặt thanh
thản, và miệng lúc nào cũng mỉm cười mơ màng về một nơi xa vắng trong
không gian. Cách đây gần 30 năm, khi mới tới Paris, tôi đã gặp khuôn mặt
tĩnh lặng ấy, một nụ cười thiền bên một khóm tre xanh trồng trên một
sân thượng nhỏ, tầng 7 quận 13. Một không gian giản dị, tôi tưởng quê
hương như chiếc lá thu đang bay chơi vơi giữa trời Paris náo nhiệt.
Tác phẩm “Cõi người ta” đối với ông là cả tâm tư ông trao gửi, nên
ông yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế giữ gìn cho thế hệ sau. Trong tranh,
bóng người ngồi thiền. Bóng lồng trong bóng. Người ngồi thiền, trong sâu
thẳm, vẫn là hình ảnh gia đình. Thiền liệu có che lấp nổi nỗi nhớ quê
hương. Quê hương là gia đình. Quê hương, hạnh phúc gia đình lúc ẩn lúc
hiện. Đó chính là tâm trạng của người xa xứ. Tổ quốc, gia đình, cha mẹ,
tổ tiên lờ mờ, nhưng là điểm sáng để ta hướng về đó, phấn đấu và vươn
lên, là mục đích sống và tồn tại.
Đúng như Georges Conchon, nhà văn từng đoạt giải Goncourt nhận thấy
ánh sáng bị phá tan trong tranh Lê Bá Đảng, nhưng mở ra một con đường.
Con người mù đang sờ soạn tìm lối, bằng thính giác qua tiếng động không
ngừng của ánh sáng… J. Ph. Picard đã ví thế giới của Lê Bá Đảng là nơi
ẩn, Lê Bá Đảng như nhân vật thần thoại Peter Pan bay vào trong vũ trụ
đến những vườn treo tưởng tượng… con người xuất xứ từ Á đông đang tự mở
cửa mời chúng ta cùng ông dạo qua thế giới xa lạ đối với những trái tim
phương Tây.
Để bước tới cảnh giới đó trong kiếp người, Lê Bá Đảng đã qua những
năm tháng đau khổ, từng bị nhốt vào nhà điên, rồi lang thang kiếm sống,
ông càng hiểu nỗi đau của những đồng hương cùng đi tha hương ngày ấy.
Mỗi lần nghĩ đến ngày xưa, ông cũng tự hỏi “không hiểu sao mình lại vượt
qua được thời kỳ khủng khiếp đó”. Nhiều người đồng hương cùng đi với
ông không muốn nhắc lại chuyện xưa. Có người giấu hết giấy tờ xưa - thời
sang Pháp như những kẻ nô lệ - trên nóc nhà, không cho ai biết.
Khi con cháu biết chuyện hỏi đến, nhiều người mới kể lại với những
giọt nước mắt. Đàn ông ít người khóc, họ chỉ khóc khi quá đau khổ. Tranh
Lê Bá Đảng tả những giọt lệ thầm kín đó bằng những hình ảnh thiền, lờ
mờ như quên hết. Lệ ứa trong bàn chân Giao Chỉ, trong hình vọng của ông.
Trong tranh ông, ta cảm giác hơi thở thiền, nhưng đó là tiếng nức nở âm
thầm của bao nhiêu người dân lao động xa xứ.
Nỗi nhớ quê hương chính là hồn tranh của Lê Bá Đảng. Nỗi nhớ cũng chính là nhịp cầu nối giữa Việt Nam và Pháp - nơi xa xứ.
Lê Bá Đảng cũng như nhiều người Việt yêu nước đã tham gia các phong
trào ủng hộ Việt Minh, và luôn đấu tranh cho độc lập và hòa bình của quê
hương. Năm 1946, khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp, Lê Bá Đảng được
hội Việt kiều yêu nước phân công đi bảo vệ Hồ Chí Minh. Ông đã cùng
nhiều nhân sỹ nổi tiếng như họa sỹ Picasso, nhà thơ Aragon kí vào tuyên
ngôn công nhận Mặt trận giải phóng nhân dân miền Nam và yêu cầu chấm
dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Chính vì thế ngay khi ông sống, đã có nhiều thước phim tài liệu nói
về ông. Khi ông mất, hội Việt Kiều ở Paris đã tổ chức lễ tang và chiếu
phim “Từ Bích Khê đến Paris” kỷ niệm 49 ngày mất của ông theo phong tục
Việt. Tại buổi lễ này, nhiều con cháu, hậu duệ của những người lao động
trồng lúa Việt đã đến dự. Họ xúc động khi xem những thước phim có đoạn
nhắc đến ông cha họ, và khâm phục tài năng của Lê Bá Đảng.
Có lẽ Thiền đã giúp Lê Bá Đảng may mắn hơn nhiều đồng hương của ông.
Ông là một trong mười người còn sống đại diện cho 20 ngàn người lao động
trồng lúa Đông Dương đến tham dự lễ tạ ơn lần đầu tiên trong lịch sử
thuộc Pháp của chính quyền địa phương đối với người lao động Đông Dương
ngày 10/2/2009. Người đi cai trị đã phải xin lỗi và cám ơn người bị bắt
làm nô lệ. Dù có muộn màng.
Tượng đài kỷ niệm những người lao động Đông Dương 1939-1952 ở Arles (Pháp).
|
Tác phẩm cuối cùng của Lê Bá Đảng đầy ý nghĩa nhân bản. Đó chính là
tượng đài kỷ niệm những người lao động Đông Dương 1939-1952 ở Arles
(Pháp). Bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm. Một người
nông dân vác cuốc không phải dáng của người nô lệ mà dáng đứng kiêu hãnh
tự hào vì đã đem văn minh trồng lúa nước Việt truyền sang Pháp, biến
Camargue từ vũng sình lầy thành vựa lúa nổi tiếng của Pháp.
Tượng rỗng, có thể nhìn thấy bầu trời và cây lá xuyên qua, tượng
trưng cho những người nông dân thuần chất, đơn giản, tâm hồn trong
sáng, mộc mạc thật thà như cây lúa. Chính quyền thuộc địa khi mộ nhân
công vẫn coi họ là "nhà quê, mọi, xếp vào loại lao động không chuyên,
lao động hạng thấp nhất, lao động chân tay".
Họ đến nước Pháp đại đa số bị ép buộc, nhưng vẫn làm việc cần mẫn và
chứng minh cho người Pháp biết sự thông minh tài giỏi của nông dân Việt,
góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp Pháp. Bức tượng đã lột tả niềm
tự hào thành công của những người nông dân Việt trên cánh đồng Pháp. Sức
chịu đựng gian khổ, và sự dẻo dai trong lao động đã giúp họ vượt qua
khó khăn và đau khổ. Lễ khánh thành tượng đài tổ chức ngày 8/10/2014
trước khi ông mất (7/3/2015).
Lê Bá Đảng một họa sĩ tài ba đã chứng minh cho nước Pháp biết người
nông dân Việt không những giỏi trồng lúa mà giỏi cả trong nhiều lĩnh vực
như trong hội họa, nếu có điều kiện phát triển. Hội họa; điêu khắc -
vốn là sân chơi mênh mông, khó trội ở châu Âu. Lê Bá Đảng đã thành công
trong lĩnh vực này.
Ông từng sống lận đận trong nghề, thất nghiệp, đói khát. Ông là niềm
tự hào của những người Việt trên đất Pháp, một biểu tượng của sự vượt
khó trong quá trình hội nhập của người nước ngoài. Từ một người thợ,
thành họa sỹ, thành danh, đạt được nhiều giải thưởng là cả một chặng
đường đầy mồ hôi và nước mắt của ông. Ông đã vinh dự được nước Pháp tặng
Huân chương Văn hóa Nghệ thuật. Thành phố Huế đã trân trọng dành một
không gian lớn để làm “Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng” nằm ở số 15A
đường Lê Lợi.
(Trần Thu Dung - Báo Tền Phong)