Các trang nhất của báo chí hôm nay chủ yếu được dành cho kết quả của cuộc tranh giải tại Liên Hoan Cannes và đặc biệt cho đạo diễn Michael Haneke, người nhận được giải Cành Cọ Vàng.
Việt Nam được nói đến một cách gián tiếp qua hai trang báo trên tờ Libération, đề cập đến số phận của những người bị cưỡng bức di cư sang Pháp. Đó là những người dân ở Đông Dương bị chính quyền thực dân Pháp tuyển mộ trong thời kỳ đệ nhị thế chiến để đưa sang Pháp, thay thế công nhânn ước này bị gọi nhập ngũ.
Trong số gần 20 000 lính thợ đến từ Việt Nam, họa sĩ Lê Bá Đảng nằm trong số khoảng năm mươi người còn sống sót.
Nhân dịp được xuất bản tại Pháp cuốn sách mang tên là « Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France » (Bị cưỡng bức di cư, những người lính thợ Đông Dương tại Pháp) mà tác giả là Pierre Daum, báo Libération đã đến phỏng vấn họa sĩ Lê Bá Đảng.
Năm nay 89 tuổi, ông được mô tả như là một người còn nhiều sức sống và luôn tươi cười. Phải chăng tiếng cười là bí quyết giúp cho ông sống lâu và khoẻ như vâỵ ? Ông cười và cho biết ông luôn tin tưởng rằng « trong bất cứ tình huống nào, người ta cũng có cách xoay sở ».
Đến nay ông không muốn khơi lại những năm đen tối của tuổi thanh niên, khi ông đặt chân đến Pháp vào năm 1940. Lý do là vì thời gian đó quá kinh khủng đối với ông.
Họa sĩ Lê Bá Đảng là một trong những thanh niên Việt Nam hiếm hoi vào lúc đó đã tự nguyện xin đi Pháp trong khuôn khổ chính sách mang tên tiếng Pháp là main d’œuvre indigène, tức nhân công đến từ các xứ thuộc địa, với tên gọi tắt là MOI. Do vậy mà có người đã tự chế giễu là đi làm « mọi » cho thực dân Pháp.
Ông Đảng kể lại với nhà báo Libération : « Ở tuổi 18, tôi mơ được đi phiêu lưu và tôi chỉ nghĩ đến một chuyện là chạy thoát khỏi ngôi làng nhỏ bé của tôi ở miền trung Việt Nam ».
Đại đa số những người lính thợ là nông dân mù chữ.
Nhưng, theo ông Pierre Daum, tác giả cuốn sách nêu trên, 96% những đồng đội của ông Đảng là nông dân mù chữ bị cưỡng bức đưa sang Pháp.
Nguyên nhân là vì tháng 9 năm 1939, Georges Mandel, bộ trưởng bộ thuộc địa, nuôi tham vọng đưa 500 000 công nhân đến từ các nước thuộc địa hải ngoại sang Pháp để góp sức vào nỗ lực chiến tranh của mẫu quốc chống Đức quốc xã. Nhưng trên thực tế Nhà nước Pháp lúc đó chỉ tuyển mộ được khoảng 10 %, và trong số này đông nhất là người đến từ Đông Dương, đông hơn người Maroc và người Angiêri.
Ông Lê Bá Đảng còn nhớ là vào năm 1939, khi nhân viên của chính quyền Pháp đến ngôi làng của ông ở miền trung Việt Nam, tất cả những gia đình có ít nhất hai con trai nhận được lệnh là phải cống hiến một người cho mẫu quốc. Và ông Đảng đã ký giấy tình nguyện ra đi mà không cho gia đình biết.
Một sĩ quan Pháp, được trích dẫn trong quyển sách của Pierre Daum, đã mô tả những tên « nhà quê » lênh đênh trên biển trong hơn một tháng, sống chật chội trong khoang hầm tàu và « bị đối xử không khác gì những nô lệ đến từ châu Phi trên các chiếc tàu buôn người ».
Tháng ba năm 1940, ngày đặt chân lên đất Pháp, nước biểu tượng cho tự do và bình đẳng, chỉ để lại ở ông Lê Bá Đảng những kỷ niệm lạnh buốt vì ông kể lại : « Trời rét kinh khủng, cây cối trụi lá, không có chim hót, tôi tự nhẩm : không thể nào sống tại một nước như vầy được. »
Nhân công Việt Nam được đưa vào các nhà máy chế tạo chất nổ.
Cả nhân công Việt Nam được đưa vào một ngôi nhà vừa mới xây xong tại Marseille : đó là nhà tù mới có tên là Les Baumettes. Được chia ra thành những đội khoảng 250 người, họ được phân đến các xưởng làm chất nổ ở nhiều nơi trên nước Pháp để làm một công việc nặng nhọc và nguy hiểm là đổ thuốc súng vào đạn pháo và các lọai đạn khác. Từ nông dân, họ trở thành « công nhân không lành nghề » (ouvriers non spécialisés, mà tên gọi chính thức là ONS).
Sau thất bại của quân đội Pháp, chính phủ Vichy đã nảy ra ý sử dụng tay nghề của nông dân a-na-mít để trồng lúa ở vùng Camargue, miền nam nước Pháp.
Sau đó ông Lê Bá Đảng được may mắn đi theo một người bạn Việt đi học vẽ và năm 1948 ông đoạt giải thưởng trong một cuộc thi vẽ áp-phích nông nghiệp. Sau một thời gian sống lận đận với nghề vẽ tại khu sinh viên Quartier Latin ở Paris, ông trở thành một họa sĩ nổi tiếng trên thị trường nghệ thuật tại Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Ngày hôm nay ông Lê Bá Đảng hãnh diện có được một viện bảo tàng ờ Huế dành cho tác phẩm của ông.