Danh họa Lê Bá Đảng mừng sinh nhật Thủ đô bằng triển lãm quy mô tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến hết 26/10. Triển lãm tập hợp những tác phẩm tiêu biểu trong suốt chiều dài sự nghiệp của một trong những họa sĩ tầm cỡ thế giới.
|
Tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng - Ảnh: NMH |
Triển lãm Mỹ thuật Lê Bá Đảng gồm 54 tác phẩm sáng tác từ 1950 đến 2002 với đủ chất liệu, bao quát sự nghiệp của ông. Loạt tranh ra đời sớm nhất được treo là Mèo (1950) trên chất liệu giấy tổng hợp lấy cảm hứng từ thư pháp. Chúng là những tác phẩm đầu tiên nuôi sống ông thuở hàn vi ở Paris.
Về bộ tranh Đường mòn Hồ Chí Minh - thực hiện năm 1970 - tác giả kể: “Ngày Mỹ qua đánh mình, tôi ở bên Pháp, xin về mấy ông không cho vì không an toàn. Tôi đành làm tranh chống giặc từ xa. Dù họ có phá bao nhiêu đi nữa, con đường vạch đỏ của mình cũng đi qua được hết. Hơn nữa, không có vạch đỏ thì tranh của tôi nó xấu”.
Triển lãm có một tác phẩm làm từ xác máy bay B52 bị bắn rơi ở Việt Nam tên gọi Châu chấu đá voi cùng 17 bức ảnh chụp các tác phẩm khác làm từ cùng chất liệu. Không phải tình cờ, họa sĩ nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 2005.
Loạt tác phẩm dùng chất liệu giấy để tạo thành Không gian Lê Bá Đảng (1980 - 1990) gợi cho người xem suy nghĩ về vũ trụ, về nhân sinh cũng được triển lãm lần này.
Ông vẽ tranh trên mặt phẳng có bốn góc - bằng cách đục khoét tranh và đem treo lên cây. Với loạt tác phẩm đục gỗ Ông bà, Mẹ Âu Cơ, ông lại quy điêu khắc về không gian hai chiều khắc họa những hoài niệm truyền thống văn hóa, gia đình Việt.
Lê Bá Đảng nói nhiều về dự định sắp tới. Về khu đất 20ha mới được cấp ở Huế, nơi ông sẽ làm một bức tranh - “Hay không phải tranh mặc kệ tôi” mà người xem có thể đi lên được và trở thành một phần của tranh.
Ông sinh năm 1921 ở Triệu Phong, Quảng Trị. 18 tuổi sang Pháp làm lính thợ. Lê Bá Đảng đi Pháp trong khuôn khổ chính sách Nhân công đến từ các xứ thuộc địa. Tháng 5/2009, nhân cuốn sách Bị cưỡng bức di cư - những người lính thợ Đông Dương tại Pháp của Pierre Daum xuất bản ở Pháp, tờ Libération đã phỏng vấn Lê Bá Đảng.
Lê Bá Đảng nằm trong số năm chục người sống sót trong gần hai vạn lính thợ đến từ Việt Nam. Một tháng lênh đênh trong hầm tàu, bị đối xử như nô lệ, qua Pháp, họ phải làm việc trong xưởng làm thuốc nổ, nạp thuốc súng vào đạn pháo hoặc làm ruộng.
Được hai năm, Lê Bá Đảng trốn lính, theo người bạn Việt đi học vẽ, học tiếng Pháp, nhiều khi phải ngủ ngoài đường, làm đủ việc và cuối cùng vào được Học viện Mỹ thuật Toulouse. Năm 1948, ông tốt nghiệp trường này đồng thời nhận được giải thưởng đầu tiên về áp-phích nông nghiệp.
“Tôi mất 6 - 7 năm học vẽ trong trường, rồi chừng ấy thời gian để quên những gì đã học”, Lê Bá Đảng nói. Ông cũng khẳng định, tác phẩm của mình chịu ảnh hưởng văn hóa Việt Nam chứ không nơi nào khác.
Lê Bá Đảng triển lãm tác phẩm tại Pháp từ những năm 1950. Hai thập kỷ sau đó, ông tấn công châu Âu, Mỹ rồi Nhật Bản. Năm 1989, Viện Quốc tế Saint - Louis (Mỹ) trao ông danh hiệu Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo.
Năm 1992, ông về nước trưng tranh lần đầu tại nơi ông ra đời: làng Bích La Đông. Ông được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc ĐH Cambridge (Anh) đưa vào danh sách những người nổi tiếng nhất thế giới 1992 - 1993. Bộ Văn hóa Pháp tặng ông Huân chương về Văn học Nghệ thuật năm 1994.
Năm 1997, được mời trưng bày lâu dài những tác phẩm điêu khắc không gian của mình trong một không gian riêng rộng 300m2, cao 10m tại khu Giáo đường Hình ảnh ở vùng Beaux de Provence - trung tâm văn hóa nghệ thuật du lịch nổi tiếng của Pháp.
Giữa năm 1996, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng ra đời bên bờ sông Hương ở Huế, cũng là ngôi nhà ở Việt Nam của ông. |
Nguyễn Mạnh Hà
(Tiền Phong online)