Sinh năm 1921 tại Quảng Trị, hoạ sĩ Lê Bá Đảng được giới nghệ thuật tôn là hoạ sư. Năm 1989, ông nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ; 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge (Anh) đưa vào danh mục "Những người có tên tuổi của thế giới"; 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương văn hoá nghệ thuật”; 2005 ông được nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt".
Bắt đầu từ tranh con mèo, con ngựa...
Bây giờ đã là họa sĩ nổi tiếng nhưng ông không thể quên kỷ niệm thuở hàn vi. Ông đi lính thợ sang Pháp là việc làm không ý thức, tò mò của tuổi trẻ. Sang đây ông làm đủ nghề nhưng vẫn chưa thoát nghèo. Rồi ông theo học vẽ tại Viện nghệ thuật Toulouse, vì Viện này cho phép sinh viên được làm thêm kiếm sống. Tốt nghiệp ra trường ông lên Paris - kinh đô nghệ thuật - để thử sức mình. Ông lang thang khắp mọi phố phường để tìm cảm hứng sáng tác. Một hôm ông đi ngang qua con phố ngắn nhất thủ đô có tên ngồ ngộ "Con mèo đi câu" (La rue du Chat qui pêche), cảm hứng sáng tạo nổi lên, ông ngồi vẽ mấy con mèo, mỗi con một nét bút. Không ngờ tranh con mèo của ông lại rất hấp dẫn, ông vẽ đến đâu bán hết đến đó. Có ngày ông bán được hơn trăm tranh với giá mỗi tranh 2 franc, vì thế đã giúp ông cải thiện dần cuộc sống. Từ mèo ông nghĩ ra vẽ ngựa, ông vẽ đủ thứ ngựa: ngựa đứng, ngựa nằm, ngựa ô, ngựa hồng và cả ngựa hai, ba đầu... tranh ngựa của ông cũng bán rất chạy. Sau đó ông chuyển qua vẽ hoa rồi đến vẽ con người... đều thành công.
|
|
|
|
Họa sĩ gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống để có cảm hứng sáng tác. |
Họa sĩ Lê Bá Đảng trong xưởng vẽ tại nhà riêng ở Paris. |
Tìm sách để nghiên cứu là thói quen đã từ lâu của họa sĩ. |
... đến nét chủ đạo trong sáng tác
Khi hỏi về bí quyết thành công trong nghệ thuật, ông tâm sự: nhân loại có lắm người tài, muốn tồn tại phải có phong cách riêng chứ không theo một trường phái hoặc ảnh hưởng ai cả. Mọi sự sao chép đều không thể tồn tại trong nền nghệ thuật đương đại. Tranh, tượng của ông thường vô đề, người ta vẽ tranh phẳng thì ông vẽ tranh gồ ghề, họ vẽ tranh một mặt thì ông vẽ tranh hai mặt; tranh của ông không chỉ là một bức mà gần như cả cuốn sách và xa hơn là cả một không gian...
Trong sáng tác, ông lấy quê hương làm niềm cảm hứng chủ đạo. Vì theo ông, xác định như vậy mới có một không gian nghệ thuật riêng biệt. Xa đất nước đã hơn 65 năm nhưng trong lòng ông luôn mang một nỗi nhớ da diết đối với quê hương, lúc nào những "tiếng vọng đồng quê cũng văng vẳng bên ông, cứ muốn gây nên sấm sét". Vì vậy khi quê hương đang trong khói lửa chiến tranh, ông đã dùng cây cọ của mình để vẽ Bác Hồ kính yêu, vẽ những người dân lam lũ một nắng hai sương nhưng tràn đầy niềm tin chiến thắng... Đặc biệt triển lãm “Phong cảnh bất khuất” nói về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh được tổ chức ở nhiều nước như Pháp, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ... là một đóng góp đáng trân trọng của ông đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Phong cảnh bất khuất” đã khắc họa được sự hiểm trở, khắc nghiệt của thiên nhiên, ác liệt của bom đạn đồng thời tác phẩm nào cũng có một mạch nguồn xuyên suốt thể hiện niềm tin chiến thắng của tác giả vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Qua triển lãm, ông đã giúp thế giới hiểu thêm về Việt Nam và một điều ý nghĩa là toàn bộ tiền triển lãm thu được, ông đã chuyển về giúp đỡ quê hương.
Đất nước hòa bình, ông luôn trăn trở: Việt Nam phải có một nền nghệ thuật hiện đại riêng, phải dựa vào tư tưởng, lịch sử, văn hóa Việt Nam mà phát triển thì nghệ thuật mới có sự độc đáo, riêng biệt để thu hút sự chú ý của người nước ngoài. Quan điểm nghệ thuật của ông là phải mới, nếu không thì khó phát triển và tồn tại. Ông muốn nghệ thuật phải giúp thúc đẩy kinh tế, nhất là thúc đẩy du lịch. Ông muốn con đường 9, Quảng Trị - con đường máu lửa trong chiến tranh nay trở thành tuyến đường du lịch, trong đó những khách sạn, điểm dừng chân được xây cất theo hình hạt gạo sẽ là một điểm đến độc đáo cho khách du lịch trong và ngoài nước.Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài với công việc và mong muốn nền hội họa đương đại Việt Nam ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Hoàng Chương