Khi chưa có vinh hạnh được gặp họa sĩ Lê Bá Đảng, tôi đã đọc và mê những dòng mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận về tác phẩm của ông: "Một nhân loại hài nhi đang hình thành trong bào thai của mẹ Đất, và sau đó bước ra khỏi ổ trứng để đi tìm đồng loại, những dấu chân xa hút trên mặt đất khô khốc kể lại cuộc hành trình tới những nền văn minh không có biên giới, hoặc có thể, biên giới rộng mãi tới các vì sao...".
Khi được gặp ông rồi thì những câu chữ ấy lại ngân nga thêm mãi. Và hiểu thêm vì sao con người có đến 70 năm sống xa Tổ quốc ấy vẫn là một người Việt thuần chất, cho dù thế giới xưng tụng ông là một "họa sư", và ông từng là một trong mười nhân vật nổi tiếng nhất thế giới năm 1992-1993 do Trung tâm tiểu sử Cambridge bình chọn...
Thưa họa sĩ Lê Bá Đảng, người Việt ta có câu: "Xa mặt cách lòng", nhưng với ông thì 70 năm sống ở xứ người hình như có "xa" mà không có "cách", là bởi những tác phẩm của ông bao giờ cũng chằng bện một tinh thần Việt, một tâm hồn Việt quá đỗi rõ ràng. Vậy thì những cuộc "trở về" trong ông đã diễn ra như thế nào?
+ Về khoảng cách địa lý thì tôi xa lắm. Tôi ăn nhờ ở đậu xứ người đến nay đã quá nửa cuộc đời. Và xứ người cũng cho tôi nhiều cơ hội để có thể chỗ nào cũng tự hào mình là người Việt đứng ngang bằng với người xứ họ. Nhưng tôi không thích nói đến chữ "trở về" theo nghĩa cơ học. Vì tôi đi xa đấy mà thực ra tinh thần thì lúc nào cũng là đang ở nhà. Tôi học Tây học Tàu, cái gì tôi cũng học, nhưng khi làm nghệ thuật thì tôi bỏ hết. Đề tài của tôi là cây đa, hạt gạo, là bàn chân Giao Chỉ tõe ngón, là đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh...Tôi ở xứ người họ sống nhanh tôi cũng phải sống nhanh cho kịp người ta. Ở Mỹ, người ta từng có hẳn một ngày dành cho tôi, gọi là ngày Lê Bá Đảng. Tôi mang tranh đi nhiều nước để triển lãm. Nhưng xem ra tất cả những giải thưởng, danh tiếng chỉ đơn thuần là để tôi cảm thấy cao hãnh khi là con của cậu mạ tôi, xứng dáng với người dân chân lấm tay bùn quê tôi: làng Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Tôi đi đâu được khen cũng không thích bằng được bà con làng quê mình khen.
- Cuộc triển lãm tranh tại làng quê nơi sinh ra mình từ năm 1992 chắc chắn vẫn còn để lại trong ông dấu ấn sâu đậm...
+ Đó là cuộc triển lãm hạnh phúc nhất đời tôi. Tôi mang tranh về làng, treo ở đình làng, treo trên hàng rào, móc ở cành cây... để bà con cô bác, những người cả đời chưa từng một lần lên thành phố xem tranh tới xem. Ai cũng thích thú, họ khen: "Ông Đảng hay thật". Vợ chồng tôi mời cơm cả làng 3 ngày liền. Đó thực sự là một ngày hội.
- Những người làm mỹ thuật thường hay đau đáu câu chuyện chất liệu. Còn với ông thì chất liệu có lẽ không khi nào quan trọng. Vì ông làm nghệ thuật với bất cứ chất liệu gì ông có trong tay, từ những mảnh vỡ xác máy bay, hòn đá, dây thép, giấy dán, mây, tre, cành cây khô, chiếc lá...Ông muốn biểu đạt điều gì trong quan niệm về chất liệu?
- Tôi hướng đến một thứ nghệ thuật phi hình thức, phi chất liệu. Tôi không bao giờ tự làm khó mình bằng cách gò mình vào trong các khuôn mẫu có sẵn. Nghệ thuật đâu phải là thứ gì đó quá cao siêu và hay gây rắc rối. Nghệ thuật nằm ngay trong đời sống, trong bất cứ điều gì đang diễn ra, miễn chúng ta nhìn nó bằng đôi mắt của cái Đẹp. Kỹ thuật là chuyện chân tay, ý nghĩ là chuyện trí óc, còn chất liệu thì đâu chả có. Mà thậm chí không có thì dùng cái "không" vẫn là nghệ thuật. Nghệ thuật hãy trở thành một thứ tối giản. Tối giản chứ không đơn giản. Đừng cầu kỳ hóa, cũng đừng bắt chước, lai căng. Hãy cứ là mình ở những gì giản dị, gần gũi nhất. Nghệ thuật nằm trong tinh thần, trong hồn cốt, không phải chất liệu đắt tiền, cầu kỳ thì sẽ có tác phẩm hay.
- Ông là người sáng tạo luôn dựa theo văn hóa, lịch sử, truyền thống, cảnh sắc, đời sống của dân tộc. Nhưng nhiều họa sĩ trẻ hiện nay không đề cao những yếu tố đó. Họ hướng ra ngoài nhiều hơn là nhìn sâu vào văn hóa của chính mình. Vậy thì ta hiểu tính dân tộc trong tác phẩm là như thế nào, thưa họa sĩ?
+ Tôi sẽ nói ngay rằng tính dân tộc hoàn toàn không phải là thứ người làm nghệ thuật cần tìm kiếm. Nó ở ngay trong bản thân mình rồi. Chỉ có điều người nghệ sĩ phả nó lên tác phẩm ra sao thì phụ thuộc vào tầm văn hóa, hiểu biết và tri thức mà họ có. Tôi xem tranh của nhiều họa sĩ trẻ thì thấy họ bắt chước Tây, Tàu. Tôi không thấy tí Việt Nam nào trong tác phẩm của họ, mặc dù họ là người Việt. Họ không có cá tánh của chính mình và của văn hóa nước mình. Rất nhiều người làm ta thất vọng vì cái sự không giống ai mà cũng không giống Việt Nam. Làm nghệ thuật là phải Thật. Khi cái Thật đạt đến ngưỡng của nó thì đó chính là lúc người ta tìm thấy cái bản ngã của mình. Nếu cứ hời hợt bên ngoài, lo sao cho lấp lánh, cho đẹp lòng người xem thì không bao giờ đạt đến cái tinh túy nhất.
- Ông từng nói nghệ thuật mà không sinh lợi thì khó tồn tại, khó phát triển. Vậy cái lợi ở đây có thể hiểu đơn giản là tiền không, thưa ông?
+ Cái này chỉ có một phần nhỏ nào đúng thôi. Mặc dù tôi thừa nhận tôi giàu, tôi sang vì nghệ thuật. Tôi là người bán được nhiều tranh, nhưng tôi lại nói rằng những người làm tranh cho vừa mắt khách du lịch để bán thì chẳng khác gì làm nhà thổ. Cái lợi của nghệ thuật cần phải hiểu ở một góc khác. Là nghệ thuật phải đi vào đời sống, làm lợi cho nhân dân, chứ không phải treo ở bảo tàng cho người ta đến ngắm. Tôi có một số ý tưởng về nghệ thuật sinh lợi cho nhân dân, chẳng hạn tôi muốn có một bức tranh dài như nước Việt bằng cách ở mỗi điểm giáp ranh các tỉnh với nhau tôi đặt những bức tượng, bức tranh đẹp, để người nước ngoài tới Việt Nam về họ thấy nhớ vì sự khác biệt ấy. Tôi muốn những bức tranh đẹp thay vì nằm trong bảo tàng thì sẽ được treo trong bệnh viện, an ủi những người đau ốm hay đang gặp hiểm nguy. Tôi muốn trước mỗi vạch dừng đèn xanh đèn đỏ là một bức tranh được vẽ, nhắc nhở người tham gia giao thông hãy giữ gìn cái đẹp đường phố, không phóng nhanh vượt ẩu. Khi tôi về Huế xây dựng Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, tôi muốn biến đáy sông Hương thành một bảo tàng văn hóa. Mỗi khúc sông sẽ đặt những bức tượng và kể một câu chuyện về lịch sử dân tộc. Có thể có người cho rằng tôi năm nay 90 tuổi và đưa ra những ý tưởng có vẻ khùng, nhưng tôi cho rằng đó là những ý tưởng hết sức thực tế, hoàn toàn có thể làm được. Nước ta còn nghèo, nhưng nếu biết kết hợp nghệ thuật vào du lịch thì chúng ta sẽ giàu. Nền văn hóa của chúng ta rất giàu có nhưng chúng ta chưa biết tôn vinh, chưa biết sử dụng nó như một công cụ để làm lợi cho nhân dân, thay vì để trong bảo tàng im ỉm khóa.
- Người Việt Nam mình ít được học về hội họa. Nên khi xem một bức tranh người ta chỉ có thể cảm nhận bằng cảm tính. Với việc đưa nghệ thuật đến gần nhân dân hơn, phải chăng họa sĩ đang chứng minh rằng một tác phẩm nghệ thuật hay - ngoài việc thuyết phục những người có hiểu biết - nó vẫn có thể bầu bạn với những người bình thường?
+ Tôi cho rằng không có gì trên đời rộng lớn bằng nghệ thuật. Chỉ có những người thu hẹp nghệ thuật lại mà thôi. Người dân quê tôi có học mỹ thuật đâu mà khi tôi mang tranh về làng triển lãm họ vẫn rưng rưng xúc động. Bởi vì nghệ thuật đích thực bao giờ cũng bám rễ vào đời sống, nó có sức lay động với bất kỳ ai, không phân biệt. Nếu không làm xúc động được những con người bình dị nhất thì những anh họa sĩ tóc dài kính lớn cũng chẳng để làm gì. Trung tâm nghệ thuật của tôi ở Huế rất sang trọng, nhưng tôi luôn mời những người lái xích lô, xe ba gác vào xem. Ban đầu họ ngại ngùng, sau rồi họ thích thú. Nghệ thuật không phải là đặc quyền của người giàu, người sang trọng. Vì vậy tôi cũng thích mang nghệ thuật ra đường phố, ra ngoài trời, để bất kỳ ai cũng có thể tới xem. Tôi không thích vẽ tranh để treo trên tường. Tôi muốn vẽ những bức tranh lớn dưới mặt đất để mọi người có thể đi trên nó và trở thành một phần của bức tranh đó. Nghệ thuật phải gần gũi với mọi người, không phân biệt.
- Danh tiếng của ông đã tốn nhiều giấy mực báo chí. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam năm 2005 đã phong tặng danh hiệu người "vinh danh nước Việt" cho ông. Trên phương diện ấy, nói một cách ngắn gọn nhất, ông thấy đóng góp đáng kể nhất của mình cho Tổ quốc là gì?
+ Tôi chỉ có một tâm sự thế này, nếu thực sự mọi người coi tôi là tấm gương thì hãy "bắt chước" theo tôi. Bắt chước ở đây không phải là "cop-py", mà là nhặt lấy những gì hữu ích trong tinh thần và tư tưởng của tôi. Tôi tin là nó sẽ hữu ích cho nhân dân mình, cho văn hóa của dân tộc mình. Đời tôi trước khi trở thành họa sĩ đã khổ cực nhiều, phải làm nhiều nghề để sống. Và khi đã thành danh thì lại trải qua mất mát không gì bù đắp, là mất đi người con trai duy nhất của mình. Tôi chỉ còn một tiếng gọi tha thiết từ quê hương và tôi muốn làm những điều có ý nghĩa tốt đẹp nhất cho nhân dân mình, với mong ước làm sao để văn hóa Việt Nam được tôn vinh nhiều hơn nữa.
- Xin cảm ơn họa sĩ Lê Bá Đảng
Bình Nguyên Trang
(Theo báo Công An Nhân Dân)