TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761167
  TIN TỨC
Báo Le Monde (Pháp): Thành phố Arles vinh danh công lao những người lính thợ Việt Nam đã phát triển việc trồng lúa ở vùng Camargue (10/13/09)
  
Ngày mai thành phố Arles, ở miền nam nước Pháp, sẽ gắn huy chương cho khoảng một chục người Việt Nam xưa kia là lính thợ Đông Dương để vinh danh sự đóng góp của những người Việt Nam bị đưa sang Pháp trong Đệ nhị Thế chiến, vào sự phát triển việc trồng lúa và khai thác muối tại vùng Camargue.
Báo Le Monde hôm nay đã dành cả một trang báo để nói về những người thợ không chuyên nghiệp đến từ Việt Nam mà tên gọi tiếng Pháp là « main d’œuvre indigène », gọi tắt là MOI, giống như « mọi ». Trong số này, một trong những người còn sống sót là họa sĩ Lê Bá Đảng, nay đã 90 tuổi. Ngày mai ông sẽ được thị trưởng thành phố Arles, Hervé Schiavetti (thuộc đảng Cộng sản Pháp) gắn huy chương cho công lao của ông trong một giai đoạn quá khứ mà họa sĩ muốn quên đi vì đó là một « quãng thời gian quá đau buồn ». Câu chuyện của ông Lê Bá Đảng giống như chuyện của hàng chục ngàn người khác đã sang Pháp vào năm 1939. Xuất thân từ một gia đình nông dân ở miền trung, năm 1939, khi ông chưa tròn 20 tuổi, ông Đảng nghe nói mẫu quốc Pháp muốn tuyển dụng nhân công đến từ các nước thuộc địa để đưa sang Pháp tham gia vào nỗ lực chiến tranh. Thế là tháng 3 năm 1940, sau năm tuần lễ sống cực khổ trong khoang hầm của một chiếc tàu, ông Lê Bá Đảng đến cảng Marseille rồi từ đó ông được đưa đến St Nazaire. Sau khi Pháp thất trận, ông Đảng bị quân Đức bắt làm tù nhân. Nhưng 18 tháng sau ông vượt ngục với một ý nghĩ duy nhất là tìm được một chiếc tàu thủy để « trở về quê hương ». Theo Le Monde, ông Đảng không còn nhớ trong trường hợp nào ông trở thành một người của đội ngũ « công nhân không chuyên nghiệp » (ouvriers non spécialisés, gọi tắt là ONS). Thế rồi một hôm ông được đưa đến vùng Camargue để trồng lúa. Một công việc cực kỳ khổ nhọc, khiến ông bỏ cuộc sau ba tháng làm việc tại đây. Cuối cùng chàng thanh niên Lê Bá Đảng đến thành phố Toulouse và tại đây anh đã theo các lớp học buổi tối của Trường Cao đẳng Mỹ thuật, từ năm 1943 đến năm 1948, trước khi lên lập nghiệp tại thủ đô Paris. Khoảng 20 000 người Việt bị đưa sang Pháp trong Đệ nhị Thế chiến Tổng cộng có khoảng 500 người Việt đã làm việc tại các ruộng lúa ở vùng Camargue trong Đệ nhị Thế chiến. Theo Le Monde, sự đóng góp của họ mang tính quyết định trong việc dẩy mạnh trở lại việc trồng lúa vốn đã được nhập vào vùng Camargue giữa thế kỷ 19 nhưng rồi sau đó đã bị sa sút. Một nhà trồng lúa người Pháp, ông Yves Schmitt, 76 tuổi, mà người cha xưa kia là quản gia của một trong những đồn điền lúa lớn nhất ở Camargue, kể lại với phóng viên Le Monde rằng ông còn giữ trong ký ức hình ảnh của « những người Đông Dương rất kín đáo và sống quây quần, nấu nướng với nhau ». Do họ không nói tiếng Pháp ông Schmitt có cảm tưởng là họ đến từ một hành tinh khác. Bên cạnh nghề trồng lúa, có gần 1000 người khác đến từ Việt Nam và làm việc tại vùng Camargue trong đệ nhị Thế chiến để khai thác muối. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Trọng Hoan đến Marseille tháng năm 1940. Sau khi làm nhiều nghề, ông trở thành công nhân hãng Citroen trong một thời gian dài và hiện nay ông sống ở vùng ngoại ô Paris. Ông Hoan còn nhớ kỷ niệm của những khu trại không nước không lò sưởi mà ông cùng với các bạn phải sống chồng chất lên nhau để lĩnh một đồng lương rẻ mạt. Để tóm tắt cuộc sống của ông vào thời đó, cụ Hoan, 94 tuổi, nói : « Chúng tôi giống như những con thú vật ». Ngoài ra, báo Le Monde còn cho biết là thành phố Arles sẽ khánh thành một con đường hay một quảng trường để tưởng niệm công lao của những người dân đến từ các làng quê Việt Nam. Hành trình và khổ ải của khoảng 20 000 « thổ dân » Đông Dương được kể lại trong một cuốn sách đang được dịch sang tiếng Việt và có tựa đề là « Những người bị cưỡng bách nhập cư. Những người thợ Đông Dương tại Pháp, 1939 – 1952 ». Tác giả cuốn sách, ông Pierre Daum, một nhà báo 43 tuổi, đặc biệt nhắc đến ông Lê Hữu Thọ, vừa từ trần tháng 9 vừa qua, thọ 89 tuổi. Ông Thọ là một trong 25 nhân chứng mà tác giả đã phỏng vấn trong quyển sách và chính ông là người đã thúc đẩy phải làm một việc gì để tưởng niệm những thanh niên Việt Nam bị đưa sang Pháp trong Đệ nhị Thế chiến.


Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com