Giêng Hai thăm không gian Lê Bá Đảng
(08/54/10)
Mỗi năm du xuân tôi lại ghé vào thăm không gian của ông - một ngôi biệt thự cổ kiểu Đông Dương thuộc địa nằm ngay bên bờ nam sông Hương cố đô Huế. Nó là một không gian đưa dẫn để mỗi du khách yêu thích Lê Bá Đảng tìm đến tác phẩm của ông, tiếp nhận và tận hưởng một tài năng thuần Việt ở nghệ sĩ ngoại 90 tuổi.
Đào và mai nở đã gần hết trước tòa biệt thự mà thành phố Huế dành riêng cho lão họa sĩ bày biện những tác phẩm mà ông muốn dành riêng cho đồng bào xem sau khi ông đã đưa nó đi qua khắp châu Âu, châu Mỹ trong cả cuộc đời sáng tác. “Nghệ thuật của tôi phải là thứ nghệ thuật của người Việt”, tôi nhớ trong lần gặp đầu tiên vào năm 2007, ông đã mở đầu cuộc trò chuyện như thế. Sau này cũng đúng vậy, ông mong người Việt Nam hiểu được ông qua tác phẩm.
Thỉnh thoảng ông lại gặp gỡ những người đang lao động chân tay, mời họ dạo bước trong không gian của ông để nếu không hiểu gì nhiều thì họ vẫn được thư giãn. Giêng Hai năm nay, trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng vẫn lặng lẽ đón du khách đến với lão họa sĩ, chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông.
Những khói lửa của chiến tranh, những con đường mòn làm nên lịch sử , những bộ trang sức nghệ thuật gợi nhớ khuôn ngực thanh xuân..., nổi bật trong ấy là bộ tranh đề tài về đường mòn Hồ Chí Minh. Đường mòn Hồ Chí Minh được họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác khi ông chưa một lần đặt chân đến, chắc chắn thế, ông sống ở Paris, nhưng con đường của dân tộc đang đi thì ông cảm nhận được nó và dẫn dắt người xem hiểu nó theo mỹ cảm riêng của nghệ thuật.
Bộ sử ký về một thời chiến tranh của ông sáng tác không cung cấp thông tin, không áp đặt quan điểm. Nó là những gam màu hiện hữu đấy nhưng chứa đầy tâm trạng phức tạp của con người nặng lòng với quê hương. Những gam màu mạnh mẽ gợi về những con người đi ngược đi xuôi trên hành trình của quê hương, le lói những tia hạnh phúc của người nào đó đi hết con đường và chợt bắt gặp ngôi nhà của mình.
Có thể những bức vẽ đậm tính triết học của ông đã luôn tạo cảm xúc tươi mới, hiện hữu cho người xem. “Lê Bá Đảng là một trong những nghệ sĩ gốc Á Đông hiếm hoi nắm được bí quyết giao hòa Đông Tây, tìm đến sự hòa đồng tâm - vật, âm - dương, hữu hạn - vô hạn trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Thủ pháp và nghệ thuật đặc sắc của ông thể hiện sinh động giữa tính hiện đại và truyền thống” - những nhà phê bình nghệ thuật châu Âu đã cảm về phong cách sáng tác của ông như vậy. Nó cũng là nền tảng để ông thành công ở Pháp và châu Âu trong suốt 70 năm hoạt động nghệ thuật, và trong cuộc trở về quê hương tác phẩm của ông được đón nhận, vinh danh.
Riêng với tôi, tác phẩm ấy luôn hừng hực mùa xuân, bởi nó chứa đựng sự sáng tạo và chiêm nghiệm. Mỗi lần đứng trước những tác phẩm hội họa của ông ở Trung tâm Lê Bá Đảng, có thể cảm nhận mong muốn của ông đối với nghệ thuật là sự chia sẻ với người đối diện chính là văn hóa truyền thống. Sự mạnh mẽ của truyền thống giúp ông tạo được sự khác biệt và mạnh mẽ trên đất của nghệ thuật như Pháp, nhưng nó cũng giữ cho ông chẳng rời dân tộc mình dù 70 năm xa tổ quốc.
Năm 1989 họa sĩ Lê Bá Đảng nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ. Năm 1992 được Trung tâm Tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. Năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp".
Ông vẽ trên toan, trên lụa, rồi ông mở hẳn một cuộc sắp đặt “Mặc áo cho cây”, thử ý tưởng mới thành một bộ trang sức bên cạnh những dự án lớn. Như đã nói, ông không hề vịn vào một tầng lớp xem tranh có tri thức, học vấn. Đến 90 tuổi, ông vẫn muốn xây dựng một trường phái mỹ thuật Việt Nam, với xu hướng ứng dụng mỹ thuật vào phục vụ cộng đồng.
Lê Bá Đảng hiểu rằng nên gấp rút xây dựng cái nền cho mỹ thuật phát triển, đó là nền tảng về công chúng của nghệ thuật. Và con đường đi của ông rất rõ ràng với việc ủng hộ các dự án mỹ thuật cộng đồng, như hình thành những bức tường hội họa ở bệnh viện để giúp cho bệnh nhân nhìn ngắm, thư giãn mà quyết tâm hồi phục và khao khát trở lại cuộc sống.
Ông còn ấp ủ một dự án nối những địa phương khắp nước bằng những tác phẩm mang tính kết nối và đậm bản sắc để dựng ở những cửa ngõ các thành phố, miền quê. Mỹ thuật là để hưởng thụ với số đông, từ đó nâng dần mỹ cảm của công chúng thì nền mỹ thuật sẽ dần dần có nền tảng vững chãi, lúc đó mới nói đến đỉnh cao. Những dự án đó cũng sẽ giúp cho du khách có cái nhìn đúng đắn hơn về bản sắc văn hóa Việt.
|