Hồi Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), khi binh biến tràn lan, nước Pháp bị Đức Quốc Xã đe dọa, bấn bíu tứ túc, muốn đưa quân thuộc địa sang tiếp tay, nhưng nước tới chưn mới nhảy thì sao còn kịp nữa.
Lúc bấy giờ, về mặt lính thuộc địa thì trên đất Pháp, ngoài lính châu Phi và Bắc Phi, có một bộ phận lính khố đỏ Đông Dương, 52ème BMIC (Bataillon de Mitrailleurs Indochinois), đóng ở Carcassone. Nên chi, Tây bèn nghĩ kế bắt nông dân An-Nam-Mít đưa sang "Mẫu Quốc" làm việc cho quốc phòng, thay thế trai tráng người Pháp đi đánh trận.
Trong khoảng thời gian từ 1939 đến năm 1940, là lúc cuộc chiến Pháp-Đức Quốc Xã chấm dứt, nhà nước thực dân Tây đã đưa qua "Mẫu Quốc" trên 20.000 nông dân Việt Nam để làm những người thợ không rành nghề, chánh thức được gọi là "lính thợ" (ONS, Ouvriers Non Spécialisés), lao động thay thế trai tráng Tây ra chiến tuyến. Trên tổng số nầy, khoảng vài ba trăm người có học, và nói được ít hay nhiều tiếng Tây, tình nguyện làm thông ngôn và cai thợ, số còn lại lối 95%, là nông dân dốt nát mù chữ. Trong hai mươi ngàn người đó, có một người tình nguyện làm lính thợ tầm thường, mà chung cuộc lại là người lừng danh hơn hết.
Người đó là nghệ sĩ tạo hình Lê Bá Đảng, sanh ngày 26 tháng 7 năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ở đây có sự trùng hợp đáng lưu ý là có một nhơn vật nữa, tên Lê Văn Nhuận, sanh ngày 7.4.1907 tại làng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhơn vật nầy, rất nổi tiếng nổi tăm vì là Tổng Bí Thơ Lê Duẫn của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Có phải chăng đất Bích La là địa linh sanh nhơn kiệt?
Lê Bá Đảng xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, không có khiếu trong chuyện học hành nên rời băng ghế học đường hơi sớm. Với mười tám tuổi đầu, nghe thầy cô giảng dạy và qua sách vở nhà trường, đang mơ tưởng chuyện bên Tây thì nghe đồn có lịnh tuyển người đi Pháp làm thợ không rành tay nghề nên cậu Đảng ghi danh tình nguyện đi chơi cho thỏa ước mơ. Cậu đăng ký thầm lén, không cho gia đình hay biết gì hết. Bạn bè khuyên cậu chớ nên vì một mộng tưởng hão huyền mà bốc đồng rồi sau nầy ân hận. Nhưng cậu cứ cương quyết.
Vì địa điểm ghi tên là Quảng Trị, không gần bến tàu, nên nhà nước phải đưa cậu đến Tourane (Đà Nẳng) để lấy tàu thủy đi Tây. Người ta dự trù đầu tháng Hai năm 1940, cậu sẽ đáp chiếc tàu "Cap Varella" đi Marseille. Theo cậu kể thì:
"Ngày khởi hành bằng xe lửa đi Tourane, bố tôi có mặt ở đó, nhưng đứng khóc khuất xa khoảng mươi thước, đàng sau cái cây. Lúc nào tôi cũng vẫn còn trông thấy gương mặt đầy nước mắt của bố tôi, nhưng ông không bước tới ôm hôn tôi, bởi vì theo truyền thống, chúng tôi không có chuyện hôn hít như vậy."
"Trên tàu, quả thật là khủng khiếp. Chúng tôi ngủ dưới khoang hầm chở hàng hoá, trên những chiếc giường ba từng. Người nằm trên chỉ cách người dưới không đầy một thước. Không làm sao mà ngồi được. Như những con thú." (PD-T.49)
Trước chiếc "Cap Varella" đã có tám chuyến đi khác rời bến Hải Phòng bắt đầu từ ngày 12 tháng Mười năm 1939. Phần lớn những tàu chở lính thợ đi Tây không có bao nhiêu hành khách, chủ yếu là chở hàng hóa. Đông khách nhứt là lính thợ, những hành khách hạng bét, nằm dưới khoang hầm chở hàng, cải biến để chở người Đông Dương đi Pháp. Công việc sửa đổi khẩn cấp như vậy, người ta không làm sao dự trù đủ chỗ để cứu cấp, nếu có chuyện gì xảy ra trong khi di chuyển. Mà trong thời chiến tranh nguy cơ bị máy bay Đức tấn công là điều phải nghĩ tới. Nhưng, chở "bọn nhaq" thì thực dân đâu cần thắc mắc. Phương tiện cứu hộ đường biển chỉ làm bằng tre, bằng thùng phuy, cột dính bằng kẽm.
Hôm nào trời êm, gió hiền thì đỡ khổ, gặp những ngày sóng to, gió mạnh thì khổ ơi là khổ, nôn nao trong bụng, ói tới mật xanh mật vàng. Ăn uống thì bữa sau giống bữa trước, chỉ có cơm với nước canh không có rau, dọn ra cho mười người trong một cái chậu to. Trung bình, mỗi chuyến hải hành kéo dài từ một tháng đến bốn mươi ngày, qua nhiều trạm cặp bến. Lính thợ không có quyền xuống đất liền, mỗi khi tàu ghé qua.
Tinh thần lính thợ qua mấy ngày đi biển xuống tới vực sâu vì ai cũng bị bắt buộc rời xa gia đình để đi, mà chẳng biết đi đâu. Nghe nói là đi Tây, mà Tây là đâu? Chính Lê Bá Đảng là người tình nguyện đi chơi cho biết xứ sở Tây Đầm còn phải ngao ngán:
"Chuyến vượt biển kéo dài trên cả tháng. Cứ mỗi nơi tàu dừng lại, tôi muốn nhảy xuống trốn khỏi tàu vì kinh khủng quá. Nhưng không được. Thức ăn được dọn ra cho mười người, đựng trong những chậu thau. Lúc nào cũng một thứ, hết sức tồi. Trước khi đi, những người tuyển mộ kể cho chúng tôi nghe nào là "nước Pháp", nào là "Mẫu Quốc", nào là nầy kia, kia nọ, rồi ra đó, những gì tôi thấy đều hoàn toàn trái ngược. Tinh thần tôi sa sút hết sức, có thể sa sút hơn mọi người. Thậm chí tôi muốn tự vận chết cho rồi. Hễ càu nhàu than phiền là bị nhốt, trong những xó chật hẹp trên tàu, nơi mà tôi thấy bạn bè tôi bị nhốt hai ba ngày.
"Những người chỉ huy bọn chúng tôi là lính cũ của quân đội thuộc địa. Phần lớn họ là người Tây lai. Bọn chúng còn tệ hơn những người Pháp! Tôi còn nhớ một người tên Cirque, thằng cha đó thật là ghê tởm. To con, tóc hớt bàn chải. Tôi không sao quên được cái đầu của hắn ta! Sau này, tôi cũng cưới một bà vợ đầm lai (cười thật to). Hành hạ thể xác, như đánh đập, là chuyện xảy ra hằng ngày. Thường thường, những thầy cai Việt Nam đứng về phe của sếp họ." (PD-T.50)
Theo những con số chánh thức thì trong số 19.362 lính thợ lên tàu đi Tây, hết 86 người không đến được cảng Marseille. Trên tổng số 16 chuyến tàu chở những người Đông Dương cưỡng bách nhập cư, có 23 người chết, 1 người mất tích, 29 người đào ngũ và 33 người nằm nhà thương qua các trạm. Như vậy, tổng số người Việt Nam xuống được cảng Marseille là 19.276 người.
Lê Bá Đảng đến bến tàu phía Nam của Pháp, Marseille, ngày 20 tháng Ba năm 1940. Cũng như các lính thợ khác, trại đầu tiên khi ông đặt chưn lên xứ Pháp là Baumettes, dựng lên để làm trại giam. Phải chăng do duyên tiền định mà ngôi nhà dự trù làm nhà tù lại chứa lính thợ từ Đông Dương chở qua? Gián tiếp, Tây coi lính thợ như tù. Lính thợ nào cũng phải qua trạm quá cảnh đó.
Xuyên qua trạm Baumettes, ai cũng tiếp tục nếm mùi của Tây thực dân ác ôn, chưa thấy được màu mè của Tây chánh quốc, vì cán bộ khung toàn là sĩ quan thực dân và lính tập thuộc địa đủ màu da, vàng, xám, đen. Đến nơi, lính thợ nào cũng nhận lãnh một túi quần áo mà cái áo ấm duy nhứt là một cái áo phùng phình có độn bông gòn. Thật là khó chịu vì ở Việt Nam bao giờ biết lạnh là gì. Mặc vào trông như hình nộm, coi chẳng giống ai hết, vì Tây họ ăn mặc khác.
Vì vậy mới có phân biệt người chánh quốc và kẻ thổ dân. Cách xưng hô như vậy cũng tạo nên những bất đồng to lớn. Lính thợ không muốn Tây kêu họ là thổ dân cho nên đã xảy ra những vụ ẩu đả. Tại sao kêu người Tây được mà không gọi được người Việt Nam? Vậy là đấm đá nhau, dĩ nhiên là sau đó lính thợ bị giam.
Chánh sách thực dân của Tây ngày đó ở Đông Dương chủ yếu là khai thác triệt để nguyên vật liệu của thuộc địa mà chẳng buồn nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế. Nên chi năm 1939 mà Hà Nội và chí đến Sài Gòn nữa cũng chỉ có dáng dấp như làng mạc, như một góc tỉnh nhỏ của Pháp. Vì vậy cho nên, chỉ mới có khoảng một tháng đi tàu vượt biển, mà nhìn Marseille, một thành phố cảng, người dân quê mùa Việt Nam đã choáng váng!
Vậy mà ông Đảng lại có cái nhìn khác, có lẽ với nhãn quan của một nghệ sĩ tương lai:
"Chúng tôi tới Marseille vào tháng Ba. Đối với tôi, đất nước này có vẻ lạnh quá! Cây cối rụng hết lá, thật là buồn. Chúng tôi tự hỏi:"Tây là như vậy sao?" Ai cũng quấn kín trong áo choàng, mặt mũi che khuất sau khăn quấn cổ." (PD-T.56)
Cũng như đa số lính thợ, Lê Bá Đảng phải trải qua nhiều trại lao động như Baumettes, Mazargues, Saint-Nazaire, trại tù Đức Quốc Xã, đồng ruộng Camargue, rồi trở lại Mazargues lần nữa và trại kỷ luật Lannemezan trong vùng núi Pyrénées. Ở trại nào, ông Đảng cũng gặp số phận hẩm hiu của người Đông Dương lưu đày, bị lính thực dân hành hạ đủ điều. Năm 1942, sau những bước thăng trầm qua các trại, ông được bố trí vào một lán trại bằng cây tồi tàn ở Mazargues, gần phố cảng Marseille. Ở đó, ông bị quan Tây bắt nạt:
"Họ đưa tôi vào làm thơ ký văn phòng. Ngoài hành lang có một vòi nước nhỏ. Một hôm, tôi đang rửa tay thì ông trung úy đến gần quát tháo:
- Mày làm gì đó?
- Tôi rửa tay.
- Đi chỗ khác.
Giận điên người, tôi lấy cái thau úp lên đầu ông ta. Vậy là ông ta lôi tôi lên gặp quan thiếu tá. Người đảo Corse, tên Graziani, tôi còn nhớ. Một ông bụng bự, nhưng rất tử tế với tôi. Ông nói:
- Này nhé, mày đã đánh một cấp trên, một là mày đi tù, hai là tao đổi mày đi chỗ khác.
- Thiếu tá cứ đổi tôi đi.
Vậy là ông ta thuyên chuyển tôi đi Lannemezan (vùng Thượng-Pyrénées). Đó là một chòi nhỏ giữa đồng không mông quạnh, với những người cùng tình cảnh như tôi. Một chỗ cho những người điên!" (PD-T.77)
Dẫu bị chèn ép và hành hạ như vậy và dẫu Tây bị Đức đánh bại rối bời mà lính thợ cũng không thừa cơ hội để trốn đi, vì phần đông họ là những nông dân chẳng biết đường đất, bơ vơ nơi xứ lạ nước người. Chỉ có một số ít người biết nhìn xa trông rộng mới dám liều mạng thử thời vận, như trường hợp hiếm có của Lê Bá Đảng là một. Ông vượt ngục thoát khỏi nhà giam ở Lannemezan, trốn đi Toulouse:
"Năm 1942, tôi đặt chưn xuống Toulouse, không một đồng xu dính túi. Tôi phải ngủ ngoài đường. Tôi gặp được Nguyễn Văn Thi, một người Việt Nam khác thuộc tổ chức MOI (Main d'Oeuvre Indigène, tay nghề bản xứ). Cách nay bốn năm, tôi có gặp lại ông ở Việt Nam. Hiện nay ông sinh sống ở Sài Gòn, nhưng đầu óc hơi lãng trí. Tôi ẩn náo một vài tháng dưới hầm nhà ông. Rồi tôi kiếm được việc làm quét dọn ở xưởng Chiers."
"Chẳng có ai hỏi giấy tờ gì tôi hết. Trước cửa xưởng, tôi gặp được một bà "Má Jeanne" chịu cho tôi mướn một căn phòng. Bà thích tôi gọi bằng "má". Cái phòng của tôi sao mà lạnh quá! Nhưng trước khi đi ngủ, bà cho phép tôi vào bếp để sưởi ấm cạnh lò sưởi của bà. Tôi muốn đi học, nhưng chẳng có trường nào chịu nhận tôi hết vì tôi chưa có bằng tú tài và chưa nói rành tiếng Pháp. Tôi kiếm một trường học, bất cứ trường nào. Một người bạn Việt Nam tên Trần Ny đã ghi tên ở trường Mỹ Nghệ. Họ nhận tôi vào lớp ban đêm vì ban ngày tôi phải đi làm. Tôi hoàn toàn cháy túi. Trần Ny cho tôi những tờ giấy vẽ đầu tiên. Nhưng lúc bấy giờ tôi chẳng có chút thiên hướng nào về hội họa!" (cười)
"Tổ chức MOI biết tôi đã đào ngũ, nhưng họ cứ để yên. Bấy giờ tình hình đang xáo trộn, họ cần quái gì. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng MOI cũng biết không nhiều thì ít tình hình của tôi. Vì năm 1948, khi tôi tốt nghiệp họ có khen ngợi tôi! Tôi cũng chả hiểu ra làm sao... Từ năm 1943 đến 1945, tôi đi học sáng sớm và chiều tối, sau khi làm việc ở xưởng. Sau đó, dành dụm được chút ít, tôi có thể đi học được suốt buổi sáng và chỉ đi làm buổi chiều. Và sau này, tôi hoàn toàn nghỉ việc, chỉ đi học thôi." (PD-T.100)
Cũng như mọi lính thợ, Lê Bá Đảng trải qua hầu hết các trại lao động của người Đông Dương bị Tây ép buộc đem sang "Mẫu Quốc". Sau khi được Đức Quốc Xã thả ra, ông bị đưa đi làm ruộng ở Camargue:
"Tháng Tám năm 1941, quân Đức thả chúng tôi ra và đưa đi Marseille. Phải mất một tháng chúng tôi mới xuống tới miền Nam. Lúc bấy giờ tôi tưởng đâu đã mãn thời gian ở trong trại lính thợ rồi. Nhưng đã hết đâu! Cứ tưởng là sẽ trở về dưới miền Nam như một anh hùng, nào ngờ đâu lại bị đối xử như một con chó. Một hôm, ông trưởng trại hỏi bọn tôi ai biết làm ruộng. Ông tuyển lựa ra một nhóm hai mươi lăm người, trong đó có tôi, rồi đưa xuống Camargue, giữa một nơi đồng không mông quạnh, từ Arles đi bộ tới phải mất hai mươi phút. Chúng tôi, hai mươi lăm người, phải ở trong một nhà chòi cất trên đất bùn lầy. Một thứ phòng hẹp té dùng để chứa dụng cụ! Tụi tôi phải làm lấy giường chồng lên nhau, không có phòng vệ sanh, tiểu tiện ngay sau hè. Trời, muỗi ơi là muỗi, không tưởng tượng nỗi! Tôi nói được chút ít tiếng Tây nên họ để tôi trông nom cả toán. Chúng tôi có chừng một hai mẫu để canh tác, vậy thôi. Thiệt ra cũng để thử nghiệm. Tôi ở đó chỉ vài tháng, chờ cho lúa mọc lên. Chúng tôi phải lo lấy chuyện ăn uống. Kể ra đó là lần đầu tiên tôi được ăn cơm trên đất Pháp, với thứ gạo mà chúng tôi canh tác ở Camargue. Sau đó, tôi lại trở về Marseille, ở trại Mazargues." (PD-T.107)
Khi chiến tranh Pháp-Đức chấm dứt, phong trào hồi hương lính thợ trở nên sôi động vì ai cũng muốn trở về quê cha đất tổ. Nhưng, lúc bấy giờ nhà nước Tây gặp trở ngại. Việt Nam vừa tuyên bố độc lập (02.9.1945) và chiến sự Pháp-Việt bùng nổ. Tây không muốn đưa người Việt trở về, vì như vậy có cơ tăng cường nhơn sự cho hàng ngũ đối phương, vã lại Tây cũng cần chỗ trên tàu để chở quân lính viễn chinh. Ngoài ra, có một số lính thợ, vì lý do này hay lý do khác, muốn ở lại Pháp.
"Khi chiến tranh Pháp-Đức kết thúc, tôi không dám tới trình diện văn phòng của MOI. Tôi muốn trở về Việt Nam, nhưng không được. Vì bên nhà có chiến tranh chống Pháp. Hơn nữa, tôi cũng chưa định trở về ngay, vì tôi muốn học hành xong đã."
"Tháng Sáu năm 1948, tôi tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ. Trước đó vài ba tuần lễ, có một bức thơ từ Việt Nam cho hay là bố tôi đã mất. Nhưng "Má Jeanne", bà chủ căn phòng tôi thuê, nghĩ rằng bức thơ đó chắc không đem lại tin vui nên bà đã giấu tôi cho đến khi thi xong. Thật tuyệt vời, phải không?"
"Lúc đó, tôi có cô bạn gái người Pháp, con nhà rất giàu. Nàng tên là Monette, và tôi chơi quần vợt rất có hạng nên tôi tập luyện cho anh rể của nàng. Cô học dưới tôi một lớp ở trường Mỹ Nghệ. Tôi định chờ đợi nàng, sau đó tôi nghĩ là chúng tôi sẽ cưới nhau rồi hai đứa sẽ dẫn nhau lên Paris để cùng tranh giải thưởng La Mã."
"Một hôm, tôi được mời xuống với gia đình cô ở Lourdes để nghỉ hè, cùng với nhiều người nữa. Nhà đó làm những tượng Đức Mẹ để bán, có ít lắm năm mươi người thợ. Trong phòng tôi, có một tượng nhỏ trên đầu giường. Mỗi tối, tôi quay mặt tượng vô tường. Nhưng tối hôm sau, tôi lại thấy tượng đã được để lại đúng đắn!" (Cười)
"Một buổi sáng, mẹ cô hỏi tôi định ra đời sẽ làm gì. Tôi trả lời: "Tranh giải thưởng La Mã." Bà kêu lên rằng: "Như vậy, cậu lấy gì nuôi con gái tôi!" Ngày hôm đó, tôi hiểu ra rằng chuyện hôn nhơn sẽ không thành rồi. Sáng hôm sau, tôi rời khỏi Lourdes thật sớm."
"Về Toulouse, tôi bán vài ba quyển sách của tôi và tôi đi Paris. Tôi đã quyết tâm lấy cho bằng được giải thưởng La Mã. Và tôi đã thành công! Vài ba tuần lễ trước đó, tôi có dự cuộc thi vẽ bích chương nông nghiệp, và tôi trúng giải nhứt được 70 quan. Đối với tôi là cả một gia tài! Nhờ số tiền này mà tôi lên được Paris. Tôi nghĩ là tôi có số đỏ. Tôi không bao giờ gặp lại Monette nữa." (PD-T.194)
Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cuộc sống ở Paris của Lê Bá Đảng cũng lận đận như bao nhiêu thanh niên Việt Nam túng thiếu khi đó. Nhưng chịu khó chịu cực rồi cũng xong:
"Anh Đảng sang Pháp năm 1940, tự kiếm sống để học, đến năm 1950 thì bày tranh lần đầu ở Paris. Lúc này, anh Đảng đã lập gia đình với chị Myshu và đã có con trai đầu lòng. Ba người sống trong một căn phòng nhỏ xíu ở phố Montagne Ste Geneviève. Hoàn cảnh cùng quẫn đến nỗi hai người phải mang chung một đôi giày, không có tiền uống nước, cả tháng không ăn thịt, và con đau phải vào viện mà anh chị không có một xu trong túi. Đường cùng lang thang đã đưa bước chân anh rẽ vào phố Con Mèo Câu Cá. Thấy có nhiều người vô ra nơi một quán sách, tự nhiên anh Đảng nẩy ra sáng kiến vẽ tranh mèo để bán cho du khách. Không ngờ mặt hàng này rất được ưa chuộng, một tranh nhỏ với vài nét ký họa mực tàu bán 1 - 2 quan, có tháng bán tới 160 con mèo, nhờ đó gia đình anh có cái ăn hàng ngày. Có người đòi mua đứt mẫu hàng nhưng anh Đảng không bán, anh đem in tranh mèo vào dĩa, càng đắt hàng. Cứ thế kéo dài suốt năm năm, trước khi hoàn toàn sống được bằng tranh Lê Bá Đảng." ("Phố Con Mèo Câu Cá – Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Qua cuộc hội kiến với Pierre Daum (Tác giả "Immigrés de force") ngày 23 tháng Muời năm 2006 tại xưởng vẽ của mình ở Quận 13 - Paris, Lê Bá Đảng tâm sự:
"Không biết tôi còn nhớ hết mọi chuyện hay không nữa! Thiệt là một đoạn đời bỉ ổi nhứt của tôi. Tôi muốn quên hết tình cảnh ngày trước của tôi, vì kinh tởm hết sức. Thoát được cảnh đó tôi mừng vô cùng. Mâu thuẫn thay, cũng vì vậy mà tôi vượt thoát được. (Cười) Vì quá khủng khiếp nên tôi bắt buộc phải vuợt qua cho bằng được. Không có đồng hương nào của tôi thắng được số phận như tôi."
"Tôi gặp bà xã năm 1951 tại Paris. Trong vài năm sau, tôi có được một phòng triển lãm, để bán tranh. Chúng tôi có một đứa con trai, nhưng cháu mất đi năm 1980. Năm nay, còn sống, cháu được năm mươi ngoài. Cháu bị khuyết tật, chúng tôi nuôi cháu ba mươi năm. Tôi vừa mua được một phần mộ tại nghĩa trang Montparnasse, tôi định cải táng cháu từ Cannes. Thật hết sức khó khăn mới có được một chỗ giũa các mộ của nghệ sĩ. Tôi dự định làm một tượng đài, một tượng điêu khắc bằng thép, với những chỗ trống không và những chỗ đầy đặn. Sắc sắc, không không mà."
"Lần đầu tôi về Việt Nam là vào năm 1976, ngay sau khi Việt Nam chiến thắng. Trong thời chiến tranh, quả thật tôi có giúp đỡ công cuộc kháng chiến của Việt Nam, thậm chí tôi còn làm nhiều hơn nữa. Chủ yếu tôi có vẽ nhiều tranh tượng trưng cho Đường Mòn Hồ Chí Minh. Trong những tranh của tôi lúc nào đường mòn ấy cũng là một nét đỏ."
"Năm ngoái, một nhà bảo tàng lớn Lebadang đã được khánh thành ở Huế, tôi có tặng nhiều tác phẩm. Nhà cầm quyền có đề nghị nhiều ngôi nhà nhưng không có cái nào tôi vừa ý cả. Cuối cùng chúng tôi tìm được một cái rất đẹp, một cư gia thuộc địa cũ ở trung tâm thành phố mà tôi cho chỉnh trang lại hoàn toàn."
"Tôi chỉ xin quốc tịch Pháp hồi năm 1980. Đã lâu, tôi lờ đi dĩ vãng lính thợ của tôi. Ngay những người bạn Việt Nam ở Paris, tôi cũng không muốn gặp họ. Tôi không bao giờ nhắc lại. Mới vài tháng nay tôi mới khởi sự nói đến thời kỳ đó." (PD-T. 232-233)
* * *
Qua những ghi nhận trên đây, Lê Bá Đảng quả là một con người có ý chí quyết liệt và quyết tâm cao. Từ một hoàn cảnh vô cùng bi đát, ông đã miệt mài đi từ số không lên đến đỉnh cao danh vọng với hai bàn tay trắng, vượt thắng chính bản thân, vượt thắng thời gian không gian và vượt thắng hoàn cảnh. Ông đã bước vào đời như một người lính nhảy dù đi vào khoảng không với một mục đích mơ hồ là "đi Tây cho biết", vì mộng mơ của tuổi trẻ. Vậy mà từ ý niệm "rong chơi", ông đã đạt được mục đích cụ thể, lại là mục đích ngời sáng.
Thân thế và sự nghiệp đang phát triển của ông được Wikipédia ghi nhận như sau:
"Lê Bá Đảng sinh ngày 26 tháng 7 năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sang Pháp năm 1939, đã tham gia vào những đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Triển lãm đầu tiên ra mắt tại Paris năm 1950. Năm 1989 nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ. Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. Năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây."
"Năm 2005, Họa sĩ được nhận huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử Vietnam Net phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng."
"Năm 2006, hoạ sĩ cùng với UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15 Lê Lợi, Thành phố Huế."
Cái khó nó ló cái khôn, quãng đời cơ cực lính thợ, may mắn thay, đã cho ông một sức khoẻ rắn chắc. Năm nay chín mươi tuổi đời, Lê Bá Đảng vẫn còn mạnh khỏe và sáng suốt để hoạt động cho nghệ thuật, thật là một điều đáng mừng. Xin chúc thọ cho ông và mong ông tiếp tục cống hiến cho đời nhiều tác phẩm rạng danh.
Phan Quân
Tham khảo:
1.- (PD): Pierre Daum, Immigrés de force – Les travailleurs indochinois en France (1939-1952).
2.- http://lebadang.org.