Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1922 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sang Pháp từ năm 1939 học trường mỹ thuật Toulouse. Đã nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế về nghệ thuật tạo hình, và đã có tác phẩm trưng bày tại nhiều nước trên thế giới. Nghệ thuật của ông được giới mỹ thuật quốc tế biết đến với tên gọi “không gian Lê Bá Đảng”. Năm 1992, ông được bầu là người nổi tiếng nhất thế giới.
Lần thứ 3, Lê Bá Đảng về thăm quê hương – bằng nhiệt huyết với dân tộc, ông đã gửi trực tiếp cho CV bài viết nóng hổi hơi thở lúc đặt chân về làng. Trân trọng tấm lòng và tôn trọng những quan niệm rất riêng của ông về nghệ thuật nói chung, về nghệ thuật dân tộc nói riêng. Chúng tôi xin in nguyên văn bài viết trên thành nhiều kỳ trên báo...
Theo lệ thường:
Nếu là nhà văn khi viết ra sách, có đề hay không đề cũng không cần thiết lắm, miễn là câu chuyện có đầu có đuôi, văn chương bay bổng, ý nghĩa sâu xa, viết đúng văn phạm không thiếu một chấm một phết như sách đã dạy từ đời thượng cổ và không cần biết có vừa ý mọi người hay không!
Còn là nhà toán học thì hai với hai phải là bốn.
Nhà luật học trong hành động thậm chỉ cả cử chỉ lời nói đều trông theo luật lệ, nếu không dễ ở tù mọt gông.
Đã là họa sĩ thì phải vẽ cho giống, vẽ như in. Không thầy đố mày làm nên. Sống chết bắt chước thầy cho được. Mở miệng ra là trường phái. Đã trường lại còn phái nữa. Tranh vẽ xong phải cho vào khung lồng vào kính như thầy Tây, sư Tàu đã dạy…
Còn tôi: Lê Bá Đảng làm nghệ thuật là sở trường, là nghề chuyên môn của tôi. Khi thì vẽ tranh, khi nặn tượng. Vui thì in tranh này, buồn in tranh loại khác, nắng đúc đồng, mưa nặn đất nung, chạm gỗ, đục đá, vẽ áp phích, làm đề co, dệt thảm hay bày vẽ ra đồ nữ trang, không thì dựng lại không gian (espace). Luôn tay không thấy mệt. Nhiều khi thay cọ lấy bút làm hoanh. Ngủ ít thức nhiều mà không đuổi kịp thời gian.
Ông trời làm chủ.
Không có trước, không có sau, bao nhiêu ý nghĩ của tôi đều chồng chất lên bức vẽ để dụ giúp những ai không quen nghệ thuật có thể hiểu được.
Thường là một tác phẩm, dù lớn hay bé, cũng không thể gom góp được nhiều ý nghĩ một lượt. Lại có nhiều bức tranh vẽ ra chỉ để thể hiện những ý nghĩ khó hiểu, phô diễn những tri thức chỉ dành cho một hạng người có học nào đó – hạng người mọt sách, ngồi mòn ghế nhà trường hay ngồi lỳ trong những phòng đọc kín bưng…
Có lẽ tôi không giống các nghệ sĩ khác. Những ý nghĩ của tôi hay tràn ra ngoài hay trốn sâu vào trong tác phẩm, trên trời, dưới đất. Ý nghĩ này chồng chất lên ý nghĩ kia, màu sắc, hình thức, chất liệu cũng vậy. Có lúc hai ba ý nghĩ, mấy màu sắc gặp nhau thành ra ý nghĩ mới, màu sắc khác. Lại có khi màu vẽ sau che lấp màu vẽ trước. Hình thức sau làm méo xẹo hình thức trước, cái đẹp hôm nay không đúng với cái đẹp hôm sau.
Không trường phái. Không khuôn khổ. Tất cả cho vui lòng, đẹp mắt, cho đời sống đầy đủ hơn, cho mọi cái được hài hòa, cho người đã qua, cho con cháu mai sau, cho anh da đen, cho em da đỏ, cho người mù được nghe, người điếc được thấy, cho muôn vàn tình cảm, cho cuộc sống dồi dào, không có ý khoe khoang, nịnh hót.
Tôi không bao giờ quên mình xuất thân từ nơi đồng ruộng nhà quê. Cha mẹ bà con làng xóm đều trong một hoàn cảnh thiếu thốn. Xứ Quảng Trị của tôi là xứ nghèo nàn, quê mùa, hết nắng hạn gió lào, lại mưa rào lụt bão, mà cái lạ ở đây mấy ông thầy giáo sao mà cứng rắn, gay gắt khắt khe đến thế. Hồi ấy (1938-1939) tôi đi thi “Sơ học yếu lược” mấy lần mà không hề nới tay cho con người ta đỗ. Nhưng cái không may ấy lại trở thành cái may, cái phúc lớn cho đời tôi. Vì hồi ấy nếu như tôi có chút bằng cấp thì biết đâu bây giờ tôi cũng là ông này bà nọ bóc bên này, lột bên kia, hay cũng đi làm chính trị như ai, ăn trên ngồi trước, lại thét ra lửa cũng nên.
Tôi cũng chưa quên xứ tôi, gạo ít khi trắng, cơm ít khi no. May mà có ông bà mất đi phù hộ cho nên thỉnh thoảng mới có ít thịt gà, thịt heo, mâm xôi trong những ngày cúng giỗ, hay những ngày rằm còn thì Xuân Hạ Thu Đông, ngày lại ngày lúc nào cũng khoai sắn, mắm nêm, mắm cà trộn với ớt cay, mà nó ngon làm sao? Nói đến đây mà chảy cả nước miếng.
Ở xứ tôi, ruộng đồng, sông ngòi, mồ mã, miếu đình đâu đâu cũng lộng lẫy, uy nghiêm, linh thiêng, thân mật, duyên dáng, mà tôi chưa tìm thấy ở đâu có, mà nếu có chỉ trong giấc chiêm bao. Đêm đêm hay có trăng, mà hình như ở quê tôi một tháng ba mươi đêm đều có trăng. Cái trăng nó sống động, linh hoạt làm sao, khi tròn khi méo mà lúc nào cũng nũng nịu lúc trốn sau cây cổ thụ, lúc nấp sau bụi tre ngà như muốn đùa cợt với bọn trẻ con, nhưng thật ra có lẽ là để rình mò, dòm ngó những cái của cải, tiền bạc, hột xoàn, vàng nén của bọn nhà quê cất giấu ở đâu chăng?
Mở mắt ra, đâu đâu cũng gặp bà con láng giềng, chân lấm tay bùn, ai ai cũng cần cù nhẫn nại, ai cũng khôi ngô, đứng đắn, ai ai cũng một cái nghèo. Kẻ nào xa lạ đến đây mà chê đàn bà con gái không xinh vì chân lấm tay bùn thì tôi thù trọn kiếp. Phần đông dân chúng áo đà quần nâu, ngày ngày lặn lội giữa đồng ruộng, vườn tược. Khi xanh lè, khi nắng cháy, như họ đang đóng tuồng giữa tạo hóa thiên nhiên vĩ đại. Phải chăng nghệ thuật tuyệt diệu nhất chính là cuộc sống, tự nhiên chính là huyền thoại của cuộc sống vậy?
Người quê tôi cũng hay cộc cằn khó tánh. Nhiều khi để thay đổi bầu không khí, họ chửi bới nhau mà nghe cũng êm tai, trâu bò, gà vịt, chó mèo, chim chóc, cây cối, tôm cá, vạn vật và con người đều sống chung với nhau như một xã hội văn minh, trong ấm ngoài êm, như đã được giáo dục từ thời thượng cổ. Kẻ sống, người chết vẫn chung đụng với nhau. Làm chi cũng nhờ ông bà tổ tiên giúp đỡ. Mấy ông thần, mấy con ma cũng theo dõi đời sống hàng ngày.
Còn những cái xấu xa tồi bại là từ phía ngoài đưa đến. Nhưng đó chỉ là tạm thời chốc lát không may thôi. Hết mưa thế nào trời cũng tạnh.
Sống ở xứ người ta, những hình ảnh này và tôi đã cùng nhau kết thành một khối trong tinh thần sáng tạo của tôi. Cho nên bất cứ tác phẩm nào của tôi cũng phảng phất cái màu sắc, cái linh hồn của giống nòi quê hương xứ sở này.
Về kỹ thuật, chất liệu, màu sắc, hình thức tôi không giống ai hết. Tôi cũng không nhìn không diễn tả như mọi người khác. Về những điều này ai khen, ai chê đều có lợi, miễn là đừng có thái độ ghen tỵ, thù hằn, nói xấu sau lưng nhau là được. Về con đường nghệ thuật, tôi đoán chắc rằng không ai có thể làm cho tôi đi lệch con đường mà tôi đang đi, tôi luôn luôn linh cảm thấy rằng, ông bà, tổ tiên, thần thánh, cả ma quỷ nữa đang đứng về phía tôi, dõi theo và cổ vũ tôi bước đi trên con đường ấy – con đường cho bản quán, cho quê hương.
Trên đây là những ý nghĩ xuất phát từ LÒNG THÀNH của tôi – LÒNG THÀNH của một ông già lành nghề, giàu kinh nghiệm, đã từng lăn lộn, đã từng trưng bày tác phẩm và sống bằng nghệ thuật tạo hình mấy chục năm ở Pháp, cũng như lăn lóc ở nhiều nước, nhiều nơi, nhiều trung tâm văn hóa quan trọng của thế giới, không giàu tiền của nhưng cũng đã sống một cuộc đời như ai ở xứ người ta. Tuy vậy, tôi luôn luôn lúc nào cũng nhớ về mảnh đất cũ, nhớ về quê hương. Bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu tài nghệ của tôi là để phụng sự cho cái xứ sở này, dân tộc này của tôi, nhưng có lẽ:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao!
Xa quê hương xứ sở đã hơn 50 năm, sống về các nghề trong ngành nghệ thuật ở Pháp và các nước ngoài. Hiện giờ tôi thấy có HAI vấn đề cấp bách, liên quan đến nghệ thuật ở Việt Nam và tôi xin trình bày một cách mộc mạc (1) sau đây:
- Phải dùng nghệ thuật để làm ăn sinh sống như mọi kỹ nghệ khác.
- Nghệ thuật Việt Nam phải có tánh cách độc đáo thực sự và phải lên đà quốc tế.
Nước Việt Nam từ mấy thế kỷ bị quân Bắc xâm chiếm, tàn phá. Chúng bắt dân Việt phải học hỏi văn hóa, chữ nghĩa, đạo giáo của chúng, mặt khác chúng lại đưa hết thầy tài thợ giỏi về nước chúng. Vậy lẽ tất nhiên, sau 1000 năm bị đô hộ thì cái gì của ta cũng phải chịu ảnh hưởng của quân xâm chiếm.
Hết Bắc lại đến Tây gần 100 năm nữa quân Pháp ồ ạt nhào vào cai trị, mọi thủ đoạn đều dùng để lấn át người bản xứ. Lập ra những trường học của chúng, sách vở, lý luận, kỹ thuật, cách suy nghĩ để đào tạo người tài như chúng, để phục vụ lý tưởng của chúng.
Thế thì Tây cũng như Bắc.
Cái thâm độc của chúng là làm cho nước Việt Nam không có thầy tài thầy giỏi. Chúng biết rằng một dân tộc không thầy tài thợ giỏi sẽ đi đến chỗ đồi trụy, xác xơ chỉ biết tranh giành nhau miếng ăn mà thôi. Như vậy thì làm sao để khỏi bị ảnh hưởng ngoại xâm. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử thì rõ. Những lúc dân Việt đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi thì văn hóa nghệ thuật của ta trở lại độc đáo Việt Nam như thời Lý Trần Lê. Và ai ai cũng biết trước khi bị quân Bắc xâm chiếm ông cha ta có thành Cổ Loa, có trống đồng, có văn hóa độc đáo.
Vậy ngày nay đã mấy chục năm không còn quân đội ngoại xâm trên đất nước mình nữa hỏi thử nghệ thuật của ta đang ở giai đoạn nào?
Tôi yêu cầu mọi chúng ta để riêng ra một bên, cái tự ái, cái đắc thắng, cái vô trách nhiệm mà nhìn lại con người và đất nước một cách sáng suốt và ngay thẳng. Chúng ta nên can đảm và thật thà công nhận rằng chúng ta chưa có một nền mỹ thuật. ĐẶC BIỆT VIỆT NAM THẬT SỰ. Chúng ta có thể đổ lỗi, buộc tội cho quân giặc thì cũng một phần lớn rất đúng. Nhưng không đúng hết cả. Ở đây tôi không biết lỗi tại ai? Thiếu sót ở chỗ nào? Và vì sao? Cái đúng là chúng ta tất cả đều có lỗi và nếu không hối hận ngay từ bây giờ, con cháu mai sau sẽ không quên tội lỗi của chúng ta.
Có một điều tôi nhất định đúng là nếu muốn có một NỀN NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC VIỆT NAM thì trước hết phải CỐ TÌNH MUỐN, CỐ TÌNH MUỐN BÃI BỎ bất cứ những cái gì từ nước ngoài đưa đến. từ lý thuyết, kỹ thuật, chất liệu, đường lối cho đến cái giàu có vật chất của chúng.
Những người có bổn phận, có điều kiện, có quyền hành, có trí óc, tài năng, có bằng cấp, học rộng tài cao và đầy lòng thương nước, thương nòi, có muốn xóa bỏ tất cả những cái gì ngoại lai hay không?
- Có muốn nước Việt Nam có một nền nghệ thuật riêng để làm ăn sinh sống ngày nay và lộng lẫy cho con cháu mai sau không?
- Có kêu hãnh muốn mang cái nghệ thuật ấy đi đấu với nước ngoài không?
- Có biết kiêu hãnh mỗi khi cái gì Việt Nam được quốc tế nâng bốc lên không?
Hay là cứ khăng khăng trốn núp trong lâu đài sau mấy lớp người giữ của, sau sự đầy đủ cho chính mình, không cần biết mà chỉ muốn sự ổn định, thủ cựu, cha truyền con nối là đủ, đất nước vẫn nằm ngoài ý muốn.
Tôi là người chịu ảnh hưởng nước ngoài hơn ai hết. Đã ngoài 50 năm rồi, tôi ở nước ngoài, học trường Tây, ăn bánh mỳ, uống rượu vang, nhiều khi hàng tháng hàng năm không hề nói tiếng mẹ đẻ, không hề ăn cơm với mắm. Tôi sống về nhiều nghề trong nghệ thuật. Nghề nghiệp của tôi cho tôi sống đầy đủ ở xứ người ta với tư cách, bổn phận con người Việt Nam. Tôi đã trưng bày tác phẩm ở rất nhiều nước, nhiều trung tâm văn hóa và vẫn tiếp tục. Tôi rất buồn chưa lúc nào được thấy mỹ thuật Việt nam trong những cuộc triễn lãm quốc tế.
Rất may mắn, tôi được phép về thăm nước Việt Nam một lượt năm 1976 và 1992 và lượt này (5/1994) tôi có bày tác phẩm của tôi tại quê tôi, làng Bích La Đông, hẻo lánh quê mùa, đồng khô cỏ cháy ở tỉnh Quảng Trị. Trước là để dâng cái quý giá của tôi lên cha mẹ, ông bà, tổ tiên và sau cho dân quê, bà con vùng tôi thưởng thức và để cho bà con biết rằng những cái quý hoa của tôi cũng là để chia sẻ cho mọi người. Tôi đã biết rằng ông bà tổ tiên không có mặt thực sự ở đây, bà con đang sống thì thiếu hiểu biết, quê mùa, chín mươi chín phần trăm không ai biết gì là mỹ thuật và chưa bao giờ có ai đã đưa cho họ xem thử cái tranh nó tròn hay méo. Tôi đã làm khá nhiều triển lãm lớn và nhỏ ở các nước ngoài giàu sang mà chưa lúc nào có một cảm giác lạ lùng, kiêu hãnh như lượt này. Tôi chưa thấy lúc nào người ta phân tích, so sánh, bàn cãi những tác phẩm của tôi như cái gì gần gũi họ. Tôi cũng chưa thấy lúc nào có sự liên kết chặt chẽ giữa người xem và tác giả, tác phẩm và cảnh vật như mấy hôm đó. Tôi có cảm tượng là nghệ thuật của tôi không nói đến mỹ cảm mà nó đã gây cho tôi một cảm giác mới lạ, cái đó là cái tình cảm tình người giữa con người với hồ nước, cây cảnh thiên nhiên. Đứng về mặt nhà nghề tôi còn thấy sự hài hòa giữa đồng ruộng, bùn lầy, cây cối, hồ nước, miếu đình, dân quê, người trí thức từ Sài Gòn, Huế, Hà Nội đến người lãnh đạo và tác phẩm hòa thành một khối tươi đẹp lạ lùng, một cái mẫu cho đường lối sáng tác nay mai. Tác phẩm của tôi không còn lẻ loi với ánh đèn nhân tạo nữa và cái làng quê của tôi hai hôm đó như một bức tranh linh động, tự nhiên và bà con của tôi thuộc về hạng người văn minh. Mấy hôm đó nghệ thuật của tôi đã làm cho tôi sung sướng thật sự và tôi đã chia cái sướng sung này cùng bà con tôi tất cả. Thật là một cái hạnh phúc cho cả hai bên. Những ai không có mặt hôm đó thì khó mà hiểu được. Những ai hẹp hòi, ích kỷ chỉ biết có riêng mình cũng không thể nào hiểu được. Những ai còn muốn nghệ thuật ở trên vách láng bóng, hay trong bảo tàng cửa đóng then cài thì tôi chia buồn cùng họ thôi.
Đã hai năm rồi mà lòng tôi còn hồi hộp, tình nghĩa đó vẫn xôn xao trong tôi và cho tôi một bài học quý giá.
Hiện giờ tuổi đã khá cao, sức lực đang đi xuống. Đã lâu rồi tôi suy nghĩ về chuyện “Nghệ thuật độc đáo Việt Nam” và bây giờ tôi đã chắc chắn cùng bà con trong nước rằng chúng ta có thể tạo ra được cái nghệ thuật độc đáo Việt Nam thật sự ấy nếu có điều kiện (2).
Trước hết được tự do làm vài triển lãm ở Việt Nam để mọi người có thể hiểu biết tôi qua nghệ thuật của tôi. Để bà con xem tay nghề của tôi đã đến đâu và có thể đi đến đâu? Vì lý thuyết chỉ là nước chảy lá môn nếu không đi đôi với thực tế “Một thấy hơn mười nghe”.
Riêng tôi, tôi muốn biết thêm đồng bào, đồng nghiệp và tôi có thể hiểu biết nhau được không? Vì tôi đi xa quê hương đã khá lâu.
Tôi ước mong một nghệ thuật độc đáo Việt Nam. Hiện giờ chưa ai hình dung được cái nghệ thuật đặc sắc Việt Nam ra thế nào? Về phần tôi, tôi biết trước là cái nghệ thuật ấy sẽ không còn một mảy may ảnh hưởng Tàu hay Tây hay gì gì đi nữa. Nó phải độc lập từ trong ý nghĩ, chất liệu, kỹ thuật, dáng điệu, cách nhìn hay một chi tiết nhỏ nhặt đi nữa chất liệu sẽ từ trong rừng núi, ruộng đồng, đất đai, cây lá của mình và lẽ tất nhiên ý nghĩ phải ăn khớp với cuộc sống hàng ngày, màu sắc và trí óc, tánh nết con người Việt Nam. Dựa theo cái di sản văn hóa của cha ông để lại (Lý, Trần, Lê).
Rồi ngoài cái đẹp thông thường tôi muốn thêm vào cái tình cảm, cái thiêng liêng cũng dựa vào phong cảnh, tạo hóa, con người để sáng tác ra một khối hài hòa hơn là để tác phẩm bơ vơ một mình hay là lòe loẹt bởi những hình khối to tát, nặng nề, vô hồn, chướng tai gai mắt, mang từ nước ngoài mang về với một đống bằng cấp.
- Nghệ thuật cho cả dân tộc, người giàu có, trí thức cũng như kẻ nghèo nàn thất học, người nhà quê cũng như người thành thị. Người đau ốm, tàn tật, già nua phải được hưởng cái đẹp ngày nay thực sự chứ không chỉ giả dối trên sách vở hay lý thuyết trống rỗng.
- Nghệ thuật Việt Nam phải có trình độ, cá tánh để cạnh tranh với nghệ thuật quốc tế.
- Nghệ thuật Việt Nam phải là cái chuông khổng lồ trong và ngoài nước.
- Nghệ thuật Việt Nam phải là một nguồn làm ăn sinh sống như mọi kỹ nghệ khác.
- Nghệ thuật Việt Nam sẽ làm đẹp thêm đất nước, con người, bề trong cũng như bề ngoài.
- Nghệ thuật Việt Nam có giá trị không chỉ ở số tiền buôn bán giả tạo mà là ở chỗ phụng sự con người.
- Nghệ thuật Việt Nam sẽ là cái đuốc cho nền nghệ thuật của nhân loại, tất cả đấy là kiêu hãnh, cái tham lam của chúng ta.
- Nghệ thuật Việt Nam ngày nay phải đánh dấu thời đại cũng như tặng vật cho con cháu mai sau và trả ơn ông bà tổ tiên đã để lại cho ta những cái gì bất hủ.
- Nghệ thuật Việt Nam sẽ chặn đứng cái ý định dã man chia cắt đất nước ra làm hai, mỗi khi các gia đình chính trị không đồng ý với nhau.
- Nghệ thuật Việt Nam làm giàu cho dân tộc để chống lại bất cứ cái gì của người nước ngoài kiêu căng, đang chen lẫn nhau vào đất nước bị tàn phá và đang thiếu thốn ngày nay để hòng bóc lột và cố tình kiếm lời chứ không phải chúng thương yêu gì nòi giống da vàng mũi tẹt này. Lúc những cái lãi tiền nong họ đưa về nước họ, họ chỉ để lại cho chúng ta những bệnh si-da, ô nhiễm sông ngòi, khí hậu, ô nhiễm trí óc, lòng người, những cái hũ lậu tồi tàn, xì ke, thuốc phiện, v.v….
- Nghệ thuật chống lại bán gái non cho bọn mê dâm ngoại quốc, lông lá đầy mặt đầy mình với giá tiền rẻ mạt để chúng khinh bỉ các giống nòi mình. Hiện giờ ở các nước ngoài họ đang xôn xao về việc đi thăm Việt Nam với ý đồ bẩn thỉu ấy. Đây là đáy lòng của tôi và có ý đồ muốn cùng bà con trong nước thực hiện cho được. Không phải dễ dàng nhưng nếu chúng ta MUỐN thì rất có thể được.
“Muốn là được”, “ba cây chụm lại thành hòn núi cao” . Chúng ta phải khác hẳn mọi người.
Chúng ta muốn kiêu hãnh, muốn sang trọng, phải có gan thay đổi cái BẢN CHẤT của nghệ thuật cũ kỹ, lỗi thời, cứng rắn, cái suy nghĩ chật hẹp.
- Chúng ta không cần vàng thoi bạc nén để đi tới. Bàn tay khéo léo chúng ta sẵn có. Chất liệu tại chỗ. Trí óc cũng của ta.
- Chúng ta không đi con đường sáng tác của mọi người. Hiện giờ trong tác phẩm của người ta chỉ thay đen ra trắng, thay đàn bà cười ra đàn ông khóc, thay người đứng ra người ngồi rồi trong khối lượng thay tròn ra méo. Thay hiện thực ra trừu tượng, đi qua trừu tượng, đi loanh quanh luẩn quẩn theo vòng tròn và đi đến thế mãi. Còn giá trị của tác phẩm thì dựa theo giá trị thị trường đã tạo. Tên tuổi của nghệ sĩ phần nhiều dựa trên đà quảng cáo, giả tạo, ít khi đứng đắn, chân thật.
Thay thay đổi đổi . Nhưng dù sao cũng vẫn luẩn quẩn chưa thoát ra khỏi vòng vây.
Nhưng đấy là chuyện của người ta.
- Còn chúng ta, chúng ta phải tự thay đổi đôi tý rồi bắt đầu bãi bỏ cái nhìn nhỏ nhen, chật hẹp. Đi vào cái nhìn tổng quát, mới mẻ hơn. Không nhìn thẳng như người Tàu cũng không ngắm nghía từ một chấm, phân tích đo đắn như người Tây. Cái nhìn của ta phải ở trong thời đại này, cái nhìn của người du hành vũ trụ gần gũi hơn là cặp mắt của loài chim. Rồi từ trên ý tưởng này bành trướng cái kỹ nghệ nhỏ, làm bằng tay, không cần máy móc, kỹ nghệ nặng như nhiều nước khác. Ở nhiều nước bao nhiêu sức lực trí óc thông thái đều dồn vào sản xuất. Sản xuất đến nỗi không đủ người tiêu thụ. Để rồi không biết chứa vào đâu. Phải đập bỏ đi sản xuất nữa, để đi đến chỗ bế tắc, gây ra giặc. Bắt chước nhau, xô đẩy đi đến cái hạnh phúc vô lý. Tôi chưa thấy cái hạnh phúc ở chỗ nào cả. Nhưng đây cũng là chuyện của người ta, của các nhà kinh tế, học rộng tài cao.
- Những đồ cần dùng hàng ngày của chúng ta không còn nhạt nhẽo như đồ làm bằng máy móc, hàng trăm hàng ngàn vạn cái đều giống nhau, lạnh lẽo vô duyên, mà là đổ nguyên bản làm bằng tay, gần gũi với tâm hồn ăn khớp với trí óc tự nhiên, thân mật với kẻ mua dùng.
Những đồ chung đụng ngày đêm như: Cái nhà, cái vườn, đường sá mồ mả, cái làng, cái xóm, thành phố sẽ là bức tranh thực sự hài hoà với tạo hoá thiên nhiên vĩ đại. Tác phẩm của chúng ta từ trong thuần phong mỹ tục, con người, con vật, đất đai cỏ cây, sông núi, cái đẹp, cái xấu sống chung trong bầu trời tự nhiên như THẬT SỰ VĂN MINH, chứ không giả dối như sách vở, lý thuyết vô hồn, đạo giáo, ồn ào chướng tai gai mắt. ô nhiễm tâm hồn.
Chúng ta sáng tác ra những không gian lớn lao dựa theo núi theo đèo cho con người làm ăn sinh sống, cho du lịch thoải mái, cho đất nước đẹp tươi mà các nước khác chưa có. Chúng ta đưa mỹ thuật vào bệnh viện cho người đau ốm, lăn lóc hàng tuần hàng tháng trong một căn phòng chật hẹp.
- Chúng ta phải đào tạo ngay một nhóm người để dạy cho những kẻ mồ côi, tàn tật, vô nghề nghiệp, những cách làm ăn giản dị, có ít mỹ thuật, rất nhiều thực tế, để làm ăn và lấy lại tư cách con người. Họ không còn là ăn mày ăn xin la lết nữa mà họ sẽ làm ra ăn bằng bàn tay như NGƯỜI THẬT. Đây không phải là cử chỉ của người từ thiện hay mánh lới của nhà chính trị mà là lẽ tự nhiên, lẽ thường giữa con người văn minh, giữa phong cảnh đẹp, giữa xã hội Việt Nam thật sự. Rồi còn bao nhiêu cái chúng ta có thể làm thêm cho toàn đẹp như: Vườn mộ, vườn đá, đào tạo người tiêu thụ mỹ thuật… chúng ta sẽ đi xa hơn ai hết.
- Sau vài ba năm đào tạo và sáng tác theo LỐI MỚI, chúng ta có thể mang chuông đi đánh nước ngoài. Chúng ta đưa ra triển lãm những cái bất ngờ và độc đáo . Hơn nữa chúng ta không mang đi triển lãm như họ vì tác phẩm của ta quá lớn lao, vĩ đại và cần sống giữa không khí Việt Nam. Ai muốn xem xin mời đến nước chúng tôi. Đấy cũng là một cách tự cao, phô trương văn hoá và dựa theo đó làm ăn sinh sống.
- Cái sống vật chất cũng là cũng là cái cốt yếu. Sống bằng nghệ thuật là một cái hạnh phúc lớn. Cái sống bằng cơm áo cũng cần thiết như tinh thần. Có khi cái sống vật chất còn cần hơn tất cả vì những thiếu thốn, cần thiết hàng ngày không cho phép mình có sức khỏe, tinh thần để suy nghĩ, sáng tác cùng làm trọn phận sự con người. Hơn nữa cái sống vật chất không chỉ một mình người sáng tác chịu đựng thôi mà cả gia đình con cái cùng bao nhiêu cái chung quanh nữa.
- Người ngoài cuộc có khi xem người nghệ sĩ như kẻ điên cuồng hay là thần thánh.
Cả hai cách nghĩ đều không đúng sự thực. Theo tôi, người nghệ sĩ phải sống trong xã hội như mọi người khác. Có bổn phận làm ăn, trách nhiệm như mọi hạng người khác. Nhưng đừng quên là ông trời đã phát cho ta tài ba hơn nhiều người, vậy không nên quên chia sẻ cho đồng chủng. Nên nhớ “ÔNG TRỜI CÓ MẮT”.
Tác phẩm nghệ thuật rất gay tiêu thụ trong các nước giàu có huống là trong một xã hội đang thiếu thốn như Việt Nam. Nhà nước chưa có tiền để mua tác phẩm như các nước giàu có. Lại các cô gái giàu hay có lòng tốt muốn nuôi người tài ngày nay cũng hiếm hoi. Các nhà có ít tiền của, ít ai biết đến nghệ thuật, họ chỉ thích mua vàng, kim cương, hột xoàng. Hay có một vài người mua tranh mua tượng là để làm hoanh, để tô điểm thêm cái thừa thải của mình trước mặt bạn bè. Còn dân chúng quá ư thiếu thốn, thị trường buôn bán chưa có gì hết. Phần lớn khách du lịch người nước ngoài, chín mươi phần trăm là hạng người tầm thường, chỉ mua để kỷ niệm, đồ để biếu. Nhưng dù sao họ cũng biết chọn cái đẹp và bỏ lại cái xấu. Nghệ sĩ không thể trưng bày tranh, tượng ra đó rồi đợi khách đến ngắm nghía và mua. Sống trong một khung cảnh như vậy, theo tôi thì người nghệ sĩ nên khiêm tốn chuyển một phần một cái tài nghệ của mình vào những cái gọi là mỹ nghệ, những cái để biếu, những đồ cần dùng hay không cần dùng mà cần có. Thay hình đổi dạng những cái đồ tiêu thu tầm thường trở thành ra ĐỒ-CÓ-ÍT-CHÂT-mỹ thuật, mới họa may. Không phải là trang trí lại những cái đồ ấy thêm con rồng con rắn nhưng mà thay đổi cái BẢN CHẤT của nó ra ĐỒ-CỔ-MỸ-THUẬT, ra một THỨ TÁC PHẨM HIỆN ĐẠI. Hiện giờ ở ta, hầu hết những đồ gọi là mỹ nghệ không có trình độ, rất xấu xí, lạc hậu, lại giống Tàu, giống Tây chứ không có tánh cách gì Việt nam hay thẩm mỹ. Những cái có ít hình thức Việt Nam thì thiếu tay nghề, thiếu đủ thứ và không chu đáo.
Những đồ mỹ nghệ mới, những TÁC PHẨM HIỆN ĐẠI này phải cho hoàn hảo mới buôn bán làm ăn được, mà đến khi hoàn hảo rồi cũng chưa đủ. Đây là một cuộc vật lộn cần thêm nhiều suy nghĩ, phải biết thị trường, mánh lới, mềm dẻo để chen vào thị trường trong và ngoài nước.
Từ cái nhỏ đến cái lớn phải tránh những con đường của Tàu, của Tây, của Nhật, Thái Lan… Đồ của họ đã trưng bày đầy các quán hàng khắp năm châu. Vậy mình phải làm sao nắm ngoài khuôn khổ, hình thức màu sắc, đường lối của họ. Đây là điều kiện thứ nhất. Điều thứ hai là khi làm cái gì phải làm cho cẩn thận, cho hoàn hảo. Du khách không muốn mua cũng không chê được hay khen thầm. Nên bỏ hết các lề thói o cẩu thả, làm dối. Lại nhiều khi phải đi qua những cái nói trên là phải bày vẽ ra cái cần có khác, liên can đến đồ để bán; như bán một cái gì phải bán thêm cái hộp để đựng, cái giấy để gói cho khéo léo. Lúc đặt cái vừa bán vào trong cái hộp đẹp, người khách tấm tắc khen cả hai thứ, rồi khen cả sợi dây cột hộp, khen bàn tay khéo léo gói gắm gọn gàng và trao cho khách với nụ cười xã giao nữa.
Ở các nước văn minh người ta quý khách, chiều khách, “Khách là vua”. Chiều khách không phải là luồn cúi, là nô lệ mà là trao đổi văn hóa, xã giao lịch thiệp giữa hai con người văn minh.
Ở Việt Nam hiện giờ rất cần tổ chức, đào tạo, bành trướng các nghề đan thảm, thêu, đất nung, chạm gỗ, sành sứ, uốn tre, uốn sắt, đồ nữ trang, đồ lặt vặt, đồ vô ích, áo quần, giày dép… Tổ chức một CÁCH THỰC TẾ THẬT SỰ chứ không phải làm cho có lệ. Ông thì giám đốc, bà thì phó giám đốc, còn thực tế, kết quả thì không đốc nào hết. Có ai chê bai thì bị tố cáo không đúng đường lối Đảng, chống chính phủ.
- Những công trình này không tốn kém vàng thoi bạc nén, vì nhân công sẵn có, chất liệu tại chỗ, và bàn tay trí óc của mình.
Tóm lại, đồ mỹ nghệ, tác phẩm hiện đại, cách tổ chức làm ăn, con người phải ĐỔI MỚI. Phải biết đặt cái đời sống hiện nay và tương lai của dân tộc lên trên cái nhỏ nhen, phe phái hay lý thuyết lỗi thời. Chuyện làm ăn là chuyên môn nhà nghề. Phải lành nghề. Muốn lành nghề phải kiên nhẫn, chịu khó kinh nghiệm học hỏi “Không thầy đố mày làm nên”.
Sống bằng nghệ thuật là phước trời cho nhưng phải có tay nghề rành rõi, phải biết thị trường. Muốn sáng tác độc đáo phải có điều kiện và tự do. Muốn có thầy tài trợ giỏi phải cả gan và sáng suốt về cách đào tạo, đừng có “nhồi sọ”. Phải có trí óc có thể hấp thụ được cái MỚI. Cách dạy phải thực tế. Lý thuyết không đủ và lý thuyết phải là lý thuyết trên điều kiện Việt Nam, trên hiểu biết sâu xa, rộng rãi cái nghề về nghệ thuật, nếu không thì như con vẹt thôi. Tục ngữ ta có câu: “Có biết thì thốt không biết thì dựa cột mà nghe” không phải là thừa.
ĐỔI MỚI trong nghệ thuật là bỏ cái cũ, cái ngoại lai, đưa cái tinh túy chưa có vào chữ không phải đổi mới là đưa bất cứ cái gì của ngoại quốc, của xấu xa, điên cuồng của tệ nạn vào cũng được. Và cũng không phải cái gì của ngoại quốc cũng xấu xa cả. Nhưng mỗi khi học hỏi được cái của người ta phải nhồi nhuyễn cái đó cho mềm dẻo, phải thêm ớt, thêm tiêu vắt thêm chanh vào cho nó tiêu cái nhiễm độc, xóa bỏ mùi tanh, để ăn khớp với mình mới được.
Cái gay go nhất là tiêu thụ. Phải biết mềm dẻo để chen vào thị trường trong và ngoài nước. Muốn được thị trường quốc tế phải LỖI LẠC, phải MỚI và giá cả phải chăng. Thế cũng chưa đủ. Lúc ký kết hợp đồng phải đắn đo, phải trung thực, phải giữ lời hứa, không được xảo trá lừa dối. Mình phải có những cái KHÁC HẲN những cái mà các nước lân cận đã bày vẽ ra, trên thị trường quốc tế đã đầy những đồ nhí nhăng ấy.
Ngoài ra, chúng ta có thể sáng tác ra những không gian mỹ thuật lớn dựa theo đèo, những không gian dưới nước, đưa mỹ thuật vào nhà thương mà chưa ai có, đem lại cái tình nghĩa nhân đạo; Những triển lãm độc đáo mà các nước lân cận chưa bày ra được. Như vậy để lôi kéo khách du lịch.
Du lịch là một cái cần thiết, là một nguồn làm ăn sinh sống rất hay, rất thuận tiện cho phô bày cái văn hóa và sau đó dựa theo đó buôn bán làm ăn.
Những tổ chức du lịch phải THẬN TRỌNG, khôn ngoan, sạch sẽ, lịch sự, ngoại giao. Du lịch văn hóa chữ không phải như nhiều nước lân cận để bán gái non, nhà thổ, xì ke, thuốc phiện như muốn bôi nhọ cái dân tộc của họ. Phải ngay từ bây giờ sáng tác ra những không gian rất kín đáo, sâu xuống dưới mặt đất để dành riêng cho mấy sở khanh, tú bà mới được. Phải đẵn ngay những cái mầm non, chất độc ấy ngay từ bây giờ.
Mặt khác nữa là nếu chúng ta biết “Ở bầu thì tròn, ở ổng thì dài” thì có phần dễ hơn. Nếu chúng ta cứ vẽ ra tranh, nặn ra tượng như sư Tàu thầy Tây đã dạy thì mấy ai mua tranh mua tượng? Nhưng nếu chúng ta tạo ra những thứ bánh, thứ chai có nước thơm, thứ áo, thứ mũ, thứ giày, cái quán cơm, cái xe xích lô, cái đĩa, cái bát..v.v… cho khác thường, cho độc đáo, cho hợp thời, chưa ai có thời chắc sẽ có nhiều người tiêu thụ trong và ngoài nước. Không phải là dễ dàng nhưng đây là một ngõ đi ra. Nói phách và viết thì dễ còn làm ra thì thật gay go.
Những con đường mòn, những trí óc hẹp hòi, những lăng nhăng thủ tục, giấy má, hối lộ, kiêu căng sẽ đi đến chỗ đồi trụy, chết đói làm nô lệ và để cho người ngoài khinh bỉ giống nòi Việt mà thôi.
Đến đây chắc có nhiều vị học rộng rài cao, bằng cấp chất đống chê cười tôi về chuyện nói gì cũng nghĩ đến làm tiền, làm ăn sinh sống. Nhưng tôi xin lỗi các vị, tôi không có bố thí của Nhà nước, không có xương sống mềm dẻo, cũng không có vợ giàu nhưng lại muốn sống đầy đủ như ai. Và hơn nữa tôi còn ngạo ngược muốn phần đông đồng bào tôi cũng được sống đầy đủ như tôi, giàu có trên đất nước tươi đẹp và chỉ sáng tác hoàn toàn cái mới đẹp hoàn hảo chưa ai có.
Đây là cái kiêu hãnh của tôi, là nền móng của đời sống nghệ thuật của tôi. Nếu ngày nay (1994) chưa bành trướng ra được vì một lẽ gì sau này con cháu tôi sẽ dựa theo một vài ý trên để đi tới. Vì tôi chưa thấy con đường nào khác đi ra.
- Tôi lại không đồng ý với bất cứ một trường nào hiện giờ và bất cứ ở đâu bởi vì sinh viên lặn lội trên ghế nhà trường năm bảy năm chẳng biết làm ăn sinh sống bằng nghề nghiệp thì thật là vô lý và uổng công. Người xưa có nói: “HỌC-HÀNH” vậy học phải hành.
- Còn về mặt tác phẩm mỹ thuật, có lẽ tôi chưa thấy nhiều, nhưng những cái tôi thấy, phần nhiều có tánh cách lỗi thời và có tánh cách lịch sự hơn là mỹ thuật. Tôi muốn nói theo đà mỹ thuật quốc tế.
Thời biểu hiện giờ chúng ta phải sáng suốt, nhìn nhận, hạ mình xuống một tý để tìm tòi hiểu biết thêm, học hỏi thêm, để bước vào cái đà tiến triển của loài người, nếu muốn sống đầy đủ và chung đụng với tất cả.
Lý thuyết chỉ là lý thuyết, sức mạnh chỉ là sức mạnh mà thôi. Duy trì cái ý nghĩ cứng rắn, cũ rích cái đường lối lỗi thời, lạc hậu là đi thụt lùi, là bôi nhọ danh tiếng của giống nòi, là có lỗi với cả dân tộc và loài người.
Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rất rõ: Những đường lối nghệ thuật không ăn khớp với thời đại, đất nước, lòng người, không để cho đầu óc tài nghệ tiến triển, không mang lại hạnh phúc mà nhiều chính quyền cứ ỷ lại và khăng khăng ôm ấp mãi mấy chục năm ròng cũng vẫn không có bề sâu và không để lại một cái gì độc đáo cho nhân loại. Đây là một bài học mà tất cả con người Việt Nam không có quyền không biết.
Cái đỉnh cao của loài người vẫn còn là TRÍ ÓC VÀ TÀI NGHỆ. Mọi chúng ta nên cẩn thận, trách nhiệm, đừng vì một cớ gì mà để chậm trễ sự đi tới của cả dân tộc thông minh và hiếu học trong lúc khó khăn này, cũng đừng để sau này con cháu trách móc sử sách bôi nhọ và cũng đừng để cho các dân tộc khác chê bai khinh bỉ.
Cái đời sống vật chất và tinh thần, cái danh tiếng của cả một dân tộc hơn 70 triệu người là TẤT CẢ.
L.B.Đ
(1992-1994)
Lê Bá Đảng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994