TRANG CHỦ LÊ BÁ ĐẢNG VIẾT TIN TỨC LIÊN HỆ    
 
Lê Bá Đảng
Gia đình Lê Bá Đảng
Ý tưởng
Xưởng vẽ Lê Bá Đảng
Viết về Lê Bá Đảng
Cảm tranh đề thơ
Những cuốn sách (Books)
Video
Triển lãm
 
  
  
  
  
  
  
  
Số Người Truy Cập:761028
  GIỚI THIỆU
Cái Xưởng của tôi (10/30/24)
  
Có TÀI phải có TÌNH như cha ông đã sắp vào trong tiếng nói để con cháu dễ hiểu hơn. Tôi mơ ước cái đẹp này sẽ giản dị, nhưng không phải giản dị mà phẩm chất bị xuống cấp. Cái đẹp mới phải ăn khớp với đời sống, với văn hoá, lịch sử của dân tộc, với con người Việt Nam trước đã, rồi với thiên nhiên tạo hoá, với thị trường quốc tế.

Cái đẹp tạo ra bằng bàn tay, trí óc để phụng sự con người thật, chứ không phải, chỉ nói trên sách vở, lý thuyết nhất là những sách vở, lý thuyết sao chép bắt chước của nước ngoài một cách nô lệ, rồi thổi phồng làm rùm beng lên, kết cục tựu trung không vẫn là không.
Untitled Document

 L.T.S Cửa Việt số II, III chúng tôi đã đăng trọn vẹn bài viết “Một cây làm chẳng nên non” của nhà danh họa nổi tiếng nhất thế giới – Người con của quê hương Quảng Trị. Ở bài viết nói trên Lê Bá Đảng đã phát biểu những quan niệm riêng của mình về nghệ thuật dân tộc. Sau khi bài viết được công bố nhiều người rất đồng tình, dĩ nhiên cũng có người băn khoăn vài điểm. Số báo này chúng tôi xin in tiếp bài viết “Cái xưởng của tôi”. Ở bài này tác  giả không đề cập đến nghệ thuật nói chung mà tập trung vào nghệ thuật tạo hình, từ quan niệm sáng tác, khám phá thực chất cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình dân tộc đến phương pháp giảng dạy, truyền nghề đặc biệt là làm sao để nghệ thuật tọa hình hòa nhập được với đời sống và cộng đồng.

Vì bài viết dài, chúng tôi có lược bớt một vài đoạn mà ý tứ và thông tin đãz có trong các bài viết trước

Là người nổi tiếng thế giới nhưng ông rất muốn có được sự đàm đạo, trao đổi với các bạn đồng nghiệp. Trong thư gửi cho tòa soạn ông mong mỏi được nghe những phản hồi cả đồng tình lẫn phản bác. CV sẵn lòng tiếp nhận và công bố những bài viết của các bậc cao minh trong giới nghệ thuật tạo hình nước nhà.

Đi tìm cái MỚI trong một cái xưởng thì thật là nhỏ bé, thiếu tầm vóc chăng?

Nhưng với tôi, cái xưởng lại gần gũi với tay nghề hơn và thân mật ấm cúng hơn, để phân cơm, đổi áo, chia sẻ ngọt bùi với anh em bè bạn và con cháu cùng một chí hướng. Vả lại đây là một bước đầu của tôi trên đất nước Việt Nam.

Vậy đây là xưởng chứ không phải là trường. Trường có khuôn khổ, có ngăn nắp, có đường lối đã định trước với những điều lệ nhất định, những bài vở đã soạn trước soạn sau (mà người ta thường gọi là giáo trình), có ngày giờ, có thi cử, có luật lệ, bằng cấp, có giám đốc, hiệu trưởng, có thầy trên, trò dưới có cả lương bổng chức tước, hưu trí và nghỉ hè nữa. Nghĩa là hầu như có tất cả. Chứ còn cái MỚI trong sáng tạo nghệ thật thì chưa có thực sự (1).

Cái xưởng của tôi chỉ là một xưởng nhỏ đề tìm tòi sáng kiến và đường lối sáng tạo giữa con người cùng lý tưởng, không thầy không trò mà là bạn hữu, là sự đồng cảm, dạy bảo nhau như con một nhà, với một ý thức tạo nên cái đẹp trong sáng với tấm lòng yêu thương và theo đuổi chung một lý tưởng, một yêu cầu, chia sẻ những cái diệu kỳ của trí thức. Trong sáng tạo nghệ thuật không tuân thủ khuôn khổ nhất định, cứng rắn nào đã viết sẵn trên giấy trắng mực đen.

Nên chăng có một khuôn khổ nào thì chỉ là một khuôn khổ vô hình, vô dạng, tự nhiên như lẽ sống có một khuôn khổ nào thì chỉ là khuôn khổ vô hình, vô dạng, tự nhiên như lẽ sống, mát tươi của tình cảm thiên nhiên nằm trong văn hóa, trong thuần phong mỹ tục của cha ông để lại.(2)

Ở trong xưởng, tôi là người nhiều tuổi hơn ai hết, hay là cùng một lứa tuổi với một số người, nhưng có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tìm tòi sáng tác cũng nhiều hơn ai cả. Vậy trước hết tôi đề nghị: Những ai có ý kiến, những ý nghĩ hay đừng e ngại, rụt rè, đừng mặc cảm cứa đưa ra để cùng nhau chia sẻ, bàn lui nói tới, làm cho nhau hiểu, rồi mới tìm những kỹ thuật, kỹ xảo, thủ pháp, đường lối, chất liệu để tạo ra mổ cái gì chưa có, một cái gì vừa đẹp vừa có tình có nghĩa, vừa ăn khớp với con người. Hãy yêu chuộng cái tự nhiên, không dùng những ngôn ngữ nghệ thuật giật gân lai căng,điều đo chỉ đem lại cái tầm thường và lố lăng. Nên nhìn  thẳng vào cuộc đời, vạn vật với cặp mắt, với cả tấm lòng một cách bình thường, lợi dụng những chất liệu sẵn có trong đất đai cây cối, vạn vật mà chúng ta chung đụng hằng ngày, với ý nghĩa giản dị, không khách sáo, không “bác học”không có gì bó buộc tâm hồn rồi từ đó tìm ra những kỉ thuật mới, uốn nắn những chất liệu mới phát minh ra ý nghĩa mới để sáng tạo nghệ thuật. Cách tìm tòi sát cánh với đời sống văn hóa của dân tộc, của con người thật, không chịu ảnh hưởng của ai hết, đó là con đường nghệ thuật đúng đắn của chúng ta.

Cái đẹp mới đang tìm, chưa ai hình dung nó ra thế nào cả.

Tôi chỉ biết nó sẽ không giống những cái gì đã có, đã cũ kỹ, lạc hậu hay bắt chước của xứ ngoài.

‘TA VỀ TA TẮM AO TA”

Ý nghĩa đầu tiên của tôi là phải đi xa hơn cái đẹp huyền bí của kẻ thông thái, của bức tranh, cái tượng mà xưa nay mọi người ca tụng, ôm ấp như cái gì thần thánh vô biên.

Theo tôi, cái đẹp này từ xưa đến nay vẫn nằm một chỗ dù có thay đen ra trắng, thay tròn ra méo, chứ cái bản chất của nó vẫn y nguyên. Con người cứ chạy quanh cái đẹp ấy dặt ra thuyết này thuyết nọ, cao siêu trong sách vở, nhưng vẫn đường mòn này đến đường mòn khác, đi mãi đi vào chỗ bế tắc như bất cứ ở đau trên thế giới này(3).

Nhưng đây là chuyện của người ta.

Trí - thức-hóa, tâm - linh hóa cái đẹp cũng là đương mòn. Tôi tưởng rằng phải tình - cảm - hóa, nhân-đạo – hoá – hoá cái đẹp với nghĩa thật cao sâu rộng lớn hơn nữa mới là MỚI, mới hợp thời, mới phụng sự được số đông con người. Cái đẹp có thêm bề rộng lẫn bề sâu.

Trong lĩnh vực nghệ thuật Việt Nam phải cố gắng ra khỏi vòng vây cũ, phải thay đổi cái bản chất của cái đẹp mới hoạ may đi kịp người ta và phụng sự được con người Việt Nam hiện giờ.

Cái ĐẸP MỚI phải đi xa hơn cái đẹp hiện giờ. Cái đẹp với TÌNH NGƯỜI theo ý nghĩa sâu cao, rộng lớn nằm ngoài cái khuôn khổ, sách vở hiện có trong các trường hiện nay.

Trong tiếng nói của ta hay nghe hai chữ TÀI – TÌNH. Vậy TÀI chung với TÌNH.

Có TÀI phải có TÌNH như cha ông đã sắp vào trong tiếng nói để con cháu dễ hiểu hơn. Tôi mơ ước cái đẹp này sẽ giản dị, nhưng không phải giản dị mà phẩm chất bị xuống cấp. Cái đẹp mới phải ăn khớp với đời sống, với văn hoá, lịch sử của dân tộc, với con người Việt Nam trước đã, rồi với thiên nhiên tạo hoá, với thị trường quốc tế.

Cái đẹp tạo ra bằng bàn tay, trí óc để phụng sự con người thật, chứ không phải, chỉ nói trên sách vở, lý thuyết nhất là những sách vở, lý thuyết sao chép bắt chước của nước ngoài một cách nô lệ, rồi thổi phồng làm rùm beng lên, kết cục tựu trung không vẫn là không.

Cái đẹp đâu phải chỉ ở trong tranh, trên tượng sơn son thiếp vàng ngạo ngược trên vách, ngủ gục trong bảo tàng, cửa đóng then cài hay trầm ngẫm im lặng trên cái bệ vừa nặng, vừa cao, hay trong cái khung chạm trổ nhăng nhít bắt chước Tây Tàu rồi khen nhau là đẹp? Nhưng đây cũng là chuyện của người ta và quyền tự do của mọi người.

Cái đẹp trong tranh tượng là chuyện dĩ nhiên mà nó còn phải ở trong những thứ cần dùng của con người, tất cả con người như cái bát, cái đĩa, đôi giày, cái nón, cái áo, cái đồ nữ trang, cái xe xích lô, cái đường đi, cái hồ, cái vườn, cái bệnh viện, cái trường học, cái nhà trẻ, cái mồ mả ông cha, cái đình, cái miếu, cái xóm, cái làng, cái thành thị và cả cái kinh đô nữa. Nghĩa là từ cái nhỏ đến cái lớn và bất cứ cái gì mà thân thuộc với con người trên xứ sở này cho đến cái ý nghĩa, lời nói, tình thương.

Từ cái đẹp có hình thức cho đến cái đẹp vô hình thức cũng nằm trong hướng tìm tòi của xưởng tôi.

Không biết cái đẹp này có toàn mỹ hay không? Có động chạm chỉ đến quyền lợi của ai không? Có nằm chung trong cái đẹp huyền bí, cao siêu không? Những người sáng tác ra những cái này có phải là nghệ sĩ, nghệ nhân hay không?

Chúng tôi cứ bình tĩnh tìm tòi sáng tác. Sau này con cháu và lịch sử sẽ đánh giá và xếp lại, ai vào chỗ nấy theo luật tự nhiên chứ không phe phái không tự cao.

Trong xưởng chúng tôi anh em không cần phải học năm bảy năm như ở trường để rồi ra trường sáng tác những cái mà người khác đã làm rồi và hơn nữa lúc ra trường nhiều người không sống được với nghề nghiệp của mình. Thì chẳng khác chi dã tràng xe cát bể đông.

Ở trong xưởng, chúng tôi tìm tòi, bàn cãi về tất cả các vấn đề quan hệ đến cái đẹp với đời sống, cũng không quên cái đẹ trong tranh trong tượng.

Rồi từ đó thảo luận, lý thuyết và mỗi khi có ý kiến hay nhiều ý kiến mới bắt tay vào thực tế. Trí óc điều khiển cái tay. Trí khôn bày ra kỹ thuật là lẽ tự nhiên. Mỗi người một cá tánh, một lối khéo tay, một trí khôn, nhiều kỹ xảo, thủ thuật, không để cho thầy lấn áp. Tôi đã thấy nhiều người chịu ảnh hưởng của thầy quá nặng rồi cả đời không bỏ được. Điều đó thật là nguy hiểm biết bao.

Mặt khác cũng không nên cúi đầu làm để làm. Trước khi bắt tay vào làm phải hiểu phải biết, rành rỏi mình muốn làm cái gì đã.

Sáng tác phải có sáng kiến và tay nghề. Tìm ra sáng kiến là chuyện rất gay go những rồi cũng phải có cái kỹ thuật tìm ra sáng kiến. Còn chuyện tay nghề là chuyện nhuần nhuyễn tay chân với trí óc suốt cả đời chưa đủ.

Chúng tôi vừa học sáng tác vừa học hỏi tay nghề cùng một lúc làm ăn sinh sống. Cái sống vật chất là cái cần thiết, rất cần thiết để mở đường sáng tạo. Vậy tôi tin tưởng rằng cả hai cái phải đi đôi với nhau như cuộc sống của tôi đã mấy chục năm nay.

Làm thầy, làm thợ với làm thuê.

Nhưng đây không phải là tất cả. Giấc mơ trong ý chí một ngày sẽ nở ra hoa rồi thành trái. Trí óc, tài nghệ và ý chí của con người vô giới hạn.

Đây là ý nghĩa đầu tiên của tôi. Còn ru sau này mỗi chúng tôi sẽ tìm ra một đường lối, nhiều đường lối khác nữa. Và cái mục đích chính là để phụng sự cái dân tộc này đang bị thiệt thòi vì giặc giã, vì lý thuyết ngoại bang. Chúng tôi sẽ tự cao là một phần tử trong gia đình Việt Nam, cái Việt Nam không hề chịu một lý thuyết hay sức mạnh nào từ xứ ngoài đưa đến nếu chúng tôi không thể uốn nắn nó lại cho ăn khớp với dân tộc.

Bài này đến đây chỉ là lý thuyết. Không ai còn lạ gì lý thuyết chỉ là lý thuyết. Lý thuyết hay bay theo mưa theo gió.

Vậy tôi nêu ra đây vài tỉ dụ để dễ hiểu hơn:

1. Con người Việt Nam bất cứ đạo giáo nào, trình độ học thức cao siêu đến đâu, giàu hay nghèo, nhà quê hay thành thị, từ Nam chis Bắc, ai ai cũng một lòng thờ phụng cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã quá vãng.

Đây là cái đẹp thuần tuý của dân tộc ta.

Vậy sao chúng ta không lợi dụng cái duy nhất này mà sáng tác ra một thứ mộ cho đẹp, cho hài hoà với sông núi, hài hoà với văn hoá, lịch sử, tương lai, với đoàn kết giống nòi như một bọc trăm trứng sinh ra (4)

2. Ở xứ ta mọi người đều có mặc cảm là lái xe xích lô trong các thành phố là xấu xí, là nô lệ, là nghèo nàn.

Chúng ta không phải là nhà cầm quyền để xoá bỏ mà cũng không phải nhà từ thiện mà giúp đỡ. Nhưng chúng ta có thể chữa đổi, vẽ lại cái xe xích lô cho kiểu cách, sạch sẽ, đẹp mắt. Làm cho cái xấu xí này trở nên một tác phẩm mỹ thuật bình dân, linh động mà ai cũng muốn dùng và làm sao ngoài cái đẹp, người lái được đỡ nhọc, đạp ít mà lại đi nhanh, áo quần, giày dép cũng hài hoà với xe với cảnh.

Trong một thành phố mà mỗi xe xích lô là một dáng kiểu nghệ thuật độc đáo sẽ có biết bao nhiêu tác phẩm đẹp, linh động chạy quanh thì có đẹp mắt cho mọi người, có che đậy được ít nghèo nàn, nô lệ hay không?

Như vậy cái đẹp ở đây có thực tế không? Có khác với cái tượng trên bệ, cái tranh trên vách ở chỗ nào không?

3. Nước nào cũng có Nhà thương Nhà thương là nơi rất buồn tẻ. Cho nên ở ta gọi là bệnh viện nhưng cái buồn tẻ vẫn đeo đuổi mãi trong bệnh viện.

Vậy sao, chúng ta không tìm ra một lối đẹp mới, hài hoà với tình cảm ốm đau, rồi đưa vào các phòng bệnh cho người nằm đó được khuây khoả tâm hồn, được chút vui mắt, rồi biết đâu cái đẹp ấy sẽ trở nên thứ thuốc an thần giúp người ốm chịu đựng cái số phận của mình. Không phải cái đẹp nào, màu sắc nào dù có giá trị trên thị trường đến đâu đi nữa cũng không thể đưa cho người bệnh được. Phải có một thứ đẹp riêng biệt, không động chạm đến bề sâu của người bệnh và cái đẹp ấy phải nhẹ nhàng đưa họ vào một thế giới yên tĩnh mới được.

Cái đẹp này nằm trong tình cảm, tình nhân đạo không phải là thừa và chưa nước nào có dù họ có giàu có đến đâu đi nữa. Con người sáng tác ra thứ đẹp này có dáng vóc, tầm cỡ con người THẬT. Tìm ra một thứ đẹp, đưa cái đẹp đó vào không gian xấu xí để làm cho nó thêm đẹp cả trong lẫn ngoài và bề sâu cũng đẹp thì thật là kiểu cách của một dân tộc văn minh.

Nếu một ngày nào có triển lãm quốc tế, tôi muốn đưa cái đẹp này đi đâu đó thì có đặc sắc không? Có khác người ta không? (5)

3. Trên các ngã ba trong thành phố, giữa kinh đô, xôn xao người qua kẻ lại lúc đèn xanh báo hiệu. Con người bắt buộc xô đẩy nhau qua đường, phải chen chúc trong hai cái vách cứng rắn, xấu xí như muốn ép bức con người.

Tất cả các nước giàu hay nghèo, đâu đâu cũng vậy. Bắt chước nhau đặt đèn xanh đỏ, sơn, mấy vạch cứng rắn để ép uổng con người qua lại.

Thật là thiếu trí óc sáng tạo, thiếu văn minh hay không muốn trong con người và xem con người không có nhạy cảm.

Vậy với thành phố, kinh đô chúng ta sao không trang hoàng các chỗ này bằng những bức thảm ghép bằng đá cẩm thạch hay đất nung đẹp như các bức thảm trong nhiều nhà giàu có sang trọng thì có văn minh hơn không?

Có phụng sự con người không? Có phải là nghệ thuật của một dân tộc văn minh không? Cái đẹp của chia sẻ cho mọi người không ích kỷ thì có Việt Nam không?

4. Vì sao xưa nay và ở đâu cũng cứ nhìn thẳng vào phong cảnh rồi họa ra bức tranh. Cho vào khung treo lên vách, làm tiệc mời bạn bè rước người đến phê bình, ngắm nghía.

Người xem đẹp vì có chấm đỏ, kẻ chê xấu vì màu xanh. Lý thuyết của ai giàu có la to, lớn tiếng là có lý và phần đông là ù ù, gật gậy không thì bị khinh là kẻ không có khiếu mỹ thuật. Có khi lại đưa vào thị trường buôn bán giả tạo, hôm nay giá cao ngày mai giá thấp, không ai biết đâu vào đâu hay là chỉ một vài bọn lái buôn, mánh khóe. Tôi đã mục kích cái đẹp này mấy chục năm nay rồi.

Hiện giờ tôi muốn đi xa hơn nữa. Là tưởng tượng ra một bức tranh rồi từ mẫu nhỏ xây cất ra một bức tranh lớn ngoài trời như cái vườn, cái xóm, cái làng, cái nhóm đảo du lịch, cái thành phố, cái kinh đô một nước mà con người là chi tiết làm ăn sinh sống trong bức tranh ấy. Ông cha thường trỏ vào cảnh vật rồi nói là “đẹp như tranh”.

Bức tranh này không sống với ánh sáng giả tạo, không cửa đóng then cài, không riêng cho nhà trí thức thông thái hay giàu tiền của, cũng không cho bọn lái buôn lợi dụng mà cho tất cả con người, con vật và cả tạo hóa thiên nhiên. Linh động sống với mưa gió, bão lụt, nắng hạn mưa phùn, sáng tối tự nhiên. Sông ngòi, đường sá, cây cối như những nét bút thần tiên. Nhà cửa đền đài như các khối điêu khắc. Tất cả được xếp đặt hài hòa như thần thánh đã làm kiến trúc sư tuyệt diệu. Trong bức tranh có chó sủa, heo kêu, người cười, kẻ khóc, tiếng hát tiếng hò, người đen kẻ trắng.Màu sắc do thánh thần thay đổi theo mùa xuân, mùa hạ. Ánh sáng cũng thay đổi từng giờ từng phút. MỘt không gian mới lạ mà quen thuộc.

Hỏi thử ở xứ nào trên toàn cầu này đã có những bức tranh như thế. Rải rác trên các lãnh thổ Việt Nam có rất nhiều bức tranh này.Nếu làm được những bức tranh “không gian” như vậy thì thử hỏi có người ngoại quốc nào đến đây dám tự cao rằng chỉ có nước họ mới văn minh? (6)

5. Nếu chúng ta để riêng cái tự cao, cái đắc thắng rồi bình tĩnh xem lại các đồ gọi là mỹ nghệ buôn bán trên thị trường Việt Nam thì thật buồn tẻ. Nếu đi vào các nơi làm đồ gỗ, làm đất nung làm thảm hiện giờ mà nhiều người giới thiệu, la to đấy là truyền thống. Có lẽ chúng ta không có chung một cái truyền thống chăng? Thực ra tôi không thấy truyền thống ở chỗ nào cả. Toàn là đồ nhí nhăng, không có gì là Việt Nam. Chỉ là cẩu thả không có trình độ, không có thể thực sự chen chân, hích cánh nổi vào chốn buôn bán của thị trường quốc tế. Cái nào cũng giống của bên này hay bên kia, không có tính cách là Việt Nam gì cả.

Chất liệu của ta không thiếu, tài nghệ có thể đào tạo được, trí óc sẵn có. Cái cần nhất là tổ chức với trách nhiệm với hiểu iết chứ không tổ chức để có tổ chức với chức tước, lương bổng, hành chánh.

Chúng ta phải nhìn lại một cách khách quan, trách nhiệm để chữa đổi từng cái một. Mỗi cái phải đẹp, phải độc đáo, duy nhất không giống ai hết. Mỗi cái là một tác phẩm mỹ thuật, làm bằng tay không giống ai hết. Hiện giờ các nước nghèo cũng bắt chước các nước giàu, làm cái gì cũng dùng máy móc. Mỗi cái làm ra hàng ngàn hàng vạn, cái giống nhau như đúc, những cái làm ra không có một tí tình người, lại chỗ nào cũng có, ai ai cũng có thể có được. Sản xuất ra nhiều quả chẳng biết bán cho ai. Các cửa hàng chật nít những đồ nhố nhăng ấy. Chúng ta nên đi con đường khác là có mẫu khác người ta rồi toàn làm bằng tay. Một mặt đồ của mình có tình người hơn người mua cầm lấy đồ có một tình cảm hơn là đồ làm bằng máy và hơn nữa nước mình có nhiều tay lắm. Và hiện giờ chỉ có một con đường này mới hòng buôn bán làm ăn được.

Tôi chắc rằng đây là một cửa mở rộng rãi có tương lai cho hàng nghìn hàng triệu người đang kiếm việc làm ăn sinh sống.

Phải biết tận dụng, sử dụng những cái khéo léo của người Việt Nam để kiếm cách làm ăn làm ra những cái đẹp đưa đến cái sống đầy đủ hơn, thoải mái hơn. Và hiện giờ dân tộc Việt Nam cần sống đầy đủ hơn lúc nào hết:

“Muốn ăn phải lăn vô bếp”

Đây chỉ là một vài ý kiến của riêng chúng tôi trước khi xưởng thành hình. Tôi tin rằng sau này sẽ có bao nhiêu người từ lòng xưởng của chúng tôi mà ra với hàng đống ý nghĩ mới mẻ hơn, to tát hơn, tình người hơn, đó là lẽ tự nhiên.

Tôi rất tin ở những con người Việt Nam thật. Tôi không tin ở lý thuyết trống rỗng , ở chức quyền choán chỗ và những trường phái trên giấy tờ, cũng như thủ tục hằng cây số…

Mơ ước của tôi là đưa cái ĐẸP MỚI về dân tộc tôi có lẽ chỉ là ngày một ngày hai chăng?

 

L.B.Đ

 

______________

(1) Không có ý chỉ trích mà nhận xét thực vì tôi chưa thấy cái mới nào ở trường nào ra cả. Nói thật hay mất lòng, nhưng mất lòng trước được lòng sau.

(2) Nhập gia tùy tục. Ai muốn vào xưởng phải biết tự trọng, phải biết cái khuôn khổ vô hình vô dạng này mới được. Lẽ tất nhiên là phải có ít trình độ văn hóa.

(3) Đây không có ý chê bai, phản bội hay ăn cháo đá bát mà là một cách tìm hiểu để đi tìm con đường mới. Con người nghệ sĩ không đi tới nữa là như đã chết rồi.

(4) (5) (6) Xem thêm các bài “Vườn mộ”, “Bên kia nghệ thuật đồ họa”, “Một cây làm chẳng nên non” trên CV mới và cũ.

Lê Bá Đảng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 5 tháng 02/1995


Liên hệ trực tuyến
 
  Tìm kiếm:
Thuộc nhóm:




















@ Copyright by Le Ba Dang - Lê Hồng Phương 2005
Email: lebadang1@aol.com
lhphuongqt@gmail.com