Người ở quê tôi, Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị hầu hết là dân quê. Ngoài chuyện cuốc đất trồng khoai, trồng sắn và rau cỏ trong vườn, hầu hết chuyên nghề làm ruộng để sống. Từ đời cha đến đời con, từ đầu làng đến cuối xóm, hạt gạo là tất cả. Cho nên mọi người tôn trọng hạt gạo như “ hạt ngọc nhà Trời “, không được làm rơi một hạt nào mà không nhặt. Bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu cầu nguyện đều quay về Trời: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy bát cơm đầy, Lấy rơm đun bếp…
Mà trời đâu có lỗ tai.Trời đâu có nghĩ đến dân quê.Trời đâu có muốn chặn lại gió heo, gió Lào. Gío heo nó tàn bạo, nó làm cho hoa trái đang hé nở trở nên khô trụi, hoa lá khô teo. Rồi hết gió heo lại có gió Lào. Gío Lào nó khô khan, nó nhức nhối, nó chen vào xương, vào tuỷ, nó làm cho con người, súc vật, cây trái xơ xác, nó đưa bụi bặm hay một chất gì như cát vàng trộn lẫn vào không khí. Nó làm cho mù mắt, gay thở, xơ xác con người, con vật. Hết gió Lào lại nắng cháy, cây lúa nào còn sống sót thì chết đói, chết khát. Sông, ngòi, rào, giếng cũng khô cạn. Mất mùa là bởi ông Trời.Dân quê thiếu ăn, chết đói. Bao nhiêu già trẻ, gái trai, giàu nghèo ai ai cũng trông vào hạt gạo. Đối với dân quê, gạo lúa, rau cỏ là lẽ sống, là tất cả. Đã bao nhiêu lần tôi vui sướng cũng như mọi gia đình vui sướng nghe nói được mùa và cũng bao nhiêu lần đau khổ, mọi người cùng đau khổ như nhau vì mất mùa. Nhiều khi mất mùa mấy năm liền. Bao nhiêu người dân quê cần cù, lam lũ ngày đêm bỏ cả ruộng đồng nhà cửa ra đi, phải đi kiếm ăn nơi khác, có khi phải cúi đầu ăn xin nữa là đằng khác. Trẻ con xơ xác bỏ học bỏ hành. Ông già, bà lão da bọc lấy xương, áo quần rách rưới tả tơi. Ngày ngày ăn khoai, ăn sắn, cỏ éo, lá mưng. Cho đến chó mèo, trâu bò, gà vịt, cỏ cây cùng chung một số phận.
Vì vậy tôi không tin ở ông Trời nữa. Trời không có mắt, không có lương tâm, không biết thương người.Cho nên nhiều khi riêng tôi, tôi muốn xin gặp ông Trời để than thở cùng ông, mời ông xuống tận quê tôi để nhìn vào muôn loài, muôn vật đau khổ, thiếu thốn đến mức nào? Nhưng Trời đâu có biết.
Dù sao đi nữa ông Trời vẫn là ông Trời. Ông như thần thánh và tôi như con kiến mà lại là nghệ sĩ nữa thì làm chi có tài năng để ngăn cản được gió heo, gió Lào hay nắng hạn. Cũng không làm thế nào có ruộng, có nước để làm ra hạt gạo nuôi sống bà con tôi. Trong các trường học ngày trước có ai dạy tôi ý thức về lúa gạo, nước non, đời sống của bà con tôi đâu? Hay chỉ chữ nghĩa, vẽ nắn và tô điểm cho đẹp cuộc đời riêng tư mà thôi.
Ông Trời ơi! Ông đã sinh ra tôi với trí óc, tấm lòng, vậy ông thừa biết:” Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”.Tôt chỉ là nghệ sĩ sinh ra từ chốn đồng quê. Đây này, vì ông mà tôi làm ra những “ hạt gạo” kì khôi mà cho đến ông cũng chưa từng thấy. Hạt gạo của tôi bằng đất, bằng đá, bằng gỗ, bằng đồng hay bằng bất cứ chất chi đi nữa nhưng với hai bàn tay, tấm lòng chứ không chịu ngồi không mà than thở để ông muốn làm chi cũng được! Gạo của tôi đây này: mỗi hạt là một tác phẩm mĩ thuật, tình người chưa hề có.
Ông đã thấy chưa? Và con người , ai không tin thì cầm lấy, mua lấy mà xem. Gạo của tôi không phải hạt ngọc nhà Trờì để mà nhai, mà nuốt vào dạ dày mà để sò mó, ngắm nghía, ấp ủ như một cái chi chưa hề có. Mời tất cả bà con xa gần, mời cả ông Trời, bà Đất, thánh thần đến đây mà xem, mà ghi lấy cái khó tánh, cái ngạo ngược của tôi. Không vô lễ phép nhưng tôi không chịu thua dù ông là ông Trời đi nữa. Từ nay nếu ông không thương người dân quê ngày đêm lam lũ, tát nước, cuốc cày, vun trồng cây lúa, không cho mưa xuống, không cản gió, ngăn nắng hạn thì tôi làm ra thứ hạt gạo mỹ thuật này để mà sống, để cho có duyên, có nợ giữa người làm và người mua, người ngắm. Cuộc đời đâu chỉ có bó tay, ngồi khóc. Nhất định tôi không chịu đói, chịu ăn xin, ăn mày, trộm cắp, hối lộ,hay nịnh hót, hay lừa thầy dối bạn. Cũng không để cho ai khinh bỉ, chê bai bà con, xóm làng tôi. Ông Trời đã sinh ra tôi nghệ sỹ là như thế.Không phải thứ nghệ sĩ của ông tóc dài, râu ria, xe cộ, gái gẫm hò hát điếc tai. Tôi cũng như ông cha tôi, bà con tôi, ai ai cũng biết kính trọng ông Trời, thần thánh, cấp trên, nhưng từ nay, tôi không để cho ôngmuốn làm chi cũng được.” Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn” cơ mà và chính ông đã sinh ra tôi với tâm hồn nghệ sĩ, với trí óc tấm lòng dân quê. Hạt gạo của tôi là tác phẩm mỹ thuật chưa hề có trên trái đất này. Nhiều xứ có lâu đài mấy chục tầng cao, xe cộ inh ỏi mà chưa có hạt gạo mỹ thuật. Hạt gạo của tôi có thể như trái xoài cỏn con, ai có bàn tay mềm dẻo thì xoa, thì mó, thì sờ cho đã, đun vào túi mà thân thiết, thỏ thẻ chuyện riêng tư. Nhiều hạt gạo khác có thể lớn như trái mít, cái gối, cái lu đất, cái đụn rơm.cái quán hàng, cái nhà để ở.Những hạt vừa cỡ thì đặt nó giữa bàn mà ngắm hay chen nó vào giường ngủ, lúc nóng nó mang lại chút tình mát mẻ, lúc lạnh nó mang đến chút tình ấm cúng, lúc lẻ loi nó là tình người, lúc đầy đủ nó gợi thêm chút tình nhân đạo.Hạt gạo của tôi đem lại cái ấm cúng cho bàn tay mềm dẻo có tình người của những ai muốn có cái cảm giác lạ lùng trong lương tâm, trí óc. Mỗi hạt gạo là một tí tình người của những ai muốn có cái cảm giác lạ lùng trong lương tâm, trí óc. Mỗi hạt là một tí tình người, một tí mỹ thuật tầm thường nhân đạo, không lố lăng, đạo giáo, trí thức suông, huyền bí mà tự nhiên chia sẻ cho những ai đang cần để sống. Không đường mòn, không lí thuyết viễn vông và cũng không phải là thứ mỹ thuật “ hôi mùi thuộc địa.” mà đâu đâu cũng có.
Cái lợi lộc của hạt gạo này chia xẻ cho người bán với người mua. Và là một cách trả lời với cái vô lương tâm của ông Trời.
Tôi tức giận, tôi oán hờn ông Trời nhưng rồi tôi sực nhớ mấy câu nói của người xưa: Các cháu tự giúp các cháu đi đã rồi ông Trời giúp thêm sau”. Nếu quả như vậy, thực sự như vậy thì tôi sẽ biết ơn ông. Lúc ấy ông đúng là “ ông Trời thật” và người xưa cũng có lý.
Tôi đoán rằng ông đang tìm đủ mọi cách để thử thách tôi chăng?
Nhưng đến đây tôi xin cúi đầu, cầu xin ông cứ làm Trời nhưng xin ông thêm chút tình Người cho nhân loại, cho tạo hoá được vui sống hơn một tí. Ông nghĩ sao? “Lạy Trời mưa xuống…”